23:58 ICT Thứ năm, 03/10/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc » Vần S

Liên hệ

SÀI HỒ 柴 胡

Thứ ba - 08/03/2011 18:02
Cây thảo, sống lâu năm, cao 45-70cm, rễ nhỏ, hình trụ, phân nhánh hoặc không phân nhánh. Thân mọc thẳng, phân cành thành hình chữ “chi”.

SÀI HỒ   柴 胡

Bupleurum chinense DC.

Xuất xứ: Bản Kinh.

Tên khác: Bắc hồ, Địa huân (Bản Kinh), Sơn thái, Nhự thảo (Ngô Phổ Bản Thảo), Sài Thảo (Phẩm Hối Tinh Nghĩa), Xuân sài hồ, Hống sài hồ, Trúc diệp sài hồ, Xuyên sài hồ, Bắc sài hồ, Nhuyễn sài hồ (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tên khoa học : Bupleurum chinense DC.

Họ khoa học : Họ Hoa tán (Apiaceae).

Mô Tả : Cây thảo, sống lâu năm, cao 45-70cm, rễ nhỏ, hình trụ, phân nhánh hoặc không phân nhánh. Thân mọc thẳng, phân cành thành hình chữ “chi”. Lá mọc so le, hình mác, mép nguyên dài 3-6cm, rộng 6-13cm, đầu lá nhọn, thân lá hẹp dài, có 7-9 đường gân song song. Lá phía dưới có cuống ngắn, phía trên không có cuống. Hoa tự hình tán kép, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành. Trục hoa tự chung, nhỏ và dài, có 4-10 hoa tự phụ không dài bằng nhau. Hoa nhỏ màu vàng. Quả hình bầu dục, dài độ 5mm, nhưng góc quả rất rõ, 3 ống tinh dầu nằm ở mặt tiếp giáp.

Địa lý: Cây Sài hồ, hiện nay chưa thấy mọc ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, mọc ở Nội Mông, Hà Bắc, Sơn Tây, Tứ Xuyên.

Thu hái: Mùa xuân và thu đào lên, bỏ thân mềm và bùn đất.

Phần dùng làm thuốc: Rễ (Sadix Bupleuri). Loại to dài, đều đặn, ngay ngắn, không có mầm và rễ phụ, dễ nhổ là tốt.

Mô tả dược liệu: Rễ hình dùi tròn, phía dưới to ra, đầu rễ phình to, dài 6,6-20cm, đường kinh 0,6-1,6cm. Vỏ ngoài mầu nâu nhạt xám hoặc nâu xám, có vết nếp vân nhăn dọc và vết sẹo của các rễ phụ. Phần đỉnh có lông tơ nhỏ hoặc thân cứng còn sót lại. Dai, chắc, khó bẻ gẫy, mặt cắt có những thớ gỗ mầu ngà. Hơi có mùi thơm, vị hơi đắng, cay (Dược Tài Học).

Bào chế:

- Sài Hồ: Chọn bỏ tạp chất, bỏ thân còn sót, rửa sạch cát, ủ mềm, cắt thành miếng mỏng, phơi khô (Dược Tài Học).

- Thố Sài Hồ: Lấy 50kg Sài hồ đã cắt thành phiến, hòa đều với 6kg giấm (thố), cho vào nồi, dùng lửa nhỏ nấu cho đến khi Sài hồ hút hết giấm và hơi khô thì lấy ra, phơi khô (Dược Tài Học).

- Miết Huyết Sài Hồ: Lấy Sài hồ đã cắt thành phiến, cho vào chậu lớn, lấy máu Ba ba (miết huyết) trộn với ít nước ấm đổ cho thấm đều vào Sài hồ, xong cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao qua, lấy ra, đợi nguội là được (Dược Tài Học).

Bảo quản: Dễ mốc mọt, để nơi khô ráo, chỉ nên bào chế dùng trong vòng 3 tuần lễ trở lại.

Thành phần hóa học:

+ Pentanoic acid 0,15%, Hexanoic acid, 2-Heptenoic acid, Octanoic acid, Nonanoic acid, 2 -Nonenoic acid, Phenol, Omethoxyphenol, g-Heptalactone, g-Decalactone, g-Octalactone, Eugenol, g-Undelactone, Cresol, Ethylphenol, Messoia Lactone, Vanillin acetate (Bốc Kim Long, Y Học Học Báo 1983, 41 (6) : 559).

+ Carvacrone, Myrtenol, Limonenne, Myrcene, Geraniol,  Pulgenone, n-Tridecane, (E)-Geranyl acetone, a-Cubebene, d-Cadinene, Humulene, Caryophylene, Longifolene, Nootkatone, Hexadecanoic acid, Hexahydrofarnesyl acetone (Quách Tễ Hiền, Thượng Hải Y Khoa Đại Học Học Báo 1990, 17 (4) : 278).

+ Saikosaponin, 3-0-a-L-Arabinopyranosyl (1-3) -b-D-Glucuronopyranosyl Oleanolic acid-28-(-D-Glucopyranosyl ester (Gỉa Kỳ, Dược Học Học Báo, 1989, 24 (12) : 961).

+ Bupeurumol, Adonitol, Spinasterol, Oleic acid, Linoleic acid, Palmatic acid, Stearic acid, Lignoceric acid, Saikosaponin, Daikogenin, Longgispinogenin (Trung Dược Học).

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng điều hòa nhiệt độ:

. Trên thực nghiệm và lâm sàng đều ghi nhận Sài hồ có tác dụng giải nhiệt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

. Thí nghiệm trên súc vật, dùng liều cao Sài hồ thấy có tác dụng hạ nhiệt đối với những trường hợp gây sốt giả tạo. Tuy nhiên, những báo cáo vừa qua lại cho rằng tác dụng này không đáng chú ý (Chinese Herbal Medicine).

+ Tác dụng trên hệ miễn dịch: Nước sắc Sài hồ cho uống có thể ức chế sự gia tăng sự thấm thấu mạch gây nên bởi Histamin và 5-Hydroxy-Trypamine nhưng không có tác dụng bảo vệ  đối với sự gia tăng Histamin hoặc sốc phản vệ (Chinese Herbal Medicine). Tăng cường thể dịch miễn dịch và miễn dịch tế bào, tăng khả năng tổng hợp Protein nơi chuột (Trung Dược Học).

+ Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Cho chuột nhắt ăn hoặc uống Saponin Sài hồ thấy có tác dụng trấn tỉnh. Thuốc cũng có tác dụng long đờm mạnh, có thể là do được tập trung trong thiên nhiên (Chinese Herbal Medicine).

+ Đối với hệ tim mạch: Nước sắc Sài hồ có tác dụng giảm nhẹ huyết áp ở súc vật mà không ảnh hưởng đến cơ tim. Hiệu quả này không bị giảm đi bởi Atropin (Chinese Herbal Medicine).

+ Trị nhiễm khuẩn hô hấp trên: Thực nghiệm cho thấy nước sắc Sài hồ có thể hạ sốt đối với nhiễm khuẩn hô hấp trên. Điều trị có theo dõi 143 bệnh nhân, 98% hạ sốt trong 24 giờ sau khi bị cúm, và 88% đều hết sốt sau 1 ngày (Chinese Herbal Medicine).

+ An Thần, giảm đau: làm dịu đau tức vùng nực sườn, khai uất, điều kinh (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Kháng khuẩn: In vitro, nước sắc Sài hồ có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn lao (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Tác dụng giống Corticoid kháng viêm (Trung Dược Học).

+ Hạ mỡ trong máu (Trung Dược Học).

+ Nước sắc Sài hồ có tác dụng ức chế mạnh liên cầu khuẩn tan huyết, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao, Leptospira, vius cúm. Thuốc còn có tác dụng kháng virus viêm gan, virus viêm tủy type I và chống vi trùng sốt rét (Trung Dược Học).

Tính vị:

+ Vị đắng, tính bình (Bản Kinh).

+ Hơi hàn, không độc (Biệt Lục).

+ Vị ngọt (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Khí vị bình, hơi đắng (Y Học Khải Nguyên).

+ Vị đắng, tính bình, hơi lạnh (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh:

+ Vào kinh Can, Đởm (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tác dụng, Chủ trị:

+ Trừ thương hàn, tâm hạ phiền nhiệt, lúc nóng lúc lạnh, sốt rét, đờm nhiệt kết thực, trong ngực có tà nghịch, đại trường đình tích, thủy thủng, thấp tý co rút (Biệt Lục).

+ Bổ ngũ lao, thất thương, trừ phiền, chỉ kính, ích khí, tiêu đờm, chỉ thấu, nhuận Tâm Phế, thêm tinh, bổ tủy (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Trừ hư lao phiền nhiệt, giải tán cơ nhiệt, khứ tảo thần triều nhiệt (Y Học Khải Nguyên).

+ Sài hồ trừ hư lao, giải nhiệt ở da thịt, trị sốt rét, trị đởm nhiệt và các chứng nóng của phụ nữ có thai hoặc sau khi sinh, hông sườn đau (Trân Châu Nang).

Kiêng kỵ:

+ Ghét Tạo giáp, sợ Nữ uyển, Lê lô (Bản Thảo Kinh Tập Chú).

+ Người bệnh hư yếu mà khí bốc lên: không dùng. nôn mửa, âm hư, hỏa bốc lên, đờm đưa lên: không dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị mới bị thương hàn, sốt, đầu đau, chân đau: Sài hồ (bỏ rễ) 20g, Hoàng cầm (bỏ lõi đen), Kinh giới huệ đều 0,4g. Thái nhỏ. Mỗi lần dùng 20g, 1,5 chén nước, Gừng 3 lát, Táo 1 trái. Sắc còn 8 phân, bỏ bã. Thêm nước cốt Sinh địa 1 hộc, Mật ong ½ thìa, đun sôi 3-5 lượt, uống nóng (Giải Độc Thang – Thánh Tế Tổng Lục).

+ Trị cốt chưng, cơ thể nóng như lửa, ngày càng gầy ốm, phát ra chứng mồ hôi trộm, ho, phiền khát: Sài hồ 120g, Thần sa 90g, tán bột, hòa với mật heo. Cho vào nồi cơm, chưng cho chín. Dùng hồ trộn thuốc bột làm viên, to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 3 viên với nước sắc Đào nhân, Ô mai (Thánh Tế Tổng Lục).

+ Trị cảm phong hàn, sốt, sợ lạnh, cơ thể đau nhức, sốt rét: Sài hồ 12g, Phòng phong 4g, Trần bì 2g, Thược dược 8g, Cam thảo 4g, Sinh khương 3-5 lát. Sắc với 1,5 chén, còn 7 phân, uống nóng (Chính Sài Hồ Ẩm – Cảnh Nhạc Toàn Thư).

+ Trị mắt đỏ nhiều: Sài hồ, Sinh địa, Hoàng bá, Hoàng liên, Cam thảo, Cam cúc hoa, Huyền sâm, Liên kiều, Khương hoạt, Kinh giới huệ, liều lượng phân phối quân thần tá sứ, cân chừng 90-120g, nấu nước 3 lần, lấy chừng 2 chén rưỡi, chia làm 3 lần uống nóng, rất hay (Bản Sự phương).

+ Trị thương hàn rồi tà nhập vào kinh lạc làm cho da thịt nóng, gầy ốm: Sài hồ, Cam thảo, sắc lấy nước uống (Bản Sự phương).

+ Trị hư lao nóng nhiều: Sài hồ, Nhân sâm 2 thứ bằng nhau, tán bột. Dùng Sinh khương, Đại táo, sắc lấy nước uống thuốc (Đạm Liêu phương).

+ Trị hoàng đản thể thấp nhiệt: Sài hồ 30g, Cam thảo 6g, Bạch mao căn 15g. Sắc uống (Tôn Thượng Dược Bí Bảo phương).

+ Trị mắt nhìn không rõ, nhất là về chiều càng nặng hơn [quáng gà]: Sài hồ, Thảo quyết minh, giã nát, hòa với sữa người, đắp trên mi mắt, dần dần sẽ sáng ra (Thiên Kim phương).

+ Trị tích nhiệt hạ lỵ: Sài hồ, Hoàng cầm, 2 thứ bằng nhau. Thêm nửa rươu, nửa nước, sắc kỹ, để nguội, uống lúc đói (Tế Cấp phương).

+ Trị sốt rét: Sài hồ 12g, Bán hạ 8g, Hoàng cầm 8g, Đảng sâm 8g, Chích thảo 4g, Thảo quả 12g, Thường sơn 12g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị cảm mạo: Sài hồ, Phòng phong, Trần bì, Thược dược, Cam thảo, Sinh khương. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g (Trung Y Tạp Chí 1985, 12 : 13).

+ Trị mỡ cao: Dùng thuốc giảm mỡ (tương đương Sài hồ 3g, thêm La hán quả gia vị). Ngày uống 3 lần. Một liệu trình là 3 tuần. trị 86 ca, tác dụng tốt đối với Triglycerit (Lý Tông Kỳ, Trung Y tạp Chí 1988, 2 : 62).

+ Trị gan viêm: Dùng Cam Sài Hợp Tễ (Cam thảo, Sài hồ), mỗi lần 10ml, ngày 3 lần [tương đương với Cam thảo, Sài hồ mỗi thứ 15g/ngày] (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Trị giác mạc viêm do virus: Dùng Sài hồ chế thành thuốc nhỏ mắt (10%), mỗi giờ 1 lần và chích dưới kết mạc mỗi lần 0,3-0,5ml. Chích cách nhật, chích bắp mỗi lần 2ml, ngày 2 lần. Ngô Đức Cửu dùng 3 phương pháp trên trị 18 ca, thời gian điều trị bình quân mỗi ca 16 ngày đều khỏi (Trung Dược học thông Báo 1978, 12 : 29).

+ Trị lpus ban đỏ: Thuốc chích Sài hồ, chích bắp mỗi lần 2ml (twưong đương 4g thuốc sống), ngày 2 lần. Liệu trình 10 ngày. Trị 13 cac đều khỏi (Lưu Bằng Phi, Thông Tin Phòng Bệnh Ngoài Da 1979, 2 : 10).

Tham khảo:

+ Sài hồ trị lao nhiệt, gân xương nhức mỏi, phiền muộn, lưng đau, chân tay mỏi, hạ được khí, tuuyên thông khí huyết, trị bệnh do thời khí gây nên, nóng trong nóng ngoài không giải được, dùng Sài hồ nấu lấy nước cốt uống, rất hay (Dược Tính Bản Thảo).

+ Uống lâu ngày sẽ làm cho cơ thể nhẹ nhang, sáng mắt, ích tinh (Bản Kinh).

+ Sài hồ là vị thuốc âm trung chi dương, có tác dụng làm lưu thông kinh thiếu dương, quyết âm (Trân Châu Nang).

+ Muốn thăng lên, dùng rễ, sao rượu; Muốn vào trung tiêu hoặc giáng xuống dùng phần đầu (Lý Đông Viên).

+ Sài hồ giữa mùa đông gốc nó trắng, mềm, mùa xuân thì ngọn sẽ sinh ra mà mùa hè mới tốt, mùa thu mới chắc. Tùy dương khí mà sinh ra ngọn, theo âm khí mà mềm, rất hợp với nghĩa của thiếu dương, vì vậy, những chứng bán biểu bán lý, muốn dùng phép hòa giải, thì dùng Sài hồ rất hay (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Sài hồ tính chất khinh thanh, chủ đưa lên và phát tán. Vị của nó hơi đắng, chủ sơ can, trừ nhiệt tà, tán cơ biểu, nó là vị thuốc thuộc kinh túc Thiếu dương, trị sốt rét, tái đi tái lại, có báng, sốt về chiều (Biện Dược Chỉ Nam).

+ Sài hồ trị nhiệt tà ở bán biểu, bán lý, sốt nóng, sốt rét thuộc kinh thiếu dương; Quế chi trị tà ở Vinh vệ, sốt nóng, sợ lạnh, thuộc chứng ở biểu kinh thái dương; Cát căn trị tà ở cơ, thuộc kinh dương minh, chỉ nóng mà không lạnh (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Sài hồ thường dùng chung với Bạch thược để tăng tác dụng thư Can, trấn thống, vừa để làm dịu kích thích của Sài hồ đối với cơ thể (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

+ Đối với bệnh nhân huyết áp cao có triệu chứng đầu đau, tai ù, chóng mặt (Can hỏa thượng nghịch), không nên dùng Sài hồ liều cao vì có thể làm tăng bệnh, thậm chí gây xuất huyết. Trường hợp bị lao phổi, nếu có biểu chứng, Can khí uất kết, nên dùng Sài hồ lượng ít, khoảng 4-6g (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Cách tổ chức thông tin trên theo bạn là?

Rất thân thiện

Rất đẹp

Hợp lý

Khó sử dụng

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán