BẠCH ANH 白 英
Solanum lyratum Thunb.
-Tên khác : Bạch thảo, Cốc thái (Biệt Lục), Bạch mạc, Bài phong phủ, Tứ danh quỷ mục ( Bản Thảo Cương Mục), Bạch mao đằng, Thục dương tuyền ( Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu), Cây dây toàn, Già căn ( Việt Nam ).
-Tên khoa học : Solanum lyratum Thunb.
-Họ khoa học : Solanaceae.
-Mô Tả : Loại cây leo, cành có nhiều lông, thân hóa gỗ nhưng các cành non vãn ở dạng thảo. Lá mọc cách, có lông. Lá ở gốc thì đơn nguyên, lá ở ngọn thì chia làm 3 thùy không đều. Hoa nhiều, họp thành xim, phân nhánh nhiều. Đài hình phễu, xẻ đến phần giữa thành 5 htùy hình trái xoan tù. Tràng dài gấp 3 lần đài, mầu trắng hoặc tím. Bao phấn dính thành ống bao quanh nhụy, mở bằng lỗ ở đỉnh. Quả mọng, hình càu hoặc trứng, mầu đỏ, hạt nhẵn.
Phân biệt: Ở sapa còn có cây Solanum dulcamera var sinensis Dun cũng dùng tương tự.
Phần dùng làm thuốc: Lá, hạt dây (Dùng toàn cây)
-Bào chế : mùa xuân hái lá, mùa hè cắt cành, mùa thu hái hoa, mùa đông đào lấy rễ. Lấy hột giữa tháng 10, phơi trong râm cho khô.
-Tính vị :
+Vị ngọt, tính lạnh, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+Vị ngọt, hơi đắng, tính lạnh, ít độc (Trung Dược Học).
-Tác dụng, Chủ trị :
+ Bổ trung, ích khí. Trị hàn nhiệt gây nên vàng da, tiêu khát, uống vao cơ thể nhẹ nhàng, sống lâu (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị cảm , họng sưng đau, gan viêm thể vàng da, túi mật viêm, gan xơ thời kỳ đầu , ung nhọt, sưng do ung thư ( Trung Dược Học).
+ Thanh nhiệt, giải độc, khứ phong, lợi thấp ( Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
-Liều dùng :
+ Uống trong : 20 - 40g.
+ Dùng ngoài : Dùng tươi giã nát, đắp nơi đau hoặc sắc lấy nước rửa.
-Đơn thuốc kinh nghiệm :
+ Trị lao hạch cổ : Bạch anh 30g, Hạ khô thảo 10g, Bách bộ 10g. Sắc uống ( Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
+ Trị kết mạc viêm cấp : Bạch anh quả 30g, Bạch anh rễ 10g, Cúc hoa 16g. Sắc uống ( Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
+ Trị tai giữa viêm : Bạch anh, dùng lá tươi, giã nát, ép lấy nước, nhỏ vào tai 2-3 giọt, ngày 3-4 lần ( Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
+ Trị tử cung lở loét : Bạch anh 30g, Đại táo 10 trái. Sắc uống ( Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
+ Trị thực quản bị lở loét : Bạch anh 30g, Long quỳ 20g, Xà độc 16g, Bạch hoa xà thiệt thảo 30g. Sắc uống như uống nước trà ( Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
+ Trị cổ tử cung lở loét, âm đạo viêm, tuyến vú viêm ( vú sưng) : Bạch anh tươi 60g, sắc uống ( Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
+ Trị thấp khớp : Bạch anh, Uy linh tiên đều 30g. Sắc uống ( Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương).
Tham khảo:
Cây bạch anh cho lá gọi là Bạch anh diệp có vị ngọt. tính mát. không độc. trị bệnh lao. Cho hạt gọi là Bạch anh tử có vị chua, bình, không độc. trị sáng mắt. Cho dây gọi là Bạch anh đằng. có vị ngọt. tính lạnh. có tác dụng bổ trung ích khí, trị được nóng lạnh. sốt rét, nóng bứt rứt, phong chẩn, đơn độc, làm thuốc lọc máu bệnh ở ngoài da, thấp khớp bằng cách sắc hoặc ngâm rượu uống, bệnh ngoài da giã nát đắp ngoài.
Ngộ độc: có một ít người dùng vào nôn mửa, tiêu chảy, khi dùng nên thận trọng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn