03:46 ICT Thứ tư, 04/12/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc » Vần N

Liên hệ

NHÂN SÂM 人 參

Thứ ba - 08/03/2011 08:09
Cây sống lâu năm, cao 0,6m. Lá mọc vòng, có cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt.

NHÂN SÂM    人  參

Panax ginseng C. A. Mey.

Xuất xứ: Bản Kinh.

Tên khác: Bạch điều sâm, Hàn quốc sâm, Hồng sâm, Biệt trực sâm, Triều tiên sâm, Bách tế sâm, Bạch sâm (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển),  Cát lâm sâm, Dã sơn sâm, Đại sâm (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tên khoa học : Panax ginseng C. A. Mey.

Họ khoa học : Họ Ngũ Gia Bì (Araliaceae).

Mô Tả : Cây sống lâu năm, cao 0,6m. Lá mọc vòng, có cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Cây Nhân sâm 1 năm thì có 1 lá với 3 lá chét, cây 4 năm có 3 lá, cây 5 năm trở lên có 4-5 lá, mỗi lá có 5 lá chét, lá chét hình trứng, mép có răng cưa sâu. Năm thứ ba có hoa, hoa tự hình tán mọc ở đầu cành, màu xanh nhạt, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ. Quả mọng hơi dẹt, to bằng hạt đậu xanh, khi chín màu đỏ, chứa hai hạt.

Phân loại sâm Cao Ly:
1. Dưới 20 chỉ - một cân ta (600g).
2. 50 - 60 chỉ.
3. 70 - 80 chỉ.
4. Đại vĩ sâm.
5. Trung vĩ sâm.
6. Tiểu vĩ sâm.

Thu hái: Thu hái vào tháng 9-10, ở nhưng cây sống từ 6 năm trở lên.

Bộ phận dùng: Dùng rễ, vẫn gọi là củ (Radix Gingseng). Rễ mẫm, hình trụ, dài từ 4-25cm, đường kính 0,3-2,5cm, có 2-5 nhánh, dôi khi giống hình người. Vỏ mầu trắng hoặc vàng nâu, trên mặt có những nếp nhăn dọc với những vòng ngang, phần dưới có những rễ con hoặc sẹo của nó. Đầu rễ mang vết tích của thân. Rễ càng lâu năm càng có nhiều vết tích, dễ bị gẫy (vết bẻ nhẵn, màu trắng hoặc vàng, đỏ nhạt). Mùi đặc biệt, vị hơi ngọt, sau đó đắng dần.

Mô tả dược liệu: Rễ Nhân sâm được chế  biến theo nhiều cách, vì vậy trên thị trường có nhiều tên gọi dựa theo cách chế biến:

* Hồng Sâm: Hình tròn, thân dài 3-6cm, đầu tù tròn, đùi sâm chồng chéo nhau. Mặt ngoài mầu hồng hoặc nâu vàng, trong. Chất cứng dòn. Mặt bẻ màu nâu hồng, trong có lõi mờ, mùi thơm, vị ngọt, hơi đắng.

* Bạch Sâm: Hình dáng khác nhau, to nhỏ không nhất định, có đùi, râu mọc thành chùm. Mặt ngoài màu trắng ngà, vỏ xốp, có tinh thể đường, có những nốt nhỏ bị tróc vỏ. Chất mềm. Mặt bẻ màu trắng ngà và xốp. Hơi thơm, vị ngọt.

* Sinh Sái Sâm: Hình giống Hồng sâm, đùi ngắn và cong, không có râu. Mặt ngoài màu vàng xám, có vòng ngang và vết nhăn dọc. Chất nhẹ, giòn. Mặt bẻ màu trắng tro. Mùi thơm đặc biệt, vị ngọt.

Bào chế:

+ Tẩm rượu, ủ mềm, thái lát, lót giấy lên chảo sao nhỏ lửa cho khô (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Nếu cứng thì hấp cách thủy cho vừa mềm, thái lát mỏng 1mm, tẩm nước Gừng, sao gạo nếp cho vàng rồi cho Nhân sâm vào, đảo qua, bắc chảo ra ngoài, đảo thêm 1 lúc nữa là được. Sau khi bào chế có thể tán thành bôït (Dược Liệu Việt Nam).

. Hồng Sâm: chọn củ to, nặng trên 37g, rửa sạch, để nguyên cả rễ nhỏ, cho vào nồi hấp trong khoảng 1g30 phút ở nhiệt độ 80-90oC. Sau đó sấy khô ở 40-70oC trong 6-7 giờ, phơi nắng từ 7-15 ngày là được.

. Bạch Sâm: Củ Sâm không đủ tiêu chuẩn để chế thành Hồng Sâm thì chế thành Bạch Sâm. Trước hết cắt bỏ rễ con, dùng dao tre cạo sạch vỏ, sau đó phơi nắng cho kho hẳn (khoảng 7-15 ngày).

Bảo quản: Nhân sâm dễ bị sâu mọt, cần đậy kỹ, kín, có chất chống ẩm.

Thành phần hóa học:

+ Ginsenoside, Quinguenoside, Malonyl-Ginsenoside, 20-Glucoginsenoside, Notoginsenoside (Hùng Cốc Lãng, Dược Dụng Nhân Sâm 85 [Nhật Bản], Nhật Bản Hồng Lập Xuất Bản 1985 : 3).

+ Panaxynol (Cao Kiều Tam Hùng, Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản], 1966, 86 : 1053).

+ Panaxydol, Falcarinol (Poplawski J và cộng sự, Phytochemistry 1980, 19 (7) : 1539).

+ Heptadec-1-ene-4, 6-Diyn-3, 9-Diol (Dabrowsk Z và cộng sự, Phytochemistry 1980, 19 (11) : 2464).

+ Panaxydol Chlorohydrine, Panaxytriol (Hirakura K và cộng sự, Phytochemistry 1991, 30 (10) : 3327).

+ Gurjunene, Panasinsene, Caryophyllene, b-Farnesene, Neoclovene, Humulene, Selinene, Selina-4 (14), 7 (11)-Diene, Caryophyllene alcohol, Bicyclogemacrene (Yoshira K và cộng sự, Bull Chem Soc Japan 1975, 48 (7) : 2078).

+ Panasinsanol A, B (Iwabuchi H và cộng sự, Chem Pharm Bull 1987, 35 (5) : 1975).

+ Glucose, Galactose, Arabinose, Rhamnose, Xylose, Mannose, Sucrose, Maltose, Ràfinose, Panose A, B, C, D (Sohn K M và cộng sự, C A 1988, 109 : 215832c).

+ Arginine, (-Aminobutyric acid, Glutamic acid, Aspartic acid, Proline, Lysine  (Lý Thụ Điện, Nhân Sâm Nghiên Cứu 1992 (1) : 6).

Tác Dụng Dược Lý:

1. Nhân sâm có tác dụng gia tăng quá trình ức chế và hưng phấn của vỏ não, làm hồi phục  bình thường khi hai quá trình trên bị rối loạn. Saponin Nhân sâm lượng nhỏ chủ  yếu làm hưng phấn trung khu thần kinh với lượng lớn có tác dụng ức chế (Trung Dược Học).

2. Nhân sâm có tác dụng tăng sức lao động trí óc và  chân tay, chống mỏi mệt, làm tăng hiệu suất hoạt động tư duy và thể lực. Chống lão hóa, cải thiện chức năng của não ở người lớn tuổi, tăng khả năng tập trung trí lực, tăng trí nhớ (Trung Dược Học).

3. Nhân sâm giúp cơ thế tăng khả năng thích nghi, khả năng phòng vệ đối với những kích thích có hại. Nhân sâm vừa có thể làm hồi phục huyết áp ở cơ thể choáng do mất máu vừa có thể làm hạ huyết áp ở những người huyết áp cao, vừa có thể chống TH làm tuyến thượng thận phì đại,  vừa có thể chống corticoid làm teo thượng thận. Nhân sâm  vừa có thể làm hạ đường huyết cao do ăn uống vừa có thể  nâng cao trạng thái đường huyết hạ do Insulin gây nên (Trung Dược Học).

4. Nhân sâm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể,  tăng cường khả năng thực bào của hệ tế bào võng nội bì, tăng hiệu suất chuyển hóa của tế bào lâm ba và globulin  IgM, do đó mà nâng cao tính miễn dịch của cơ thể (Trung Dược Học).

5. Lượng ít dịch Nhân sâm làm tăng lực co bóp tim của nhiều loại động vật, nếu nồng độ cao thì làm giảm lực co bóp của tim và làm chậm nhịp tim. Nhân sâm có thể làm  giảm hoặc làm mất rối loạn nhịp tim do tác dụng của Chloroform-adrenalin. Đối với mạch máu, Nhân sâm bắt đầu có tác dụng dãn mạch sau đó lại làm co mạch, lượng nhỏ làm co mạch, lượng lớn làm dãn mạch. Đối với huyết áp, thuốc có tác dụng điều chỉnh, liều điều trị không có tác dụng rõ rệt đối với huyết áp bệnh nhân. 7 loại saponin Nhân sâm có tác dụng hạ áp trong đó Rgl có tác dụng mạnh nhất, trước khi hạ áp thuốc có làm huyết áp tăng nhẹ. Thuốc có tác dụng chống choáng do dị ứng và do bỏng, làm kéo dài rõ rệt thời gian sống của súc vật choáng trên thực nghiệm, đối với động vật  suy tuần hoàn cấp do mất nhiều máu, thuốc làm tăng cường độ và tần số co bóp của tim, đối với suy tim, tác dụng cường tim của thuốc càng rõ (Trung Dược Học).

6. Nhân sâm có tác dụng hưng phấn vỏ tuyến thượng thận. Các tác giả cho rằng cơ chế là thông qua vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra chất A.C.T.H. làm tăng cAMP của vỏ tuyến thượng thận mà không phải trực tiếp tác động lên vỏ thượng thận. Thân và lá của Nhân sâm cũng có tác dụng hưng phấn hệ tuyến yên – vỏ thượng thận. Nhân sâm có tác dụng kích thích hoc-mon sinh dục đực cũng như cái (Trung Dược Học).

7. Thuốc có tác dụng hạ đường huyết. Đối với thực nghiệm, đường huyết cao ở chó, thuốc có tác dụng cải thiện trạng thái chung và hạ đường huyết (Trung Dược Học).

8. Saponin Nhân sâm làm tăng chuyển hóa Lipid, tăng cường sự hợp thành sinh vật học cholesterol và lipoprotein trong gan chuột cống thực nghiệm. Nhưng lúc gây mô hình (Cholesterol) cao trên động vật thì Nhân sâm có tác dụng làm  hạ Nhân sâm có thể ngăn ngừa sự phát sinh cholesterol cao ở thỏ, vì vậy mà ngăn ngừa được sự hình thành xơ mỡ động mạch (Trung Dược Học).

9. Nhân sâm có khả  năng làm giảm tác hại của chất phóng xạ đối với hệ tạo máu (Trung Dược Học).

10. Saponin Nhân sâm Rh2 có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư (Trung Dược Học).

11. Nhân sâm có tác dụng bảo hộ gan của thỏ và chuột cống, gia tăng chức năng giải độc của gan. Nhân sâm còn có tác dụng nâng cao thị lực và làm tăng khả năng thích nghi của thị giác đối với bóng tối (Trung Dược Học).

12. Độc tính của Nhân sâm : Cho chuột nhắt uống bột Nhân sâm gây nhiễm độc cấp, LD50 là trên 5gam/kg cân nặng, nếu tiêm thuốc vào dưới da chuột nhắt thì liều độc cấp LD50 là 16,5ml/kg, cho chuột nhắt uống Nhân sâm theo liều lượng 100, 250, 500mg/kg liên tục trong 1 tháng và theo dõi nhiễm độc bán cấp không thấy có gì thay đổi khác thường ở súc vật thực nghiệm. Theo Kixêlev đã tiêm vào dưới da chuột nhắt 1ml dung dịch Nhân sâm 20ml thấy sau 10 -12 giờ chuột chết với trạng thái "mất sắc" nhưng cho uống thì độc tính rất ít (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Tính vị:

+ Vị ngọt, tính hơi hàn (Bản Kinh).

+ Tính hơi ôn, không độc (Biệt Lục).

+ Vị ngọt, hơi đắng, tính ôn (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Vị ngọt, hơi đắng, tính hơi ấm (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Quy kinh:

+ Vào kinh thủ Thái âm Phế (Bản Thảo Diễn Nghĩa Bổ Di).

+ Vào kinh Phế, Tỳ ( Bản Thảo Hối Ngôn).

+ Vào kinh Tỳ, Vị, Phế (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

+ Vào kinh Tỳ, Phế (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Vào kinh Can, Phế (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Tác dụng:

+ Bổ ngũ tạng, an tinh thần, định hồn phách, chỉ kinh qui, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích trí (Bản Kinh).

+ Điều trung, chỉ tiêu khát, thông huyết mạch (Danh Y Biệt Lục).

+ Điều trung, trị khí, tiêu thực, khai Vị (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Đại bổ nguyên khí, bổ Tỳ ích Phế, sinh tân chỉ khát, an thần, tăng trí (Trung Dược Học).

+ Bổ nguyên khí, chỉ khát, sinh tân dịch (Y Học Khởi Nguyên).

+ Đại bổ nguyên khí, cố thoát, sinh tân, an thần (Trung Dược Đại Từ Điển).

Chủ trị:

+ Chủ ngũ tạng khí bất túc, ngũ lao, thất thương, hư tổn, gầy yếu.. . bảo trung thủ thần, chủ phế nuy (Dược Tính Bản Thảo).

+ Trị âm dương bất túc, phế khí hư nhược (Trấn Nam Bản Thảo).

+ Trị các chứng khí hư muốn thoát, mạch Vi muốn tuyệt, Tỳ khí, Phế khí yếu, tân dịch tổn thương, tiêu khát, khí huyết hư nhược, thần chí rối loạn, dương nuy (Trung Dược Học).

Kiêng kỵ :

+ Âm hư, ho do hỏa, nôn ra máu : không dùng (Y Học Nhập Môn).

+ Tỳ vị có thực nhiệt, Phế thụ hỏa tà, suyễn nhiều đờm, mới bị mất máu, ngực đầy, ngực đau, nghẹn, táo bón, có trùng, có tích: không dùng (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

+ Nếu khí huyết ngưng kết, hư nhiệt nung nấu ở trong đều không nên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Nhân sâm kỵ Lê lô, Ngũ linh chi, Phục linh làm sứ cho nó (Bản Thảo Kinh Tập Cbú).

+ Kỵ Ngũ linh chi,  Ghét Tạo giáp, Hắc đậu (Dược Thụ).

+ Không phải chứng  hư, không nên dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị doanh vệ khí hư, tạng phủ hư yếu, không muốn ăn uống, tiêu chảy, bụng sôi, nôn mửa: Nhân sâm, Bạch truật, Phục linh, Chích thảo. Lượng bằng nhau. Tán bột. Mỗi lần dùng 8g, sắc với 1 chén nước còn 7 phân, cho ít muối vào  uống (Tứ Quân Tử Thang – Hòa Tễ Cục phương).

+ Trị Tỳ hư lạnh, trong bụng có khí đầy, thích nằm, không muốn ăn uống: Nhân sâm 8g, Phụ tử 2g, Sinh khương 0,4g. Sắc với 7 hộc nước còn 2 hộc, thêm Trứng gà 1 trái, quấy đều, uống (Ôn Vị Chử Tán – Thánh Tế Tổng Lục).

+ Trị nọc độc của đậu phát thành mụn sưng to, thương phong, phong  thấp, đầu đau, chóng mặt, mắt đau, mũi nghẹt: Cam thảo 2g, Cát cánh 4g, Chỉ xác 4g, Độc hoạt 4g,  Khương hoạt 4g,   Nhân sâm 4g, Sài hồ           4g, Tiền hồ 4g,  Xích linh 4g, Xuyên khung 4g. Thêm Hành, sắc uống (Nhân Sâm Bại Độc Tán – Cục phương).

+ Trị đờm ẩm, ho:  Bạch truật, Bán hạ, Nhân sâm, Thiên nam tinh, Xuyên khúc khương. Tán bột, trộn với nước cốt Gừng làm viên. Ngày uống 6- 8g (Nhân Sâm Bán Hạ Đơn – Lục Khoa Chuẩn Thằng).

+ Trị phụ nữ có thai bị nôn mửa: Bán hạ, Can khương, Nhân sâm. Lượng bằng nhau. Tán bột. Dùng nước cốt Sinh địa trộn làm hoàn, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 3 viên, ngày 3 lần (Nhân Sâm Bán Hạ Hoàn – Tế Sinh phương).

+ Trị có thai bị nôn mửa (nghén), vùng ngực bụng lạnh, đau,  không ăn uống được: Bán hạ 20g,  Can khương 20g,  Nhân sâm 20g. Tán bột. Dùng Địa hoàng giã vắt lấy nước, chưng thành cao, trộn thuốc bột làm hoàn. Ngày uống 8-12g (Nhân Sâm Bán Hạ Hoàn – Thẩm Thị Tôn Sinh Thư).

+ Trị cơ thể suy yếu, dương khí thoát: Nhân sâm  640. Thái mỏng cho vào nồi đất mà sắc, lửa nhỏ riu riu, cô đặc được 1 chén uống (Nhân Sâm Cao – Y Phương Hải Hội).

+ Trị ban chẩn hóa mủ, Tỳ Vị có hư nhiệt, tiêu chảy, nôn mửa, ăn uống ít: Bạch thược 2,8g, Cam thảo (sống)         2g,  Chích thảo 2g,  Hoàng kỳ8g,  Hoàng liên 0,8g, Nhân sâm 4g,  Phục linh  1,6g, Trần bì      1,2g.  Tán bột. Ngày uống 8 - 12g (Nhân Sâm An Vị Tán  - Tỳ Vị Luận).

+ Trị có thai mà thai động không yên, lưng đau, bụng đau, huyết ra không cầm: A giao (nướng) 80g, Cam thảo (nướng)       40g, Đỗ trọng 80g, Đương quy 80g, Ngải diệp 40g, Nhân sâm 80g, Thục địa 40g, Xuyên khung   40g. Tán bột. Thêm Táo 1 trái, sắc uống ấm ( Nhân Sâm Ẩm – Thánh Tế Tổng Lục).

+ Trị hư nhiệt, người lúc nào cũng nóng: Bá bì, Nhân sâm. Tán bột. Ngày uống 8 - 12g (Nhân Sâm Bá Bì Tán – Trung Quốc Y Học Đại Từ Điển).

+ Trị cảm nắng nặng, phiền khát, đậu mọc chậm và các chứng sởi đậu, ban độc nói chung: Chích thảo 1,2g,  Gạo tẻ 2g, Nhân sâm 2g,  Thạch cao 1,6g, Tri mẫu 2g. Sắc uống (Nhân Sâm Bạch Hổ Thang – Tạp Bệnh Nguyên Lưu Tê Chúc).

+ Trị tỳ vị bị thấp trệ gây ra tiêu chảy, muốn nôn, nôn mửa, ăn uống kém, bụng đầy trướng: Cam thảo 120g,  Hậu phác        200g,  Nhân sâm 120g,  Thương truật 320g, Trần bì          200g. Tán bột. Ngày uống 24g với nước Gừng (Nhân Sâm Bình Vị Tán – Trung Quốc Y Học Đại Từ Điển).

+ Trị lao nhọc làm cho ăn uống không được, nội chướng, mắt bệnh: Bạch thược 12g, Chích thảo 32g, Hoàng bá12g,  Hoàng kỳ 40g,  Mạn kinh tử 10g,  Nhân sâm 40g. Trộn đều. Mỗi lần dùng 8g, sắc uống ấm (Nhân Sâm Bổ Vị Thang – Đông Viên Thí Hiệu phương).

+ Trị phế nuy, ho, nôn ra máu, phế táo mà không khát: Cam thảo 80g, Đại táo 12 trái, Nhân sâm 80g, Sinh khương  200g. Sắc với 3 thăng nước còn 1,5 thăng. Uống dần (Nhân Sâm Cam Thảo Thang -  Tam Nhân Cực – Bệnh Chứng Phương Luận).

+ Trị phế và thận đều suy, âm hư, khí suy, phế lao, hư nhiệt, ho, đờm ít, trong đờm có máu, mồ hôi trộm, hồi hộp, hơi thở ngắn, tay chân buồn bực, lưng đau, tai ù: Nhân sâm 160g,  Sinh địa 960g,         Thiên môn (bỏ lõi) 960g,  Thục địa 960g. Thuốc tán thành bột. Sinh địa và Thục địa nghiền nát thành cao, cho thêm ít mật, trộn thuốc bột làm thành viên. Mỗi lần uống 9-12 viên (Nhân Sâm Cố Bản Hoàn – Tăng Bổ Nội Kinh Thập Di Phương Luận).

+ Trị Tỳ Phế hư yếu, tay chân mỏi mệt, hơi thở ngắn, xương cốt đau nhức, bụng đau, lưng đau, ăn uống không có mùi vị, tâm hư, hồi hộp, họng khô: Bạch thược 6g, Bạch truật 4g,  Cam thảo 4g, Đương quy 4g,  Hoàng kỳ      4g, Ngũ vị 3g,  Nhục quế 4g,  Phòng đảng sâm 4g, Phục linh 3g,  Sinh khương             4g,  Thục địa 3g,  Trần bì 4g, Viễn chí 2g. Sắc uống (Nhân Sâm Dưỡng Vinh Thang – Hòa Tễ Cục phương).

+ Trị có thai mà nôn mửa, nôn mửa do vị hàn, bụng đau, ngực đau: Đinh hương 0,4g, Hoắc hương 0,4g, Nhân sâm 20g. Tán bột. Mỗi lần dùng 12g, sắc uống ấm (Nhân Sâm Đinh Hương Tán – Phụ Nhân Đại Toàn Lương phương).

Tham Khảo:

+ Nhân sâm có thể bổ được những người bị ngũ lao, thất thương, hao tổn hoặc hư lao mà có nhiều đờm, làm cho người ta khỏi được chứng nôn mửa. Vì nó có thể bổ được cả ngũ tạng, lục phủ, gìn giữ được khí hóa ở trung nguyên, giữ yên được thần, tiêu được đờm trong ngực, trị được chứng phế nuy, kinh giản, tất cả các chứng thương hàn, ăn uống không được, các chứng mộng ảo… (Dược Tính Bản Thảo).

+ Nhân sâm bổ phế khí, phế khí vượng thì khí của các tạng khác cũng vượng.. . Nhân sâm đắc Hoàng kỳ, Cam thảo được tính cam ôn trừ đại nhiệt, tả âm hỏa, bổ nguyên khí… (Bản Thảo Cương Mục).

+ Nhân sâm dùng phối hợp với các thuốc khác, như cần thăng đề thêm Thăng ma, Sài hồ;  Cần hòa trung thêm Trần bì, Cam thảo;  Kiện tỳ thêm Bạch linh, Bạch truật;  An thần thêm Viễn chí Táo nhân. Trị ho thêm Bạc hà, Tô diệp;  Tiêu đờm thêm Bán hạ, Bạch giới tử;  Giáng vị hỏa thêm Thạch cao, Trl mẫu;  Thanh âm hỏa thêm Phụ tử, Can khương;  Bại độc thêm Hoàng cầm, Hoàng liên, Chi tử;  Hạ thực thêm Đại hoàng, Chỉ thực (Bản Thảo Tân Biên).

+ Nhân sâm cùng dùng với Phục linh, Bạch truật thì có tác dụng táo thấp; Dùng với Mạch môn thì thanh nhuận. Lại nói: Cùng dùng với Hoàng kỳ thì bổ cho phần biểu; Dùng với Thục địa mà lấy Phục linh làm tá thì giúp cho hạ tiêu mà bổ được thận (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Nhân sâm có nhiều loại nhưng có thể chia làm ba loại:

 . Một loại mọc hoang trong núi sâu rừng rậm, gọi là Dã sơn sâm, sức bổ khí tương đối mạnh mà không có táo khí, không nóng, Một loại mọc ở rừng núi rồi mang về trồng ở trong vườn, gọi là Di sơn sâm, tác dụng gần giống với Dã sơn sâm , nhưng có táo khí.

. Một loại trồng bằng nhân công, gọi là Dưỡng sâm , tính táo , thiên về ôn. Loại sâm bán trên thị trường phần nhiều là Dưỡng sâm.

. Nhân sâm tu ( râu sâm, rễ con của sâm ) là cuống, nhánh mọc ngang mà nhỏ, hay thông khí ở kinh lạc.

. Nhân sâm lô là cuống củ Nhân sâm, chủ yếu làm cho nôn mửa, phong đờm ở vùng ngực . Lá cây Nhân sâm đem ngâm lấy nước gội đầu làm cho tóc đen mượt không  rụng.

+ Do những nơi trồng Nhân sâm khác nhau , vì vậy mà tên gọi cũng khác nhau , Như Nhân sâm trồng ở Cát Lâm thì gọi là Cát lâm sâm, trồng ở Liêu Đông thì gọi là Liêu sâm, trồng ở Triều Tiên thì gọi là Cao ly sâm, Tính vị của Cát lâm sâm và Liêu sâm đều ngọt, hàn, còn Cao ly sâm thì tính ngọt ôn. Trương Sơn Lôi có nói " Liêu sâm bẩm tính thuần chính, tuyệt đối không có khí nóng gắt, cương liệt) , dùng để tư dưỡng tân dịch của  chân âm, nhất là dùng một mình nó, Còn Cao ly sâm thì vốn đă có vẻ cương kiện, tính ôn mà đi lên luôn luôn bộc lộ ra ngoài, lại kèm theo chấn hưng dương khí. Ở thể âm hư, tướng hỏa dễ bốc lên, thì thích hợp vơi Liêu sâm chứ không thích hợp với sâm Cao ly : Nếu âm dịch đã hao tổn mà chân dương cũng suy nhược thì nên dùng sâm Cao ly chứ không nên dùng Liêu sâm. Vl một loại dưỡng âm mà kiêm lý hư nhiệt, một loại bổ ẩm tức là để phù dương, mỗi loại đều có chuyên trị chủ yếu riêng, không được lẫn lộn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Rễ cây Thái Tử Sâm hoặc Hài Nhi Sâm Pseudotellaria raophanorrhiza (Hemsl) Pax  hoặc  Pseudostellaria heterophylla (Miq) Pax thuộc họ Cẩm Chướng (Caryophyllaceae) là 1 vị thuốc cuả Trung Quốc dùng thay thế Nhân sâm... Ở miền Nam Việt Nam, người ta dùng rễ cây Decaschistia sp. Họ Bông (Malvaceae) dưới tên Thái Tử Sâm. Cây này là cây bụi, lá nguyên hoặc chia thành thùy hẹp dài, có cuống có lá kèm. Hoa có cống ngắn, mọc ở nách lá hoặc hẹp lại thành hình đầu. Đài có 5 thùy, đài phụ 10, cánh hoa 5, nhụy nhiều đính trên 1 cột ngắn. Quả nang. Rễ củ hình đùi gà (Phân Biệt Và Chống Nhầm Lẫn Dược Liệu).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán