ĐẠI MA NHÂN 大 麻 仁
Cannabis sativa Linn.
Xuất xứ: Bản Kinh.
Tên Việt Nam: Gai mèo, Lanh mán, Gai dầu, Sơn ty miêu, Ko phai keo (Thái), Khan sua (Lào), Cần sa.
Tên khác: Hỏa ma nhân (Nhật Dụng Bản Thảo), Hoàng ma nhân (Tục Danh), Hán ma nhân (Nhĩ nhã), Trử ma nhân (Bản Kinh), cây đực gọi là Tỳ ma, cây cái gọi là Tư ma (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Cannabis sativa Linn.
Họ khoa học: Cannabinaceae.
Mô tả: Cây thảo sống hàng năm, thân vuông có rãnh dọc, mọc thẳng đứng cao 2-3m. Lá xe 5-7 thùy hình chân vịt, mép khía răng cưa. Phía dưới lá mọc đối, cuống dài, phía trên lá mọc so le, cuống ngắn có lá kèm. Hoa đơn tính, mọc riêng gốc, màu xanh nhạt, hoa đực mọc rủ xuống, hoa cái mọc thành bông. Quả bế hạt hình cầu, đập nát thấy mùi thơm, trong có nhân dẹt, có nội nhũ. Cây trồng để lấy sợi.
Địa lý: Cây có trồng ở miền núi Bắc bộ, trồng bằng hạt vào mùa xuân để lấy hạt.
Thu hái: Thu hái vào tháng 9.
Phần dùng làm thuốc: Hạt (nhân của quả).
Mô tả dược liệu: Hạt quả hình viên chùy hoặc hình trứng tròn, hai bên hơi dẹt, hai bên mép có khến, dài chừng hơn 3,2mm, mặt ngoài bóng láng, màu nâu xám mà lẫn vàng, một đầu có sẹo của quả, chủng tử màu trắng tro có chứa tinh dầu.
Bào chế: Sàng sẩy sạch, bỏ tạp chất khi dùng đâm nhỏ.
Tính vị: Vị ngọt, tính bình.
Quy kinh: Vào kinh Tỳ, Vị, Đại trường.
Tác dụng: Nhuận táo, hoạt trường. Lợi tiểu hoạt huyết.
Chủ trị: Trị tân dịch thiếu. Táo bónnơi người lớn tuổi, sau khi sinh đại tiện khó. Dùng ngoài bôi trị vẩy nến.
Liều lượng: 9g - 15g (giã nát).
Kiêng kỵ: Tiêu lỏng hoặc hay ỉa chảy không dùng. Phụ nữ có thai không được dùng. Sợ Mẫu lệ, Bạch vi, Phục linh.
Bảo quản: Dễ bị chuột, sâu ăn, cần đậy kỹ.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị nôn mửa không cầm: Ma nhân giã nát, sao thơm, trộn với nước, ép lấy nước cốt thêm tí muối uống (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Bổ hư lao nội nhiệt, hạ tiêu hư nhiệt, đau bứt rứt trong xương, táo bón, tiểu nhiều lần, thở khí yếu, khô miệng, nhiệt lâm: Đại ma nhân 5 chén, nghiền với 2 thăng nước, sắc còn nửa, chia ra 4-5 lần (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị vú cứng như đá, sinh ra khát nước: Đại ma tử nhân 3 chén, sắc với 3 thăng nước còn 2 thăng, lâu lâu uống một ngụm (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị đau nhức hai ống chân: Đại ma nhân sao thơm, nghiền với nước. Đổ vào 3 thăng nước, sắc còn 1 thăng, thêm Xích tiểu đậu 1 thăng, nấu cháo ăn và uống nước (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị đau nhức 2 ống chân, đau bụng do phong thấp: Đại ma nhân 1 thăng giã nát, ngâm với 3 thăng rượu 3 đêm, khi uống hâm cho nóng (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị kiết lỵ ra máu không cầm: Đại ma tử nhân sắc với đậu xanh uống, ăn lúc đói (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị loét họng do uống rượu, lở miệng lưỡi: Đại ma nhân 1 thăng, Hoàng cầm 60g, tán bột, luyện với mật làm thành viên, ngậm nuốt (Thiên Kim Phương).
+ Trị đơn độc: Ma nhân tán bột, trộn với nước bôi vào (Thiên Kim Phương).
+ Trị lở ngứa: Đại ma nhân giã nát, đắp vào chừng 5 lần là khỏi (Thiên Kim Phương).
+ Trị sản hậu ứ huyết ra không hết: Ma tử nhân 5 thăng, rượu 6 thăng ngâm một đêm, sáng sớm lấy rượu uống 1 thăng, không đỡ uống tiếp 1 thăng nữa. Trong khi dùng không nên dùng thuốc thổ hay hạ, không được giao hợp, dưỡng sức như vậy 1 tháng (Thiên Kim Phương).
+ Trị vết thương dao chém ứ huyết, tích huyết ở trong bụng: dùng Đại ma tử nhân 3 thăng, Hành trắng 14 củ giã nát, sắc với 9 thăng nước còn 1 thăng rưỡi uống thì ra máu hết, nếu chưa ra uống tiếp (Thiên Kim Phương).
+ Trị trong bụng có trùng: Đại ma tử nhân 3 thăng, rễ cây Ngô thù du mọc về phía đông, ngâm nước, sáng uống 2 thăng, đến tối thì trùng ra (Thực Liệu Bản Thảo).
+ Dùng Mai tử nhân 1 thăng, mỡ dê trắng 7 lượng, Sáp ong 5 lượng, Mật ong 1 chén. Tán bột trộn đều nấu ăn, có thể không đói sống lâu (Thực Liệu Phương).
+ Trị tóc rụng không mọc lại: dùng Đại ma tử nhân, lấy nước nấu cháo ăn nhiều lần (Thánh Tế Tổng Lục ).
+ Trị viêm tai giữa ra mủ: dùng 1 chén Ma tử, hoa Yến chi 1 phân vẩy vào lỗ tai (Thánh Huệ Phương).
+ Trị phong cùi: Đại ma nhân 3 thăng, vo đãi sạch 3 cân, lấy 1 đấu rượu ngâm 1 đêm, nghiền lấy nước trắng lọc vào trong bình, nấu cách thủy, cất dùng 1 chén, uống thêm ‘Già Căn Tán’ hoặc ‘Nhũ Hương Hoàn’ rất hay (Thánh Huệ Phương).
+ Trị có thai đau tim bứt rứt: Ma tử nhân, 1 chén nghiền nát, sắc với 2 chén nước còn 6 phân bỏ bã, uống (Thánh Huệ Phương).
+ Sống lâu ích khí, dùng lâu không đói: Ma tử nhân 2 thăng, đậu đen 1 chén rang thơm, tán bột, trộn mật làm thành viên, ngày uống 2 lần (Dược Tính Phương).
+ Trị phong độc trong cốt tủy, đau nhức không vận động được: Đại ma nhân, bỏ vào trong nước, lấy những hạt chìm xuống 1 thăng lớn phơi nắng cho khô bỏ trong nồi bạc sao lửa nhỏ cho thơm chín, đâm thành bột chia ra 10 gói bằng nhau, lần dùng 1 gói, dùng rượu giấm 1 tô lớn trộn bột vào dùng que liễu khuấy cho lắng bột xong bỏ xác, sắc còn phân nửa uống 1 gói lúc bụng đói, bệnh nhẹ 4-5 gói, nặng không quá 10 gói thì đỡ (Đại Ma Nhân Tửu - Khiếp Trung Phương).
+ Trị phong thủy, bụng lớn phù thũng, lưng rốn nặng đau, không thể chuyển động được, dùng Đông ma tử nửa cân, nghiền nát cho nước lã vào rồi lọc lấy đổ vào 2 chén gạo nấu cháo gia tiêu, hành, muố, đậu xị ăn lúc đói (Ma Nhân Chúc - Thực Y Tâm Kính).
+ Trị ngũ lâm đi sáp rít, đại tiện không thông, nấu cháo Ma tử ăn (Ma Nhân Chúc - Thực Y Tâm Kính).
+ Trị đau bụng tổn tới thai, dùng Đông ma tử 1 thăng giã nát, sao thơm, sắc với 2 thăng nước chia ra uống (Thực Y Tâm Kính).
+ Trị sản hậu bị tắc đại tiện. Hứa Học Sĩ nói rằng: Sản hậu ra mồ hôi nhiều thì đại tiện bí, rất khó dùng thuốc, duy nấu cháo Ma tử ăn là tốt nhất, chẳng những cho đàn bà sản hậu mà bón người lớn tuổi do hư đều dùng tốt cả, chỉ dùng Đại ma tử nhân, Tử tô tử, mỗi thứ 2 chén rửa sạch nghiền nhỏ rồi lấy nước trộn vào nghiền lấy 4 chén chia 2 lần uống bằng cách nấu cháo (Bản Sự Phương).
+ Trị kinh nguyệt không thông hoặc 3 tháng, nửa năm, một năm mới có kinh một lần: Ma tử nhân 2 thăng, Đào nhân 60g nghiền đều, 1 thăng rượu chín, ngâm qua 1 đêm, ngày uống 1 thăng (Phổ Tế Phương).
+ Trị trẻ con lở đầu: dùng Ma tử 5 thăng, nghiền nhỏ, vắt lấy nước, trộn với mật xức vào (Phổ Tế Phương).
+ Trị hói tóc: dùng Ma tử nhân sao đen, nghiền bột, trộn với mỡ heo bôi (Phổ Tế Phương).
+ Bổ hạ, trị khát: Ma tử nhân 1 thăng, sắc với 3 thăng nước, bỏ bã, uống nguội nửa thăng, ngày 2 lần (Dược Tính Luận).
+ Trị tiêu khát muốn uống nước, uống cả ngày vài đấu, nước tiểu đỏ, rít: Ma tử nhân 1 thăng, sắc với 3 thăng nước uống, không nên uống quá 5 thăng (Trửu Hậu Phương).
+ Bị tên độc bắn phải, dùng Ma nhân nhiều thăng giã nát lấy nước uống (Trửu Hậu Phương).
+ Trị trẻ nhỏ bị xích bạch lỵ, cơ thể bị suy nhược: Ma tử nhân 3 chén, sao thơm, nghiền bột, mỗi lần uống 3g với nước tương (Tử Mẫu Bí Lục ).
+ Trị sa trực trường, dùng chậu đựng dầu Ma tử nhân ngâm mông, bên trong lấy nước Đại ma tử nghiền nát, uống (Hạ Tử Tích).
+ Trị trẻ nhỏ cam sang, nhai Ma tử xức vào, ngày 6-7 lần (Tử Mẫu Bí Lục).
+ Trị tà ma, ôn độc: Ma tử nhân, Xích tiêu đậu mỗi thứ 21 hột, sáng sớm nước giếng chưa ai múc, uống với thuốc (Long Ngư Hà Đồ).
+ Trị trường vị táo nhiệt, đại tiện bón kết, bón sinh ra trĩ cầu ra máu: Ma nhân, Đại hoàng mỗi thứ 12g, Hậu phát, Chỉ thực, Thược dược, Hạnh nhân, mỗi thứ 6g. Tất cả tán bột luyện mật làm viên, mỗi thứ 6g, ngày uống 3 lần với nước nóng (Ma Tử Nhân Hoàn - Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Trị trường vị táo nhiệt, đại tiện bón kết, bón sinh ra trĩ cầu ra máu: Hạnh nhân, Ma nhân, Qua lâu nhân mỗi thứ 9g, Hậu phác 6g, Đại hoàng 3g 5. Sắc uống (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).
+ Trị đại tiện bón kết của người già hoặc tân dịch khô sau khi sinh: Ma nhân 15g, Tử tô tử 9g. Sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
2- Lợi tiểu tiêu sưng: Dùng trong trường hợp tiểu tiện rít đau các chứng lâm, bụng lớn trước nước, đau nhức 2 ống chân phù thũng.
+ Trị nôn mửa do vị nhiệt, nôn mửa không cầm: Hạnh nhân 15g, giã nát, sắc lấy nước trộn vào tí muối xong ăn và uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Tham khảo:
+ Đại ma nhân hạ khí xuống, chữa phong thấp, tê thấp ngoan cố ngoài da làm cho người phấn khởi, khi dùng sao cho thơm rồi tẩm nước tiểu trẻ con, đâm vắt nước uống (Bản Thảo Thập Di).
+ Đại ma nhân tính nhuận ngũ tạng, lợi đại trường hay chứng phong nhiệt bón, nhiệt lâm (Thực Tính Bản Thảo).
+ Lấy nước Đại ma nhân nấu cháo trị phong của ngũ tạng, nhuận Phế, đau đa khớp, rụng tóc (Thực Liệu Bản Thảo).
+ Đại ma nhân bổ những chứng hư lao, trục tất cả những chứng do phong khí, sinh cơ nhục, đen râu tóc... thông sữa, khỏi khát, thúc đẻ (Nhật Hoa Chư Gia Bản Thảo).
+ Đại ma nhân tính có thể thông được lợi kinh mạch của đàn bà con gái điều hòa đại trường, lỵ, bôi ngoài trị lở, lấy nước cốt nấu cháo ăn trị nôn mửa (Bản Thảo Cương Mục).
+ Đại ma nhân, bẩm thụ được tính của Hành thổ để sinh sống. Trong ‘Bản Kinh’ ghi rằng: “Vị ngọt, tính bình, khí không độc, nhưng cũng bởi tính rất trơn nên dễ thông lợi vì ngọt nên bổ trung nguyên. Nếu khí trung nguyên được bổ thì khí lực tự nhiên có ích. Ngọt hay ích huyết mạch đã thịnh thì tự nhiên tích huyết phải tan (Bản Thảo Kinh Sơ).
+ Dương minh kinh bị bệnh, mồ hôi ra nhiều, đau dạ dầy, bón, dùng Ma nhân để thông nhuận (Thang Dịch Bản Thảo).
+ Đại ma nhân hay còn gọi là Hỏa ma nhân tức là hạt của cây Gai mèo. Ngày nay người ta dùng lá làm bao bố. Đối với vị Hồ mà hay là Chi ma thì khác hẳn nhau (Bản Thảo Cầu Chân).
+ Đại ma nhân cùng với Địa hoàng là những giống hút khí rất mạnh, nên tính của nó có thể sinh được âm dịch (Bản Thảo Kinh Sơ).
+ Vỏ hạt của Ma nhân hơi có độc, uống vào thì nôn nao buồn mửa, nên khi dùng vào phải loại bỏ hết sạch vỏ quả. Để khi xát nhân hạt khỏi bị dập nát và lẫn với vỏ. Ngày xưa dùng bằng cách đựng hạt Ma nhân vào một túi vải, đem nhúng vào nồi nước sôi một chốc, vài phút sau liền bắt nồi xuống để ngâm đến khi nước nguội thì vớt túi ra, để thòng xuống giếng ngâm lạnh vài giờ, lấy lên đổ ra phơi nắng cho thật khô. Lúc ấy nhân hạt teo không dính vỏ nữa, mới đem xát và sảy sạch vỏ, lấy nhân. Hiện nay người ta làm bằng cách giản tiện, đem hạt già sao lên để giảm độc ở vỏ, rồi giã dập sắc uống (Trung Qu?c Dược Học Đại Từ Điển).
+ Tính của Hỏa ma nhân là nhuận, hoạt, lợi, dùng để trị vị nhiệt gây ra đại tiện khó. Trương Trọng Cảnh dùng “Ma tử nhân hoàn” phối với Hạnh nhân, Thược dược, Chỉ thiệt, Đại hoàng, Hậu phác, để trị chứng bệnh đại tiện bí kết vì tân dịch khô kiệt, do tỳ không vận hóa được, là lấy cái hoản tỳ nhuận táo để thông trường lợi tiện. Hiệu năng cũng như dược tính Ma nhân tương tự với Hồ ma (Chi ma), nhưng Hồ ma lại có thể dưỡng huyết ích thận, Ma nhân thì lại chỉ có thể nhuận táo hoạt trường. Vì thế, vị nhiệt tân dịch khô, trường táo cầu đi khô táo khó ra thì dùng Ma nhân. Thận khí thiếu huyết khô, bón do trường táo thì dùng Hồ ma. Một đằng là lấy nhuận táo hoạt trường làm chủ, một đằng dưỡng huyết tư trường để điều trị (Trung Dược Học Giải Nghĩa).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn