Tôi vào Huế để đến Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa tìm gặp sư Tuệ Tâm chữa bệnh sau 2 tháng chờ đợi trước khi sư Tuệ Tâm đi Mỹ theo lời mời của kiều bào.
Không khó tìm vì ở Huế nhiều người biết tiếng sư Tuệ Tâm là lương y tài giỏi và đức độ. Không khó tìm vì ở nơi đầu phố Lê Quý Đôn quy tụ một chùa Pháp Luân, một Trung Tâm Kế Thừa - Ứng Dụng YHCT Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa và một quán cơm chay dưỡng sinh Liên Hoa nổi tiếng.
Thượng tọa Thích Tuệ Tâm trụ trì chùa Pháp Luân ngay nơi trung tâm TP. Huế. Một ngôi chùa khang trang yên tĩnh lúc nào cũng luôn rộng mở đón các Phật tử. Một ngày của sư Tuệ Tâm bắt đầu từ 4h sáng. 4h sáng, sư cùng các sư, mấy chú điệu lên điện thờ tụng kinh và ngồi thiền.
Tiếng chuông chùa trầm lắng, tiếng đọc kinh thong thả đánh thức một ngày mới bình an trong tâm trí. Và cứ như vậy, chiều đến lúc 6h30 kết thúc ngày, tiếng chuông chùa lại thỉnh lên cùng tiếng kinh cầu nguyện.
Sẽ chỉ dừng đến đấy nếu như sư chỉ đơn thuần đi tu và tụng kinh niệm Phật. Phòng khám Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa có bao lương y và bệnh nhân đang chờ. Sư Tuệ Tâm là giám đốc điều hành nơi chữa trị bằng y học cổ truyền này và là lương y chính.
Gọi là giám đốc nhưng không như các bệnh viện là có phòng giám đốc, nơi sư tiếp khách là phòng ở chùa. Nơi sư tiếp khách là bàn khám bệnh hàng ngày. Mới khoảng 6h30 - 7h sáng đã có người đến chờ khám bệnh. Cùng các lương y, sư bắt mạch, trị bệnh từ lúc 8 giờ cho tới 11 - 11h30 và chiều lại bắt đầu từ 2h. Rất ít ngày có thể nghỉ sớm khoảng 11h.
Các lương y ở đấy đều có tay nghề, đều tận tình với bệnh nhân nhưng tâm lý người bệnh vẫn muốn được sư Tuệ Tâm bắt mạch. Tôi cũng là một bệnh nhân như vậy. Từ Hà Nội, sau khi chữa trị ở bệnh viện theo đăng ký bảo hiểm, tôi vào Huế để theo sư, kết hợp y học cổ truyền. Có lẽ lương y ở Hà Nội, ở các nơi không thiếu người nổi tiếng.
Nhiều người chọn sư hay tôi chọn sư không những để chữa bệnh, mà còn là gửi gắm vào đó một niềm tin nơi cửa Phật, nơi đức độ, tài năng của người. Người bệnh tâm sự: “Nghe tin ở Huế có nhà sư chữa bệnh miễn phí, chúng tôi rủ nhau vào, mong được nhà sư cứu giúp”. Lương y chữa bệnh miễn phí cả mà. Những người nghèo như tụi tui thì lương y không lấy một xu”.
Thượng tọa Thích Tuệ Tâm khám bệnh cho tác giả - nhà thơ Bùi Kim Anh. ảnh: M.L
Có một số bệnh nhân được cấp 100% hoặc 50% tiền thuốc, một số chỉ lấy vốn, nếu người có đủ điều kiện thì mới bán bình thường. Thuốc được cấp hay bán theo hoàn cảnh của người bệnh. Với những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến khám, chữa bệnh được, hằng năm, sư Tuệ Tâm đều tổ chức 8 - 10 chuyến khám lưu động từ thiện, cấp phát thuốc miễn phí. Mỗi chuyến đi dài hàng chục ngày.
Tuệ Tĩnh Đường hoạt động thuần túy về Đông y, nhưng có sử dụng một số trang thiết bị y khoa CLS của Tây y như máy scan (dùng trong khám chẩn đoán tổng quát) và các thiết bị dành cho xét nghiệm sinh hóa , đo loãng xương, siêu âm... Niềm vui của sư và các lương y ở đây là sức khỏe của người bệnh. Với thu nhập hàng tháng ít ỏi, những người thầy thuốc nơi đây đến với con bệnh bằng tấm lòng thiện nguyện.
Ngôi nhà 3 tầng mới dùng để khám chữa bệnh, ngôi nhà 3 tầng cũ trở thành nơi nội trú cho những bệnh nhân và gia đình ở xa. Tôi cứ thắc mắc khi bệnh nhân và người nhà ở lại không phải trả tiền phòng. “Đây là cửa Phật” - câu trả lời thật đơn giản mà sâu xa, nhân ái. Người ở lại tùy tâm - có thể cúng dường cũng có thể không. Nhiều bệnh nhân hoàn cảnh đã khó khăn, được chữa miễn phí thì việc ở cũng vậy.
Sư Tuệ Tâm kể rằng, trước châm cứu miễn phí, người bệnh chỉ phải mua kim, bây giờ bệnh nhân không phải mua kim nữa. Việc làm tâm đức nơi này sinh những việc tâm đức nơi khác. Ngôi chùa khang trang, cơ sở khám chữa bệnh khang trang từ tấm lòng của sư, của các lương y được bao Phật tử trong, ngoài nước giúp sức, được các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố ủng hộ, động viên.
Lời Phật dạy rằng: “Hãy làm những gì lợi mình lợi người”, sư Tuệ Tâm ngoài việc trụ trì chùa thì việc hoằng pháp được thể hiện dưới hai hình thức cụ thể là: thành lập Tuệ Tĩnh Đường chăm sóc sức khỏe cho đồng bào và lập một quán cơm chay ngay trong khuôn viên chùa Pháp Luân để phục vụ khách thập phương.
Phật giáo Nam tông không đặt nặng vấn đề ăn chay hay ăn mặn. Ở Huế có nhiều quán cơm chay nổi tiếng. Chữa bệnh và nghỉ tại phòng khách nơi chùa, tôi cũng hàng ngày ăn cơm chay nơi quán Liên Hoa. Đây là quán cơm chay theo đúng nghĩa chay tịnh.
Quán cơm chay dưỡng sinh Liên Hoa không chạy theo lợi nhuận mà chủ yếu là chất lượng phục vụ với các món ăn thuần túy Huế. Giá cả món ăn vừa túi tiền theo nhu cầu thực khách. Với không gian đơn sơ, gần gũi, quán cơm chay Liên Hoa rất được thực khách ưa chuộng tại Huế. Quán góp phần không nhỏ cho việc khám chữa bệnh từ thiện của Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa.
Hết giờ khám bệnh, tuần ba tối, sư còn lên lớp giảng dạy, bồi dưỡng Đông y cho các sinh viên YHCT trường Đại học Y khoa Huế. Sư còn tư vấn tâm lý cho nhiều Phật tử, bằng những lời khuyên trong chánh pháp khi họ có những vướng mắc tâm lý không giải quyết được trong cuộc sống.
Ngoài ra, sư còn tham gia các công tác xã hội như ủy viên Ban chấp hành Hội Châm cứu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội Đông y Thừa Thiên Huế.
Sư Tuệ Tâm tâm sự: Sư sẽ xin nâng cấp Tuệ Tĩnh Liên Hoa lên thành một bệnh viện chuyên khoa YHCT, có thể phối hợp khám Bảo hiểm y tế và có ý định xin thành lập một khu nghỉ dưỡng với mục đích là điều Thân và dưỡng Tâm./.
Sư Tuệ Tâm dấn thân xuất thế và xả thân nhập thế theo tinh thần “Phục vụ chúng sanh là cúng dường Chư Phật”. Sư Tuệ Tâm không chỉ là một vị Thượng Tọa được kính trọng, mến yêu của nhiều Phật tử mà còn là một lương y đầy tâm đức, nhân hậu đã đem lại sự an vui cho biết bao bệnh nhân đã đến với Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa.