05:07 ICT Thứ hai, 20/01/2025

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Thông Tin Y Học

Liên hệ

Suy tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính

Thứ ba - 23/10/2012 10:17
Suy tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính (STMNCDMT) là tình trạng tĩnh mạch nông dãn, chạy quanh co nhìn thấy rõ dưới da và có dòng chảy trào ngược. Bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
  Thường hay gặp ở các đối tượng đứng lâu, ngồi lâu, đi lại chậm trong một không gian hạn hẹp, hay phụ nữ có thai làm hạn chế sự hồi lưu các tĩnh mạch ở chi dưới về tim.
1.  Tây y:
Ở chi dưới có 2 hệ thống tĩnh mạch dẫn máu về tim: tĩnh mạch nông (10% máu về tim), tĩnh mạch sâu (90% máu về tim), tĩnh mạch xuyên nối 2 hệ thống tĩnh mạch nông – sâu và các van ngăn không cho máu chảy ngược từ trên xuống theo trọng lực.
 
Suy tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính
Như vậy có thể thấy nguyên nhân gây ra STMNCDMT là do khiếm khuyết về cấu trúc hay chức năng van của chính tĩnh mạch nông, hay do huyết khối ở tĩnh mạch sâu làm cho máu ở tĩnh mạch sâu ứ đọng, theo hệ thống tĩnh mạch xuyên đi qua tĩnh mạch nông làm dãn các tĩnh mạch nông này.
STMNCD thường có những biểu hiện: nặng chân tăng sau 1 ngày làm việc, sau 1 đêm ngủ dậy thì đỡ hẳn; đau nhiều vùng bắp chuối, giảm nếu bệnh nhân nằm gác chân cao hơn mặt giường, ngoài ra có thể gặp cảm giác tê như kiến bò, hay co rút cơ bắp chân khiến cho bệnh nhân đau đớn. Khi khám thấy những mạng lưới tĩnh mạch màu tím nhạt hay xanh, thậm chí thấy tĩnh mạch dãn rõ ngoằn ngoèo dưới da, giai đoạn muộn có thể có phù hay loét ở mắc cá trong.
Hiểu được cơ chế gây bệnh ở trên, ta có thể phòng ngừa bệnh bằng cách điều chỉnh thói quen hằng ngày, tránh các yếu tố gây huyết khối tĩnh mạch (hút thuốc lá, tăng huyết áp, ĐTĐ, rối loạn mỡ máu…), cũng như phải thường xuyên tập thể dục, hay đi bộ nhanh để giúp máu từ chi dưới dễ về tim, không bị ứ đọng gây STMNCDMT, vì khi ta hoạt động thể lực, đi bộ nhanh, không những tạo 1 lực đẩy ở bàn chân, và các cơ bắp chân co bóp giúp đẩy máu về tim, mà còn làm tăng hoạt động hút máu lên của tim và cơ hoành (ngăn cách các cơ quan ở ngực và bụng), như vậy máu sẽ ít bị trào ngược lại theo trọng lực, giúp cho các van tĩnh mạch bền bỉ hơn.
Để điều trị STMNCD ngoài tuân thủ những phòng ngừa ở trên, bệnh nhân phải dùng thêm băng thun hay vớ thun để tạo áp lực ở phần xa của chi, giúp đẩy máu về tim. Thuốc được sử dụng cho những bệnh nhân từ dãn nhẹ (chỉ có triệu chứng mà bn cảm nhận được, bác sĩ chưa khám thấy dấu hiệu dãn TM), đến giai đoạn bn có phù chân nhưng màu da ở nơi phù không thay đổi so với vùng da xung quanh. Đối với bệnh nhân phù có thay đổi màu sắc da, hay có loét thì điều trị ngoại khoa:
·     Chích xơ bằng thuốc Polidocanol, Iodine,…: áp dụng cho những tĩnh mạch nhỏ, dãn đơn độc, dưới gối.
·     Laser nội mạch: là phương pháp làm tắc tĩnh mạch nhờ Laser đưa vào trong lòng tĩnh mạch.
·     Hay rút bỏ tĩnh mạch qua phẫu thuật nội soi qua da, hay phẫu thuật Muller.
2.Đông y:
Theo Đông y, chứng đột ngột nổi gân xanh ở chi dưới có 3 thể bệnh thường gặp. Nổi gân xanh đột ngột do thấp nhiệt ứ trệ thường gặp ở người có cảm nhiễm tà khí thấp nhiệt, hay ăn quá nhiều thức ăn béo ngọt, rượu chè nung nấu thành thấp nhiệt; thấp nhiệt đó dồn xuống dưới làm cho kinh mạch bị ứ trệ gây nên bệnh. Người mắc bệnh do nguyên nhân này ngoài nổi gân xanh ở chi dưới, còn có sưng – nóng – đỏ - đau ở chân, bệnh nhân có sốt, đắng miệng, tiểu tiện đỏ - ít, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác. Để điều trị thể bệnh này, thường sử dụng phép trị “Thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết thông lạc”.
Yếu tố hàn thấp cũng gây nổi gân xanh ở chân, ngưởi bệnh thường nằm ngồi nơi ẩm ướt, lội nước dầm mưa, làm cho tà khí hàn – thấp ngấm vào gân mạch, làm cho khí huyết ứ trệ gây đau. Ở thể bệnh này, bệnh nhân có dấu hiệu nổi gân xanh ở chân, chân tê dại, đi đứng khó khăn, những khi thời tiết âm u thì bệnh càng nặng, bệnh nhân có thể đại tiện lỏng, tiểu tiện trong nhiều, rêu lưỡi trắng nhớt. Thể bệnh này dùng phép trị “Tán hàn thấp, lý khí thông lạc”.
Ngoài những nguyên nhân do “thấp”, thì khí hư – huyết ứ cũng là nguyên nhân gây nên bệnh, thường gặp ở bệnh nhân thể trạng vốn ốm yếu, bệnh lâu ngày. Bệnh nhân ngoài nổi gân xanh, còn hay mệt mỏi, yếu sức, hụt hơi, tiếng nói nhỏ, mặt nhợt nhạt, lưỡi nhợt nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch vô lực. Thường thể bệnh này điều trị phải “Ích khí hoạt huyết, hòa doanh thông lạc”.

Tác giả bài viết: TS.BS Thái Huy Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán