DƯƠNG ĐỀ THẢO 羊 蹄 草
Emilia sonchifolia (L) DC.
Tên Việt Nam: Rau má lá rau muống, Cỏ huy, Rau chua lè, Hoa mặt trời, Rau má tía, Tam tóc, Tiết gà.
Tên khác: Nhất điểm hồng, Diệp hạ hồng, Dã giới lan (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Emilia sonchifolia (L) DC (Cacalia sonchifolia L., Gynura ecalyculata DC.)
Họ khoa học: Asteraceae.
Mô tả: Cây thảo sống hàng năm, thân cao 0,3-0,40m, mọc đứng, phân cành nhẵn, lá nhẵn hay hơi có lông, màu xanh hoặc tím tía. Những lá ở dưới đơn, có phiến hình tròn hay hình trứng. Các lá tiếp theo chia lông chim, thùy tận cùng hình bầu dục tam giác nhọn, mọc đối nhau trên 1 cuống giả mảnh, thuôn. Những lá phía trên không cuống, hình tam giác dài, có răng nhỏ có tai ở gốc. Cụm hoa thưa, gồm các đầu hình trụ. Tổng bao một hàng, có 8-9 lá bắc hình chỉ, nhọn, có mép khô. Hoa màu hồng hay tím, toàn lưỡng tính. Mào lông có lông tơ nhiều, mềm và mảnh. Tràng hình ống 5 thùy. Nhị 5, bao phấn có tai cụt. Bầu hình trụ thoi có 5 cạnh có gai gắn hình trụ, có một chùm lông trắng.
Địa lý: Cây mọc hoang ở khắp những bãi hoang, dọc bờ ruộng, hàng rào ven đường.
Thu hái, sơ chế: Thu hái quanh năm, rửa sạch, phơi khô dùng.
Phần dùng làm thuốc: Phần trên mặt đất. (cành, hoa, lá).
Tính vị,: Vị đắng, tính mát.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu.
Chủ trị:
+ Trị cảm mạo phát sốt, sưng đau họng, thanh quản, miệng lở loét, nhiễm trùng vết thương, đinh nhọt, sưng lở, thấp chẩn ngoài da, chấn thương do té ngã, bị đánh đập, viêm ruột, kiết lỵ, nhiễm trùng đường tiểu, rắn cắn.
Liều lượng: Mỗi lần dùng tươi từ 12-24g, dùng khô 30g sắc uống. Đắp ngoài dùng tươi giã nát, đắp nơi đau, có tác dụng hút mủ rất tốt. Trường hợp thấp chẩn ngoài da, sắc nước để rửa.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị viêm đường tiết niệu, đái đỏ buốt dùng Dương đề thảo 80-160g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Trị cảm sốt cao, miệng lưỡi lở loét, ngoài da sưng lở nổi mẩn, viêm ruột, kiết lỵ dùng 50-100gr sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn