09:47 ICT Chủ nhật, 08/09/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc » Vần N

Liên hệ

NGŨ GIA BÌ 五 加 皮

Thứ ba - 08/03/2011 08:22
Cây cao chừng 2-3m nhiều gai. Lá mọc so le, có từ 3-5 lá chét, phiến lá chét hình bầu dục hay hơi thuôn dài, phía cuống hơi thót lại, đầu nhọn, mỏng, mép có răng cưa to,

NGŨ GIA BÌ   五 加  皮

Acanthopanax aculeatus Seem.

Xuất xứ : Bản Kinh.

Tên khác : Nam ngũ gia bì (Khoa Học Đích Dân Gian Thảo Dược), Ngũ Dung bì (Triết Giang Dân Gian Thường Dụng Thảo Dược), Hồng ngũ gia bì (Ngạc Tây Thảo Dược danh Lục).

Tên khoa học : Acanthopanax aculeatus Seem.

Họ khoa học : Ngũ gia bì (Arsliaceae).

Mô Tả : Cây cao chừng 2-3m nhiều gai. Lá mọc so le, có từ 3-5 lá chét, phiến lá chét hình bầu dục hay hơi thuôn dài, phía cuống hơi thót lại, đầu nhọn, mỏng, mép có răng cưa to, cuống lá dài 4-7cm. Hoa mọc khác gốc, thành hình tán ở đầu cành. Hoa nhỏ có màu vàng xanh. Quả mọng hình cầu khi chín có màu đen, đường kính độ 2,5mm.

Địa lý : Mọc hoang ở những vùng khí hậu mát như Hoàng Liên Sơn, vùng cao Hà Sơn Bình, Cao Lạng.

Bộ phận dùng : Vỏ rễ. Vỏ ngoài sắc vàng, trong thì trắng ngà, khô, mùi thơm nhẹ, không lẫn tạp chất, không có lõi là tốt. Ngoài ra ta còn dùng:

+ Một loại gọi là Ngũ gia bì hương.

+ Một loại gọi là Ngũ gia bì chân chim. Cây chân chim này có hai thứ: thứ mọc ở núi đá, cây nhỡ, vỏ tía, thơm, có tác dụng tốt; thứ mọc ở núi đất, vỏ dày, xốp, tác dụng kém hơn. Hai cây này thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) có thể tạm dùng thay Ngũ gia bì.

Mô tả dược liệu: Vị thuốc thường là những cuộn ống nhỏ, dài ngắn không đều, dầy chừng 1mm, vỏ ngoài mầu vàng, nâu nhạt, hơi bóng, có những nếp nhăn, bì khổng dài, mặt trong mầu xắm trắng, dai, mặt phẳng, có những điểm vàng nâu. Mùi không rõ.

Thu hái, Sơ chế : Thường đào cây vào mùa hạ hoặc mùa thu. Lấy rễ, bỏ gỗ, lấy vỏ, phơi khô.

Bào chế :

Theo Trung Y: Lấy vỏ rễ ngũ gia bì khô rửa sạch, ủ mềm, thái lát, tẩm rượu hoặc tẩm

nước gừng (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Vỏ lột về rửa sạch, cạo bỏ vỏ thô ở ngoài, phơi râm, ủ lá chuối 7 ngày (thỉnh thoảng đảo cho đều) để dậy mùi thơm, rồi lấy ra phơi nhẹ cho khô. Khi dùng thì lại rửa qua nếu bẩn, thái ngắn. Sấy nhẹ cho khô, không phải tẩm sao (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

+ Bóc vỏ, rửa sạch, phơi khô trong râm. Dùng sống hoặc rửa rượu rồi sao (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Bảo quản : Dễ mốc, để chỗ mát, tránh nóng ẩm, mất tinh dầu.

Thành phần hóa học :

. Syringin, Eleutheroside B1, Sesamin, 16 Anpha-hydroxy-kauran-16-en-19-oic acid (Hướng Nhân Đức 1983, 25 (4) : 356).

. Ent-kauran-16-en-19-oic acid  (Tống Học Hoa, Trung Quốc Dược Khoa Ddaị Học  Học Báo 1987, 18 (3) : 203).

. Beta sitosterol, Beta sitosterol glucoside, Stearic acid (Hướng Nhân Đức 1983, 25 (4) : 356).

. Palmitic acid, Linoleic acid (Trung Quốc Y Học Khoa Học Viện Dược Vật Nghiên Cứu Sở – Trung Thảo Dược Hữu Hiệu Thành Phần Đích Nghiên Cứu 1972, 382).

Tác dụng dược lý :

+ Có tác dụng trị mệt mỏi tốt hơn Nhân sâm. Tăng sức chịu đựng đối với thiếu oxy, nhiệt độ cao, điều tiết rối loạn nội tiết, điều tiết hồng cầu, bạch cầu và huyết áp, chống phóng xạ, giải độc. Ngũ gia bì có tác dụng chống lão suy, tăng thể lực và trí nhớ, tăng chức năng tuyến tình dục và quá trình đồng hoá, gia tăng quá trình chuyển hoá và xúc tiến tổ chức tái sinh (Trung Dược Học).

+ Có tác dụng tăng cường miễn dịch của cơ thể như tăng khả năng thực bào của hệ tế bào nội bì võng, tăng nhanh sự hình thành kháng thể, làm tăng trọng lượng của lách. Thuôc còn có tác dụngkháng virus, kháng tế bào ung thư, điều chỉnh miễn dịch (Trung Dược Học).

+ Ngũ gia bì có tác dụng an thần rõ, điều tiết sự cân bằng giữa hai quá trình ứ chế và hưng phấn của trung khu thần kinh. Tác dụng hưng phấn của thuốc không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ bình thường (Trung Dược Học).

+ Ngũ gia bì có tác dụng kháng viêm cả đối với viêm cấp và mạn tính (Trung Dược Học).

+ Ngũ gia bì có tác dụng giãn mạch, làm tăng lưu lượng máu động mạch vành và hạ huyết áp (Trung Dược Học).

+ Thuốc có tác dụng long đờm, giảm ho và làm giảm cơn hen suyễn (Trung Dược Học).

+ Ngũ gia bì có tác dụng chống ung thư (Trung Dược Học).

Tính vị :

. Vị cay, tính ôn (Bản Kinh).

. Vị cay, đắng, tính ôn (Trung Dược Học).

. Vị cay, tính ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh :

+ Vào kinh Phế, Thận (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Vào kinh Can, Thận (Trung Dược Học).

+ Vào kinh Can, Thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tác dụng, Chủ trị :

+ Bổ trung, ích tinh, mạnh gân xương, tằn trí nhớ (Danh Y Biệt Lục).

+ Minh mục, hạ khí bổ ngũ lao, thất thương (Nhật Hoa Tử Bản Thảo)

+ Mạnh gân xương  (Bản Thảo Cương Mục).

+ Hoá đờm, trừ thấp, dưỡng thận, ích tinh, trừ phong, tiêu thuỷ (Bản Thảo Tái Tân).

+ Trừ phong thấp, mạnh gân xương (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Lợi thuỷ, trị trẻ nhỏ xương cốt mềm yếu, bước đi khó khăn (Liêu Hạ Thảo Dược Thủ Sách).

+ Trị cước khí, mụn nhọt lở độc (Đông Bắc Dược Dụng Thực Vật).

Kiêng kỵ :

+ Âm hư hoả vượng: không dùng (Thực Dụng Trung Y Học).

Liều dùng : 6-12g.

Đơn thuốc kinh nghiệm :

+ Trị phong thấp đau nhức, cơ thể mệt mỏi, đau nhức, liệt dương: Ngũ gia bì sao vàng 100g, rượu 30o một lít, ngâm trong 10 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 20~40ml vào trước bữa ăn tối (Ngũ Gia Bì Tửu - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị thấp khớp:  Ngũ gia bì, Mộc qua, Tùng tiết đều 120g. Tán bột, mỗi lần uống 3~4g, ngày 2 lần (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị phụ nữ cơ thể suy nhược: Ngũ gia bì, mẫu đơn bì, Xích thược, Đương quy đều 40g. Tán bột. Ngày uống hai lần, mỗi lần 4g (Những Cây Thuốc Vị Thuốc Việt Nam).

+ Trị gẫy xương, sau khi phục hồi vị trí: Ngũ gia bì, Địa cốt bì đều 40g, tán nhuyễn, Gà 1 con nhỏ, lấy thịt, giã nát, trộn đều với thuốc, đắp bên ngoài, bó nẹp cố định, sau một uần, bỏ nẹp đi (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Trị ngực đau thắt, mỡ máu cao: Dùng chất chiết xuất từ Thích Ngũ gia bì (Nam Ngũ gia bì)  chế thành thuốc viên ‘Quan Tâm Ninh’. Uống mỗi lần 3 viên, ngày 3 lần, liên tục 1~3 tháng. Đã trị 132 ca ngực đau thắt, có kết quả 95,45%, mỡ máu cao 53 ca, kết quả làm hạ Cholesterol và Triglycerid (Trung Y Dược Học Báo 1987, 4 : 36).

+ Trị bạch cầu giảm: dùng Thích Ngũ gia bì trị 43 ca bạch cầu giảm. Kết quả cho thấy so với chứng giảm bạch cầu do hoá liệu, có kết quả tốt hơn (Quảng Tây Y Học Viện Học Báo 1978, 3 : 1).

+ Trị bạch cầu giảm: Dùng viên Ngũ gia bì trị 22 ca, có kết quả 19 ca (Hồ Bắc Trung Y Tạp Chí 1982, 6 : 52).

+ Trị nhồi máu não: Dùng dung dịch chích Ngũ gia bì 40ml, cho vào 300ml dịch truyền Glucoz 10%, truyền tĩnh mạch ngày 1 lần, kèm uống thuốc thang. Theo dõi 20 ca, có kết quả tốt (Cam Túc Trung Y Học Viện Học Báo 1988, 1 : 27).

+ Trị huyết áp thấp: Dùng viên Ngũ gia bì, mỗi lần uống 5 viên, ngày 3 lần, 20 ngày là một liệu trình. Kết quả tốt (Châu Long, Trung Quốc Dược Thành Phẩm Đích Nghiên Cứu 1985, 12 : 43).

Tham khảo:

Ngũ gia bì có thể làm mạnh gân xương được là nhờ công năng khu phong, trừ thấp. Khu được tà thì Can Thận mạnh, gân xương được thông. Ngũ gia bì có hai loại, thứ dùng làm thuốc là Nam Ngũ gia bì, có mùi thơm. Còn bắc Ngũ gia bì có độc, khi dùng phải cẩn thận (Thực Dụng Trung Y Học).

+ Ngũ gia bì tuy không có tác dụng thuần bổ nhưng cùng không có hại tổn thương chính khí. Gọi là Ngũ gia bì tửu nên có thể dùng uống lâu dài (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Cách tổ chức thông tin trên theo bạn là?

Rất thân thiện

Rất đẹp

Hợp lý

Khó sử dụng

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán