HOÀNG MA 黃 麻
Corchorus capsularis Linn.
Tên Việt Nam: Rau đay, Đay quả tròn.
Tên khác: Ngưu niên tỳ, Tam châu thảo, Thiên tử tô (Cương Mục Thập Di).
Tên khoa học: Corchorus capsularis Linn.
Họ khoa học: Tiliaceae.
Mô tả: Cây thân thảo, mọc thẳng đứng có khi cao tới 2m. Lá hình bầu dục hẹp, nhọn đầu, tròn ở gốc màu nhạt ở mặt dưới, mép lá khía răng nhọn, hai răng ở gốc phiến có lông dài ở đầu, gân gốc 3-5 chiếc, cuống lá mảnh, có lông ở trên mặt, lá kèm hình đĩa, dài, nhọn đầu. Hoa có cuống, tập trung 2-3 chiếc trên một cuống chung ngắn. Nụ hoa hình bầu dục ngược rộng. Đài 4-5, có lông ở phía gốc thuôn hay bầu dục ngược, có mũi nhọn ngắn ở đầu. Tràng 4-5, hình bầu dục ngược rộng, có cựa ngắn, nhị 18, bao phấn hình vuông. Bầu hình trứng cụt, có cạnh rõ, và có ít lông, vòi nhụy rộng khía răng và cụt ở đầu. Quả hình cầu, có 10 cạnh khá rõ, có mào ngắn ở đỉnh, mở làm 5 mảnh có 2 dãy hạt, mỗi dãy có 5 hạt. Hạt có cạnh dẹt. Cây có hoa và quả quanh năm.
Địa lý: Cây của Ấn Độ, nhập trồng làm rau ăn và lấy sợi.
Phân biệt:
1- Cân phân biệt với cây rau Đay quả dài (Corchorus olitorius Linn) thuộc họ Tiliaceae. Đó là cây thảo cứng, cao độ 1-2m. Thân màu đỏ nâu ít phân nhánh. Lá hình bầu dục nhọn, tù hay tròn ở gốc, có gân ở trên các gân mặt dưới lá, sau nhẵn, mép khía răng đều đặn, răng nhọn, hai răng ở gốc lá thường kéo dài thành hai lông dài 3-5 gân gốc, lá kèm hình dãi dài mảnh, cuống lá mảnh. Hoa nhỏ màu vàng mọc ở kẽ lá. Quả nang dài, hình trụ, có 6 sống dọc. Hạt hình quả lê. Cây ra hoa quanh năm chủ yếu có hoa vào mùa thu và quả vào mùa đông. Cây được trồng để lấy sợi làm bao tải. Kinh nghiệm dân gian lấy ngọn non dùng tươi hoặc thu hái hạt phơi khô. Khi dùng để giải nhiệt hoặc lợi sữa hoặc nhuận trường, lấy chừng 100-200gr ngọn non nấu ăn hàng ngày. Còn chữa hen suyễn, dùng 10-20gr hạt khô sao vàng sắc uống với xơ mướp lúc còn nóng ngày 2 lần.
2- Phân biệt với cây rau Đay dại (Corchorus estuans Linn = Corchorus acutangulus Lam). Đó là cây thảo sống hàng năm, phân cành nhiều nhánh, cành gần như nhẵn. Lá hình bầu dục nhọn, tròn ở gốc, nhọn, đôi khi kéo dài thành lông dài, đều nhau, thường ở phía gốc lá tận cùng bằng hai lông rất dài; 3-5 gân gốc, phiến lá nhẵn cả hai mặt, cuống lá mảnh, lá kèm dài, mảnh, nhọn đầu và khá dai. Hoa nhỏ bé xếp 2-3 cái trên một cuống ngắn ở nách lá, màu vàng không lông. Quả nang hình trụ, áp vào thân, mở thành 3-4 mảnh, hạt rất nhiều nhẵn. Cây có hoa vào mùa hè, quả vào mùa đông, mọc hoang dại ở các bãi hoang khắp nơi trong nước ta. Vỏ cây cho sợi để dệt và làm giấy. Lá cây có vị đắng có tác dụng để làm mát, giải nhiệt nên kinh nghiệm dân gian lấy cả cây giã nát đắp lên nhọt độc rút mủ, dùng lá đọt non nấu canh ăn chữa phù thũng vì có tác dụng lợi tiểu.
Thu hái, sơ chế: Cây của Ấn Độ, nhập trồng làm rau ăn và lấy sợi. Thu hái lá và rễ vào mùa hè. Thu hạt vào mùa thu khi quả chín, phơi khô.
Phần dùng làm thuốc: Rễ, lá hạt.
Tính vị: Rễ, lá: Vị đắng, tính mát, có độc ít. Hạt : Vị đắng, tính nóng, có độc ít.
Tác dụng: Rễ, lá, Tiêu viêm, cầm máu, giải thử. Hạt: Hoạt huyết trợ tim, ho tổn thương phế.
Chủ trị:
+ Trị lỵ, ngộ độc thức ăn hư thối, ho ra máu, nôn ra máu, phòng ngừa say nắng, cảm nắng.
Liều dùng: 12g-7 chỉ (rễ, lá) sắc uống. Kỵ thai. Còn hạt dùng từ 6g-12g sắc trị kinh nguyệt không đều, vô sinh, uốn ván.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
1- Ngộ độc thức ăn iu thối: dùng lá Hoàng ma tươi 25gr, đường đen 30g sắc uống (Kinh Nghiệm Dân Gian).
2- Ho hoặc nôn ra máu dùng Hoàng ma diệp, Long nha thảo, mỗi thứ 9g sắc uống (Kinh Nghiệm Dân Gian).
3- Kiết lỵ, dùng lá tươi 4-7 chỉ sắc uống (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn