BA LA MẬT 波 羅 蜜
Artocarpus Heterophyllus Lamk.
-Xuất xứ : Bản Thảo Cương Mục.
-Tên khác : Nãng già kết ( Bản Thảo Cương Mục), Ngư đởm tử thảo (Trung Quốc Cao Đẳng Thực Vật Đồ Giám), Thiên bà la, Vưu chu huyện ( Trung Quốc Thụ Mộc Phân Loại Học), Thụ bà la ( Quảng Châu Thực VậtChí).
-Tên khoa học : Artocarpus Heterophyllus Lamk.
-Họ khoa học : Dâu Tằm (Moraceae).
-Mô Tả : loại cây to, cao có thể đến 30m, với cành non rất nhiều lông ở ngọn. Lá đơn, nguyên, dầy, dài 9-22cm, rộng 4-9cm, cuống 1-1,5cm. Hoa tự cái mọc ngay trên thân hoặc trên cành, dài 5-8cm, dầy 2-5cm. Hoa tự đực hình chùy. Quả phức to, dài 30-60cm, mặt tua tủa gai ngắn. Khi chín vỏ vẫn giữ mầu xanh lục hoặc hơi ngả vàng. Thịt quả chín, mầu vàng nhạt, vị ngọt, rất thơm, nhiều hạt.
-Thành phần hoá học : Trong toàn cây và lá, có chất nhựa mủ mầu trắng, khô, rất dính. Trong múi mít khô có 11-15% đường ( Fructoza và Glucoza), một ít tinh dầu thơm, 1,60% Protid, 1-2% muối khoáng bao gồm Calci (18mg%), Phospho (25mg%), Sắt (0,4mg%), Caroten (0,4mg%), Vitamin B2 (0,04mg%), Vitamin C (4mg%). Lá mít có chứa chất Cycloheterophyllin. Trong hạt mít có 70% tinh bột, 5,2% Protid, 0,62% chất béo, 1,4% muối khoáng. Ngoài ra, trong hạt mít có chất men ức chế men tiêu hóa trong ruột, vì vậy, ăn hạt mít dễ bị đầy hơi, trung tiện.
-Tính vị:
+Vị ngọt, thơm, hơi chua, tính bình, không độc (Bản Thảo Cương Mục).
+Vị ngọt, khí thơm, không độc ( Nam Dược Thần Hiệu).
+Vị ngọt, khí thơm, không độc ( Dược Phẩm Vậng Yếu).
+Hạt mít, vị ngọt, hơi chua, tính bình, không độc ( Bản Thảo Cương Mục).
+Nhựa mít vị nhạt, sáp (Quảng Tây Trung Thảo Dược).
-Tác dụng, Chủ trị :
+Chỉ khát, giải phiền, giải độc rượu (tỉnh rượu), ích khí ( Bản Thảo Cương Mục).
+Chỉ khát, ích khí, trừ phiền, giải say rượu, ăn nhẹ mình, no bụng, đẹp da mặt (Nam Dược Thần Hiệu).
+Chỉ khát, ích khí, trừ phiền, giải rượu,ăn vào cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng (Dược Phẩm Vậng Yếu).
+ Sinh tân, chỉ khát, vận tiêu hóa ( Quảng Tây Dược Thực Danh Lục).
+Lá mít trị lở loét ( Quảng Tây Dược Thực Danh Lục).
+Lá mít giã nát, chưng, đắp vào vết thương bị chém ( Trung Quốc thụ mộc phân loại học).
+Nhựa mít có tác dụng tán kết, tiêu thủng, chỉ thống. Đắp bên ngoài trị mụn nhọt sưng đỏ, hoặc mụn nhọt sưng nổi hạch (Quảng Tây Trung Thảo Dược).
+Chất rút từ vỏ cây mít dùng để trị lở loét ( Trung Quốc Thụ Mộc Phân Loại Học).
+Hạt mít có tác dụng bổ trung ích khí ( Bản Thảo Cương Mục).
+Hạt mít có tác dụng ích khí, thông sữa, trị sinh xong ít sữa hoặc sữa không thông
( Trung Dược Đại Từ Điển).
+Hạt mít trị khí suy, thông sữa ( Lục Xuyên Bản Thảo).
-Tham khảo : “Ăn nhiều hạt mít nấu chín làm đầy hơi, lâu đói và hay trung tiện” (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn