Khói sương ký ức
Thứ sáu - 26/10/2012 16:37
Trong hình sương bóng khói của ký ức gần bốn mươi năm, ngôi chùa tranh giữa đỉnh núi mây mù đèo Hải Vân chợt hiện ra. Như thực. Như hư.
Như một bức tranh thủy mặc mà chàng họa sĩ thiên nhiên đang vẽ, đang phất những đám màu nước lam nhạt, nhợt nhờ nước mây hư ảo; rồi từng tĩnh vật nhô lên, sắc nét như bước ra từ huyền hoặc, lung linh nào đó là từng cảnh vật, từng nhân vật, từng kỷ niệm đệ huynh thiết cốt không lời.
Trong đó, tôi có hình ảnh của một người em, bây giờ là sư Tuệ Tâm vậy.
Thuở ấy, “tóc em tôi còn xanh lắm”. Dáng người nhỏ, ốm và đen nhưng lại có hai cánh tay, bắp tay rất lực lưỡng nên huynh đệ cười cười sắm cho “chàng lực điền” này một cái “cúp” dài, to và nặng nhất. Thuở đó, chùa dựa lưng triền núi đá. Đá, đá, đá, đá to, đá nhỏ, đá chồng chất đá, triền đá, núi đá... Phải xeo đá, bẩy đá, nẹo đá, đập đá, bới đá để kiếm tìm đất. Đất hiếm như vàng. Thế rồi, rẫy mít, rẫy sắn, rẫy khoai, rẫy chuối, vườn ớt, đu đủ, vườn cà, môn bạc hà, môn ngọt, bầu bí, mướp ngọt, mướp đắng, rau cải xuất hiện... như phép lạ!
Quý sư huynh đi trước khổ lắm. Và người khổ nhất là sư Viên Minh, sư Trí Thâm, thứ đến là sư Tịnh Pháp, sư Tấn Căn. Chư vị phải quần quật, lam lũ, tóe mồ hôi, sôi nước mắt, dập chân, sưng tay, da sạm đen màu đồng hun mới tạo dựng được cơ ngơi ban đầu. Khổ và khó nhất là trồng mít, trồng chuối. Khổ và khó thứ hai là lấy đá dựng tường đá. Lỗ chuối, lỗ mít, tiêu chuẩn một người, một ngày chỉ có một lỗ - vì phải xeo đá, nạy đá lên khoảng chừng một mét khối vuông vức mới trông được một cây mít hay một cây chuối! Lấy được một sào đất trồng ớt có nghĩa là lấy đá ra, lượng đá phải chất quanh sào đất ấy, dày từ bảy tấc đến một thước và cao khoảng một mét hai đến một mét rưỡi! Thật không dễ chút nào! Phải đọc “ Milarepa, con người siêu việt” để nung nóng ý chí, cháy bùng sức lửa mới làm được việc ấy!
Anh em chúng tôi làm việc nhiều nhưng cái ăn thì rất thiếu thốn. Đa phần chúng tôi nuôi sống sinh mạng không phải là từ năng lượng của thực phẩm mà do nhờ năng lượng của ý chí, của tinh thần, của tình nghĩa đệ huynh, của đức tin bất thối! Ai cũng đang sức thanh niên cả, làm nhiều, tiêu tốn năng lượng nhiều mà thiếu ngọt, thiếu béo, thiếu quá nhiều chất bổ dưỡng thì làm sao mà “cân bằng sinh thái”? Thỉnh thoảng Phật tử Đà Nẵng và Huế tiếp tế. Thỉnh thoảng, sư Tịnh Pháp đi bát bánh trái ở thành phố. Có thời, chúng tôi chỉ ăn sắn, khoai, bo bo chứ gạo thì giới hạn đến tận cùng. Mỗi ngày, mỗi người, tiêu chuẩn chỉ có 1/4 lon gạo kể cả sáng, trưa, nhà bếp làm sao đó thì làm! Trong chùa có hai vị thèm cơm nhất, trước là sư Trí Thâm và sau là sư Tuệ Tâm.
Hôm nọ, trước bữa ăn, sư Viên Minh chợt tuyên bố:
- Bắt đầu từ nay, sư huynh sẽ thí nghiệm ăn sắn một tuần, mười ngày để coi xem cơ thể nó ra sao!
Nói thế xong, sư lựa ra phần sắn cho mình, còn cơm, sư sớt cho sư Tịnh Pháp, sư Trí Thâm. Sư Viên Minh muốn nhượng phần cơm của mình mà sư lại nói như vậy đó! Nên sau này, khi sư vào Sài Gòn rồi, tôi lại noi gương vị sư huynh khả kính ấy để sớt cơm cho sư Tuệ Tâm.
Nhưng cơm ăn với gì? Có gì đâu mà ăn. Sau khi dùng sáng quấy quá lót lòng, sư Viên Minh vác cúp, vác cuốc lên rẫy, mọi người (cả chùa) thế là phải lục tục theo sau. Rồi hì hục đào, hì hục cuốc, hì hục xeo, bẫy! Khoảng 9 giờ, khi chuyến tàu từ Huế vào Đà Nẵng hú còi, là người phụ trách nhà bếp được nghỉ tay để lo phận sự của mình. Và cứ lục kho, lục cụi mà tùy nghi biến hóa thức ăn. Thường thì có hũ tương mặn hơn muối, vì tương hết lâu rồi nên cứ chêm muối vào và thêm nước lạnh. Bí bầu, rau cải, môn ngọt, môn bạc hà, bắp chuối thường có sẵn... nhưng nêm nấu với gì? Ai phụ trách nấu ăn cũng thường chọn canh lá giang, vì nó chua chua dễ nuốt. Bột ngọt rất hiếm, nên món gì cũng muối là muối thôi! Ai cũng thèm béo, thèm đường, thèm sữa. Một bánh đường đen, buổi tối phải chia cho trên dưới mười người, ăn, uống nước lá, nghỉ ngơi hay học hành. Có một lon sữa, không ai được uống, phải làm kẹo rồi viên từng viên như viên bi, chia đều; đôi khi đánh cờ tướng, ai bại, thua một viên kẹo rồi cười ha hả!
Còn học. Đây là tôi chỉ kể vào thời của tôi thôi, tức là vào năm 1976, sư Viên Minh vào Sài Gòn làm tổng thư ký hệ phái ở tại chùa Kỳ Viên. Ở đô thành thì đầy đủ hơn, nhưng sư Viên Minh phải nhịn ăn sáng, giành giụm bạc tiền, gởi về giúp đỡ thêm chút hồ, chút cháo.
Anh em chúng tôi học dữ lắm. Môn khác thì tôi không nhớ, nhưng chữ Hán, mỗi ngày phải thuộc 80 chữ! Viết trên miếng giấy cứng nhỏ rồi đố nhau như đánh bài. Khi ăn, khi lao động nghỉ tay, khi uống nước, đêm, sáng... lúc nào cũng học và học. Đọc sách cũng khiếp. Đông Tây kim cổ. Nhờ vậy thời gian trôi qua rất nhanh.
Kể chuyện sư Tuệ Tâm học thuốc, học châm cứu. Tôi bị ông năn nỉ “đè” ra châm một lần, các vị khác thì nhiều lần hơn. Đau, máu chảy, nhăn nhó.
Không những là sư Tuệ Tâm, mà cả sư Pháp Tông, do thấy họ còn trẻ nên tôi để cho các vị nghỉ lao động để nghiên cứu, học hành. Cũng trong thời gian khó khăn, cơ cực ấy mà tôi làm được tờ báo “pháp thị” dưới dạng ronéo; và các mẫu truyện trong “Chuyện cửa thiền” đa phần là dựa trên việc thực, người thực mà hư cấu thêm. Sư Pháp Tông có đóng góp được truyện ngắn, sư Tuệ Tâm có đóng góp được thơ.
Chùa chuyển lên thôn Nham Biều vào tháng 11 năm 1978, khá hơn một chút về chuyện vật thực nhưng lao động cũng quần quật và cái đói vẫn còn đeo đẳng quyết liệt. Chùa đông người quá, 18 miệng ăn mà phải tự túc hầu như toàn bộ nên buổi sáng thường nhịn ăn, còn buổi trưa thì ăn cháo heo! Có lần, sư Tuệ Tâm đói quá nên ôm bát khất thực quanh làng, trở về được hai trái chuối, phải ăn cho đỡ dạ mới làm việc tiếp tục được. Cảm xúc quá, tôi có tặng sư ấy mấy câu thơ:
“ Tuệ Tâm đi bát về
Đói lòng, hai trái chuối
Chân đất, nặng tình quê
Vai lương nông mặn muối!”
Để hỗ trợ cho nghề thuốc của sư Tuệ Tâm, mà lúc này mọi người đến xin chẩn trị quá đông, tôi cho phá vườn trồng thuốc Nam như râu mèo, ngải cứu và nhiều nhất là cây gì khi bào chế thành viên nhỏ xanh xanh, đen đen “trị bách bệnh” quên rồi!
Có lần đi sang nhà ngang, bệnh nhân ngồi chật trong chật ngoài, tôi nghe tiếng Sư từ trong vọng ra:
- Hôm nớ, bệnh tê thấp phong khớp của chú, tôi chữa lành rồi, nhưng răng chừ lại qua đây than đau, than nhức nữa?
Giọng người đàn ông thấp xuống như biết mình có lỗi:
- Tui biết. Tui lành rồi. Nhưng làm ruộng thì phải lội bùn, lội nước nên hắn đau nhức trở lại. Tui có muốn rứa mô!
Sư có vẻ nhăn mặt:
- Phải biết kiêng cử nước ruộng một thời gian đã chớ?
- Rứa thì mần chi mà ăn sư? Phải có cái chi mà bỏ bụng chớ!
Có lẽ sư lắc đầu.
Lại nghe ba bốn tiếng người khác chen nhau:
- Tui buồn chuyện nhà, chuyện con cháu nên ăn không được, ngủ không được sư nờ!
- Tui hút thuốc rê, tui bỏ không được, nên bi chừ bị ho liên tục, ho ngày ho đêm sư nờ!
- Tui chặt bờ ruộng, thấy một con rắn, tui chặt luôn. Ai ngờ một con khác trong lỗ, thò ra, cắn ngay cổ chưn của tui. Mần răng sư ơi! Nhức lắm! Đau lắm. Hắn sưng vù cả chưn đây nì!
Chuyện rứa đó. Tôi chịu. Phải có tâm bồ-tát mới chịu khó nghe hết những lời than đau, than khổ đó. Đúng là bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Họ tự làm họ bệnh, họ đau rồi đến ông thầy thuốc mà rên, mà la! Chữa lành rồi lại không chịu tránh nguyên nhân gây bệnh! Đúng là chúng sanh. Cái kiểu mà “chúng sanh đau thì Phật đau” nghe chừng hơi cường điệu rồi chăng?
Rồi thời gian sau, tổ chẩn trị, thầy trò chuyển về chùa Tăng Quang, tôi có tương trợ chút ít không thấm vào đâu; chuyển sang chùa Diệu Đế thì cũng muôn vàn cơ cực, tôi dầu bận trăm công ngàn chuyện nhưng thỉnh thoảng cũng thăm hỏi, theo dõi. Buồn cái là khi vững chắc rồi, tự đi được trên đôi chân của mình rồi thì người ta lấy cái thương hiệu ấy để ghép thêm Tây Y vào đó. Làm thế mà người ta cũng làm được mới kỳ! Sư ấy còn nói một ý rất hay, tôi thêm mắm, thêm muối một chút thì nó là như sau:
- Thôi! Nhẫn nại và từ bi mới sống được với “cõi chợ” này, nó khác ở chùa nhiều lắm! Bơi qua sông thì phải chấp nhận rều rác, nhưng cũng có cả rong bèo nở hoa màu tím biếc, đẹp lắm, sư huynh à!
Còn nữa. Phải có ý chí, nghị lực và nhất là cái tâm yêu nghề mới tiếp tục được con đường nhiêu khê ấy. Con đường kề bên cái khổ. Con đường gánh nghiệp cho chúng sanh. Con đường dễ bị người khác lợi dụng. Tôi, có lẽ, không nguyện bồ-tát được, có nguyện thì nguyện “độc giác” thôi!
Rồi qua chùa Pháp Luân, rồi Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, rồi quán cơm chay Liên Hoa, rồi chùa Pháp Luân đẹp đẽ, nhà lầu chẩn trị ba tầng khang trang, tôi lại ít về thăm hơn, vì thấy sư cái gì cũng thành đạt cả rồi, vững chắc cả rồi. Năm nào tôi cũng có thơ tặng xuân; riêng có mấy bài sau đây là tương đối chỉnh chu nhất, nay xin chép lại đây, cũng vừa như để tán dương công đức của người sư đệ vì nguyện lớn mà xuống non, mới đó mà đã ba mươi năm rồi; và cũng để khép lại trang văn cho nó có khói sương thi vị một chút:
Pháp Luân - Tuệ Tĩnh
Sơn hạ Huyền Không - Tuệ Tĩnh đường
Bao la nguồn khổ, tỏa tình thương
Lương y nguyện lớn, non khôn sánh
Từ mẫu ân sâu, biển khó lường
Đòi đoạn tử sinh đau hữu hạn
Đa đoan lão bệnh cảm vô thường
Noi tâm thánh đức, giương cao đuốc
Tận tụy giúp đời hiến dược phương!
Bồ-tát chợ triền
Giống sao ông Phật Di Lặc
Mở mắt thấy nụ cười duyên
Phòng đầy kinh thư chữ nghĩa
Bụng no phương dược thánh hiền
Lúc nào nghiên đề, giảng khóa?
Khi mô vận khí, tọa thiền?
Ngày ngày việc làm không ngớt
Đêm đêm bệnh réo đi liền
Báo chí, sách, tin - đủ cả
Y chang bồ-tát chợ triền!
Dốc tịnh bình!
Mừng đệ khói sương thỏa chí mình
Tay chèo, tay chống lướt phù sinh
Chợ chiều, thắm đượm hoa nhân ái
Cõi bụi, xanh mơn đóa đạo tình
Đức tỏa tùng hương, trăng cổ tích
Tâm ngời bối diệp, đuốc tân kinh
Liên Hoa, Tuệ Tĩnh - miền cam lộ
Thấy chúng sanh đau, dốc tịnh bình!
Nhất đóa Xuân
Xuống núi gậy thiền đã mấy Xuân?
Sắc không hóa ngọc, biếc vô ngần
Qua sông đò nặng, bền cao chí
Gánh nghiệp đời đau, vững đạo tâm
Biển bạc mênh mông, thuyền bát-nhã
Lòng son bát ngát, áng từ vân
Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, tình quy Phật
Muôn thuở nụ cười, nhất đóa Xuân!
Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng
Hòn Vượn, Am Mây Tía - Hạ, Thu 2012
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH