09:14 +07 Thứ ba, 19/03/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Y võ dưỡng sinh

Liên hệ

Giá trị dinh dưỡng của huyệt tam âm giao

Thứ bảy - 21/07/2012 15:50
Tam âm giao là một trong số những huyệt vị được sử dụng nhiều nhất trong châm cứu cổ truyền. Do phạm vi tác dụng rộng và tính tự điều chỉnh cao, đặc biệt là công năng dưỡng âm và ổn định thần kinh, Tam âm giao có thể được tác động hàng ngày như một phương pháp dưỡng sinh.
Có những bài thuốc, món ăn hoặc phương pháp tập luyện đơn giản, dễ thực hiện nhiều khi có thể giúp điều chỉnh một số rối loạn nhất định trong cơ thể. Một trong những cách ít ai biết là mỗi người có thể tự tác động vào huyệt Tam âm giao để đạt được những yêu cầu này.
 
MỘT SỐ CÔNG NĂNG CƠ BẢN CỦA PHÉP DƯỠNG SINH 

Dưỡng âm: Âm huyết là phần vật chất quan trọng tạo thành cơ thể con người. Hơn nữa dương khí có đầy đủ hay không cũng phải nương nhờ âm huyết mà tồn tại. Theo Nội kinh: “Người đến 40 tuổi thì âm khí đã kém đến phân nửa” nên nói khí dương thường thừa mà khí âm thường thiếu. Do đó nói đến dưỡng sinh không thể không bàn đến dưỡng âm.
Điều hòa thần kinh: Khoa học đã cho biết trên 50% số tử vong của con người xuất phát từ những bệnh tật do cảm xúc gây ra. Những áp lực, lo toan thường ngày với đủ loại cảm xúc khó chịu và dai dẳng dễ làm cho hệ thần kinh chúng ta căng thẳng, quá tải và suy nhược. Do đó, một phương pháp dưỡng sinh phải có công năng điều chỉnh lại tình trạng rối loạn này, lập lại cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.
Tính giải độc và tăng cường chuyển hóa cơ bản: Một phương pháp dưỡng sinh thường đươc sử dụng lâu dài, thậm chí cả đời. Do đó phải bảo đảm độ an toàn cao, ít hoặc không có phản ứng phụ. Hơn nữa còn phải có chức năng thúc đẩy sự chuyển hóa, thanh lọc và bài tiết của cơ thể.
Sau đây, thử đối chiếu các công năng nói trên với những tác dụng căn bản của huyệt Tam âm giao theo y học cổ truyền.
ĐẠI CƯƠNG VỀ HUYỆT TAM ÂM GIAO 

Huyệt Tam âm giao ở chỗ lõm sau bờ xương chày trên mắt cá chân khoảng 6,5 cm (đối với người lớn, khổ người trung bình). Có thể xác định vị trí huyệt bằng cách hình dung một tam giác cân ABC. A là đỉnh tam giác cân - là điểm giữa của mắt cá chân trong. BC là cạnh đáy của tam giác. C là góc của gót chân. B chính là huyệt Tam âm giao.
Ngay tên gọi đã cho biết Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm: Thái âm tỳ, Thiếu âm thận và Quyết âm can. Với những phương tiện hiện đại, khi châm vào huyệt Tam âm giao, các nhà khoa học Pháp đã xác định được 3 đường trắng nổi lên từ vị trí huyệt chạy dọc theo chân trùng khớp với vị trí 3 đường kinh Tỳ, Can và Thận của châm cứu cổ truyền.
Theo châm cứu cổ truyền, huyệt có công năng bổ Tỳ Thổ, thông khí trệ, sơ tiết vùng hạ tiêu, điều khí nghịch, khử phong thấp ở kinh lạc, kiện Tỳ hoá thấp, sơ Can ích Thận.
TÁC DỤNG DƯỠNG ÂM CỦA HUYỆT TAM ÂM GIAO

Vì là huyệt hội của ba đường kinh âm, đặc biệt là đường kinh Thận nên tác dụng dưỡng âm của huyệt là điều dễ hiểu. Tác dụng rõ nhất của huyệt là bổ Thận âm. Trên thực tế, khi day ấn liên tục từ 7-10 phút trên huyệt, một số người có khí cảm tốt sẽ cảm nhận được một luồng khí lan tỏa theo 2 chiều, hoặc từ lòng bàn chân và ngón chân cái chạy dọc theo 3 đường kinh đến thận, gan và lách; Hoặc ngược lại từ những cơ quan này theo đường kinh thoát ra khỏi cơ thể thông qua lòng bàn chân và các đầu ngón chân. Đây chính là quá trình xả trược khí và thu thanh khí thông qua các tỉnh huyệt ở chân. Nếu sự tác động đủ mạnh và kéo dài sẽ có sự lan tỏa khí sang các tổ chức và các kinh lạc khác của cơ thể - mà gần nhất sẽ là các phủ có liên hệ biểu lý với 3 tạng Tỳ, Can, Thận, tức dạ dày, túi mật và bàng quang...
TÁC DỤNG ĐIỀU HÒA THẦN KINH CỦA HUYỆT TAM ÂM GIAO 

Theo y học cổ truyền, mỗi loại cảm xúc âm tính sẽ làm tổn thương một loại khí nhất định trong cơ thể con người. Chẳng hạn “Ưu thương Tỳ”, “Khủng thương Thận”, “Nộ thương Can”... Tuy nhiên, bất cứ một cảm xúc âm tính nào tác động lâu dài cuối cùng đều ảnh hưởng tới Can khí, dẫn đến Can khí uất, đầu mối của nhiều bệnh tật khác nhau. Tác dụng sơ tiết Can khí làm thư giải khí uất của Tam âm giao sẽ giúp hóa giải trạng thái tâm lý này. Tầm quan trọng của việc thư giải khí uất đã được ghi nhận từ lâu trong y thư cổ: “Mọi chứng bệnh đều kèm chứng uất, vậy chữa bệnh phải kèm chữa uất”. Điều này càng có ý nghĩa trong xã hội hiện nay, khi con người phải đối phó thường xuyên với nguy cơ stress do môi trường và đời sống công nghiệp gây ra.
Ngoài ra, tác dụng làm êm dịu thần kinh còn do công năng “giáng khí” hoặc “điều khí nghịch” của huyệt. Ở những người đang căng thẳng do tâm lý hoặc đang có cơn “bốc hỏa” do “âm hư hỏa vượng”, tác động vào huyệt Tam âm giao có thể thấy ngay kết quả. 
TÁC DỤNG THANH LỌC VÀ TĂNG CƯỜNG CHUYỂN HÓA CƠ BẢN CỦA HUYỆT TAM ÂM GIAO

Theo quan niệm chỉnh thể của y học phương Đông, một tạng hoặc một phủ khi phát sinh bệnh biến sẽ có biểu hiện tương ứng trên đường tuần hành của kinh lạc đi qua nó. Đổi lại, ta có thể thông qua những huyệt vị trên kinh lạc để điều chỉnh những rối loạn bệnh lý của các tạng phủ bên trong. Can Thận chủ hạ tiêu, Tỳ chủ trung tiêu. Do đó, khi tác động vào huyệt Tam âm giao có thể điều tiết toàn bộ quá trình chuyển hóa, thanh lọc và bài tiết ở khu vực này.
Do 3 đường kinh có các chức năng hầu như tương phản nhau: “Thận chủ bế tàng”, “Can chủ sơ tiết”, “Tỳ chủ vận hóa” nên Tam âm giao là một trong số rất ít huyệt vị châm cứu có đặc tính tự điều chỉnh rất cao giữa âm và dương, giữa bất cập và thái quá, giữa hưng phấn và ức chế đối với các lĩnh vực bệnh lý có liên quan. Chẳng hạn cũng cùng một cách châm vào huyệt Nội quan ở cổ tay có thể làm cho nhịp tim tăng lên khi nhịp tim quá yếu hoặc giảm xuống nếu nhịp tim quá nhanh. Cũng tương tự vậy đối với huyệt Tam âm giao, với cùng một cách tác động huyệt có thể điều chỉnh những rối loạn có vẻ như hoàn toàn đối nghịch nhau như bế kinh, rong kinh, đau bụng kinh, băng huyết. Chính vì hiệu quả và phạm vi tác dụng rộng của huyệt nên người xưa đã chọn Tam âm giao là một trong 6 Tổng huyệt được sử dụng rộng rãi nhất trong châm cứu. Lục Tổng huyệt và các khu vực điều chỉnh liên hệ đã được tổng hợp thành bài vè: “Đổ phúc Tam lý lưu, Yêu bối Uỷ trung cầu, Đầu hạn tầm Liệt khuyết, Diện khẩu Hợp cốc thâu, Tâm hung thủ Nội quan, Tiểu phúc Tam âm mưu”.
CÁCH TÁC ĐỘNG VÀO HUYỆT

Bấm huyệt: Ngồi dưới đất hoặc trên nệm, trên ván, hai tay gấp lại vừa tầm để 2 bàn tay có thể nắm lấy cổ chân một cách thoải mái. Mỗi bàn tay tác động vào huyệt Tam âm giao cùng bên. Xác định huyệt Tam âm giao ở khoảng 6,5 cm trên mắt cá chân trong, phía sau xương chày. Dùng 4 ngón tay còn lại bao lấy phía ngoài cổ chân sao cho đầu ngón cái chạm đúng vào huyệt. Dùng lực vừa phải day thành vòng tròn trên huyệt liên tục từ 7 đến 10 phút. Nửa chừng cảm thấy mỏi tay có thể ngừng day, nhưng tay vẫn tiếp tục đặt trên huyệt, sau đó day tiếp cho đến khi đủ thời gian đã định. Mỗi ngày có thể thực hành một lần.
Ngồi kiết già: Kiết già còn được gọi là thế hoa sen, là một thế ngồi quen thuộc của các đạo sĩ Yoga, thiền sư, các nhà sư Phật giáo khi tĩnh tọa. Điểm đặc biệt của thế ngồi này là xương mác ở một chân đã tạo nên một sức ép lên đúng vị trí huyệt Tam âm giao của chân còn lại. Do đó, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt Tam âm giao sẽ liên tục bị kích thích mà không cần động tác day bấm vào huyệt. Những thí nghiệm khoa học về Yoga đã cho biết, chỉ cần ngồi vào tư thế kiết già, sóng não của một người đang căng thẳng có nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ/giây sẽ giảm xuống nhịp Alpha chỉ còn 8 chu kỳ/giây (là sóng não bình thường của người đang minh mẫn, tâm lý ổn định). Điều này có nghĩa tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh mà chưa cần đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền. Kết quả trên đã củng cố thêm cho lý luận về sơ tiết Can khí để để ổn định thần kinh của huyệt Tam âm giao. Ngoài ra, nếu ngồi kiết già để tĩnh tọa sẽ càng có thêm hiệu quả dưỡng âm theo quy luật “Thần tĩnh tất âm sinh”. Theo khoa học, khi ta căng thẳng, trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Hai yếu tố này đã làm cơ thể tiêu phí nhiều năng lượng một cách vô ích. Đổi lại, nếu ta thư giãn hoặc nhập tĩnh thì điều ngược lại sẽ diễn ra: đó là tích lũy năng lượng. Đây chính là quá trình sinh âm và dưỡng âm, hoặc nói cách khác là “Thần tĩnh tất âm sinh”.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Theo y thư cổ, cấm châm hoặc bấm mạnh vào huyệt Tam âm giao đối với các sản phụ. Với phụ nữ, huyệt Tam âm giao có liên quan chặt chẽ với vùng tử cung. Do đó những kích thích mạnh vào huyệt có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, nhất là đối với những trường hợp có tiền sử sẩy thai hoặc sinh non.
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Cách tổ chức thông tin trên theo bạn là?

Rất thân thiện

Rất đẹp

Hợp lý

Khó sử dụng

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán