23:16 ICT Thứ sáu, 06/12/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Thiền và đời sống

Liên hệ

PHƯƠNG PHÁP ĐƯA ĐẾN SỰ HÀI HOÀ XÃ HỘI (phần 2)

Thứ hai - 28/02/2011 09:19
Venerable Pyinnyathiha - Mỹ Thanh dịch Việt

Trách nhiệm của vợ chồng

Người chồng không nên xem thường vợ, mà phải đối xử với vợ một cách tử tế, dịu dàng; phải chung thủy với vợ; cho vợ quyền xử lý các công việc trong nhà; nên mua sắm quần áo và nữ trang cho vợ.

Người vợ thì phải lo việc nội trợ một cách chu đáo; phải cần mẫn trong công việc; phải biết gìn giữ tiền do chồng mang lại, không được phung phí; phải chung thủy với chồng; phải hiếu khách với gia đình hai họ.

Ðể cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc, cả hai vợ chồng đều phải tuân hành theo những bổn phận nêu trên. Quan trọng nhất là lòng chung thủy của hai người. Nếu một trong hai người không thỏa mãn trong vấn đề sinh lý với người phối ngẫu thì họ có thể đi tìm lạc thú ở một người khác. Nên nhớ rằng sự thiếu chung thủy sẽ làm người phối ngẫu rất đau lòng, và tạo nên những phiền lụy trong cuộc sống vợ chồng cũng như tạo nên những vấn đề trong xã hội. Nếu quá tệ, thì ly dị là điều không tránh khỏi. Ðàn bà Miến Ðiện có tục ngữ như sau, "Người vợ có thể chia phần bánh của mình nhưng nhất định không chia chồng mình với người đàn bà khác."

Việc ngoại tình phiền lụy đến ít nhất là ba người. Người đàn ông hay đàn bà ngoại tình lúc nào cũng nghĩ đến việc đi gặp người tình một cách bí mật, và lúc nào cũng muốn giấu nhẹm chuyện mình ngoại tình; họ luôn là mồi cho căng thẳng và xốn xang. Những hành động không thành thật nầy làm day dứt tinh thần của người phối ngẫu. Về mặt xã hội thì họ bị mang tiếng xấu, có thêm kẻ thù. Vì vậy, nếu chúng ta hiểu rõ được những nhu cầu của thân cũng như tâm, ta có thể vì đạo đức và luật xã hội, mà biết kềm hãm dục vọng của mình, và nên tránh việc ngoại tình. Nếu không, một người có thể ngoại tình bằng cách dùng quyền lực, tiền của hay sắc đẹp, v..v..

Trong thời Ðức Phật, Vua Pasenadi Kosala khi du ngoạn ngoại thành, tình cờ gặp một người đàn bà trẻ đẹp, Vua cảm thấy yêu nàng quá mới tìm cách đem nàng về hoàng cung. Nhưng người thiếu phụ xinh đẹp tuyệt vời đó đã có gia đình, vì thế, Vua đem người chồng về hoàng cung sai vặt. Chờ có cơ hội để bắt tội và xử tử người chồng. Chẳng ngờ người chồng là một người giúp việc rất tốt. Vì thế Vua bèn bắt người chồng phải đi bộ đến tận một nơi xa xôi, mười hai dặm đường cách thành Savathhi, để đem về những hoa sen và phấn thơm cho Vua tắm trong ngay chiều ngày hôm đó. 

Chiều hôm đó, Vua Pasenadi sợ rằng người chồng sẽ về kịp lúc nên Vua ra lệnh đóng cửa thành sớm hơn mọi khi. Người chồng trở về và khi thấy cửa thành bị đóng, anh ta liền để phấn thơm trên thành tường và cắm những hoa dưới đất. Và rồi anh lớn tiếng nói rằng, " Nhân dân hãy làm chứng cho tôi! Tôi đã làm xong nhiệm vụ được giao phó, trở về đúng giờ như Vua đã giao hẹn. Thế mà Vua lại có ý định muốn giết tôi." Nói xong, anh ta bỏ đi và tìm đến thiền viện Jetavana tá túc và tìm an ủi nơi thiền môn thanh tịnh nầy.

Trong lúc đó, Vua Pasenadi, bị dục vọng khống chế, nên không ngủ được, và cứ mãi suy nghĩ để tìm cách hại người chồng để chiếm đoạt người vợ. Vào khoảng nửa đêm, Vua nghe nhiều tiếng động quái lạ; đấy là tiếng than thở của bốn người ở địa ngục (Lohakumbhi Niraya), họ đang rất khổ sở. Nghe những tiếng than vản nầy, Vua rất là sợ hãi. Theo lời khuyên của Hoàng hậu Mallika, Vua liền đến tham vấn Phật. Sau khi nghe Vua kể lại, Ðức Phật nói với Vua rằng đấy là bốn người con của một nhà giàu trong thời Ðức Phật Kassapa. Họ đang phải chịu thống khổ ở địa ngục (Lohakumbhi Niraya), vì họ đã phạm giới thứ ba, một trong năm giới. Họ chuyên đi ngoại tình với những người đàn bà có chồng. Ngay khi đó Vua hiểu rằng hình phạt của việc ngoại tình rất là nặng. Và sau đó Vua tự hứa nhất định sẽ không bao giờ còn dám tơ tưởng đến vợ của người khác. Vua còn suy ngẫm ra rằng, "có lẽ vì dục vọng quá mạnh, Vua chỉ lo tơ tưởng đến cách chiếm đoạt người đẹp nên đã không ngủ được. (Dha v 60. Dựa theo dịch bản của Daw Mya Tin ).

Một người đàn ông và một người đàn bà cần phải tìm hiểu nhau cho rõ trước khi lập gia đình với nhau. Họ cần phải tôn trọng ý kiến cũng như ước muốn của người phối ngẫu, và không nên ép buộc người kia phải chìu theo ý mình.

Họ nên tránh những cuộc cãi vã quyết liệt có thể làm tan vỡ mái gia đình. 
Nếu có con thì việc ly dị chẳng những làm hai bên đau khổ, mà những đứa con cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Con cái cần rất nhiều thứ nơi bậc cha mẹ. Hôn nhân là chia xẻ - làm việc chung - và cùng nhau chăm sóc con cái.

Chỉ một người cha hay một người mẹ không thể nào lo lắng cho con cái chu toàn, bởi vì họ không thể có đủ thời gian để vừa đi làm, vừa chăm sóc con một cách hoàn hảo. Những đứa trẻ sống chỉ với mẹ hoặc cha, sẽ rất khổ sở nếu cha hay mẹ không nhiều có thời gian chăm sóc chúng.

Trong bất cứ trường hợp nào, hạnh phúc lứa đôi chỉ được thể hiện khi mà cặp vợ chồng có những quan niệm tương đồng như : " niềm tin, đạo đức, rộng lượng, và hiểu biết." Họ biết săn sóc nhau, biết tự chủ, biết nói với nhau những lời êm dịu, tốt đẹp, thì cặp vợ chồng nầy có thể sống với nhau bền lâu. Ngược lại, thì họ khó mà có thể hưởng được niềm hạnh phúc lứa đôi.

Bạn đọc có thể hiểu rằng giá trị đạo đức rất là quan trọng cho cả vợ lẫn chồng trong câu chuyện sau đây, xảy ra thời Ðức Phật còn tại thế.

Có một ông trưởng giả có bốn cô con gái đến tuổi lập gia đình. Có bốn người đàn ông đến cầu hôn. Người thứ nhất thì đẹp đẻ, sang trọng. Người thứ hai thì lớn tuổi. Người thứ ba thì giàu có, và người thứ tư là một người phẩm hạnh, đạo đức. Ông trưởng giả không biết phải gã con cho ai, nên ông đến tịnh xá Jetavana tìm Phật để xin Phật giúp ông chọn được người rễ xứng đáng. Ðức Phật đáp rằng, " Trong tiền kiếp ông đã nhiều lần hỏi câu nầy, nhưng vì luân hồi mãi nên ông đã quên hết." Và Ðức Phật nói với ông như sau, " Sang trọng và đẹp đẽ cũng tốt. Người lớn tuổi thì được kính nể. Nhưng con người còn cần thêm những ưu điểm khác nữa. Một người sẽ bị khinh khi, chê bai nếu họ không có đạo đức." Sau khi nghe xong câu trả lời của Ðức Phật, ông trưởng giả quyết định gã con cho người có phẩm hạnh, đạo đức.  
(Ja. No. 200 )

Tôi chẳng dám lạm bàn về cuộc sống lứa đôi vì tôi không có kinh nghiệm về hôn nhân. Tôi chỉ xin trình bày về những lời giảng dạy của Ðức Thế Tôn trong cuộc sống đôi lứa.

Bảy hạng vợ

Khi mà Ðức Thế Tôn ở rừng Jeta, trong công viên của Anathapindika; ngày nọ Ðức Phật đến nhà Anathapindika để khất thực. Lúc ấy trong nhà có rất nhiều tiếng ồn ào. Khi hỏi nguyên nhân, Ðức Phật được Anathapindika kể lại rằng, "Tôi có một cô con dâu. Cô là con nhà giàu. Cô chẳng màng để ý đến cha chồng, mẹ chồng, và chồng; cô cũng chẳng biết kính trọng Ðức Phật." 

Ðức Phật bèn cho gọi nàng dâu Sujata đến và hỏi nàng có muốn nghe pháp không, và nàng bằng lòng. Ðức Phật liền nói cho nàng nghe về bảy hạng vợ : 

- Vợ như là tên sát nhân,  
- vợ như là tên cướp,  
- vợ như là chủ nhân,  
- vợ như là mẹ,  
- vợ như là chị hay em,  
- vợ như là bạn,  
- và vợ như là người hầu.

Sujata nói, "Con không hiểu rõ nghĩa những gì Thế Tôn vừa nói, xin Ngài giải thích rõ dùm cho con hiểu."

Ðức Phật bèn giải thích như sau : "Vợ như tên sát nhân, khi mà tánh tình nóng nảy, lúc nào cũng nạt nộ chồng. Vợ như tên cướp, khi mà tiêu xài phung phí tiền bạc do chồng làm ra. Vợ như chủ nhân, không thích việc nội trợ, thích lấn lướt chồng, không tử tế, lười biếng và tham lam. Vợ như mẹ, khi mà biết chăm sóc, và không phung phí tiền của do chồng mang lại. Vợ như là chị hay em, xem chồng như anh em, biết kính trọng và luôn chìu ý chồng. Vợ như là bạn, người có đạo đức, biết kính trọng chồng, lúc nào cũng vui vẻ khi gặp mặt chồng như bạn thân lâu năm vừa gặp lại. Vợ như người hầu khi mà trong lòng luôn an lạc, không giận dữ cho dù chồng không đối xử tốt với mình, vẫn luôn trìu mến và chăm sóc chồng. Theo thái độ của ba hạng vợ đầu tiên, thì con đường đưa đến địa ngục là điều không tránh khỏi; và bốn hạng vợ sau thì thiên đường là nơi họ đến sau khi chết. Vì vậy, Sujata, con muốn làm hạng vợ nào trong bảy hạng kể trên?"  
Sujata đáp, " Thưa Thế Tôn, từ nay con xin nguyện làm người hầu cho chồng."  
Gia đình của ông trưởng gỉa rất là hài lòng khi nghe Sujata trả lời như thế. 
 

Làm thế nào để sống với người chồng

Ngày nọ, lúc Ðức Phật ở rừng Jatiya, có một người tên là Uggaha thỉnh Phật đến thọ trai. Uggaha dọn nhiều thức ăn để cúng dường Phật, sau khi Phật thọ trai xong, Uggaha nói, "Thưa Thế Tôn, các con gái của con sẽ phải về nhà chồng trong nay mai. Xin Thế Tôn cho vài lời để các con gái của con sau khi về nhà chồng sẽ biết cách đối xử, và nhân đó được nhiều lợi ích."

Ðức Phật nói với các cô gái đó rằng họ nên thực tập như sau : "Người vợ phải dậy sớm hơn chồng, và đi ngủ sau chồng, sẵn sàng chìu ý chồng, đối xử với chồng một cách tử tế; vợ nên biết kính trọng gia đình, bạn hữu của chồng, và nên hiếu khách với những người nầy; vợ phải biết việc nội trợ, đảm đang, không nên lười biếng; phải biết điều khiển người hầu, và trả lương hay tăng thưởng họ cho xứng đáng, không nên phung phí tiền bạc của chồng làm ra, phải biết cần kiệm và giữ gìn đàng hoàng."  
( A. iii. 36)

Hiện nay, vợ cũng như chồng đều phải đi làm để kiếm tiền. Người vợ không còn phải nương tựa chồng để có tiền. Và vì thế, họ có thể nghĩ rằng những điều nói trên đã lạc hậu và nếu họ thực tập theo thì họ tự làm giảm gía trị của chính mình. Nói như thế, có nghĩa là họ vẫn chưa bỏ được tánh tự cao, ngã mạn và không thể có từ tâm thật sự đối với người chồng.  
Không có lý do nào có thể cản trở họ làm những bổn phận nói trên nếu họ thực sự thương yêu người chồng của mình. Cũng không có hại gì nếu họ thực hiện những điều nói trên như là một cuộc thử thách. Khi mà người vợ thực hành những điều nói trên, thì họ sẽ nhận được tình yêu và sự chăm sóc chu đáo nơi người chồng. 
 

II. Bổn phận xã hội

Phận sự của bằng hữu

Con người là một phần tử của xã hội, vì thế sau khi được sinh ra đời, con người cần có ít nhất một người ở bên cạnh. Tình trạng sức khỏe, học vấn, sự sung túc của một người nương vào môi trường chung quanh mà họ được sanh ra và lớn lên. Vòng tròn xã hội được lan rộng dần với thời gian. Trong thời niên thiếu, con người được cha mẹ hướng dẫn, chỉ dạy để tránh những ảnh hưởng nơi bạn xấu. Lớn chút nữa, thì một người phải tự chọn bạn mà chơi, vì khi chúng ta cần sự giúp đỡ, không phải bạn nào cũng sẵng sàng nâng đỡ chúng ta. Có một câu ngạn ngữ như sau: "Khi sa cơ mới biết bạn hiền."

Một người không nên chọn bạn vì bạn mình có địa vị và giàu sang.  
Tất cả bạn hữu đúng nghĩa đều đáng quý. 

Có một câu chuyện về bạn như sau:

Có một tiền kiếp mà Ðức Phật là con của một thương gia giàu có. Ngày nọ, Bồ Tát và các bạn ngồi nơi ngã tư đường, và họ thấy một người thợ săn chở một xe đầy thịt hướng về phía họ. Một người trong bọn nói, : " Ê! Thợ săn, cho tôi một miếng thịt." Người thợ săn đáp, " Anh bạn, khi xin điều gì thì phải nói năng lễ phép. Miếng thịt tôi cho anh sẽ xứng đáng như lời anh hỏi xin, " và người thợ săn cho anh nầy một miếng thịt dở. Người thứ hai trong bọn nói," Anh hai ơi! Tôi có thể xin anh một miếng thịt không ?" Thợ săn đáp, " Anh em là huyết thống, có liên hệ mật thiết", và thợ săn cho anh ta một cái đùi thịt. Người thứ ba trong bọn nói, " Cha ơi! Cha có thể nào cho con xin một miếng thịt không ?" Thợ săn đáp, " Con sẽ được một miếng thịt ngon như lời con xin, người cha nào mà không động lòng khi nghe con mình cầu xin", và thợ săn cho anh nầy một trái tim và một miếng thịt thật ngon. Lúc nầy, người trẻ nhất trong bọn, Bồ Tát lúc bấy giờ đến gần thợ săn và nói, " Bạn ơi! Người bạn tử tế của tôi, có thể nào bạn cho tôi một miếng thịt không?" Thợ săn đáp," Anh sẽ nhận được miếng thịt như lời anh xin. Người mà không có bạn như là lữ hành đi trong rừng hoang. Tôi rất sung sướng và vui lòng khi nghe lời thỉnh cầu từ nơi người bạn của tôi." và rồi thợ săn dâng tặng cho Bồ Tát của chúng ta cả xe thịt, và vị Bồ Tát của chúng ta thết đãi người thợ săn với tất cả lòng hiếu khách và kính trọng, và sau đó Bồ Tát khuyên người thợ săn nên đổi nghề và họ làm việc chung, sống với nhau và trở nên đôi tri kỷ. (Ja. No. 315)

Ðể phân biệt bạn tốt với bạn "xã giao", Ðức Phật đã giảng cho Singala về những đức tính của những người bạn "xã giao" như sau.

Một người lúc nào cũng có ý muốn được cái gì nơi bạn. Họ đến nhà bạn tay không và khen những đồ vật mà bạn đang sở hữu để rồi bạn phải cho họ một vật gì đó để họ đem về. Họ cho bạn rất ít mà muốn lấy về nhiều hơn.  
Họ chỉ đến với bạn khi họ cần bạn giúp đỡ. Họ thân cận với bạn để họ được lợi. Khi bạn đến nhà họ, họ nói, "Ô tiếc quá, hôm nay chẳng có gì để đãi bạn, hôm qua có rất nhiều món ngon, mong bạn đến mà không thấy; nếu bạn đến hôm qua thì tôi đã đãi bạn nhiều món ngon rồi. Hy vọng mai nầy bạn đến, tôi có thể đãi bạn những món đặc biệt." Họ ăn mặc sang trọng, dùng những vật dụng mắc tiền, họ nói, "Tôi muốn cho bạn những thứ nầy lắm, nhưng mà tôi không có dư để cho bạn. Xin lỗi bạn nhé."  
Khi bạn cần sự giúp đỡ, họ sẽ nói họ không có khả năng, khi bạn mượn vật gì thì họ sẵn sàng cho bạn mượn đồ hư cũ của họ. Họ cũng sẵng sàng rủ bạn đi uống rượu, đi đến những nơi cờ bạc, đi xem hát, và khuyến khích bạn làm những việc sai trái. Họ cổ võ bạn làm những việc tốt cũng như xấu, và luôn miệng khen bạn khi bạn có mặt và khi bạn vắng mặt thì họ dèm pha, nói xấu.

Ðức Phật nói với Singala về bốn hạng người mà ta có thể xem là bằng hưũ.

Một là người hay giúp đỡ. Người nầy sẵn sàng chạy đến giúp bạn khi biết bạn đang gặp khó khăn, và sẵn sàng cho bạn vay tiền khi cần thiết. Họ sẵn sàng săn sóc bạn bè, và lo lắng cho tài sản cũng như gia đình của người bạn của họ. Nói như thế, có một người phê bình như sau, "Kể cả khi người bạn bị nghiện rượu, ta không tránh họ mà lại còn giúp họ, bằng cách lo cho tài sản và gia đình của họ." Chúng tôi không đồng ý với quan điểm nầy, vì chúng ta biết rằng khi thân cận với người nghiện rượu, tài sản của chúng ta cũng dễ bị tiêu mòn. Ðúng ra là thế. Nhưng chúng ta nên biết không ai là hoàn toàn cả. Chẳng hạn một người bạn của chúng ta không phải xấu từ khi mới sanh ra, mà tại vì bạn ta tập một thói quen xấu, hoặc bị ảnh hưởng xấu và gây ra lỗi lầm. Một lần, hai lần, nếu chúng ta từ bỏ họ ngay lúc đó, thì chúng ta cũng chưa phải là bạn tốt. Ngược lại nếu chúng ta tiếp tục có liên hệ với họ nhưng không khuyên nhủ hay chỉ bảo cho họ thì chúng ta là những người bạn không đáng tin cậy. Vì thế, chúng ta trước tiên phải giải thích cho bạn mình những ảnh hưởng cũng như kết quả xấu của việc nghiện rượu, và thúc giục bạn bỏ đi thói quen xấu nầy. Nếu người bạn của chúng ta không nghe lời khuyên của chúng ta và vẫn tiếp tục cái thói quen xấu ấy, thì chúng ta nên rời xa họ là tốt nhất.

Người nào mà chia xẻ những niềm vui nỗi buồn của bạn mình là một người bạn thật sự. Người nầy tâm sự những việc thầm kín của mình với bạn, nhưng tuyệt nhiên không nói những việc bí mật của bạn mình cho người khác. Khi thấy bạn gặp nguy hiểm, họ sẵn sàng hy sinh thân mạng mình để cứu bạn.  
Họ khuyên nhủ bạn đừng làm điều xấu ác, nói cho bạn nghe những điều hay và dẫn dắt bạn trên con đường đưa đến an lạc, hạnh phúc.

Ðây là một câu chuyện có liên hệ đến những điều đã nói ở trên. Trong thời Ðức Phật Kassapa, có một người Bà-La-Môn, tên Ghatikara làm đồ gốm, là một người hết lòng ủng hộ Phật . Anh có một người bạn tên Jotipala.  
Ngày nọ, anh thợ đồ gốm mới bảo bạn đến viếng Phật. Jotipala đáp,  
"Có hay ho gì khi đi viếng một thầy tu?" Lần nào cũng thế, mỗi lần Ghatikara bảo đi viếng Phật thì Jotipala đều từ chối.  
Ngày kia, cả hai đi đến một dòng sông để tắm. Khi đến dòng sông, anh thợ đồ gốm mới bảo bạn, " Nầy, hay là chúng ta đến viếng Ðức Phật , tịnh xá của Ngài cũng gần đây thôi." Jotipala cũng từ chối như bao lần khác. Cuối cùng, thì anh thợ đồ gốm nắm lấy tóc của bạn và lôi bạn đi đến gặp Phật. Jotipala lúc đó liền nghĩ, "Anh nầy giai cấp hạ tiện mà dám nắm tóc mình, chắc là phải có gì hay nơi Ðức Phật," và rồi anh đồng ý đến viếng Phật.  
Sau khi nghe xong thời pháp thoại, Jotipala bảo bạn hãy cùng mình trở thành tu sĩ. Anh thợ đồ gốm đáp,"Tôi còn cha mẹ mù lòa phải phụng dưỡng, tôi không đi được. Nhưng tôi sẽ rất vui mừng khi thấy anh trở thành một tăng sĩ của Ðức Phật." 
Và rồi thì Jotipala được xuống tóc và trở thành tỳ khưu và thực tập pháp một cách rất là hiệu quả. ( M. ii. 45ff )

Một người bạn thân thì không vui khi thấy bạn mình thất bại hay bị chê bai, nhưng lại vui mừng khi thấy bạn được khen hay thành công trong cuộc đời. 
Một người phải tự biết chọn bạn mà giao thiệp, khi thân cận một người tốt và được họ giúp đỡ thì ta sẽ dễ dàng thành công trong cuộc đời.

Một lần Ngài Ananda nói với Ðức Phật là phân nửa sự thành công trong việc tu học là có những bạn đồng hành tốt, Ðức Phật đáp, " Nầy Ananda, ông không nên nói như thế, vì người thành công trên bước đường tu tập, đạt được mục đích là nhờ sự giúp đỡ của những bạn tốt." Chỉ chọn bạn tốt mà chơi cũng chưa đủ. Ta còn cần phải biết làm bạn.  
Ðể cũng cố tình bạn được lâu bền, Ðức Phật dạy một bài học về cách đối xử với bạn như sau. ( S. i. 87 )

Một người phải rộng lượng, cho bạn những gì bạn cần; phải nói với bạn những lời nhã nhặn; phải lo lắng cho an vui của bạn; phải đối xử với bạn như mình đối xử với chính mình, và phải luôn giữ lời hứa. 
Bạn của mình cũng phải đối lại với mình như sau: phải lo lắng cho cơ nghiệp của bạn, khi bạn mình không còn khả năng để tự lo; khi bạn gặp hiểm nguy ta phải hết lòng giúp đỡ; không bỏ rơi bạn lúc bạn gặp khó khăn, và nên giúp đỡ gia đình của bạn.

Hơn nữa, mọi người nên học những lời của Ðức Phật dạy về tình bạn.

" Nếu không gặp bạn đồng hành bằng hay giỏi hơn mình, thì thà là một mình đơn độc chứ không làm bạn với người ngu." ( Dhp. v. 61 )

" Khi gặp một người khôn ngoan, như là người khám phá kho tàng, họ chỉ những cái hay cũng như cái dở của ta để giúp ta thăng tiến." (Dhp. v. 76)

"Thân cận với người ngu là một điều đau khổ như thân cận với kẻ thù. 
Gần được người trí chẳng khác nào như gặp người thân." (Dhp. v.207) 
 

Bổn phận của chủ nhân và người làm công

Người chủ cần chỉ định nhân viên của mình làm những công việc thích hợp với khả năng, sức lực, và tinh thần của họ; cần phải trả tiền công cho họ đúng hạn và tùy theo sự làm việc mà tặng cho họ tiền thưởng; cần phải lo cho họ khi họ chẳng may bệnh tật; cần chia xẻ những thức ngon với họ, và khi cần thiết nên cho họ nghỉ phép. 
Người làm công bù lại phải thức khuya dậy sớm lo công việc cho chủ nhân, chỉ lấy những gì chủ cho; làm việc sốt sắng, và gìn giữ tiếng thơm cho chủ.

Những điều nói trên dành cho chủ nhân và người làm trong nhà. Nhưng hiện nay, nếu chúng ta có học qua về ngành kinh tế, chúng ta sẽ thấy các hãng xưởng ở những nước tân tiến đều áp dụng những gì mà Ðức Phật đã dạy ở trên, và theo cách thức đó, đất nước của họ đang giàu mạnh.

Bổn phận của chủ nhân cũng như người làm công cho thấy rằng cần phải có một sự liên hệ cảm thông giữa hai bên thì mọi việc mới thuận lợi.  
Hơn nữa, sự phát đạt của một hãng xưởng nương rất nhiều vào một quản lý giỏi. Cho dù một người có nhiều vốn, nếu không biết cách quản lý, hoặc giả không hiểu biết về vấn đề làm thương mại thì cũng khó mà thành công trong việc mua bán. Nếu hãng xưởng không có thợ tài giỏi, thì việc làm cẩu thả, sớm hay muộn gì hãng cũng sẽ phải bị dẹp.  
Khi tiền lương không được trả đúng thời hạn, thì thợ tay nghề giỏi sẽ không khi nào chịu làm việc cho hãng đó.

Sau đây là câu chuyện về một người biết buôn bán. Trong một tiền kiếp Ðức Phật là con của một người thủ quỹ, biết tiên đoán vị lai. 

Ngày nọ, trên đường đến viếng Vua Brahmadatta, Bồ Tát thấy xác một con chuột nằm trên đường, và khi nhìn vị trí của những tinh cầu lúc đó, Bồ Tát nói, "nếu có người nào tử tế, sáng dạ, có thể dùng con chuột nầy để làm vốn buôn bán, và có thể trở thành một người giàu có." 

Lúc ấy có một người thanh niên con nhà tử tế, nhưng nghèo, nghe vậy, anh liền lượm xác con chuột và bán cho người nuôi mèo với giá một cắc. Sau đó anh mua một cắc mật. Rồi anh lại dùng mật đó bỏ vào nước và đem nước mật cho những người hái hoa . Những người nầy cảm ơn anh đã làm nước mật cho họ giải khát bằng cách tặng cho anh một bó hoa. Anh bán được bó hoa và lại dùng tiền mua mật bỏ vào nước, đem nước đến cho những người hái hoa, và rồi anh lại được trả công bằng rất nhiều hoa đẹp, và anh đem hoa đi bán được những tám xu trong một thời gian ngắn. 

Ngày kế tiếp, khi anh đi ngang vườn thượng uyển anh thấy nhiều cành cây mục và lá rụng đầy dòng suối mà người thợ làm vườn không biết cách nào để làm sạch con suối. Anh bèn nhờ những người bạn của mình đến giúp anh thợ làm vườn để làm sạch con suối, sau đó anh đãi họ nước mật. Người thợ làm vườn tặng cho anh một số củi. Anh bán củi đó cho thợ làm đồ gốm được mười sáu xu, năm cái chén và tô. Tất cả tổng cộng là hai mươi bốn xu, và rồi anh phát họa một chương trình. Anh liền đến vùng lân cận cửa thành với một bình nước mật, và anh tặng nước mật cho đám thợ gặt ở đó. Sau đó, họ nói, "Nầy anh bạn, chúng tôi có thể giúp được gì cho anh không?" Anh trả lời, " Ô, khi nào tôi cần, tôi sẽ gọi các anh". Anh làm quen được với chủ bến tàu và vị tỉnh trưởng, và anh hỏi họ về tin tức của những đoàn thương buôn bán ngựa. Ðược biết đoàn thương gia sẽ đến thành với năm trăm con ngựa, anh liền đến những thợ gặt xin họ mỗi người cho anh một bó cỏ, và bảo họ đừng bán cỏ cho ai, cho đến khi nào anh bán được những bó cỏ của anh.

Sau đó, anh bán cỏ cho ngựa của đoàn thương gia được tới một ngàn đồng. Vài ngày sau đó, anh lại được tin có một tàu sẽ cặp bến; anh mướn xe và đến hải cảng trong trang phục của một thương gia giàu có. Anh mua chịu tất cả hàng hóa và để lại một chiếc nhẫn đắt tiền làm tin. 

Lúc ấy có khoảng một trăm thương gia đến bến tàu để mua hàng hóa nhưng tất cả hàng hóa đều đã được bán cho chàng thanh niên nọ. Vì thế, sau cùng họ phải mua lại hàng hóa của chàng thanh niên, và anh nầy bán được số hàng với giá hai trăm ngàn đồng. Anh thanh niên tặng phân nửa số tiền đó để tạ ơn Bồ Tát đã chỉ dẫn. Và khi được biết chỉ với xác con chuột mà anh làm nên việc lớn. Bồ Tát lúc ấy rất hài lòng và gã con gái của người cho anh thanh niên nọ."

Làm thương mại, muốn phát tài, cần phải có tiền vốn, sự siêng năng, và sự hiểu biết trong công việc làm ăn của mình. Biết cần kiệm, cần phải có bạn bè giúp đỡ và phải biết quản lý tiền bạc. Một người có thể nghĩ họ có thể làm giàu một cách nhanh chóng bằng đường tắt. Nhưng nếu một người có nhiệt tâm, cẩn trọng, tư tưởng, lời nói, hành động trong sáng, và nếu làm bất cứ việc gì cũng cẩn thận và chu đáo, làm ra tiền một cách hợp pháp, thì tiền của và tiếng tăm của người đó sẽ được lan rộng.

Ðức Phật khuyến khích mọi người nên hùng vốn và làm việc chung như bầy ong cùng làm ra mật, như mối cùng xây tổ, và Ðức Phật nói như sau về việc tiêu tiền như thế nào : "Một người cần phải chia tài sản ra làm bốn phần: một phần cho mình và việc làm từ thiện; hai phần dành cho việc buôn bán, và một phần để dành phòng khi cần kíp, hay là để dành cho chính mình lúc về già." 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán