03:29 ICT Thứ hai, 09/09/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Thiền và đời sống

Liên hệ

VỤ TRỤ HỌC PHẬT GIÁO

Thứ hai - 28/02/2011 09:15
(Nguyên tác : Buddhist Cosmology by Rev. Tri Ratna Priya Karuna) Rev. Tri Ratna Priya Karuna - Mỹ Thanh dịch Việt

Chủ đề của buổi thuyết pháp hôm nay là Vũ trụ học Phật giáo, một từ không khi nào nghe thấy trong các buổi nói chuyện thường ngày. Thế thì Vũ trụ học là gì ? Tự điển giải thích rằng đó là một ngành triết lý có liên hệ đến nguồn gốc, sự tiến triển và cấu trúc của vũ trụ.

Điều nầy nghe như một định nghĩa ghê gớm, mà sự thăm dò của ngành nầy ít có liên quan đến những vấn đề mà chúng ta hằng ngày gặp phải. Thật ra, vấn đề ngược lại thì đúng hơn, từ khi có sự hiểu biết về những vận hành và quy luật của vũ trụ, và mô hình của quy luật nầy đang mở bày ra để có thể cung cấp cho chúng ta, những con người tầm thường, sự chỉ dẫn quý báu. Nếu chúng ta đủ sáng suốt để đi theo sự hướng dẫn nầy, chúng ta sẽ tránh được những quyết định sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả không tốt, thay vì tiến triển đến các mục đích tốt đẹp trong đời sống của chúng ta.

Thêm vào đó, bởi trí tuệ vô hạn của Thầy chúng ta, đức Phật Sakyamuni (Thích Ca) và những bậc trước đó đã xuất hiện trên thế gian trước thời của đức Phật Thích Ca, chúng ta thật may mắn là những người thừa kế một truyền thống vũ trụ học vĩ đại, đáng kính, đáng sợ, hoàn toàn làm lu mờ những khái niệm tôn giáo Tây phương. Kể cả trước thời của đức Phật, những nhà thông thái và triết gia Ấn Độ qua sự tưởng tượng, sử dụng những sức mạnh siêu phàm và sự trầm tư của một trí tuệ cổ xưa nhất đã có từ thời tiền sử, đã xoay xở để đạt đến khái niệm của vũ trụ bao la, của không gian, và thời gian không thể đo lường. Trên thực tế, họ đã đạt đến một điểm – điểm vô tận.

Văn học Phật giáo rõ ràng chứng minh sự thật là đức Phật, với Phật nhãn, đã thanh lọc và hoàn hảo hoá sự hiểu biết về cái vô hạn thực sự của vũ trụ cũng như thời gian dài không thể tính được của thời quá khứ, hiện tại, và tương lai trong vòng tròn của sinh diệt và hiện hữu. Vũ trụ được khoa học biết đến chỉ là tầng thấp nhất của ba mươi mốt tầng, vũ trụ không thể đếm được, vì không có khởi đầu.

Vũ trụ vật chất bao gồm sự vô hạn định của nhiều hệ thống thế giới nằm rải rác trong không gian vô định, mỗi thế giới đều thành hình và rồi bị huỷ diệt trong vòng thời gian vô thuỷ vô chung. 

Để cho các đệ tử hiểu chút ít về ý nghĩa của số lượng lớn thời gian cần có, để hiểu về cuộc sống mà họ hiện đang trải qua, đức Phật tuyên bố số lượng sữa mẹ được uống và nước mắt đã chảy trong những kiếp sống trước còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương.

Khái niệm của Phật giáo bao gồm chân trời to tát, rộng lớn với tầm nhìn vô tận, ngược lại với khái niệm hạn hẹp của địa lý được tìm thấy ở văn chương tôn giáo của Do Thái và Ả Rập (Semitic), đặc biệt là Kinh Thánh; theo lời của một tác giả đương thời, “giống như bước ra một túp lều không cửa sổ và nhìn lên bầu trời nửa đêm đầy sao".

Chiều dài không tính được của thời gian thế giới được nói đến như là một kiếp hoặc một đại kiếp. Một kiếp được chia ra thành bốn thời gian ngắn, mỗi thời gian rất dài, không thể đo lường kể cả bằng ngàn năm. Trong thời gian đầu của một kiếp, hệ thống của những thế giới đã hiện hữu hoàn toàn bị tiêu huỷ, hoặc chuyển thể sang những nguyên tố kết hợp. Phần đông chúng sinh sống ở nhiều tầng hiện hữu khác nhau, được tái sanh ở thế giới của Phạm Thiên, tầng hiện hữu cao nhất và tinh tế nhất, không bị huỷ diệt và tan biến. Thời gian thứ hai của một kiếp bắt đầu, chúng ta tìm những phần tử năng lượng còn lại, tiêu biểu hoàn toàn tính khách quan, và thế giới Phạm Thiên và các chúng sinh sống ở đó, biểu hiện tính cách chủ quan, bị chia cách bởi các thái cực của sự hiện hữu phi thường. Sự tách rời nầy tiếp tục cho đến thời gian thứ ba của một kiếp đang hình thành. Trong thời gian nầy, hệ thống thế giới tiến hoá từ những phần tử còn lại, trong khi số đông chúng sinh thì từ trời Phạm Thiên thác sinh trở lại trên mặt đất tối tăm và đầy nước. Điều nầy dường như không làm phiền đến các chúng sinh có tâm thức ở từng trời Phạm Thiên, họ vẫn sống như họ từng sống, thân thể sáng chói, được nuôi dưỡng bởi sự sung sướng và không có giới tính. 

Với thời gian dài vô tận, các điều kiện (nhân duyên) bắt đầu thay đổi. Cặn bã, với một chút sôi sục của nước gạo, bắt đầu tụ lại trên mặt đất lạnh, và những sinh vật của địa cầu bắt đầu nếm thử và thích thú với vị giác nầy. Niềm sung sướng nầy dẫn đến sự ham muốn và dần dần họ nương tựa vào cặn bã nầy để làm món ăn. Những con người ở đây thấy thân thể nhẹ nhàng của họ mất dần ánh sáng, và trở nên nặng nề, thô kệch, và hình dạng và diện mạo của họ bắt đầu biến đổi. Dần dần, nước phủ trên mặt đất rút xuống; sương mù biến mất, và mặt trời, mặt trăng hiện rõ trên nền trời.

Với thời tiến hoá liên tục, đầu tiên rêu mọc, rồi đến các cây bò sát, cây leo, và cuối cùng là những hạt giống ăn được xuất hiện. Lúc con người học tồn tại nhờ vào những nguồn thức ăn nầy, họ trở nên thô kệch, mất hết ánh sáng và nét rạng rỡ. Và rồi, họ thay đổi, trở thành những giống khác nhau, cũng như trở thành nam và nữ. Sự chia rẽ thành hai giới tính đưa đến tình trạng ham muốn nhục dục, đam mê, và ganh ghét, và đồng thời hình thành nhóm gia đình, và rồi sự thành lập xã hội. Hồ sơ vấy máu của vài chục ngàn năm vừa qua, là bằng chứng cụ thể về tình trạng điển hình của thời kỳ cuối của giai đoạn thứ ba của một kiếp.

Phần thứ tư và cuối cùng của một kiếp là lúc hệ thống thế giới vẫn giữ ở nấc thang phát triển mà nó đã đạt đến, cho đến lúc bắt đầu một kiếp mới, trong lúc nầy cả tiến trình được lập lại. Dù muốn dù không, chúng ta cũng đang ở bên lề giai đoạn thứ tư của kiếp hiện tại. 
Cần phải thấy rõ là tiến trình khó tin nầy chứa đựng một mâu thuẫn gây đau khổ : Khi hệ thống thế giới đi theo con đường đưa đến sự tiến bộ rất cao về mặt vật chất, mỗi một bước tiến về mặt vật chất kèm theo đó là một bước tuột dốc về mặt tinh thần, hoặc tâm linh.

Nguyên tắc nầy áp dụng cho toàn bộ hệ thống thế giới, và trái đất vô nghĩa nầy là một phần trong hệ thống ấy. Hệ thống thế giới có khoảng 10.000 thế giới.

Có rất nhiều hệ thống thế giới như nói ở trên, và chiều dài của một kiếp thật là dài quá sức tưởng tượng, sự xuất hiện của đức Phật chỉ là việc hiếm có, so với thời gian một kiếp. Có vài kiếp được xem là những kiếp trống không vì không có vị Phật nào xuất hiện. Những kiếp khác may mắn hơn có thể có một hoặc nhiều vị Phật. Hệ thống thế giới của chúng ta, trong vòng nhiều kiếp được ưu đãi với 28 vị Phật, kể cả đức Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni). Kiếp mà chúng đang sống được xem là 1 kiếp rất thịnh vượng với năm vị Phật : Kusanda, Konagamana, Kasyapsa, Sakyamuni và Maitreya, vị Phật tương lai.

Bây giờ chúng ta hãy để tâm đến những chúng sinh thông minh, có tri giác của những loài khác nhau đang hiện hữu trong vũ trụ của chúng ta, kể cả ở những vũ trụ không thể đếm hết, qua những thời đại không thể đo lường. Mặc dầu, thông thường thì chỉ có con người mới có thể giác ngộ, nhưng có những tầng hiện hữu cao hơn và sung sướng hơn, có những chúng sinh được ưu đãi với vẻ đẹp, sự sung sướng và quyền lực cao hơn loài người rất nhiều. Tái sanh ở những thế giới nầy chỉ dành riêng cho những chúng sinh biết làm việc phước thiện, và sống cuộc sống đoan chính. Tuy vậy, những tầng trời nầy không thường hằng, và một khi nghiệp tốt đã hết, những sinh linh nầy sẽ phải đầu thai lại làm người ở nơi trần thế.

Dưới cõi trần, có vô số cấp bậc thấp, sống rất đau khổ, những tầng địa ngục khủng khiếp, nơi đó các chúng sinh đã từng làm ác đang bị trừng phạt cho đến khi họ thay đổi trở nên tốt hơn, và có mong ước được tiến triển nơi cõi người, và nơi nầy là nơi duy nhất để có thể giác ngộ và đạt đến Niết Bàn.

Tuy vậy, như chúng ta đã thấy, thời gian và không gian là vô định, và hoàn cảnh của một chúng sinh trong đời sống đặc biệt nào đó chịu nhiều ảnh hưởng của nghiệp quá khứ trong những kiếp trước. Năng lượng nghiệp quả nầy hình thành thiên hướng, tính cách, và trong chừng mực đáng kể, ảnh hưởng đến tư cách và cá tính của người nầy. Để có được sự lựa chọn còn tuỳ thuộc vào việc người nầy bị khuất phục bởi năng lượng không tốt của quá khứ, và chẳng chịu cố gắng để sửa đổi hành vi xấu của mình. Trong trường hợp nầy, kẻ nầy sẽ tái sanh trong một tình trạng xấu hơn tình trạng hiện tại. Mặt khác, nếu người nầy tìm hiểu về Phật tính, qua sự cố gắng để thay đổi khắc phục tính xấu, và để cho ý thức vươn lên đến mức độ cao của trí tuệ, từ bi và sự sáng suốt, kiếp tái sanh tới của người nầy không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ là một tái sanh tốt đẹp, thuận lợi, với nhiều cơ hội để tiến triển đến mục đích tối thượng – giác ngộ.

Do đó, con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về định mệnh của chính mình. Tất cả chúng sinh đều nặng trĩu nghiệp, được tái sanh, để kinh nghiệm một cách không ngừng nghỉ về sự chuyển đổi vận mệnh, được định sẵn hoàn toàn do những chọn lựa, và hành động của họ trong những kiếp sống ở quá khứ. Đức Phật vì trí tuệ và lòng từ bi đã tuyên bố về sự thực của vòng luân hồi mãi mãi tiếp diễn cùng với đau khổ và sự bất như ý. Đức Phật muốn những người theo Phật phải hiểu rõ hai nguyên nhân khủng khiếp không thể tránh khỏi cho việc tái sanh không ngừng nghỉ, ấy là ham muốn và si mê. Ham muốn và si mê chỉ bị khắc phục xuyên qua việc giác ngộ, đạt đến trí tuệ, và việc tái sanh sẽ không còn nữa. Để giải thoát khỏi vòng luân hồi, dĩ nhiên mục tiêu tiến đến là Niết Bàn.

Đức Phật mở rộng những thảo luận về nhân duyên tái sanh ở bài giảng về mười hai nhân duyên, được gọi là Pratitya Samutpada. Tương quan phụ thuộc của nhân duyên, hay luật nhân quả của đạo Phật, được nói đến trong mười hai nhân duyên đưa đến sự đau khổ triền miên và sự bám víu vào việc tái sanh. Mỗi một nhân duyên trước dựa vào nhân duyên đã có trước đó. Như vậy, khi si mê chấm dứt, thì các bố trí của nhân duyên cũng chấm dứt, ý thức dứt rồi, thì tất cả mọi thứ như già, chết cũng như tái sanh đều dứt bặt hết.

Sau khi đức Phật nhập diệt, cái thấy của đức Phật về luân hồi, vòng luân chuyển của hiện hữu, cùng với mười hai nhân nhuyên được trình bày như một sơ đồ, thường được thảo kỹ lưỡng, chi tiết trong bức hoạ, được gọi là Bánh xe luân hồi (Wheel of Life). Dưới dạng biểu đồ nầy, sơ đồ biểu trưng kịch đời của một người, với sự lựa chọn của họ và những kết quả tiếp sau đó. Như chúng ta thấy sơ đồ tôi đang cầm trên tay, nguyên bánh xe được nắm giữ ở miệng và nanh vuốt của Mara, trong trường hợp nầy biểu trưng cho sự vô thường và cái chết. Ở chu vi của bánh xe, chúng ta thấy mười hai nhân duyên và móc xích của nó. Ở trung tâm, chúng ta thường thấy biểu tượng của ba độc : gà trống tượng trưng cho ham muốn, rắn tượng trưng cho giận dữ-căm ghét và con heo biểu trưng cho ảo tưởng. Những độc nầy được xem là những sức mạnh đẩy đưa chúng ta vào vòng sanh tử. Mỗi cá nhân phản ứng theo những sức mạnh nầy tạo thành nghiệp, từ đây quyết định nơi nào trên vòng bánh xe mà người đó sẽ bị tái sanh.

Như chúng ta quan sát sơ đồ, có thể thấy rằng, có sáu thế giới để chúng sinh tái sanh. Tái sanh ở cõi trời, cõi A-tu-la hoặc cõi người là phần thưởng cho cuộc sống đoan chính, và những hành động phước thiện, trong khi tái sanh ở cõi súc sinh, và ngạ quỷ hoặc địa ngục thì có thể xem là bị trừng phạt cho cuộc sống đắm mình trong si mê, tội ác, chuyên hại người, và không cố gắng vươn lên để đạt đến trình độ cao của ý thức. Tuy vậy, như tôi đã nói trước đó, cuộc sống ở địa ngục có thể kéo dài trong một thời gian khác thường, rất là lâu , nhưng may mắn thay, không phải vĩnh viễn. Tái sanh trong ba cõi thấp nhất có thể được xem là tình thương cứng rắn của đức Phật, xem như là một dạng để dạy dỗ và cải thiện những người nầy, như vậy sau khi nghiệp xấu đã trả xong, họ có thể tái sanh làm người.

Cõi người, cho dù thấp hơn cõi trời và cõi A-tu-la, cũng vẫn quan trọng hơn, vì chỉ nơi cõi người, trí tuệ và đức hạnh mới có thể tăng trưởng. Như đã nhắc qua lúc trước, các chúng sinh tái sanh ở hai cõi cao kia, cũng chỉ là tạm thời, đó là phần thưởng của họ ở kiếp sống đạo đức trong quá khứ. Tuy nhiên, một khi nghiệp tốt đã hết, họ sẽ bị tái sanh ở cõi thấp hơn. Sự trục xuất nầy đưa họ ra khỏi tình trạng hưởng thụ, đặc ân, có thể nói là cực kỳ đau đớn.

Do đó, tất cả các cõi luân hồi với sự thay đổi, đau khổ và cái chết là những việc không ai ưa thích. Chỉ duy nhất một mục đích, thường hằng và muốn giải thoát vĩnh viễn khỏi đau khổ, cách tốt nhất là giác ngộ. Đó là sự giải thoát khỏi bánh xe luân hồi. Đấy là Niết Bàn, giải thoát khỏi tái sanh, và chuyển hoá hoàn toàn vòng sinh tử ác nghiệt mà chúng ta gọi là luân hồi.

Cho nên, Phật đã từng ném vào mỗi cá nhân, một câu nói đã từng vang vọng qua hàng thế kỷ: "Đây là con đường đưa đến giải thoát khỏi đau khổ. Hãy bước đi.” 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán