02:21 ICT Thứ năm, 19/09/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc » Vần N

Liên hệ

NGÔ THÙ DU 吳 茱 萸

Thứ ba - 08/03/2011 08:23
Cây cao chừng 2,5-5m. Cành màu nâu hay tím nâu, khi còn non có mang lông mềm dài, khi già lông rụng đi, trên mặt cành có nhiều bì khổng.

NGÔ THÙ DU    吳  茱 萸

Evodia rutaecarpa (Juss) Benth.

Xuất xứ : Bản Kinh.

Tên khác : Thực thù du (Tân Tu Bản Thảo), Đảng tử (Bản ThảoThập Di), Ngô du (Thảo Mộc Tiện Phương), Trà lạt (Quảng Đông Trung Thảo Dược),Tất lạt tử (Thiểm Tây trung Thảo Dược), Khúc dược tử (Hồ Bắc trung Thảo Dược).

Tên khoa học : Evodia rutaecarpa (Juss) Benth.

Họ khoa học : Cam (Rutaceae).

Mô tả : Cây cao chừng 2,5-5m. Cành màu nâu hay tím nâu, khi còn non có mang lông mềm dài, khi già lông rụng đi, trên mặt cành có nhiều bì khổng. Lá mọc đối, kép lông chim lẻ. Cả cuống và lá dài độ 15-35cm, hai đến 5 đôi lá chét có cuống ngắn. Trên cuống lá và cuống lá chét có mang lông mềm. Lá chét dài 5- 15cm, rộng 2,5-5cm, đầu lá chét nhọn, dài, mép nguyên, 2 mặt có lông màu nâu mịn, mặt dưới nhiều hơn, soi lên ánh sáng sẽ thấy những điểm tinh dầu. Hoa đơn tính khác gốc, đa số những hoa nhỏ tụ thành từng tán hay đặc biệt thành chùm. Cuống hoa trông to thô có nhiều lông, màu nâu mềm. Hoa màu vàng trắng, hoa cái lớn hơn hoa đực. Nhập của Trung Quốc.

Địa lý : Mọc ở một số vùng cao phía Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Lạng Sơn. Thường phải nhập.

Thu hái, Sơ chế : Vào tháng 9-10, lúc quả còn đang xanh hoặc hơi vàng xanh, chưa tách ra thì hái lấy, phơi khô hoặc sấy khô.

Bộ phận dùng : Quả chín phơi khô.

Bào chế :

+ Nấu nước sôi tẩy 7 lần để lại vị đắng nồng. Sấy khô dùng (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Chích Ngô thù du: Dùng Cam thảo sắc lấy nước, bỏ bã, cho Ngô thù vào, tẩm, sao qua cho khô (Mỗi 100 cân Ngô thù, dùng Cam thảo 6 cân 4 lạng) (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Theo kinh nghiệm Việt Nam: Lấy nước đun sôi để ấm (60 -70o) đổ vào ngô thù quấy nhẹ cho đến nguội. Bỏ nước nguội đi. Làm lại như trên 2- 3 lần (thuỷ bào). Sấy khô, giã dập (dùng sống) (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Bảo quản: để nơi khô ráo, khó mốc mọt, nhưng đậy kín để giữ hương vị.

Thành phần hóa học :

+ Evoden, Ocimene, Evodin, Evodol, Gushuynic acid, Evodiamine, Rutaecarpine, Wuchuyine, Hydroxyevodiamine, Evocarpine, Isoevodiamine, Evodione, Evogin, Rutaevin (Trung Dược Học).

+ Trong Ngô thù có trên 0,4% tinh dầu. Trong tinh dầu có Evoden C11H16, Evodin hoặc Obakulacton C26H30O8, Oximen O10H10 và3 alcaloid: Evodiamin C19H17N3O, Rutaecacpin C18H18N3O và Wuchuyin C13H13N3O (J. Amer, Pharm. Ass 1933, 22 : 716).

Tác dụng dược lý :

+ Tác dụng kháng khuẩn : Năng suất sắc Ngô thù du có tác dụng ức chế mạnh in vitro đối với Vibrio cholerae, 1 số bệnh ngoài da và nhiều ký sinh trùng kể cả giun đũa và Hirudo (Trung Dược Học).

+ Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Ngô thù du Nhật Bản có tác dụng giảm đau. Thí nghiệm ở Trung Quốc chích dịch chiết Ngô thù du vào tĩnh mạch cho thấy có tác dụng giảm đau  giống chất antipyrin (Trung Dược Học).

+ Tác dụng trên cơ mềm:Chất utamine, trích ly từ Rutaecarpine có  tác dụng kích thích mạnh trên tử cung (Trung Dược Học).

+ Điều trị huyết áp cao: Bột Ngô thù du trộn với Dấm dán vào lòng bàn chân để trị huyết áp cao có hiệu qủa tốt. Huyết áp thường hạ trong vòng 12-24 giờ (Trung Dược Học).

+ Điều trị rối loạn vị trường (dạ dày với ruột): Dùng bột Ngô thù du trộn với Dấm đắp vào rốn, trị 20 ca bị chứng đầy trướng. Phương pháp  này cũng dùng trị chứng bụng nóng (Trung Dược Học).

+ Điều trị bệnh ngoài da: Dùng nước  sắc Ngô thù du trị 84 ca bị eczema hoặc  viêm da thần kinh có hiệu quả (Trung Dược Học).

+ Điều trị tai - mũi - họng: Dùng bột Ngô thù du bôi vào huyệt Dũng Tuyền  (lòng bàn chân)có hiệu quả tốt để trị trẻ nhỏ miệng lở (đẹn ). Hầu hết đều có kết qủa trong 1 ngày (Trung Dược Học).

+ Tác dụng điều hòa nhiệt độ: dịch chiết chất Isoevodiamine làm hơi tăng nhiệt độ ở thỏ khi cho ăn rau sống (Trung Dược Học).

+ Chống nôn: Nước sắc Ngô thù du có tác dụng chống nôn mửa. Nếu dùng phối hợp với Gừng sống lại càng mạnh hơn (Nhật Bản Dược Lý Học TạpChí 1953, 49 (3) : 73).

+ Co bóp tử cung: Rutamin trong Ngô thù có tác dụng co bóp tử cung (Tăng Quảng Phương, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1936, 22 (6) : 397).

+ Kháng khuẩn: Ngô thù có tácdụng ức chế sinh trưởng một loại vi khuẩn ngoài da (Trịnh Vũ Phi – Trung Hoa Y Học tạp Chí 1952, 38 (4) : 315).

Độc tính:

+ Lượng lớn Ngô thù du - tác dụng kích thích thần kinh trung ương và có thể dẫn đến rối lọan thị giác, gây nên ảo giác. Độc tính của Evoxine rất thấp, liều chích tĩnh mạch gây chết (LD50) ở chuột nhắt là 135g/kg (Trung Dược Học).

Tính vị :

+ Vị cay, tính ôn (Bản Kinh).

+ Rất nhiệt, có ít độc (Danh Y Biệt Lục).

+ Vị đắng, cay, rất nhiệ, có độc (Dược Tính Luận).

+ Vị cay, đắng, tính ôn, có độc (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Vị cay, đắng, tính nhiệt, có độc (Trung Dược Học).

Quy kinh :

+ Vào kinh túc Thái âm Tỳ, túc Thiếu âm Thận, túc Quyết âm Can (Thang Dịch Bản Thảo).

+ Vào kinh Can, Tỳ, Vị, Đại trường, Thận (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Vào kinh can, Vị (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Vào kinh Vị, Tỳ, Can, Thận (Trung Dược Học).

Tác dụng :

+ Ôn trung, chỉ thống, hạ khí, trục phong tà, khai tấu lý (Bản Kinh).

+ Kiện tỳ, thông quan tiết (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Khai uất, hóa trệ (Bản Thảo Cương Mục).

+ Ôn trung, chỉ thống, lý khí, táo thấp (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Khứ hàn, chỉ thống, chỉ ẩu, giáng nghịch, ôn tỳ, chỉ tả, khứ đờm thấp (Trung Dược Học).

Chủ trị :

+ Trị nôn nghịch, nuốt chua, đầu đau do quyết âm bệnh, tạng hàn, nôn mửa, ti6eu chảy, bụng trướng đau, cước khí, sán khí, miệng lở loét, răng đau, thấp chẩn, thủy đậu (Trung Dược Đại Từ Điển).

Kiêng kỵ :

+ Âm hư, có triệu chứng nhiệt: không dùng (Trung Dược Học).

Liều dùng :

Đơn thuốc kinh nghiệm :

+ Trị nôn do hàn khí nghịch lên: Ngô thù du 5g, Đảng sâm 10g, Đại táo 10g, Sinh khương 20g. Sắc uống ấm (Ngô Thù Du Thang – Thương Hàn Luận).

+ Trị các chứng đau do hàn như đau đầu, đau bụng, cước khí: Ngô thù du 5g, Đảng sâm 10g, Đại táo 10g, Sinh khương 20g. Sắc uống ấm (Ngô Thù Du Thang – Thương Hàn Luận).

+ Trị dạ dày đau, bụng đau kèm đau ngực sườn, nôn, ợ chua, miệng đắng: Hoàng liên (tẩm nước Gừng, sao) 6 phần, Ngô thù du (ngâm nước muối) 1 phần. Sấy khô, tán bột, làm viên. Mỗi lần uống 3-6g (Tả Kim Hoàn – Đan Khê Tâm Pháp).

+ Trị bụng đầy, đau do hàn: Ngô thù du 6g, Binh lang, Mộc qua đều 10g. Sắc uống ấm (Ngô Thù Du Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị bụng đau quặn từng cơn: Ngô thù 4g, Tiểu hồi 3g, Mộc hương 5g, Xuyên luyện tử 10g. Sắc uống ấm (Đạo Khí Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị miệng lở loét: Ngô thù, tán nhuyễn, thêm dấm vừa đủ, trộn đều cho sền sệt, đắp vào huyệt Dũng tuyền ở lòng bàn chân. 24 giờ sau, lấy ra. Trị 256 ca, khỏi 247, đạt tỉ lệ 96,48% (Lý Minh Khởi – Sơn Đông Y Học Tạp Chí 1965, 3 : 23).

+ Trị chàm (thấp chẩn): Ngô thù du (sao) 40g, Mai mực 30g, Lưu hoàng 8g. Tán bột mịn. Chàm ướt, dùng bột khô bôi, Chàm khô, trộn thuốc bột với dầu Thầu dầu hoặc dầu Mù u, bôi ngày 2 ngày một lần, bôi xong, dùng vải bọc lại. Đã trị 1100 ca, kết quả trên 95% (Báo cáo của Bệnh viện nhân dân Hình Đài Trung Quốc - Trung Thảo Dược Học Báo 1971, 3 : 46).

+ Trị bìu dái chảy nước lở ngứa: Ngô thù du, nấu lấy nước, rửa (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Tham khảo :  

+ Ngô thù du là chủ dược của Quyết âm Can kinh, có thể ôn tán hàn tà ở kinh Can, thư Can, lợi khí, hoà trung, chỉ ẩu, tán hàn, táo thấp mà trợ Tỳ, Thận dương. Không chỉ trị bệnh ở Can mà còn trị bệnh ở Tỳ Thận nữa.

+ Ngô thù du trị Can hàn phạm Vị gây ra nôn chua; Sinh khương trị Tỳ Vị hàn ẩm nghịch lên trên gây ra nôn ra nước trong; Hoàng liên trị thấp nhiệt ở Vị gây nên nôn ra đắng. Ba vị này có chỗ khác nhau như vậy (Thực Dụng Trung Y Học).

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về giao diện của website http://www.tuetinhlienhoa.com.vn?

Đẹp, duy trì giao diện như vậy

Bình thường, cần điều chỉnh

Xấu, cần thay đổi ngay

Ý kiến khác (xin gửi về email: support@tuetinhlienhoa.com.vn)

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán