Một số câu hỏi được trình bày dưới đây là của những Tăng sinh người phương Tây cũng như người Thái đã tham vấn thầy trong suốt mùa an cư kiết hạ của năm 1970, khi họ đang tu học tại thiền viện. Một số câu khác đến từ những thiền sinh phương Tây và của những thiền sư nhiều nơi trên thế giới khi họ đến viếng thăm thiền viện Wat Ba Pong. Trong số đó có một số câu hỏi và những bài pháp thoại được rút ra từ tác phẩm Living Buddhist Masters**(Những Thiền sư Đương Đại). Nếu lắng nghe một cách chăm chú những câu trả lời, bạn sẽ tìm thấy trong đó những điểm bạn có thể ứng dụng trong đời sống thực hành, dựa vào hoàn cảnh riêng của mình. Mỗi phần trả lời của ngài Acchan Chah đều chuyển tải trong đó hạt giống của giải thoát và chỉ ra cho bạn cách thức để trở về với cội nguồn của tuệ giác- bản tâm của chính mình.
H: Chúng tôi nên bắt đầu thực hành như thế nào? Phải chăng cần nên có một niềm tin mạnh mẽ?
Đ: Nhiều người đã bắt đầu thực hành bằng sự hiểu biết và niềm tin rất ít. Đây cũng là lẽ tự nhiên. Chúng ta nên bắt đầu từ điểm chúng ta cần bắt đầu. Vấn đề ở đây là người thực hành cần phải có đủ ý chí để nhìn thẳng vào bản tâm mình và thấy rõ được khả năng của chính mình, họ cần phải học hỏi trực tiếp từ bản thân mình. Sau đó niềm tin và sự hiểu biết sẽ đến với họ.
H: Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng hình như tôi thấy mình không đi đến đâu cả.
Đ: Trong thực hành, đừng cố gắng để đạt được một điều gì cả. Mong cầu sự tự do hay giác ngộ đều là biến chứng của lòng tham, chính điều này sẽ ngăn trở chúng ta đến với tự do. Bạn có thể nỗ lực như bạn muốn, thực hành ngày đêm theo sự nhiệt tình bạn có, nhưng nếu bạn mong cầu để đạt được một điều gì đó, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy được sự bình yên. Chính sức mạnh của lòng tham sẽ đem đến cho bạn sự nghi ngờ và trạng thái bất an. Bạn không cần phải biết mình đã thực hành bao lâu hoặc đã nỗ lực như thế nào, chính lòng tham trong bạn sẽ không bao giờ đem đến cho bạn sự minh triết. Hãy loại bỏ lòng tham. Quán tâm và thân trong chánh niệm, đừng mong cầu một điều gì cả. Nếu không thực hiện được như thế thì khi bạn bắt đầu thiền định và tâm có được tĩnh lặng, bạn sẽ bắt đầu nghĩ, “Ồ, tôi đã đạt được trạng thái bước đầu chưa? Tôi phải thực hành thêm bao lâu nữa?” Chính ngay trong lúc đó, bạn sẽ mất hết tất cả. Cách tốt nhất là bạn chỉ quan sát tâm mình và để việc thực hành diễn ra một cách tự nhiên.
Bạn chỉ cần tập trung mà không cần biết mình đã đến mức độ nào của thiền. Chỉ chú tâm quan sát và cảm nghiệm trực tiếp những gì đang xảy ra trong tâm bạn. Càng quan sát, bạn sẽ càng thấy rõ diễn biến của tâm. Khi tập trung, đừng bận tâm lo lắng bạn đã đạt đến trạng thái nào của thiền; và duy trì sự tập trung, sau đó mọi sự sẽ vén mở ra trước mắt bạn một cách tự nhiên.
Làm thế nào tôi có thể nói với các bạn cốt tủy của việc thực hành là gì? Đi về phía trước cũng sai, lùi lại phía sau cũng sai, đứng yên một chỗ lại càng không đúng. Không có cách nào để đo lường và đánh giá sự giải thoát cả.
H: Nhưng nếu nói như vậy, chúng ta sẽ không tìm kiếm một điều gì trong lúc chúng ta tập trung thực hành hay sao?
Đ: Lúc ngồi thiền, nếu bạn thấy tâm mình tĩnh lặng và tập trung. Đây là một công cụ vô cùng quan trọng trong thiền. Nhưng bạn cũng cần thận trọng đừng để tâm mắc kẹt vào sự tĩnh lặng đó. Nếu bạn ngồi thiền chỉ để tâm được tập trung, sau đó bạn cảm thấy vui và hài lòng với sự tập trung đó, như thế bạn đang lãng phí thời gian của mình mà thôi. Thực hành là để tâm được tĩnh lặng và tập trung, sau đó hãy sử dụng sự tập trung đó để quán xét bản chất của tâm và thân. Hay nói một cách khác, nếu bạn chỉ muốn tâm trí được tĩnh lặng, bình yên và loại bỏ tham cầu, như thế tâm bạn chỉ được tĩnh lặng trong lúc bạn ngồi thiền mà thôi. Việc làm đó cũng giống như bạn đang dùng một cục đá để đè lên bên trên cái nắp của thùng rác, và khi bạn lấy cục đá đi, phía dưới nắp thùng kia vẫn còn chứa đầy rác. Vấn đề ở đây là việc bạn ngồi lâu hay mau không quan trọng. Tập trung không có nghĩa là chú tâm chìm đắm trong trạng thái của sự an lạc mà để quán sâu vào bản chất của tâm và thân. Chính điều này mới đem lại cho bạn tự do thực sự.
Khi quán xét tâm và thân hầu như không có sự can thiệp nào của tưởng (suy nghĩ). Và chúng ta có hai mức độ để quán xét. Mức độ thứ nhất là dùng tư tưởng và lý trí để nhìn sự vật, với cách này bạn chỉ cảm nhận hời hợt bên trên mặt của sự trải nghiệm. Mức độ thứ hai là cảm nghiệm trong sự tĩnh lặng và tập trung, lắng nghe tiếng nói bên trong của bản tâm. Chỉ khi nào tâm chúng ta được tập trung và tĩnh lặng thì trí tuệ lúc đó mới khai mở một cách tự nhiên. Ban đầu tiếng nói của trí tuệ rất yếu ớt và mong manh như một cây non, một cơn gió thoảng cũng đủ làm cho nó nằm rạp xuống đất. Nếu bạn hiểu được điều này, bạn sẽ quan tâm nhiều đến nó và không phải dẫm đạp lên nó dưới lòng bàn chân của bạn. Nhưng, nếu bạn cảm nghiệm tâm mình trong trạng thái tĩnh lặng, trong một không gian bình yên, bạn sẽ bắt đầu nhận ra bản chất quan trọng của thân và tiến trình của tâm. Bằng sự cảm nghiệm này bạn sẽ nhìn thấy tính chất luôn thay đổi của sự vật, nó trống rỗng, và vô ngã, dù đó là thân hay tâm.
H: Nhưng nếu chúng ta không tìm kiếm bất cứ điều gì thì Đạo pháp ở đâu?
Đ: Bất cứ nơi nào bạn nhìn thấy đều là Đạo pháp: Nơi công trường xây dựng, con đường đưa bạn xuống phố, trong nhà tắm, hoặc ở nơi đây, tại thiền viện này. Tất cả đều là Đạo pháp. Khi bạn đã hiểu chính xác như thế thì không có gì trên cuộc đời này là không Đạo pháp.
Nhưng, bạn cũng cần hiểu rằng hạnh phúc và bất hạnh, niềm vui và nỗi khổ vẫn luôn đồng hành cùng với bạn. Và khi bạn đã nhìn thấy bản chất thực của những trạng thái đó, thì Phật và Đạo pháp cũng đang có mặt ở đó. Khi bạn đã nhìn xuyên suốt bản chất của mọi sự vật, thì mỗi giây phút bạn trải nghiệm đều là Đạo pháp. Nhưng có một điều là, hầu như mọi người thường phản ứng một cách mù quáng khi họ có được niềm vui, “Ồ, tôi thích cái này, tôi muốn được có nó thêm nữa,” và khi đối mặt với những điều không vui, họ nói, “Hãy xéo đi, tôi không thích cái này, tôi không cần đến nó.” Nếu bạn rộng mở tâm mình để chào đón mọi trạng thái trong lúc trải nghiệm, thì lúc đó Phật và bạn chỉ là một, không sai khác.
Vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn và dễ cảm nhận hơn khi bạn hiểu ra được như thế. Khi niềm vui đến, hãy biết rằng chúng chỉ là trống rỗng. Khi khổ đau đến, hãy hiểu rằng chúng không phải là bạn và không thuộc về của bạn, và mọi thứ sẽ nhanh chóng trôi qua. Nếu bạn không liên quan gì đến mọi hiện tượng và xem nó không phải là của mình, và nghĩ rằng bạn không phải là chủ nhân của nó, thì tâm bạn sẽ được cân bằng. Chính sự cân bằng này là Đạo, là giáo pháp chân thật của chư Phật và sẽ đưa bạn đến với bến bờ của giải thoát. Thông thường, người ta luôn bị cuốn vào trạng thái quá phấn khích- “Tôi có thể đạt được trạng thái này và không biết trạng thái như thế có phải là định hay chưa? Hoặc “Tôi sẽ có được những năng lực gì?” Họ đã hoàn toàn quên đi giáo pháp của Phật và hướng đến một khía cạnh nào đó, điều này thực sự không mang lại cho họ ích lợi gì cả. Phật được tìm thấy trong những sự việc đơn giản nhất ngay trước mắt bạn nếu bạn quyết tâm đi tìm Phật. Và cốt tủy của sự cân bằng là tâm vô chấp.
Khi bắt đầu bước vào thực hành, điều quan trọng là bạn cần phải xác định đúng hướng đi của mình, thay vì bạn cứ đi lòng vòng, và để đi đúng hướng, bạn cần phải tham khảo bản đồ hay nhờ đến một người nào đó đã đi qua để xác định đúng hướng đi của bạn. Con đường để đến với giải thoát, ngay từ buổi đầu đức Phật đã chỉ rõ, đó là Trung đạo; nó nằm giữa hai đối cực; một bên là thỏa mãn lòng tham cầu, và bên kia là tự tiết chế trong khổ hạnh. Tâm bạn cần phải được rộng mở với mọi trải nghiệm để không bị mất cân bằng và rơi vào hai đối cực đó. Chính điều này cho phép bạn nhìn thấy rõ bản chất sự vật mà không cần phải phản ứng hay mê chấp và loại bỏ.
Khi bạn đã hiểu được thế nào là yếu tố của sự cân bằng, từ đó đạo pháp sẽ trở nên đơn giản và rõ ràng hơn. Khi đã có được một cái nhìn sáng suốt thì mọi trạng thái đến đều là niềm vui, và bạn sẽ thấy rằng những trạng thái kia sẽ tồn tại không lâu, chúng hoàn toàn trống rỗng và không có gì là bền vững cả. Và khi đó, những trạng thái không đem lại cho bạn niềm vui sẽ không còn là vấn đề nữa, vì bạn đã thấy rằng bản chất của nó là không bền vững, và đều trống rỗng như nhau. Cuối cùng, khi đi sâu vào con đường đạo pháp, bạn sẽ cảm nhận ra rằng không có gì trên cuộc đời này là giá trị và bền vững lâu dài cả. Cho nên bạn không còn gì để chấp thủ. Mọi thứ đều giống như những cái vỏ chuối khô meo mốc hoặc là những cái vỏ đậu hoàn toàn vô dụng- bạn không còn dùng đến nó nữa và chúng cũng không có gì để thu hút bạn. Khi đã nhìn thấy mọi thứ trên cuộc đời như những cái vỏ chuối thừa thải và không còn giá trị gì đối với bạn, bạn sẽ tự do bước đi mà không bị ngăn ngại trong cuộc đời này, bạn không còn cảm thấy phiền não hoặc khổ đau. Đây là con đường đưa bạn đến với tự do thực sự.
H: Ngài có nghĩ rằng thiền sinh cần phải ngồi thiền lâu, tập trung và nhập thất trong tĩnh lặng?
Đ: Đây là vấn đề cá nhân. Bạn cần phải học cách thực hành trong mọi tình huống, ngay cả ở những nơi chợ búa đông người qua lại hoặc những lúc bạn chỉ có một mình. Tuy nhiên, để bắt đầu, hãy chọn một nơi yên tĩnh sẽ có lợi hơn cho bạn. Đó là lý do vì sao chúng ta tìm đến với cuộc sống ở trong rừng. Bước đầu thực hành, mọi thứ bạn làm cần nên chậm rãi để tâm được chánh niệm. Sau một thời gian, tập giữ tâm chánh niệm trong mọi tình huống.
Một số người hỏi tôi nên dành thời gian sáu tháng hay một năm để thực hành nhiếp tâm tĩnh lặng và tập trung. Vấn đề này không có một nguyên tắc nào cả, cá nhân họ phải tự biết và quyết định. Việc luyện tâm cũng giống như những chiếc xe bò mà dân làng quanh đây thường sử dụng. Nếu người điều khiển xe muốn chở hàng đến thị trấn, anh ta cần phải biết rõ khả năng chuyên chở của xe, sức chịu đựng của bánh và cả con bò kéo nữa. Họ phải biết rõ xe của họ có thể chở được nhiều hay ít? Cũng giống như vậy, người thầy và học trò phải biết được khả năng và mức giới hạn của họ đến đâu. Người học trò đã sẵn sàng để thực hành những bài học hay chưa? Đúng thời điểm hay không? Cần phải biết rõ và nhạy bén trong mọi tình huống; phải nhìn rõ và nhận biết những giới hạn của mình. Đây cũng là sự minh triết.
Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta hai phương thức để thực hành: Giải thoát trong minh triết và giải thoát trong sự tập trung. Những người giải thoát trong sự minh triết, khi nghe pháp, họ liền cảm nhận. Khi tất cả giáo pháp là điều đơn giản để họ cảm nghiệm, và nhìn rõ bản chất của sự vật, họ bắt đầu đi vào thực hành và cảm nghiệm sự vật một cách tự nhiên mà không cần phải nỗ lực và tập trung nhiều. Qua sự cảm nghiệm đơn giản này, cuối cùng, họ sẽ chiến thắng cái bản ngã của chính mình, và khi đó họ nhận thấy không còn gì để buông bỏ và mê chấp nữa.
Một số người khác, vì hoàn cảnh đặc thù của riêng mình, trong thực hành, họ cần phải nỗ lực tập trung nhiều. Họ phải ngồi và ép mình trong kỷ luật một thời gian rất dài. Với những người này, nếu họ biết sử dụng sự tập trung một cách đúng đắn sẽ là phương tiện cơ yếu để họ thâm nhập sâu vào sự sáng suốt của bản tâm. Một khi tâm bạn đã được tập trung, cũng giống như bạn đã học xong trung học- khi đó bạn có thể tiếp tục bước vào học đại học, và bạn có thể học bất cứ chuyên ngành nào bạn muốn. Khi khả năng định trong bạn đủ mạnh mẽ, bạn có thể thâm nhập vào mọi trạng thái của định và cảm nghiệm mọi tình huống của sự minh triết, dựa trên pháp thực hành bạn đã chọn.
Hai phương thức thực hành trên, giải thoát bằng trí tuệ và giải thoát bằng sự tập trung đều bình đẳng như nhau. Bất cứ phương tiện thực hành nào mà không bị kẹt vào sự mê chấp đều đưa chúng ta đến với giải thoát. Thậm chí trong giới luật- như năm giới cấm dành cho cư sĩ, hay mười giới dành cho Sa di, hoặc 227 giới của Tỳ kheo- có thể ứng dụng cho cả hai phương thức thực hành này. Vì đây là những giới hạnh sẽ đem lại cho bạn sự chánh niệm và nhiếp tâm, không giới hạn ở mức độ nào cả. Chẳng hạn, nếu bạn chỉ nghiêm trì tốt một giới căn bản là sự thành thật, và áp dụng giới hạnh này trong mọi hành vi ứng xử và quán chiếu bản tâm, thì giới hạnh đó sẽ đem lại lợi ích cho bạn không có giới hạn. Cũng giống như những phương tiện khác của Pháp, bạn có thể ứng dụng và cũng đạt đến sự giải thoát.
H: Hành pháp thiền thể hiện tình yêu thương và xem đó như một phần trong thực hành có đem lại ích lợi gì không?
Đ: Một số câu tụng được lập đi lập lại trong pháp thiền ban rải lòng yêu thương cũng rất hữu ích cho bạn, nhưng đây chỉ là pháp hành ban đầu. Khi bạn quán sâu vào bản tâm và thực hành đúng những bài thực hành căn bản, bạn sẽ nhận ra rằng tình yêu chân thực là yếu tố rất tự nhiên vốn có của người hành đạo. Khi tự ngã và mọi yếu tố khác của tâm không còn, thì trong bạn sẽ tự khắc sẽ có được một tình yêu sâu sắc và tự nhiên, khác với trò chơi của trẻ con luôn lập đi lập lại một khuôn mẫu, “Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc, nguyên cho tất cả chúng sinh thoát khỏi mọi khổ ách.”
(Trích dịch từ tác phẩm A Still Forest Pool/Tâm Tĩnh Lặng của Jack Kornfield & Paul Breiter).
Tác giả bài viết: Khánh Yên dịch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn