02:42 ICT Thứ hai, 09/09/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Thiền và đời sống

Liên hệ

Thiền sư Tuệ Tĩnh - vị thánh thuốc Nam

Thứ hai - 14/05/2012 14:37
Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận, Thiền sư Tuệ Tĩnh là người khai phá nền y học cổ truyền nước ta. Ông vừa là một cao tăng, vừa là một nho sĩ tài giỏi, lại vừa là một thầy thuốc xuất chúng, Tuệ Tĩnh đã để lại dấu ấn đậm nét của mình trong thế kỷ 14 với hàng trăm bài thuốc dân gian độc đáo và tư tưởng cách tân để gây dựng nền móng cho nền y học Đại Việt ở những bước sơ khai.

 

Xuất thân từ một gia đình bần nông ở Hải Dương, mồ côi cha mẹ từ năm lên 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh sớm đi tu và lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh dưới triều Trần. Vốn là người sáng dạ, chăm chỉ đèn sách, ông đã đỗ kì thi Hương năm 22 tuổi nhưng không làm quan, mà vẫn ở chùa đi tu và chữa bệnh giúp người dân. Nam 45 tuổi, ông thi Đình, đậu Hoàng giáp, sau đó bị bắt đi cống sang Trung Quốc. Ông làm việc ở Thái  Y Viện trong triều đình nhà Minh và trở thành một danh y nổi tiếng với danh hiệu “Đại y Thiền Sư” cho đến khi qua đời nơi đất khách quê người.

Với quan điểm độc lập và chủ động, Thiền sư Tuệ Tĩnh đã đề ra tư tưởng y học: “Nam dược trị Nam nhân”. Theo đó, người Việt nên dùng những vị thuốc từ chính đất Việt chứ không cần phải phụ thuộc vào những vị thuốc Bắc. Những vị thuốc Việt lấy từ đâu? Ông đã viết: Thiên thư dĩ định Nam bang, thổ sản hà thù Bắc quốc (Thiên thư đã định phận nước Nam, thổ sản không khác gì Bắc quốc). Ông cũng đề cao việc phòng bệnh hơn chữa bệnh với phương pháp rèn luyện sức khỏe, trí lực gói gọn trong câu thơ: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần - Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình. Đó chính là phương thức bảo vệ sức khỏe, rèn luyện cơ thể, suy nghĩ thanh sạch, tư tưởng ung dung. Nếu như y học hiện đại định nghĩa khỏe mạnh là “một trạng thái hoàn hảo về thể chất, tinh thần và phúc lợi xã hội” thì danh y Tuệ Tĩnh đã viết nên định nghĩa đó từ hàng trăm năm trước. Qua những trước tác của Thiền sư Tuệ Tĩnh, ta thấy ông là người viết ra quy trình khám bệnh rất phù hợp với phương pháp y học hiện đại. Đó là trình tự tìm nguyên nhân, xác định bệnh lý, kiểm tra tình trạng bệnh lý, kiểm tra tình trạng người bệnh rồi trị bệnh bằng những phương pháp khác nhau như châm, chích, chườm, bóp, xoa… kết hợp cùng uống thuốc.

Với tư tưởng kết tinh giữa Phật học và Y học, Thiền sư Tuệ Tĩnh đã trở thành người đầu tiên chú giải sách Thiền tông khóa hư lục của vua Trần Thái Tông soạn. Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu và viết nên cuốn sách khai mở nền y học cổ truyền của nước ta Dược tính chỉ Nam, liệt kê ra hàng trăm bài thuốc cổ truyền với những dược liệu từ những cây thuốc Nam. Ngoài việc chữa bệnh, ông cũng chú ý đến việc ăn uống bổ dưỡng sao cho không mắc bệnh trong Thập tam phương gia giảm. Đáng tiếc, các tác phẩm của ông hiện tại không còn nguyên vẹn mà đều do người đời sau biên tập lại với tài liệu thu thập trong nhân dân như: Nam dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác tư y thư. Đó là những đóng góp vô cùng to lớn, đặt lên những viên gạch đầu tiên cho nền y học nước nhà.

Một đời đau đáu với sự nghiệp y học cứu nhân độ thế, được nhân dân ngưỡng mộ, được triều đình nhà Minh trọng dụng nhưng Thiền sư Tuệ Tĩnh vẫn một lòng hướng về quê hương. Tương truyền sau này Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho khi đi sứ sang Trung Quốc đã thăm mộ ông ở Giang Nam và thấy trên bia mộ còn ghi dòng chữ: “Ai về phương Nam cho tôi về với”. Mộ chí ông giờ không còn dấu tích nơi đất khách quê người nhưng người dân đất Việt vẫn một lòng kính ngưỡng và trân trọng những đóng góp vô cùng to lớn của ông và tôn xưng ông với danh hiệu: “Vị thánh thuốc Nam”.

Tác giả bài viết: Viết bởi Hoàng Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: vừa là

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Cách tổ chức thông tin trên theo bạn là?

Rất thân thiện

Rất đẹp

Hợp lý

Khó sử dụng

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán