DƯ CAM TỬ 余 甘 子
Phyllathus emblica L.
Tên Việt Nam: Me rừng, Chùm ruột núi. Mác kham (thổ).
Tên khác: Dư cam tử, Vọng quả (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Phyllathus emblica L.
Họ khoa học: Euphorbiaceae.
Tên gọi: Vì quả chín có màu trắng vàng, vị ngọt chua có thể ăn được, ban đầu ăn vào thấy chua chát, sau có vị ngọt, nên gọi là Dư cam tử (Dư: Phần còn lại, Cam: cam. Tử: Trái).
Mô tả: Cây nhỏ cao 5-7m, phân cành nhiều, cành nhỏ mềm. Lá hình trái xoan tù, xếp thành 2 dẫy trên các cành nhỏ, trông giống như 1 lá kép lông chim, cuống lá rất ngắn. Lá kèm rất nhỏ, hình tam giác. Cây đơn tính cùng gốc. Cụm hoa thành xim có mọc ở nách nằm ở phía dưới cành, gồm nhiều hoa đực và vài hoa cái. Hoa đực có cuống ngắn đài 6, hình bầu dục ngược, màu hồng nhạt không có đĩa mật, nhị 3, dính nhau, ngắn hơn đài. Hoa cái có cuống ngắn hơn hoa đực nhiều, đài 6 gần giống ở hoa đực nhưng dầy hơn, đĩa mật hình đấu, các vòi nhụy dính nhau ở gốc, phần trên xẻ hai lần, bầu 3 ô, mỗi ô chứa hai noãn. Quả hình cầu trước mọng sau khô thành quả nang. Hạt hình 3 cạnh, màu hồng nhạt. Ra hoa từ tháng 3-11.
Địa lý: Cây mọc hoang nhiều trên các đồi trọc, các bãi hoang trong các rừng thưa ở Việt Nam. Cây thích ánh nắng, chịu được khô hạn.
Thu hái, sơ chế: Thu hái quanh năm, rửa sạch, chưng rễ cho mềm xắt lát phơi nắng cất dùng. Còn quả thu hái vào mùa thu luộc qua, hoặc dùng nước muối ngâm rồi phơi nắng cất dùng.
Phần dùng làm quả: Rễ, quả.
Tính vị: Quả có vị chua ngọt, đắng tính lạnh. Rễ có vị đắng chát, tính mát.
Tác dụng: Quả có tác dụng nhuận phế hóa đàm, sinh tân chỉ khát. Rễ có tác dụng thu liễm, giảm huyết áp.
Chủ trị:
. Cảm mạo phát sốt, ho, đau yết hầu, miệng khô khát nước bứt rứt, thiếu Vitamin C. Mỗi lần dùng quả tươi (có lượng Vitamin C cao) 10-30 trái sắc uống.
. Viêm ruột, tiêu chảy, huyết áp cao, mỗi lần dùng rễ 5-8 chỉ sắc uống.
. Chàm, viêm da, dùng lá sắc lấy nước rửa.
. Trị nước ăn chân, dùng quả giã lấy nước bôi vào.
. Dùng vỏ cây giã thêm với nước uống, lấy bã đắp ngoài.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn