14:52 ICT Thứ sáu, 04/10/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Thông Tin Y Học

Liên hệ

TÂM ĐẮC CHỮA BỆNH ỈA CHẢY

Thứ hai - 29/10/2012 08:53
Ỉa chảy, còn gọi là Tiết tả là một hội chứng đặc trưng bởi sự tống phân nhanh, khối lượng phân trên 300g/ngày, phân nhiều nước.
A.ĐẠI CƯƠNG

1.ĐỊNH NGHĨA
Ỉa chảy, còn gọi là Tiết tả là một hội chứng đặc trưng bởi sự tống phân nhanh, khối lượng phân trên 300g/ngày, phân nhiều nước.
Tiết là đại tiện lỏng nhão, thế ỉa chầm chậm; Tả là đại tiện trong loãng, thế ỉa vội, xối xả.
Sinh lý : Mỗi ngày có khoảng 9 lít dịch được đưa vào ống tiêu hoá, trong đó có 2 lít do ăn uống, khoảng 7 lít do dịch bài tiết của tuyến nước bọt, dạ dày, mật và tuỵ. Phần lớn khối lượng dịch đó được hấp thụ ở phần trên của ống tiêu hoá-ruột non (tiểu tràng), còn lại khoảng 1,1 lít dịch và các chất cặn bã vượt qua van Bauhin vào đại tràng. Đại tràng, chủ yếu là đại tràng phải và ngang tiếp tục hấp thu 80-90% nước (khoảng 0,6 lít) mà nó nhận được và 800 mEq Na mỗi ngày, tiêu hoá phần cặn bã để thành phân cứng, bài tiết bicarbonat để cân bằng với sự hấp thu Clo, bicarbonat sẽ được chuyển thành CO2 dưới tác dụng của vi khuẩn, vận chuyển phân đến trực tràng để tống ra ngoài mỗi ngày khoảng 200-300g phân. Lượng nước chứa trong phân : phân táo dưới 75%; phân khuôn khoảng 80%; phân nhão khoảng 82-85%; phân lỏng trên 85%. Muốn có được phân bình thường, phải đảm bảo sự cân bằng 4 yếu tố : vận hoá của tỳ, vận động của ruột, hấp thu và bài tiết.
Bệnh lý : Sự mất cân bằng 4 yếu tố nói trên đều gây nên ỉa chảy. Cảm nhiễm hàn thấp, cảm nhiễm thử thấp, ăn quá nhiều quá khả năng vận hoá của tỳ, ăn phải các đồ ăn sống lạnh ôi thiu có vi trùng, sự tiết dịch (nước bọt, vị dịch, dịch tuỵ, mật) không đủ, vận động của dạ dày và hành tá tràng, rối loạn vận động ruột, hấp thu qua niêm mạc ruột kém hoặc bị ức chế, bài tiết bị kích thích đều gây nên ỉa chảy.

2.CƠ CHẾ SINH BỆNH HỌC
Có 4 cơ chế chính sau đây :
2.1.Ỉa chảy do thẩm thấu :
Khi dùng các chất không thể hấp thu qua niêm mạc ruột, làm giảm hấp thu nước của ruột, bài tiết thêm nước vào trong lòng ruột như : các chất có hoá trị 2 hoặc 3, các chất chống acid, các chất hydrat cacbon không được hấpthu. Ví dụ như lactulose gây nên sự lên men mạnh ở đại tràng, dẫn đến sản xuất nhiều acid bay hơi và acid lactic, pH phân 6 – 5, sự thẩm thấu của nước cao hơn sự thẩm thấu tính theo công thức (Na+K) x 2.
Đặc điểm của loại ỉa chảy này là lượng phân ít, giảm hoặc ngừng khi nhịn đói, khi không dùng các chất đó nữa.
2.2.Ỉa chảy do bài tiết :
Do có sự kích thích bài tiết, kích thích của hệ thống AMP andenylat cyclase, hoặc của GMP cyclique với sự huy động calcium trong tế bào, sự ức chế hấp thu ở ruột non và đại tràng khiến cơ thể mất một lượng quá lớn nước và điện giải.
Loại này hay gặp trong :ỉa chảy cấp do nhiễm khuẩn Vibrio cholerae, Escherichia coli,
trong ỉa chảy mạn tính do nguyên nhân nội tiết tố, hoặc do dùng thuốc nhuận tràng.
Đặc điểm của loại ỉa chảy này là nhịn đói vẫn không cầm ỉa chảy, hấp thu thức ăn vẫn bình thường.
2.3.Ỉa chảy do rối loạn vận động ruột :
Nhu động ruột chậm dẫn đến phát triển mạnh vi khuẩn gây ỉa chảy mạn tính.
Nhu động ruột tăng gây ra ỉa chảy do nhu động, thường gặp trong bệnh đại tràng cơ năng, ỉa chảy do nội tiết tố, ỉa chảy do yếu tố thần kinh.
Đặc điểm của ỉa chảy do rối loạn vận động ruột là khối lượng phân vừa phải (500ml/ngày), số lần đi ỉa tăng, đi ỉa sau khi ăn; giảm ỉa khi nhịn đói hoặc dùng thuốc làm chậm nhu động ruột.
2.4.Ỉa chảy do tổn thương niêm mạc ruột :
-Tổn thương rất nông trên bề mặt ở phần lông bàn chải của niêm mạc ruột, thường do virus;
-Bào mòn thành ruột với tổn thương viêm loét trong Viêm ruột hoại tử;
-Teo hoàn toàn lồng ruột (villosité) trong bệnh Oelique;
Các loại ỉa chảy này làm :
-Kém hấp thu khi tổn thương ở phần ruột non;
-Kém tái hấp thu khi tổn thương ở đại tràng;
-Tăng rò rỉ protein, dịch nhầy khi tổn thương cả ở phần ruột non và đại tràng.

3.NGUYÊN NHÂN THEO ĐÔNG Y.
Nguyên nhân sinh Tiết tả - Ỉa chảy là :
-Ngoại cảm lục dâm;
-Nội thương thất tình;
-Ăn uống không điều độ mất vệ sinh, thương thực mệt mỏi;
-Tạng phủ hư nhược.
Nhưng diễn tiến của bệnh là : Tỳ hư thấp thắng, mối liên quan giữa ngoại nhân và thấp tà rất lớn, thấp tà xâm nhập, khốn trở trung châu, khiến công năng tỳ vị mất sự điều hoà, thuỷ cốc hỗn tạp mà sinh ra tỳ hư không vận hoá, thuỷ cốc bất hoá, tinh vi thuỷ cốc không phân bố mà hỗn loạn hỗn tạp mà đi xuống; chứng nọ dẫn đến chứng kia, quan hệ nhân quả với nhau làm bệnh nặng thêm.

4.PHÂN LOẠI
Về lâm sàng thường chia làm 2 loại : cấp tính và mạn tính
4.1.Ỉa chảy cấp tính.
Đặc điểm : phân toàn nước và giầu điện giải, thuộc loại ỉa chảy tăng tiết và tăng nhu động, rất nguy hiểm đe doạ tính mạng người bệnh và phải cấp cứu kịp thời.
Ỉa chảy cấp thường chia làm 4 loại do : nhiễm khuẩn, nhiễm virus, ký sinh trùng, và do các nguyên nhân khác
4.1.1.Ỉa chảy do nhiễm khuẩn có 2 loại :
4.1.1.1.Vi khuẩn xâm nhập tế bào niêm mạc ruột, phát triển trong ruột, gây tổn thương tại chỗ, làm tăng bài tiết và giảm khả năng hấp thu như :
-Shigella
-Samonella
-Campylobacter
-Escherichia coli
-Yersina
-Amibiase dysenterique
-Ký sinh trùng đơn bào Giardia lamblia
4.1.1.2.Vi khuẩn không xâm nhập tế bào niêm mạc ruột, phát triển ở bề mặt niêm mạc nhưng tiết độc tố kích thích niêm mạc ruột tăng bài tiết như :
-Vibrio cholerae
-Escherichia coli
-Staphylococcus
-Clostridium perfingens
4.1.2.Ỉa chảy do virus do 2 nhóm virus chính là Parvovirus và Reovirus.
4.1.2.1.Parvovirus gây nên Viêm dạ dày, Viêm ruột ở trẻ em và ở người lớn, gây tổn thương không đặc hiệu ở ruột non với teo từng phần lồng ruột, phì đại các hốc (crypte) và xâm nhập viêm vào lớp đệm.
4.1.2.2.Reovirus hoặc Rotavirus gây 50% ỉa chảy cấp ở trẻ mới đẻ và trẻ nhỏ, nhất là về mùa đông, gây Viêm dạ dày ruột, sốt cao, sau 4-7 ngày khỏi hoàn toàn. Kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng.
4.1.3.Ỉa chảy do ký sinh trùng đơn bào như : Gardia lamblia, Trichomonas vaginalis (gây nên bệnh Trichomonas âm đạo), …
4.1.4.Ỉa chảy do các nguyên nhân khác như :
-nhiễm độc : chì, thuỷ ngân, arsenic;
-dị ứng;
-dùng các thuốc chống ung thư, các chất kháng sinh đường ruột mạnh, thuốc chữa Gout như colchichine quá liều;
-tinh thần lo lắng sợ hãi.
4.2.Ỉa chảy mạn tính có 2 nhóm là :
-không có hội chứng kém hấp thu rõ rệt (không có stéatorrhé)
-có rối loạn hấp thu gây suy dinh dưỡng.
Nguyên nhân :
4.2.1.Ỉa chảy do tổn thương thực thể đặc hiệu ở thành ruột :
-Các khối u không bài tiết nội tiết tố ở ruột :
+Ung thư đại tràng
+Lymphome ruột non
-Viêm đặc hiệu :
+Lao ruột
+Lao hồi manh tràng
+Bệnh Crohn
+Viêm loét đại trực tràng chảy máu
-Ký sinh trùng :
+Entamoeba histolytica : gây bệnh Amibe – loạn dâm đồng tính nam.
+Giardia lamblia : gây bệnh Giardia - loạn dâm đồng tính nam.
-Tổn thương ruột do AIDS.
4.2.2.Ỉa chảy do tiêu hoá kém :
-Cắt dạ dày
-Viêm dạ dày
-Suy gan
-Viêm tuỵ
-Cắt ruột
4.2.3.Ỉa chảy do kém hấp thu :
-Do tổn thương tế bào niêm mạc ruột gây teo lồng ruột :
+Bệnh Coeliaque
+Bệnh Sprue
+Bệnh Kwashiorkor
-Do tổn thương tế bào niêm mạc ruột nhưng không gây teo lồng ruột; thiếu diholosidases không hấp thu được một số đường như : disauharon, maltose, lactose, v.v…
-Do tổn thương sau tế bào niêm mạc ruột hoặc tổn thương hạ niêm mạc :
+Bệnh Wipple
+Bệnh chuỗi nặng anpha
+Suy giảm miễn dịch
4.2.4.Ỉa chảy do rối loạn nhu động ruột :
-Bệnh đại tràng chức năng
-U nội tiết của tuỵ
-U nội tiết của giáp trạng ngoài việc gây tăng nhu động còn gây tăng bài tiết rất mạnh.
Xét nghiệm khi đo bằng carmin đỏ, thời gian vận chuyển kể từ khi uống (từ mồm) đến khi xuất hiện trong phân (hậu môn) sinh lý thường là 18-24 giờ, bệnh lý rút ngắn còn dưới 8 giờ.

Phân loại theo Đông Y ngoài phân loại
-theo cấp và mạn;
-phân theo bệnh danh như : Hàn tiết, Nhiệt tiết, Thử tiết, Thấp tiết, Đàm tiết, Thực tiết, Tửu tiết, …;
-phân theo tạng phủ như : Tỳ tiết, Vị tiết, Tiểu trường tiết, Đại trường tiết, Thận tiết, …
-phân theo trạng thái ỉa như : Nhu tiết, Hoạt tiết, Đỗng tiết, Đường tiết, Thực tiết.

B.ĐIỀU TRỊ THEO ĐÔNG Y

1.ỈA CHẢY THỂ HÀN THẤP

Triệu chứng (TC) : Phân trong loãng, bệnh nặng thì như nước, ngày ỉa 5-10 lần, đau bụng lâm dâm, sôi bụng, đầy bụng kém ăn, rêu lưỡi trắng nhớt , mạch nhu hoãn. Nếu bị thêm ngoại cảm phong hàn, thêm các chứng : phát sốt, sợ lạnh, nhức đầu, tắc mũi, người mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
Chẩn đoán (CĐ) : Ỉa chảy thể hàn thấp.
Phép chữa (PC) : Giải biểu, tán hàn, phương hoá thấp trọc, cầm ỉa (chỉ tả).
Phương (P) 1 : Hoắc hương chính khí tán (Cục phương).
Dược (D) 1 : Hoắc hương 80g, chích Cam thảo 70g, Bạch truật, Hậu phác, Cát cánh, Bán hạ chế, Trần bì đều 60g, Tô diệp, Bạch chỉ, Đại phúc bì, Phục linh đều 30g. Tán mịn. Ngày có thể uống 2-3 lần. Mỗi lần dùng 5-10g sắc với Gừng 3 lát, Đại táo 1 quả, chắt bỏ bã, uống lúc nóng.
Gia giảm (GG) :
+Nếu biểu tà nặng hơn, thêm : Kinh giới 12g, Phòng phong 10g để tăng sơ phong tán
hàn, lấy phong dược thắng thấp.
-Bụng lạnh đau, sôi bụng, thêm : Sa nhân 8g, Gừng nướng 10g để ôn hàn hành khí.
+Nếu ngực bụng đầy (bĩ mãn), người mỏi chân tay rụng rời, rêu lưỡi nhớt bẩn là thấp tà nặng hơn, thêm : Thương truật 12g, Khấu nhân 10g để phương hương hoá thấp.
-Đái ít, thêm : Trạch tả, Xa tiền tử đều 12g để lợi tiểu tiện, thực đại tiện.
-Bụng trướng đầy, thêm Mộc hương 8g để hành khí tiêu trướng.
-Thực tích, thêm : Thần khúc 15g, La bặc tử sao 10g để tiêu thực đạo trệ.
Ý nghĩa (YN) : Hoắc hương : tán phong hàn, hoá trọc, chỉ nôn ỉa; Tô diệp, Bạch chỉ : phát tán, giúp Hoắc hương giải phóng hàn ở ngoài, hoá thấp trọc ở trong; Bạch truật : kiện tỳ trừ thấp; Hậu phác, Đại phúc bì : hành khí hoá thấp, thông trung tiện, tiêu đầy; trích Cam thảo, Sinh khương, Đại táo : điều hoà tỳ vị; Phục linh, Cát cánh : tuyên phế, vừa giải biểu, vừa hoá thấp ở tỳ; Bán hạ chế, Trần bì : táo thấp trị tả.

TC : Tiết tả không ngừng, lổn nhổn như nước vo gạo, bụng đầy trướng, lợm giọng buồn nôn, tiểu tiện ít, người nặng nề, rêu lưỡi trắng nhớt.
CĐ : Ỉa chảy. Tỳ hư thấp tà nặng.
PC : Tào thấp hoà vị, vận tỳ hoá thấp, thông lợi tiểu tiện.
P 2 : Vị linh thang (Đan Khê tâm pháp).
D 2 : Thương truật, Trạch tả đều 12g, Bạch truật, Trư linh, Phục linh đều 8g, Hậu phác 10g, Trần bì 6g, Quế nhục, Cam thảo đều 4g, Gừng tươi 5 lát, Đại táo 5 quả. Sắc uống.

P , D 3 : Xa tiền tử 15g, Hoắc hương, Gừng tươi đều 9g. Sắc uống.

P , D 4 : Ngải cứu sao vàng, Búp ổi sao vàng đều 30-50g, Bông mã đề nướng qua 10 cái, Gừng tươi thái lát mỏng 5-10g. Các vị trên đổ vào ấm, đổ 500ml nước sắc còn 200ml chia làm 3 lần uống trong ngày, uống lúc đói, chỉ ăn cháo, kiêng mỡ, tanh.

P , D 5 : Hoắc hương 30-40g, Trần bì 20-30g. Các vị trên cho vào ấm, đổ 350ml nước sắc còn 120ml; người lớn uống 1 lần; trẻ em tuỳ tuổi chia 2-3 lần uống.

P , D 6 : Hoắc hương sao, Sa nhân sao đều 25g, Gừng khô, Trần bì đều 15g, Hạt đậu ván (Bạch biển đậu) sao vàng 50g. Các vị sao giòn, tán nhỏ, rây mịn bỏ lọ để dùng dần. Người lớn ngày 2-3 lần, mỗi lần uống 8-10g với nước chín; trẻ em tuỳ tuổi, mỗi lần uống 2-6g, hoà với nước sôi, để lắng gạn lấy nước mà uống. Bệnh nặng cách 2 giờ uống 1 lần.

P , D 7 : Gừng khô nướng, tán nhỏ, liều 8g uông với nước cháo muối. (Tuệ Tĩnh)

P , D 8 : Củ gấu, Búp ổi đều 40g, Củ xả 30g, Vỏ quýt, Củ giềng đều 20g. Tất cả tán nhỏ. Mỗi ngày 3-4 lần, mỗi lần 4-12g.

P , D 9 : Ngoại trị : Lấy bột Hồ tiêu đổ đầy lỗ rốn, cố định bằng gạc và băng, 2 ngày thay băng 1 lần.

Châm cứu (CC) : Châm bổ lưu kim, cứu qua gừng hoặc dùng điếu ngải các huyệt : Thiên khu, Trung quản, Hợp cốc, Túc tam lý, Âm lăng tuyền để vận tỳ hoá thấp, lý trường chỉ
tả.
GG :
-Ỉa chảy lâu ngày châm bổ hoặc cứu thêm : Tỳ du, Chương môn để ôn vận tỳ dương thận dương.

2.ỈA CHẢY THỂ THẤP NHIỆT, THỬ NHIỆT

Thường do khí hậu oi nóng, lại thêm ăn uống các chất cay nóng quá nhiều như thịt gà, thịt chó, thịt dê, ớt, các chất ôi thiu, các chất dầu mỡ làm cho Can Tỳ nhiều thấp nhiệt gây nên ỉa chảy. Mặt khác, nếu là dịch lệ, thường do khuẩn Escherichia coli và nhất là Vibrio cholerae (dịch tả) là bệnh ỉa chảy cấp tính truyền nhiễm, với triệu chứng nôn, ỉa chảy dẫn đến mất nước, mất điện giải dễ dẫn đến tử vong; phải kịp thời cấp cứu tại bệnh viện. Bệnh nhân trong lúc chờ cấp cứu, những người trong vùng, những người thân chăm sóc bệnh nhân cần dự phòng bằng thuốc cây nhà lá vườn nêu ở mục 2 này và mục 8 trang 13.

TC : Đau bụng là ỉa lỏng, ỉa lỏng rất mạnh như xối nước, phân vàng xẫm mà thối, nóng
hậu môn, miệng khát tâm phiền, tiểu tiện sẻn vàng, nặng thì phát sốt, rêu lưỡi vàng dày nhớt, mạch hoạt sác hoặc trầm huyền.
CĐ : Ỉa chảy do thấp nhiệt.
PC : Thanh nhiệt hoá thấp, lợi niệu hậu trường, chỉ tả.
P 10 : Cát căn cầm liên thang (Thương hàn luận) gia vị.
D 10 : Cát căn 16g, Hoàng cầm 10g, Hoàng liên 4g, Cam thảo 6g; + Kim ngân hoa, Nhân trần, Phục linh, Mộc thông, Xa tiền tử đều 12g. Sắc uống.
GG :
-Bụng đau nhiều, thêm : Mộc hương 6g, Bạch thược 12g để lý khí hoà doanh giảm đau;
-Thực trệ, thêm : Sơn tra, Mạch nha, Thần khúc đều 15g để tiêu thực đạo trệ;
YN : Cát căn giải cơ; Hoàng cầm, Hoàng liên thanh nhiệt táo tháp giải độc; Cam thảo hoà trung; Kim ngân hoa thanh nhiệt giải độc, thanh thấp nhiệt ở vị trường, ức chế vi khuẩn; Phục linh lợi thấp; Mộc thông lợi thấp, lợi niệu, thông lâm; Xa tiền tử thanh nhiệt lợi thấp.

TC : Đau bụng là ỉa lỏng, ỉa lỏng rất mạnh như xối nước, phân vàng xẫm mà thối, nóng
hậu môn, miệng không khát hoặc khát mà không muốn uống nước, ngực bụng đầy, tâm phiền, tiểu tiện sẻn vàng, nặng thì phát sốt, rêu lưỡi dày nhớt hơi vàng, mạch hoạt sác hoặc trầm huyền
CĐ : Ỉa chảy do thấp nhiệt, thấp tà nặng hơn.
PC : Táo thấp khoan trung, lợi niệu hậu trường, chỉ tả.
P 11 : Cát căn cầm liên thang (Thương hàn luận) hợp Bình vị tán (Hoà tễ cục phương) gia giảm.
D 11 : Cát căn 16g, Hoàng cầm 10g, Hoàng liên 4g, Cam thảo 10g; Thương truật 20g, Hậu phác, Trần bì đều 16g; + Kim ngân hoa, Nhân trần, Phục linh, Mộc thông, Xa tiền tử đều 12g, Gừng tươi 5 lát, Đại táo 5 quả. Sắc uống.

TC : Đau bụng là ỉa lỏng, ỉa lỏng rất mạnh như xối nước, phân vàng xẫm mà thối, nóng
hậu môn, miệng khát tâm phiền, tiểu tiện sẻn vàng, sốt cao, lưỡi ráng đỏ, rêu lưỡi vàng,
mạch sác hơi hoạt.
CĐ : Ỉa chảy do thấp nhiệt, nhiệt tà nặng hơn.
PC : Thanh nhiệt hoá thấp giải độc, lợi niệu hậu trường, chỉ tả.
P 12 :Cát căn cầm liên thang (Thương hàn luận) gia vị.
D 12 : Cát căn 16g, Hoàng cầm 10g, Hoàng liên 4g, Cam thảo 6g; + Kim ngân hoa,
Nhân trần, Phục linh, Mộc thông, Xa tiền tử, Liên kiều, Hoàng bá, Mã xỉ hiện đều 12g. Sắc uống.

TC : Về mùa hè, bụng đau, ỉa xối xả, phát sốt, nhức đầu, phiền khát, nước tiểu đỏ, tự ra mồ hôi.
CĐ : Thử tả (mùa hè nóng nực, trên thì khí nóng giáng xuống, dưới thì hơi ẩm bốc lên, bên ngoài thương thử, bên trong thương thấp).
PC : Thanh thử lợi thấp, chỉ tả.
P 13 : Lục nhất tán (Tuyên minh phương luận) hợp Tân gia hương nhu ẩm (Ôn bệnh điều biện) gia giảm.
D 13 : Hoạt thạch 48g, Cam thảo 8g; Hương nhu, Hậu phác, Liên kiều đều 8g, Kim ngân
hoa, Hoa đậu ván trắng tươi (Bạch biển đậu hoa) đều 12g; +Phục linh, Mộc thông, Xa tiền tử, Hoàng bá, Rau sam đều 12g. Sắc uống.
YN : Hoạt thạch hàn nhạt, thanh nhiệt thẩm thấu để thấp nhiệt ở tam tiêu ra theo đường tiểu, Cam thảo hoà trung khí; cả 2 thanh thử lợi thấp sinh tân. Hương nhu phát hãn, giải biểu, lợi thấp, giải thử; Hương nhu, Hậu phác, Bạch biển đậu kiện tỳ hoà trung; Liên kiều, Kim ngân hoa thanh nhiệt giải độc, thanh thấp nhiệt ở vị trường, ức chế vi khuẩn; Phục linh lợi thấp; Mộc thông lợi thấp, lợi niệu, thông lâm; Xa tiền tử thanh nhiệt lợi thấp; Hoàng bá thanh nhiệt giải độc ở hạ tiêu; Rau sam thanh trường chỉ tả lỵ, kháng khuẩn đại tràng.

P , D 14 : Hoạt thạch, Hoàng bá, Cam thảo, lượng đều nhau, tán bột. Ngày 3 lần, mỗi lần uống 3g.

P , D 15 : Lá đậu ván tươi, Lá Hoắc hương tươi, Lá sen (Hà diệp) tươi đều 10g. Giã vắt nước pha với nước sôi, uống chiêu 6g Lục nhất tán mỗi lần.

P , D 16 : Xa tiền tử sao tán bột. Mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 6g, chiêu bằng nước cháo. Chữa thấp thịnh, ỉa chảy xối xả, tiểu tiện không thông. Tuệ Tĩnh : liều 4g, hoà nước sôi uống nóng.

P , D 17 : Lá và cây Phèn đen 100g, thái mỏng, sao qua, cho vào ấm và 350ml nước sắc còn 150ml, sắc lần 2 cũng lấy 150ml, cộng 300ml, chia uống 2-3 lần trong ngày.

P , D 18 : Bột Sắn dây 30g, Cam thảo nam hoặc Cam thảo đất để tươi 10g. Sắc Cam thảo với 200ml nước còn 100ml; lấy bột Sắn dây hoà với nước sắc Cam thảo chia làm 2-3 lần uống trong ngày. Uống 2-3 ngày khỏi thì ngừng.

P , D 19 : Củ Sắn dây 100g, Rau má tươi 100g, Gạo tẻ sao vàng 30g, Tinh tre 20g, Gừng tươi 4g. Sắc với 600ml nước còn 300ml; người lớn chia làm 2 lần uống; trẻ em tuỳ tuổi
dùng ¼ - ½ liều người lớn.

P , D 20 : Hoắc hương 12g, Tinh tre 30g, Lá tre 20g, Gừng tươi 4g. Sắc với 300ml nước còn 100ml. Người lớn uống 1 lần; trẻ em chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

P , D 21 : Lá Mã đề giã nát, sắc hoặc đun sôi, hoà Mật ong uống. (Tuệ Tĩnh)

P , D 22. Ngoại trị . Tây thảo 45g. Sắc ngâm rửa chân mỗi ngày 3 lần.

CC : Châm tả các huyệt : Thượng cự hư, Thiên khu, Trung quản, Túc tam lý, Tam âm giao, Âm lăng tuyền để vận tỳ táo thấp, lý trường chỉ tả;
GG :
-Ỉa chảy mạn lâu ngày, châm bổ và cứu thêm các huyệt : Tỳ du, Trung quản, Chương môn, Túc tam lý để ôn vận tỳ dương và thận dương.

3.ỈA CHẢY DO THƯƠNG THỰC (bội thực) do ăn nhiều thứ bổ béo “đặc sản”.

TC : Đau bụng, sôi bụng, đầy bụng, phân thối khẳm, ợ hơi hăng chua, đại tiện xong bớt đau, rêu lưỡi cáu nhớt, mạch huyền hoạt sác hay trầm huyền hoạt.
CĐ : Ỉa chảy. Thấp trệ khốn tỳ, thương thực tích trệ.
PC : Tiêu thực đạo trệ (tiêu hoá thức ăn), hoà vị trừ thấp.
P 23 : Bảo hoà hoàn (Đan Khê tâm pháp).
D 23 : Sơn tra 24g, Bạch truật, Phục linh, Bán hạ chế đều 12g, Trần bì 10g, Thần khúc, Liên kiều, La bặc tử đều 8g. Sắc uống ngày 1 thang; có thể tán bột uống mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 8-15g với nước chín ấm; trẻ em tuỳ tuổi dùng ¼ -1/2 liều người lớn.
GG :
-Bụng chướng đau rõ rệt là khí trệ nặng, thêm : Tô ngạnh 12g, Mộc hương 6g để lý khí
giảm đau;
-Ỉa lỏng nặng, thêm Xa tiền tử 12g để phân lợi thuỷ thấp;
-Có nôn oẹ (ẩu thổ), thêm : Sa nhân 6g, Bạch khấu nhân 8g để hoà vị giáng nghịch.
YN : Sơn tra tiêu thịt béo; Thần khúc tiêu ngũ cốc; La bặc tử tiêu chất bột; cả 3 giúp tiêu hoá tiêu tích thực; Trần bì, Bán hạ, Phục linh hoà vị; Liên kiều trừ uất nhiệt do thực trệ gây ra; Mạch nha tiêu thực mạnh; Chỉ thực, Binh lang trị tích thực nặng.

P , D 24 : Tiêu Sơn tra 15g, Thần khúc 12g. Sắc uống.

P 25 : Khúc mạch chỉ truật thang.
D 25 : Thần khúc, Mạch nha, Bạch truật đều 9g, Chỉ thực 6g. Mỗi ngày 1 thang, sắc chia 2 lần uống.

P , D 26 : Vỏ Dụt (Nam Mộc hương) sao vàng, Củ gấu giã dập sao vàng đều 50g, Vỏ quýt sao vàng, Vỏ Vối sao vàng, Củ sả sao vàng đều 25g. Tán mịn. Mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần dùng 5-10g với nước chín, trẻ em tuỳ tuổi dùng 1/4-1/2 liều người lớn.

P 27 : Bình vị tán (Hoà tễ cục phương) gia vị.
D 27 : Thương truật 100g, Trần bì, Hậu phác đều 80g, Cam thảo 50g; + Thần khúc, Sơn tra đều 80g. Tán mịn. Mỗi ngày 3 lần, mỗi lần uống 5-8g sắc với 3 lát Gừng và 1 quả Đại táo; trẻ em tuỳ tuổi dùng 1/4-1/2 liều người lớn.
YN : Thương truật kiện tỳ táo thấp; Hậu phác trừ thấp giảm đầy hơi; Trần bì lý khí hoá trệ; Gừng, Cam thảo, Đại táo điều hoà tỳ vị.

P , D 28 : Cát căn, Kim ngân hoa, Rau má sao, Cam thảo dây, Vỏ Vối đều 12g, Mã đề, Hoàng liên đều 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

CC :
-Châm bình bổ bình tả các huyệt :
+Thượng cự hư, Thiên khu, Trung quản, Túc tam lý, Âm lăng tuyền, Tam âm giao để vận
tỳ táo thấp, lý trường chỉ tả;
+Thượng quản, Nội quan, Công tôn để tiêu thực đạo trệ;
-Ỉa chảy mạn lâu ngày, châm bổ thêm cứu các huyệt : Tỳ du, Trung quản, Chương môn, Túc tam lý để ôn vận tỳ dương và thận dương.

TC : Đau bụng không muốn xoa bóp (cự án), sôi bụng, bụng trên chướng đầy (thấp nhiệt ủng trở ruột), phân thối khẳm, ợ hơi hăng chua, tả lỵ mót rặn, đại tiện xong không sảng khoái không bớt đau, sốt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng cáu nhớt, mạch huyền hoạt sác hay trầm thực.
CĐ : Ỉa chảy biến chứng. Thấp nhiệt nặng khốn tỳ, thương thực tích trệ.
PC : Tiêu thực lợi đạo, thúc thông tích trệ, thanh lợi thấp nhiệt.
P 29 : Chỉ thực đạo trệ hoàn (Nội ngoại thương biện hoặc luận).
D 29 : Chỉ thực 4g, Đại hoàng 8g, Thần khúc 4g, Hoàng cầm, Hoàng liên, Phục linh, Bạch truật đều 3g, Trạch tả 2g. Sắc uống.
YN : Đại hoàng, Chỉ thực công hạ giảm đau; Hoàng liên, Hoàng cầm thanh nhiệt giải độc; Phục linh lợi thấp; Thần khúc hoá giải thức ăn; Bạch truật bổ thổ cố trung, phòng vị đắng của Hoàng liên, Hoàng cầm làm tổn thương vị.

TC : Bụng cứng đầy, đau bụng không cho xoa bóp (cự án), sau đó ỉa lỏng mùi thối khẳm, hoặc phân khô bón kết thành cục tròn, rêu lưỡi vàng dày nhớt hoặc đen nổi gai, mạch trầm thực có lực.
CĐ : Ỉa chảy biến chứng. Nhiệt kết bàng lưu (do thức ăn đình trệ lại, tích nhiệt làm tổn thương đến tân dịch, phân táo và nhiệt tà kết với nhau).
PC : Nhuyễn kiên, nhuận táo, phá kết, trừ đầy (tuấn hạ táo kết).
P 30 : Đại thừa khí thang (Thương hàn luận).
D 30 : Đại hoàng, Chỉ thực đều 12g, Hậu phác 24g, Mang tiêu 16g.

4.ỈA CHẢY DO CAN KHÍ THỪA TỲ (can vượng tỳ hư)

TC : Khi uất ức hay tinh thần căng thẳng thì bụng đau ỉa chảy, ngực sườn đầy tức, ăn kém thở dài, bụng sôi, bụng đau là ỉa chảy, ỉa xong đau giảm, lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền.
CĐ : Ỉa chảy. Can vượng tỳ hư (can khí thừa tỳ).
PC : Ức can phù tỳ, lý khí chỉ tả.
P 31 : Thống tả yếu phương (Đan Khê tâm pháp).
D 31 : Bạch truật 24g, Bạch thược 16g, Trần bì 12g, Phòng phong 8g
GG :
-Đau bụng ỉa chảy nặng, thêm Thăng ma 12g để thăng thanh chỉ tả;
-Kém ăn, người gầy, tỳ hư rõ rệt, thêm : Đảng sâm, Bạch biển đậu đều 12g, Hoài sơn 16g để ích khí kiện tỳ;
-Sườn chướng đau, can uất rõ rệt, thêm : Sài hồ, Hương phụ đều 12g để sơ can lý khí;
-Ỉa chảy đã lâu không dứt, thêm : Ô mai, Mộc qua, Thạch lựu bì, Kha tử nhục đều 12g để thu liễm;
-Tiện bí và ỉa chảy xen kẽ nhau, thêm : Mộc hương 8g, Binh lang 12g để lý khí, điều hoà tỳ vị.
YN : Bạch truật kiện tỳ; Bạch thược sơ can; Phòng phong cay thơm ôn tán; Trần bì hoà vị lý khí.

P , D 32 : Bạch truật 15g, Bạch thược 12g, Trần bì, Phục linh đều 10g, Phòng phong, Hợp hoan bì đều 6g, Mộc hương 5g, Trích Cam thảo 3g. Mỗi ngày 1 thang, sắc chia 2 lần uống.

P , D 33 : Cát căn, Rau má, Sâm nam, Cam thảo dây đều 12g, Cúc hoa, Hột Mã đề đều 8g. Ngày 1 thang sắc uống.

CC : Châm bình bổ bình tả các huyệt :
-Thượng cự hư, Thiên khu, Trung quản, Túc tam lý, Tam âm giao, Âm lăng tuyền để vận tỳ táo thấp, lý trường chỉ tả;
-Can du, Kỳ môn, Thái xung, Dương lăng tuyền để sơ can lý khí;
Ỉa chảy lâu ngày châm bổ thêm cứu các huyệt : Tỳ du, Trung quản, Chương môn, Thiên khu, Túc tam lý để ôn vận tỳ dương, thận dương.

5.ỈA CHẢY DO TỲ VỊ HƯ NHƯỢC

TC : Ỉa chảy đã lâu, mắc đi mắc lại, ăn uống không thận trọng, ỉa nhiều lần tăng lên, phân sống phân lỏng, kém ăn, ăn xong bụng khó chịu, sắc mặt úa vàng, người mệt mỏi, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch hoãn nhược.
CĐ : Ỉa chảy. Tỳ vị hư nhược.
PC : Kiện tỳ thẩm thấp, hoà vị chỉ tả.
P 34 : Sâm linh bạch truật tán (Hoà tễ cục phương).
D 34 : Nhân sâm, Bạch linh đều 15g, Bạch truật, Cam thảo, Hoài sơn đều 20g, Bạch biển đậu 15g, Trần bì, Cát cánh, Liên nhục, Ý dĩ, Sa nhân đều 10g, Đại táo 3 quả., Sắc uống.
GG :
-Ăn không ngon, thêm : Sơn tra, Mạch nha, Thần khúc đều 12g để giúp cho tiêu hoá thuỷ
cốc;
-Hư, hơi nghiêng hàn, thêm Can khương 8g để ôn trấn tỳ dương;
-Ỉa chảy lâu ngày, thêm : Phục long can, Xích thạch chi đều 8g để cố sáp chỉ tả.
YN : Nhân sâm đại bổ nguyên khí; Bạch truật kiện tỳ vận thấp; Phục linh thẩm thấp; Cam thảo ngọt bình giúp Nhân sâm ích khí hoà trung; 4 vị trên kiện tỳ vị, ích khí, hoà
trung, bổ khí mà không trệ, thúc đảy cơ năng vận hoá của tỳ vị; Ý dĩ, Sa nhân thẩm thấp, lợi thấp, hoá thấp; Bạch biển đậu, Hoài sơn kiện tỳ ích khí.

P , D 35 : Hạt sen già bóc vỏ tím sao vàng, mỗi lần dùng 8g . (Tuệ Tĩnh)

P , D 36 : Gạo nếp 1 thăng khoảng 1/3kg, ngâm 1 đêm, phơi khô, sao chín; Củ mài 1 lạng tán nhỏ trộn đều với gạo nếp. Mỗi buổi sáng sớm dùng một vốc cho 3 thìa đường cát với nước sôi mà uống. (Tuệ Tĩnh)

TC : Ngực bụng chướng đầy, miệng không khát, người nặng biếng ăn, chân tay không ấm, phân như phân vịt, tiểu tiện trong, rêu lưỡi dày nhớt nhuận, mạch trầm trì.
CĐ : Ỉa chảy.Tỳ dương bất túc, hàn thấp nội khốn.
PC : Ôn dương thực tỳ.
P 37 : Thực tỳ ẩm (Tế sinh phương) gia giảm.
D 37 : Phụ tử, Can khương, Bạch truật, Hậu phác, Mộc hương, Thảo quả, Đại phúc bì, Mộc qua, Gừng tươi, Phục linh đều 8g, Cam thảo 4g, Đại táo 3 quả.
YN : Phụ tử, Can khương ôn dưỡng tỳ vị, phù dương, ức âm; Hậu phác, Mộc hương, Đại phúc bì, Thảo quả hạ khí, đạo trệ, hoá thấp, lợi thuỷ; Phục linh, Bạch truật, Mộc qua kiện tỳ hoà trung, thẩm thấp, lợi thuỷ; Cam thảo, Gừng tươi, Đại táo ích khí ôn trung.

TC : Trong bụng lạnh đau, sôi bụng ỉa chảy, sống phân, chân tay không ấm, chuột rút, rêu lưỡi trắng trơn, mạch trầm trì vô lực.
CĐ : Ỉa chảy. Trung dương suy dẫn đến tỳ thận dương hư, âm hàn nội thịnh.
PC : Ôn bổ thận tỳ.
P 38 : Phụ tử lý trung hoàn (Hoà tễ cục phương) gia vị.
D 38 : Phụ tử, Can khương, Nhân sâm, Bạch truật, Cam thảo đều 12g; + Ý dĩ sao, Xa tiền tử đều 12g. Sắc uống.
YN : Phụ tử kiện tỳ vị, ấm thận hành thuỷ; Can khương ôn trung tán hàn; Nhân sâm, Bạch truật, chích Cam thảo kiện tỳ ích khí; Ý dĩ sao, Xa tiền tử kiện tỳ, phân lợi thuỷ thấp.

TC : Ỉa chảy đã lâu ngày, ăn xong đi ỉa ngay, phân trong lỏng, sôi bụng, rêu lưỡi trắng nhớt.
CĐ : Ỉa chảy lâu ngày (cửu tả). Tỳ hư hiệp thấp nhiệt lưu trú ở trung tiêu..
PC : Kiện tỳ hoá thấp, ích khí thăng dương.
P 39 : Thăng dương ích vị thang (Nội ngoại thương biện hoặc luận) gia giảm.
D 39 : Hoàng kỳ 60g, Bán hạ, Cam thảo đều 30g, Bạch thược, Phòng phong, Khương hoạt, Độc hoạt đều 15g, Quất bì 12g, Phục linh, Trạch tả, Sài hồ, Bạch truật đều 9g;+ Nhân sâm 9g, Gừng tươi 5 lát, Đại táo 2 quả. Sắc uống.
YN : Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Cam thảo bổ ích khí của tỳ vị; Sài hồ, Phòng phong, Khương hoạt, Độc hoạt thăng cử thanh dương, khứ phong, trừ thấp; Bán hạ, Quất bì, Phục linh, Hoàng liên trừ thấp thanh nhiệt; Gừng tươi, Đại táo ích tỳ ôn trung; Trạch tả lợi thấp, dẫn nước theo đường tiểu, Bạch thược thư cân giảm đau.

TC : Ỉa chảy đã lâu ngày, trước khi ỉa bụng đau, sôi bụng, bụng lạnh ưa ấm, gặp lạnh dễ
ỉa chảy, phân vàng thối khẳm, giang môn nóng rát, tiểu tiện đỏ và khó đi, miệng khô đắng khát nước, tâm phiền, rêu lưỡi mỏng vàng nhớt, mạch huyền hoạt trì.
CĐ : Ỉa chảy. Thấp uất hoá nhiệt, tỳ hư hiệp thấp nhiệt, hàn nhiệt xen kẽ.
PC : Ôn tỳ thanh trường, thanh nhiệt lợi thấp.
P 40 : Liên lý thang (Thương hàn luận) gia vị.
D 40 : Nhân sâm 12g, Bạch truật, Phục linh đều 10g, Can khương, Trích Cam thảo đều 6g, Hoàng liên 4g; + Hậu phác 12g, Địa cẩm thảo 10g. Sắc uống.
YN : Nhân sâm, Bạch truật, chích Cam thảo kiện tỳ ích khí; Can khương ôn trung tán hàn; Hoàng liên thanh thấp nhiệt giải độc; Phục linh lợi thấp; Hậu phác hạ khí, hoá thấp hành trệ.

TC : Ỉa chảy đã lâu ngày, lòi dom ỉa xong không tự thu lên được (độ II), kém ăn, tinh thần mỏi mệt, sợ lạnh, tự ra mồ hôi, thích uống nước nóng, hụt hơi biếng nói, tiểu tiện không tự chủ, nữ sa tử cung, băng lậu, mạch hư đại vô lực.
CĐ : Ỉa chảy. Tỳ vị khí hư hạ hãm.
PC : Bổ trung ích khí, thăng thanh cử hãm, kiện tỳ sáp trường.
P 41 : Bổ trung ích khí thang (Tỳ vị luận) gia vị.
D 41 : Nhân sâm, Bạch truật đều 16g, Hoàng kỳ 60g, Đương quy 12g, Trần bì, Cam thảo
đều 8g, Thăng ma, Sài hồ đều 4g; + Ô mai, Anh túc xác đều 10g.
YN : Hoàng kỳ ich khí cố biểu; Thăng ma thăng dương giáng hoả; Sài hồ giải cơ thanh
nhiệt; Nhân sâm cam ôn đại bổ nguyên khí; Bạch truật, Trần bì, Cam thảo, Đương quy kiện tỳ, lý khí, dưỡng huyết, hoà trung, Ô mai toan liễm sinh tân, chỉ tả; Anh túc xác / Vỏ lựu / Vỏ măng cụt sáp trường chỉ tả.

TC : Ỉa chảy lâu ngày, miệng khô lưỡi ráo, đái dắt, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
CĐ : Ỉa chảy. Vị âm thương tổn, âm hư sinh nhiệt.
PC : Ích vị sinh tân, toan cam hoá dương, kiện tỳ chỉ tả.
P 42: Nhân sâm ô mai thang (Ôn bệnh điều biện) gia vị.
D 42 : Nhân sâm, Mộc qua đều 12g, Hoài sơn, Liên nhục đều 18g, Cam thảo 6g, Ô mai 3 quả; + Mạch môn, Sinh địa đều 12g.

P , D 43 : Khiếm thực, Bách hợp đều 60g. Hai thứ nấu thành cháo loãng, ăn hết trong ngày.

P 44 : Đại táo mộc hương thang.
D 44 : Đại táo 10 quả bỏ hạt, Mộc hương 9g. Đại táo nấu trước sôi vài dạo cho Mộc hương đun sôi lại, bỏ bã, uống. Trị ỉa chảy lâu ngày do tỳ hư khí trệ.

P , D 45 : Vỏ măng cụt 1 quả, Ô mai bỏ hạt, Đại táo bỏ hạt đều 10 quả, nước 1 cốc, đun sắc còn 2/3 cốc, uống lúc còn ấm. Trị ỉa lỏng như nước không cầm được.

P , D 46 : Ngũ vị tử 60g, Ngô thù du 15g. Ngô thù du ngâm nước 7 lần, cùng Ngũ vị tử sao khô, tán. Mỗi lần uống 6g. Trị ỉa lỏng lúc sáng sớm (ngũ canh tiết tả).

P , D 47 : Ngũ bội tử. Trộn dấm làm hồ, quét lên vải, đậy vào lỗ rốn. Hết ỉa chảy lấy ngay
ra. Trị ỉa chảy lâu ngày.

P , D 48 : Nhân hạt gấc (Mộc miết tử) 5 hạt, Đinh hương 5 cái, Xạ hương 0,3g. Tán. Trộn với nước cơm thành cao, dán vào lỗ rốn, ngoài dùng băng giữ. Trị ỉa chảy không dừng.

P , D 49 : Bạch chỉ, Can khương đều 3g, Tán, trộn mật thành cao. Bôi vào rốn đã rửa sạch bằng rượu, dùng điếu ngải hơ lên trên cao. Trị ỉa chảy do tỳ thận dương hư.

P , D 50 : Gừng nương, Phụ tử, Ích trí nhân, Đinh hương lượng đều nhau. Sao, tán, rây. Trộn thành hồ bằng nước cốt Gừng, đổ đầy lỗ rốn, băng lại. Dùng túi chườm nước nóng chườm lên, nguội lại thay nước trong túi chườm. Ngày 1-2 lần, mỗi lần 40 phút. Trị ỉa lỏng lúc sáng sớm (ngũ canh tiết tả).

6.ỈA CHẢY DO MỆNH MÔN HOẢ SUY.

TC : Ỉa chảy lâu ngày, trước khi trời sáng, đau vùng rốn, sôi bụng đi lỏng, ỉa xong bụng hơi yên, đại tiện lỏng loãng, người lạnh chân lạnh, mỏi lưng mỏi gối, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.
CĐ : Ỉa chảy. Mệnh môn hoả suy, tỳ thận hư hàn.
PC : Ôn bổ tỳ thận, sáp trường chỉ tả.
P 51 : Tứ thần hoàn (Nội khoa trích yếu) hợp Lý trung thang (Thương hàn luận) gia giảm.
D 52 : Phá cố chỉ 16g, Nhục đâụ khấu, Ngũ vị tử đều 8g, Ngô thù du 4g, Nhân sâm, Bạch truật, Can khương, chích Cam thảo đều 12g, Đại táo 6 quả.
GG :
-Tuổi cao sức yếu, ỉa lỏng mãi không dừng, trung khí hạ hãm, thêm : Hoàng kỳ 30g, Thăng ma, Sài hồ, Kha tử nhục, Xích thạch chi đều 10g để ích khí thăng đề, chỉ tả.
YN : Phá cố chỉ bổ mệnh môn hoả, ôn dưỡng tỳ dương; Nhục đậu khấu ôn tỳ sáp trường; Ngô thù du ôn trung khu hàn; Ngũ vị tử toan liễm cố sáp; Can khương ôn tỳ vị; Đại táo bổ tỳ dưỡng vị; Nhân sâm, Bạch truật, chích Cam thảo kiện tỳ ích khí.

P , D 53 : Lưu hoàng, Sáp ong đều 2 lạng, nấu chảy tan ra, làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 5 viên. (Tuệ Tĩnh)

TC : Ỉa chảy lâu ngày không cầm, lòi dom không thu, người hư nhược, bụng đau thích ấn, chân tay sợ lạnh, đó là tà khí đã đi, nội tạng hư hàn, đường ruột không săn chắc.
CĐ : Ỉa chảy. Hoạt thoát.
PC : Ôn trung, bổ khí huyết, sáp trường cố thoát.
P 54 : Đào hoa thang (Kim quỹ yếu lược) hợp Chân nhân dưỡng tạng thang (Phổ tế phương) gia giảm.
D 54 : Xích thạch chi 64g, Can khương 4g, Gạo tẻ 10g; Bạch truật, Nhân sâm đều 8g, Nhục đậu khấu, Mộc qua, Kha tử, Vỏ măng cụt hoặc Vỏ lựu, Bạch thược, Đương quy, Nhục quế, chích Cam thảo, Mộc hương đều 4g.
YN : Xích thạch chi sáp trường cố thoát; Can khương ôn trung tán hàn; Gạo tẻ dưỡng vị hoà trung; Nhân sâm, Bạch truật ích khí kiện tỳ; Kha tử, Vỏ lực hoặc Vỏ măng cụt sáp
trường, cố thoát; Mộc hương điều khí lý tỳ, giảm bớt nê trệ của thuốc bổ sáp; Đương quy, Bạch thược dưỡng huyết hoà huyết; chích Cam thảo ích khí hoà trung, điều hoà các vị thuốc; Nhục đậu khấu, Mộc qua ôn tỳ chỉ tả.

CC : Châm bình bổ các huyệt :
-Thượng cự hư, Thiên khu, Trung quản, Túc tam lý, Âm lăng tuyền để vận tỳ hoá thấp, lý trường chỉ tả;
Châm bổ các huyệt :
-Thận du, Mệnh môn, Quan nguyên để tăng ôn thận tráng dương.
Ỉa chảy mạn lâu ngày châm bổ và cứu thêm các huyệt :
-Tỳ du, Chương môn để ôn vận tỳ dương.

7.MỘT SỐ NGHIỆM PHƯƠNG KHÁC CHỮA ỈA CHẢY

P , D 55 : Ngải cứu một nắm, Gừng tươi 1 củ. Sắc uống. Chữa ỉa lỏng xối xả không ngừng.

P , D 56 : Ô mai sắc uống thay trà. Trị ỉa lỏng miệng khát.

P , D 57 : Trà búp 30g, Đường 30-60g. Lá chè sắc đặc, thêm đường cô đặc đến đen uống chữa ỉa lỏng xối xả không ngừng.

P , D 58 : Sơn tra sao đen, tán. Ngày 3 lần, mỗi lần 9g. Trị ỉa chảy không dừng.

P , D 59 : Trà lâu năm, Gừng tươi đều 10g. Ngày nhiều lần, đun uống. Trị ỉa lỏng xối xả như nước.

-Phúc tả, đi lỏng do rối loạn tiêu hoá.
Kết quả điều trị 150 ca ở trẻ em, sau 1-7 thang, 144 ca khỏi, đạt hiệu quả 96%.
P 60 : Lục quân tử (Phụ nhân lương phương).
D 60 : Nhân sâm, Phục linh, Bạch truật đều 12g, Chích Cam thảo, Trần bì, Bán hạ đều 8g.

8.ĐÔNG DƯỢC CẦN THÊM ĐỂ CHỮA ỈA CHẢY DO VI KHUẨN, VIRUS, KÝ SINH TRÙNG

8.1. Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ỉa chảy :

-Vi khuẩn :
+Vibrio cholerae
+Escherichia coli :
+Shigella :
+Samonella :
+Campylobacter
+Yersinia
+Staphylococcus :
+Clostridium perfingens
-Virus :
+Parvovirus
+Reovirus
+Rotavirus
-Ký sinh trùng đơn bào
+Giardia lamblia
+Entamoeba histolytica
+Trichomonas vaginalis :

8.2.Đông dược kháng khuẩn, kháng virus, kháng ký sinh trùng đơn bào gây ỉa chảy.

Kinh nghiệm của Đức Thọ Đường dựa theo Phổ kháng khuẩn, siêu vi khuẩn (virus) và ký sinh trùng của Đông dược do Đức Thọ Đường sưu tầm in trong Nội san ĐỨC THỌ số 10 (70) năm 1995, gia thêm Đông dược kháng khuẩn vào các phương thang hoặc Độc vị thang trị Tiết tả - Ỉa chảy khi có dịch hoặc có xét nghiệm vi trùng học như sau :
+Vibrio cholerae : Dịch cồn ngấm kiệt Ngũ vị tử.
+Escherichia coli : Tinh dầu Gừng; Dịch chiết cồn của Dấp cá (Ngư tinh thảo); Dịch chiết của Cóc mẳn (Nga bất thực thảo); Lá Mướp và Xơ mướp (Ti qua lạc); Thiên môn.
+Shigella : Tinh dầu Gừng; Bạc hà, Thanh cao, Tinh dầu Quế, Bồ công anh, Dịch chiết cồn của Dấp cá (Ngư tinh thảo), Dịch chiết của Cóc mẳn (Nga bất thực thảo); Ngải diệp;
Tinh dầu Thạch xương bồ; Hương phụ; Hoè hoa.
+Samonella : Tinh dầu Gừng, Bạc hà, Dịch chiết cồn của Dấp cá; Dịch chiết của Cóc mẳn (Nga bất thực thảo); Lá Mướp và Xơ mướp (Ti qua lạc); Ngải diệp; Tinmh dầu Thạch xương bồ; Thiên môn; Sim.
+Staphylococcus : Gừng tươi, Tinh dầu Gừng, Hương nhu, Dịch chiết cồn nước sắc Màn kinh tử,Tinh dầu Quế, Dịch chiết cồn của Dấp cá (Ngư tinh thảo), Dịch chiết Cóc mẳn (Nga bất thực thảo), Cà độc dược, Cát cánh; Tinh dầu Thạch xương bồ; Hương phụ; Dịch chiết 1% Hà thủ ô đỏ; Thương nhĩ; Ổi; Sim.
+Trichomonas vaginalis : Gừng tươi.
*
* *
Trên đây là kinh nghiệm nhiều năm của tôi chữa bệnh bằng Y Học Cổ Truyền cho bệnh nhân ỉa chảy, nhất là dịch ỉa chảy năm 1968 tại Hưng Hà Thái Bình, trong một thôn gần Nhà máy Giấy Thái Bình, đạt hiệu quả nhất định.
Bài này đã được :
-báo cáo trong sinh hoạt chi hôi Đông Y Nguyễn Trãi, Hội Đông Y Hà Nội năm 2002, 2007;
-báo cáo trong nhiều Câu lạc bộ ở Hà Nội 2002-2007;
-báo cáo trong Hội thảo Đông Y điều trị các bệnh tả, lỵ của Hội Đông Y Hà Nội tại Bệnh Viện Y Học Cổ truyền Hà Nội ngày 6 tháng 12 năm 2007;
-in trong Nội san Đức Thọ số 9 (69) năm1995;
-in trong Chuyên san Phòng bệnh mùa hè năm 2004 của Hội Đông Y quận Đống Đa;
-là 1 trong tập Bài giảng 50 bệnh của Lớp bồi dưỡng lương y chuyên sâu của Đức Thọ Đường 2006-2007 (có đĩa ghi âm, ghi bài).
Do tuổi cao và trình độ có hạn, kính mong các bạn đồng nghiệp, các bậc cao minh góp ý bổ sung để phục vụ người bệnh tốt hơn.
Xin chân thành cảm ơn.
LY. LÊ ĐẮC QUÝ
Điện thoại cơ quan : 04. 22107262
Di động : 0989885625
E.mail : quyledac@yahoo.com
Website : www.ducthoclinic.com

Tác giả bài viết: LY. LÊ ĐẮC QUÝ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về giao diện của website http://www.tuetinhlienhoa.com.vn?

Đẹp, duy trì giao diện như vậy

Bình thường, cần điều chỉnh

Xấu, cần thay đổi ngay

Ý kiến khác (xin gửi về email: support@tuetinhlienhoa.com.vn)

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán