Bác sĩ Andrew Newberg và cộng sự tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã chụp X-quang não bộ của các nhà sư Tây Tạng khi họ ngồi thiền khoảng một tiếng đồng hồ.
Newberg nói: "Tôi cho rằng, chúng ta đang ở giai đoạn thuận lợi nhất để khám phá tôn giáo và các vấn đề tâm linh theo những cách mà trước đó người ta không tưởng tượng ra được". Nói như vậy, Newberg muốn đề cao kỹ thuật chụp tia rơnghen - một kỹ thuật đã giúp việc nghiên cứu não bộ tiến những bước đáng kể trong thời gian gần đây.
Mất cảm nhận về không gian và thời gian
Khi các nhà sư đã chìm sâu vào trạng thái thiền, họ được tiêm vào mạch máu một lượng nhỏ chất phóng xạ màu (dùng để đánh dấu). Các hạt màu này giúp người ta quan sát sự di chuyển của máu lên những khu vực nhất định trong não; qua đó, đánh giá được sự hoạt động mạnh - yếu của những khu vực này.
Sau đó, Newberg đã so sánh các bức ảnh chụp não bộ nhà sư khi thiền với các bức chụp lúc bình thường. Ông rút ra kết luận: Khi thiền, phần não bộ ở thùy thái dương nhà sư hoạt động mạnh hơn. (Vùng não này luôn hoạt động mạnh khi người ta tập trung sự chú ý vào một việc gì đó).
Ngoài ra, Newberg còn quan sát được sự giảm hoạt động ở vùng thùy đỉnh sau não. Thông thường, thùy này chịu trách nhiệm về việc định hướng trong không gian. Có lẽ đây là bằng chứng củng cố giả thuyết cho rằng, hành thiền giúp người ta xa rời cảm nhận về không gian.
Theo Newberg, khi thiền, người ta thường xuyên cảm thấy không có không gian và thời gian. Điều này cũng khá trùng lặp với những lời kể thường nghe về các trải nghiệm tâm linh.
Cũng theo Newberg, khi người ta đã có trải nghiệm về những cảnh giới lạ, họ có thể hiểu được thực tại rộng lớn hơn và rõ ràng hơn người khác. Ông nói: "Khi những cảm nhận của họ về về thế giới tâm linh đã trở nên mạnh mẽ và rõ ràng, thì thậm chí họ còn nhận biết thế giới này chính xác hơn tư duy khoa học của chúng ta".
Tác giả bài viết: Minh Huy theo BBC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn