- Đón đoàn Phật tử từ Sài Gòn ra sân bay Phú Bài, sư Thích Tuệ Tâm dẫn chúng tôi về ngay xã Quảng Thành và Hương Phong là 2 xã bị lũ lụt nặng trong tháng vừa qua. Trên đường đi nước đang còn mênh mông hai bên đường, những bãi cồn nhấp nhô như đang bơi trong sóng bạc đủ biết trận lụt vừa qua lớn như thế nào.
Trời tiếp tục mưa, chúng tôi đến trụ sở UBND xã Quảng Thành rồi qua xã Hương Phong, chiếc xe cứu trợ đang bốc gạo lên hiên nhà, còn nhân dân hồ hởi xúm quanh đoàn.
Sư Thích Tuệ Tâm giới thiệu: “Phật tử chùa Giác Lâm bên Philadelphia nghe tin chúng ta bị lụt nặng đã gửi quà về. Thầy Thích Thiện Tâm và cô Chân Đăng như đã hẹn, sáng nay bay từ Sài Gòn, đem quà ra cho bà con đây”. Nhân dân vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Thầy Thiện Tâm và cô Chân Đăng xuất hiện chắp tay, chào bà con. Sư Tuệ Tâm nói tiếp: “Hôm nay, đoàn mang quà cứu trợ giúp cho 200 bà con tại Hương Phong và Quảng Thành. Mỗi phần quà gồm 10 kg gạo, 200.000 đồng và một gói thuốc cảm cúm”.
Các thôn trong xã đã xác nhận những gia đình vừa qua gặp nhiều khó khăn trong lũ lụt. Xã đã có giấy mời từng hộ hôm nay lên để nhận cứu trợ. Cán bộ xã gọi đến tên gia đình nào thì người của gia đình ấy lên trình giấy và được đoàn tài trợ chia từng phần quà cho gia đình. Nhận gạo, nhận tiền nhận thuốc, người nào cũng hồ hởi.
Ngồi bên mấy ông nông dân, tôi hỏi:
- Vụ lụt này gia đình các ông có thiệt hại nhiều không?
Một ông đáp:
- Rất đau vì Hương Phong tôi có 4 người chết vì lụt. Thiệt hại ấy không có gì bù lại được. Lúng túng không thể lường được là cứ một trăm hộ thì nhà của 60 hộ bị ngập nước. Giá có bão nữa thì sẽ không biết khốn khổ nhường nào.
Một ông khác nói:
- Rất may là dân xã tôi đã cấy giống lúa mới ngắn ngày nên vừa gặt xong thì lụt ập đến. Khổ tâm nhất là lúa đã gặt về nhà, song không có nắng để phơi nên lúa nhà tôi hạt không bị mọc mầm thì gạo thối đen thui. Cầm hạt lúa trong tay rồi mà nhìn thấy nó hỏng, mình không làm gì được thật đau lòng không tả nổi.
Đang chuyện say sưa thì các ông nghe tên gọi thành ra câu chuyện đành bỏ nửa chừng.
Nhìn bà con lên nhận quà, người thì ôm gạo trước bụng, người vác trên vai, người đặt lên xe đạp, xe máy, cổng ủy ban đúng lúc ngớt mưa càng thêm rộn ràng. Sự bất thường của thời tiết làm bà con nông dân mình vất vả biết bao. Còn những người con của Phật đặt bao gạo, đặt phong bì tiền vào tay những người thất cơ lỡ vận, ánh mắt đầy hân hoan như tìm thấy niềm vui của mình.
Như tôi được biết, hội “Bàn tay nhân ái” của Ban từ thiện Phật giáo tỉnh, từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 11 đã nhiều lần cùng các tổ chức từ thiện trong nước tặng quà cho bà con vùng ngập lũ với số tiền quà trị giá tới 150 triệu đồng. Như tại khu định cư Đồng Miêu, đã nhận 300 phần quà, mỗi phần trị giá 185.000 đồng, tại các thôn Mai Lâu, Phước Lân, Phước Lý nhận quà trị giá 300.000 đồng. Mỗi phần quà tặng gồm gạo, mì ăn liền, xì dầu, khăn mặt và tiền, rất thiết thực đối với bà con vùng lũ lụt.
Lo toan cho cộng đồng là niềm ưu ái rất xúc động của tổ chức từ thiện Phật giáo. Như chuyến đi cứu trợ này là tấm lòng của những Phật tử từ bên nước Mỹ xa xôi, nhưng tình quê hương của bà con đọng mãi trong tâm thức của chúng ta.
Trên xe từ Quảng Thành, Hương Phong trở lại Huế, nhà sư Thích Tuệ Tâm cho biết thêm:
- Vào ngày thứ 7, mồng 3 tháng 12, Hội từ thiện của Phật giáo còn tổ chức một cuộc cứu trợ cho 300 bà con gặp khó khăn trong lũ lụt ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền. Mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng cũng gồm gạo, tiền và cả áo quần nữa.
Thầy Thiện Tâm cười, nói với tôi và cũng là nói với mọi người trong xe:
- Được chia sẻ với bà con vất vả, gian truân là hạnh phúc của những người Phật giáo chúng tôi, anh ạ.
Đi về vùng lũ lụt, thấy bà con nông dân mình còn biết bao vất vả. Nhưng được đi với các người con của Phật, tôi cảm nhận biết bao tình người. Cái tình ấy sâu nặng biết bao trong tình cảm của người Việt chúng ta. Đó cũng chính là một nét văn hóa Việt.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quang Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn