ĐẠI MẠCH 大 麥
Hordeum vulgare Linn.
Tên Việt Nam: Lúa mạch.
Tên khác: Mâu mạch, vì có tính dẻo nên gọi là Nhu mạch (Nếp mạch).
Tên khoa học: Hordeum vulgare Linn. (Hordeum sativum Jess. Var. Vulgare Hack).
Họ khoa học: Poaceae (Gramineae).
Mô tả: Cỏ sống hàng năm, rễ sợi. Thân cao 60-100cm thẳng đứng, nhẵn. Lá hình dải, phẳng, dài, rộng, có tai, nhám. Lưỡi bẹ ngắn lụt đầu. Cụm hoa là bông, lúc non thẳng đứng, sau rủ xuống khi chín, dài 6-10cm, hình 4 cạnh. Bông nhỏ xếp dày đặc trên trục chính thường thành 4 dãy dài, không có cuống, lưỡng tính. Bông hoa nhỏ có một hoa và một hoa thứ hai bị lép thành cuống nhám hay có lông. Cuống hoa có đốt ở dưới mày hoa, mày hình dải có 3 gân. Nhị 3. Bầu có vòi nhụy rất ngắn. Quả hình trái soan có khía rãnh dọc, ở đầu có phần phụ nhiều lông.
Phân biệt: Giống lúa Mạch có nhiều loại.
- Loại có 2 hàng bông nhỏ (Hordeum distichum L.)
- Loại có 6 hàng bông nhỏ (Hordeum hexstichum L.)
Địa lý: Lúa Mạch thường được trồng ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Hiện nay Việt Nam mới di thực vào trồng và đang được phát triển để làm nguyên liệu chế bia, Mạch nha để làm thuốc, nhưng chưa đủ dùng.
Thu hái: Thu hái vào mùa hè, đập cho rụng hạt phơi khô sàng sảy bỏ tạp chất.
Phần dùng làm thuốc: Hạt.
Tính vị: Vị ngọt mặn, tính hơi lạnh.
Quy kinh: Vào kinh Tỳ, Vị.
Tác dụng: Ích khí điều trung, trừ nhiệt, lương huyết, tiêu thực.
Chủ trị: Bình vị khí, giảm khát, tiêu thực. Trị phù thủng.
Tham khảo:
. Xem: Cốc nha, Mạch nha, Tiểu mạch.
. Đại mạch bổ hư lao, mạnh huyết mạch, có lợi cho nhan sắc, bổ ngũ tạng, mạnh khỏe, tiêu hóa thức ăn, không động tới phong khí, ăn lâu làm người mập trắng, da thịt trơn láng, không táo nhiệt (Thực Tính Bản Thảo).
. Đại mạch bình vị chỉ khát, tiêu thực trị trướng mãn (Tân Tu Bản Thảo).
. Ăn Đại mạch, tóc không trắng (Thực Liệu Bản Thảo).
. Đại mạch có tác dụng thư thái trong lồng ngực, hạ khí, mát huyết, tiêu tích, kích thích ăn ngon miệng (Bản Thảo Cương Mục).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn