Bệnh nhân dễ mắc bệnh động mạch vành nếu có các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì, gia đình đã có người bị bệnh…
Ðau thắt ngực
Cơn đau xuất hiện khi gắng sức (đi bộ, chạy, leo cầu thang, làm việc nặng…), vị trí đau ở ngực trái và sau xương ức, cảm giác khó chịu như đè nặng, thắt chặt và bóp nghẹt lồng ngực, có thể lan lên cổ, đến xương hàm dưới, ra sau lưng, ra vai, dọc mặt trong cánh tay trái… Kèm theo là cảm giác lo lắng, khó thở, mệt mỏi… Đau thường dịu đi sau vài phút khi dừng gắng sức và dùng thuốc giãn vành nitrates (natispray, nitromint…). Đó là cơn đau thắt ngực ổn định.
Khi các cơn đau thắt ngực tăng tần suất xuất hiện, cường độ, kéo dài thời gian đau, dễ bị ngay cả khi nghỉ ngơi… gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định - một trạng thái của hội chứng vành cấp và diễn biến nặng hơn có thể xảy ra là nhồi máu cơ tim với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nếu có triệu chứng đau thắt ngực, bệnh nhân cần làm gì?
- Trước tiên, cần khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có câu trả lời nhanh nhất và chính xác nhất cho 3 câu hỏi: Tôi có bị bệnh động mạch vành hay không? Nếu có thì ở mức độ nào? Cần làm gì để chữa bệnh?
- Bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh, khám bệnh và làm một số xét nghiệm máu, ghi điện tim, siêu âm tim… và quan trọng nhất là chụp động mạch vành để khẳng định có hẹp/ tắc động mạch vành hay không. Hiện nay đã có sẵn hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh với độ chính xác và an toàn cao để phát hiện bệnh động mạch vành: chụp mạch vành bằng máy cắt lớp đa dãy đầu dò và chụp mạch vành bằng máy chụp mạch kỹ thuật số. Thời gian thực hiện kỹ thuật của mỗi phương pháp nêu trên từ 15-20 phút.
- Khi loại trừ bệnh động mạch vành, bệnh nhân có thể được khám xét tiếp để tìm các bệnh khác cũng gây đau ngực nhưng ít nguy hiểm hơn.
Nếu động mạch vành bị hẹp/tắc gây thiếu máu hoặc nhồi máu cơ tim, bác sĩ có thể làm gì cho bệnh nhân?
- Tùy trạng thái của bệnh, bác sĩ sẽ quyết định điều trị can thiệp cấp cứu (trong trường hợp cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim), hoặc điều trị có kế hoạch với mục tiêu quan trọng là tái lưu thông động mạch vành.
- Hai phương pháp tái lưu thông động mạch vành: (1) Nong-đặt stent động mạch vành qua da (can thiệp vành) và (2) Phẫu thuật cầu nối động mạch vành. Chỉ định phương pháp điều trị được cân nhắc tùy trường hợp cụ thể, nhưng hiện nay, phần lớn bệnh nhân chấp nhận can thiệp vành bằng ống thông qua da ngay lần đầu nếu có thể thực hiện được. Các thuốc uống lâu dài sau can thiệp là rất quan trọng để duy trì kết quả điều trị, hạn chế tái hẹp hoặc tái phát nhồi máu cơ tim.
Phương pháp can thiệp động mạch vành qua da bằng ống thông
- Dụng cụ can thiệp mạch vành là các dây dẫn, ống thông gắn bóng và stent. Các dụng cụ này được đưa đến động mạch vành qua một lỗ chọc kim ở động mạch quay (tại cổ tay) hoặc động mạch đùi (ở nếp bẹn).
- Ống thông gắn bóng được đưa vào vị trí hẹp-tắc của mạch vành để mở rộng lòng mạch. Tiếp theo, stent kim loại (giá đỡ) gắn trên một ống thông khác được đưa vào để mở rộng lòng mạch vành về mức bình thường và giữ cho lòng mạch vành không bị hẹp lại.
- Can thiệp mạch vành có thể có tai biến, biến chứng từ nhẹ đến nặng với tỷ lệ chung < 1%: phản ứng thuốc cản quang, chảy máu vị trí chọc kim gây phồng giả, vỡ mạch vành gây ép tim cấp, tắc mạch vành gây nhồi máu, rung thất, tử vong…
Bệnh nhân cần chú ý sau đặt stent động mạch vành
- Vị trí chọc động mạch được băng ép chặt để cầm máu. Nếu chọc ở đùi, bệnh nhân cần nằm bất động 6-8 giờ.
- Cần uống nhiều nước để thải trừ nhanh thuốc cản quang dùng trong can thiệp.
- Tái lưu thông động mạch vành không có nghĩa là bệnh đã khỏi. Mạch vành có thể bị hẹp - tắc trở lại hoặc phát sinh tổn thương mới. Cần duy trì kết quả điều trị bằng thuốc theo kê đơn của bác sĩ và thay đổi lối sống (bỏ thuốc lá và các chất kích thích, kiêng mỡ và phủ tạng động vật, hoạt động thể lực tăng dần theo khả năng, tránh căng thẳng tâm lý…), nhớ tái khám đều đặn theo hẹn của bác sĩ.
Tác giả bài viết: TS.BS.Lê Văn Trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn