NHA ĐỞM TỬ 鴉 膽 子
Brucea jarvanica (L) Merr.
Xuất xứ : Bản Thảo Cương Mục Thập Di.
Tên khác : Khổ sâm tử (Cương Mục Thập Di), Lão nha đởm (Sinh Thảo Dược Tính Bị Yếu), Nha đởm, Khổ tần tử (Cát Vân Bình Sa), Xoan rừng (Nam Dược Thần Hiệu), Áp noãn tử (Y Học Trung Trung Tham Tây Lục), Nha đởm tử (Trung Dược Chí), Giải khổ sâm (Quảng Tây trung Dược chí), Tiểu cát luyện (Quảng Tây trung Thảo Dược).
Tên khoa học : Brucea jarvanica (L) Merr (Brucea sumatrana Roxb).
Họ khoa học : Thanh Thất (Simarubaceae).
Mô Tả : Cây rừng nhỏ, cao khoảng 1,6 – 2,5m, thân yếu,. Lá xẻ lông chim không đều, 4-6 đôi lá chét. Hoa nhỏ khác gốc, mọc thành chùm xim.
+ Không nhầm với cây Khổ luyện tử (xuyên luyện tử) (Melia toesendan S et Z. họ Xoan), cây cao trên 10m.
+ Không nhầm với cây Xoan nhà (Melia azedarach L. họ Xoan cây cao 8 –10m.
+ Không nhầm với cây Khổ sâm (sophora flavescens Ait, họ đậu cánh bướm) và cây Khổ nam sâm (Croton tonkinensis Gagnep, họ Thầu dầu).
Địa lý : Mọc hoang ở vùng rừng núi.
Bộ phận dùng : Quả chín khô. Loại cứng, nhẵn, đủ dầu là tốt.
Mô tả dược liệu: Nha đảm tử hình tròn, dài hoặc hình trứng, 2 đầu hơi nhọn, dài 0,5- 1cm, đường kính 0,3-0,6cm. Bên ngoài mầu đen tro, có mạng vân hình nhiều cạnh không đều, dưới đáy có vết cuôngs quả lõm xuống. Vỏ ngoài cứng dòn, bổ ra bên trong mầu đỏ tro hoặc vàng tro, trơn bóng láng dầu, trong có nhân mầu trắng vàng, hình trứng, dài 0,3-0,6cm, đường kính 0,3-5cm, ngoài bọc màng mỏng nhăn, có nhiều dầu. Không mùi, vị rất đắng.
Thu hái, Sơ chế : Mùa thu, lúc quả chín, hái về, bỏ hết cành lá, phơi khô.
Bào chế :
Theo Trung Y: Lấy hột Nha đảm tử đập bỏ vỏ lấy nhân, gói trong giấy bản, ép cho hết chất dầu, hoặc lấy nhân cho vào cùi quả nhãn mà nuốt (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
. Bỏ vỏ lấy nhân, để nguyên hạt nhãn, nhồi vào trong cùi quả nhản rồi nuốt (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
+ Rửa sạch bụi bẩn, phơi khô, sao qua, giã dập, dùng trong thuốc thang (với các thuốc khác).
+ Sau khi sao qua, tán bột mịn dùng trong hoàn tán (viên Nha đảm của Viện Đông y gồm bột Nha đảm và Bách thảo sương đồng lượng, viên 0,10g ngày uống 8 - 12 viên).
Theo Tây y:
+ Lấy nhân quả tán thành bột với một tá dược (bột gạo rang, Bách thảo sương...) để dễ tán, uống bột hay làm thành viên, một liệu trình là 5 ngày, từng ngày uống theo thứ tự như sau: 0,08; 0,16; 0,32; 0,16 và 0, 08 tính theo bột của nhân.
+ Thuốc thụt: tán nhỏ nhân Nha đảm với bột Bách thảo sương thật mịn (đồng lượng) để làm thuốc thụt vào hậu môn; mỗi ngày thụt độ 0,25g Nha đảm tử và 0,25g Bách thảo sương (Viện Đông y).
Bảo quản: dược liệu để thoáng gió, tránh ẩm mốc, bào chế rồi đậy kín.
Thành phần hóa học :
+ Thành phần chủ yếu của Nha đảm tử là chất khổ vị tố, trong đó phân ra được 9 loại đơn thể gọi là Nha đảm tử khổ tố (Bruceine) A, B1, C, D, E, F, G.. Glucozid và lượng lớn dầu Nha đảm tử (hàm lượng 36, 8-56, 2) (Trung Dược Học).
+ Trong quả có 23% dầu. Dầu lỏng, mâuù trắng. Ngoài ra còn một Glucosid gọi là Kosamin, chất Tanin, chất men có thể là men thuỷ phân, Amydalin, chất Quassin và một chất Saponin. Chất Kosamin có tác dụng diệt trùng rất rõ. Liều nhỏ gây nôn, diệt giun sán, liều cao thì độc, làm tim đập chậm, nôn ra mật và máu, tiêu lỏng và có thể chết. Máu người bị ngộ độc đen và không đông được, hồng cầu phồng lên, vón lại, ống tiêu hoá và màng não bị viêm (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Theo sách ‘ Ứng Dụng Lâm Sàng Trung Dược’: Nha đảm tử có Nha đảm tinh thể 1 (C12H16O5), tinh thể II (C10H16O5) tinh thể III (C17H34O2), Glucozit Nha đảm tử (C20H32O6) (Hoá Học Học Báo 1962, 28 (2) : 96-99).
+ Thành phần gồm chất dầu (55%) và các chất thuộc nhóm Simarubolit (Dược Liệu Việt Nam).
+ Quassin, Brucein A, B, C, D, E, F, G, H, I (Polansky J và cộng sự, Experientia 1967, 23 (6) : 424).
+ Bruceene (Trương Kim Sinh, Hoá Học Học Báo 1984, 42 (7) : 684).
+ Bruceaketolic acid (Trương Kim Sinh, Hoá Học Học Báo 1982, 40 (1) : 73).
+ Dehydrobrusatol, Dehydrobruceantinol (Sakaki T và cộng sự, Bull Chem Soc Jpn, 1985, 58 (9) : 2680).
Tác dụng dược lý :
+ Thuốc có tác dụng diệt tầy giun đũa, giun móc, sán, hấp huyết trùng, trùng roi Trichomonas (Trung Dược Học).
+ Tác dụng chống sốt rét:. Trên súc vật thí nghiệm, thuốc có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của nguyện trùng sốt rét trong gà (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Tác dụng kháng virút : Thuốc có tác dụng ức chế virút cúm type A PR8 (Trung Dược ứng Dụng Lâm Sàng).
+ Tác dụng chống tế bào ung thư (Trung Dược Học).
+ Thí nghiệm trong ống nghiệm, Nha đảm tử có tác dụng diệt amip ở dạng hoạt động. Trên lâm sàng, Nha đảm tử tỏ ra có tác dụng trị lỵ Amip cấp tính rất tốt do với tác dụng cảu Emetin. Nhưng đối với lỵ mạn tính và lỵ do vi trùng thì hiệu quả kém hơn (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Năm 1973, S M. Kupchan và cộng sự, từ Bucea antidysenterica Mill chế thành dịch chiết cồn có tính chất ức chế trên các tế bào ung thư trong ống nghiệm. Trong dịch chiết cồn này, các tác giả đã phân lập được Bruxeantin (0,01%), Bruxeantirin (0,002%) và Bruxein B (0,002%). Tác dụng chống ung thư của Bruxeantin mạnh hơn Bruxeantirin và Bruxein B . sự khác nhau này có lẽ do sự có mặt của một Esther không no ở Bruxeantin. Công trình nghiên cứu của tác giả đã dựa trên kinh nghiệm của nhân dân Ethiopia dùng hạt cây Nha đảm để chưa lỵ và ung thư (J. Org. Chem 1968, Vol 38 (1) : 178).
+ Năm 1971, Đỗ Tất Lợi và cộng sự đã nghiên cứu tìm thấy liều điều trị của nhân đã bỏ dầu là 4mg/kg thể trọng ở người. Liều độc DL-50 là 260mg/kg và liều DL-100 là 360mg/kg đối với chuột nhắt. Trên cơ sở đó, đã đề nghị sản xuất viên Nha Đảm Tử chứa 5mg nhân đã bỏ dầu (dùng cho trẻ nhỏ) và chứa 20mg (người lớn). Theo báo cáo của khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai thì 92% trường hợp kiết lỵ đã khỏi. Tác dụng phụ không đáng kể: 2% số người dùng thuốc bị buồn nôn, nôn mửa. Khi ngừng thuốc, các triệu chứng đó cũng hết (Tạp Chí Dược Học 1971, 3 và 6, 1972, 5).
Độc tính:
+ Liều độc DL-50 là 260mg/kg và liều DL-100 là 360mg/kg đối với chuột nhắt.
+ Nha đảm tử có độc, uống quá liều có thể gây đau bụng, nôn mửa, kém ăn, mệt mỏi (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Nha đảm tử tương đối độc, độc tính chủ yếu là ở phần đắng hoà tan trong nước. Liều dùng 50 của nước sắc là 0,48g/ kg. Thuốc dùng ngoài da dễ gây phản ứng, tại chỗ mạnh ở da và niêm mạc.
Thuốc uống thường gây bụng đau, khó chịu, nôn, buôn nôn, tiêu chảy, đầy bụng, váng đầu, rã rời chân tay. Tỉ lệ gây nhiễm độc thuốc khoảng 78,3%, còn có thể gây xung huyết nội tạng và xuất huyết, rối loạn hô hấp, khó thở. Thời gian dùng thuốc kéo dài có tích lũy độc.
Không nén dùng với người có bệnh đường ruột chức năng gan thận suy giảm, Phụ nữ có thai và trẻ em (Trung Dược Học).
Tính vị :
+ Vị rất đắng, tính rất hàn (Bản Thảo Chính Nghĩa).
+ Vị đắng, tính bình Sinh Thảo Dược Tính Bị Yếu).
+ Vị rất đắng, tính lương (Y Học Trung Trung Tham Tây Lục ).
+ Vị đắng, tính hàn (Trung Dược Học).
+ Vị đắng, tính hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Vị rất đắng, tính hàn, có độc (Quảng Tây Trung Dược Chí).
Quy kinh :
+ Vào kinh Can và Đại trường (Trung Dược Học).
+ Vào kinh Đại trường (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Vào kinh Can, Đại trường (Trung Hoa Bản Thảo).
Tác dụng, Chủ trị :
+ Trị kiết lỵ, trĩ (Cương Mục Thập Di).
+ Trị lãnh lỵ, tiêu chảy lâu ngày, sát trùng (Lãnh Nam Thái Dược Lục).
+ Lương huyết, giải độc, trị nhiệt tính xích lỵ, trị tiêu tiểu ra máu do nhiệt (Y Học trung Trung Tham Tây Lục).
+ Thanh nhiệt, táo thấp, sát trùng, giải độc. Trị kiết lỵ, tiêu chảy lâu ngày, sốt rét, trĩ, nhọt độc, mắt cá chân (kê nhãn) (Trung Dược Đại Từ Điển).
Kiêng kỵ :
+ Tỳ Vị hư yếu, nôn mửa: không dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Trừ chứng lỵ thấp nhiệt sinh trùng, còn nếu là Can Thận hư nhược và đau bụng, tiêu chảy, sợ lạnh đều kiêng dùng. Sau khi uống thuốc này, kiêng mỡ béo tanh chua một tháng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ: cấm dùng (Quảng Tây Trung Thảo Dược).
Liều dùng : 10-14 trái, có thể đến 20 trái. Tán nhỏ, làm thành viên 0,10g toàn quả hoặc 0,02g nhân đã bỏ dầu mà uống. Uống liên tục 3-4 ngày đến 1 tuần. Thường chỉ uống 1-2 ngày là khỏi, tuy nhiên nên uống liên tục 5-7 ngày cho khỏi hẳn.
Có thể dùng dưới dạng thụt: lấy 20-30 hạt giã nhỏ, ngâm vào 200ml dung dịch 1% Natri bicarbonat, sau 1-2 giờ, lọc lấy nước thụt giữ.
Đơn thuốc kinh nghiệm :
+ Trị kiết ly thể hàn, tiêu chảy kéo dài: Nha đảm tử, lấy búa con gõ nhẹ vào vỏ, vỏ vỡ nhân lòi ra, to như hạt gạo, màu trắng, nếu vỡ vụn và màu đen thì không dùng. Mỗi lần dùng từ 2 bọc đến 3 bọc (Chí Thánh Đơn - Nghiệm Phương):
+ Trị ly amip cấp : Dùng nhân Nha đảm tử 12 cái, bọc nhựa, chia 3 lần uống trong ngày. Đồng thời dùng 20 hạt ngâm trong 200ml nướ,c sau 2 giờ ngâm vào 200ml dung dịch 1% natribicacbonat, sau 1 giờ đến 2 giờ thụt rửa đại trường, mỗi ngày 1 lần. 10 ngày là một liệu trình. Đã trị 65 ca, kết quả trước mắt 94% (Trung y Tạp chí 1956, 1 (6), (7) (Trung Dược Học).
+ Trịsốt rét: Dùng Nha đảm tử nhân đã khử dầu, tán nát, mỗi lần 12 hạt, viên bọc nhựa, ngày uống 3 lần, trước bữa ăn. Đã trị 27 ca, kết quả tốt (Y Dược Học Tạp Chí 1952, 1 : 28). Có tác dụng đối với các loại ký sinh trùng sốt rét, đối với loại sốt cách nhật là tốt hơn cả (Trung Dược Học).
+ Trị mụn cóc : Dùng nhân Nha đảm tử tiệt trùng bằng cao áp, nghiền nhỏ, đắp (trước khi đắp nên rửa bằng cồn hoặc cồn iốt, dùng dao vô trùng rạch nhẹ da chảy ít máu), dán băng kín, kiêng nước, sau 8 ngày mở ra, nếu chưa rụng, bôi cao mềm axit boric. Đã trị khỏi 200 ca không để sẹo (Trung Hoa Bì Phu Khoa Tạp Chí 1957, 4 : 360).
+ Trị nốt ruồi : Dùng Nha đảm tử cả vỏ (lượng 35g giã nát vụn, bỏ vào lọ, cho vào một dung tích cồn 75% bằng lượng thuốc, ngâm một ngày đêm, dùng bông thấm thuốc bôi vào nốt ruồi, ngày 2-3 lần. Kết quả tốt (Trung Dược Thông Báo 1986, 9 : 59).
+ Trị chai chân : Dùng 11-13 nhân Nha đảm tử giã nát, trộn với 1,5g bột salicylate cho đều, cho thuốc vào băng keo, cắt thủng 1 lỗ bằng vùng bị chai, lấy một miếng băng keo khác dán lên chỗ chai rồi dán thuốc vào. Cứ 10 ngày thay 1 lần. Đã trị 2040 ca, kết quả đều tốt (Triết Giang Trung Y Tạp Chí 1984, 4 : 166).
+ Trị ung thư: Dùng dầu Nha đảm tử chế thành thuốc tiêm tĩnh mạch. Đã thử nghiệm dược lý trên cơ thể, nhận thấy thuốc có tác dụng đối kháng với nhiều loại tế bào ung thư. Theo kết quả báo cáo của 16 đơn vị đã dùng trị 388 ca ung thư thời kỳ giữa và cuối, tỉ lệ có kết quả là 71,6%. Đối với ung thư thực quản, dạ dày, trực trường, cổ tử cung, có kết quả nhất định. Đối với ung thư phổi đã di căn lên não có tác dụng kéo dài năm sống thêm. Thuốc còn có tác dụng miễn dịch và làm tăng tế bào bạch cầu (Trung Quốc Y Dược Học Báo).
Tham khảo :
+ Vị thuốc này rất đắng, ngoài có vỏ đen cứng, trị kiết lỵ thiên về nhiệt mà dùng Nha đảm tử là hay nhất. Trị ly thiên về hàn mà dùng Lưu huỳnh sống là tốt. Dùng Nha đảm tử trị lỵ nên dùng nửa cùi quả nhãn bọc hai, ba hạt rồi nuốt, hoặc Hoạt thạch bọc bên ngoài (làm áo), hoặc đựng trong viên nang để nuốt. Tính của vị thuốc này lương huyết, cầm máu, kiêm tiêu ứ huyết, sinh máu mới, trị chứng lỵ kéo dài lai rai, hoặc đi lỵ ra máu tươi, đi ly máu ra tóe như nước, đều có công hiệu kỳ lạ (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Vị thuốc này khi vỡ vị đắng bốc ra, thường làm cho người ta nôn mửa. Ở trong hiệu thuốc người ta lấy nhân của Nha đảm tử, rồi bên ngoài bọc bằng bột Ích Nguyên Tán, đặt tên là ‘Bồ Đề Đơn’ (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn