Trong sương khói mù mênh của “nghiệp” hay là của “di truyền” mà tôi trở thành thầy thuốc, tôi cũng không biết nữa. Nhưng rõ ràng, tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống về Y học cổ truyền
Trong sương khói mù mênh của
“nghiệp” hay là của
“di truyền” mà tôi trở thành thầy thuốc, tôi cũng không biết nữa. Nhưng rõ ràng, tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống về Y học cổ truyền: Bà nội tôi là người khá thành thạo về chích lễ, bốc thuốc nam; bố tôi cũng mát tay đi theo nghề của bà nội; đến đời tôi thì có duyên may theo
“nghiệp” nầy và có lẽ còn tiến xa hơn thế! Hiện nay cả nhà tôi có 4 người theo nghề Y học cổ truyền.
Tôi nhớ, vào khoảng tháng 2 năm 1974, tôi có nhân duyên theo tu học tại chùa Tăng Quang với thượng tọa Giới Hỷ. Đến tháng 6 năm 1974 tôi được thọ Sa Di giới rồi qua ở chùa Pháp Luân để làm ruộng. Cuối năm 1975 tôi vào Sài Gòn sống tại chùa Phật Bảo ở Tân Bình và chùa Phước Sơn ở Đồng Nai của hòa thượng Giới Nghiêm. Tại đây tôi có cơ duyên theo học một lớp châm cứu do thượng tọa Tâm Ấn hướng dẫn. Và sau tôi lại có dịp tham học với các vị danh y như lương y Nguyễn Đồng Di, lương y Định Ninh Lê Đức Thiếp...
Đến tháng 6 năm 1976 tôi về tu viện Huyền Không ở Lăng Cô, đèo Hải Vân để tu học. Ở đây, buổi sáng làm nương rẫy, buổi chiều học Phật học do sư Viên Minh và sư Giới Đức hướng dẫn. Gọi là học Phật chứ thật ra là phải học nhiều môn lắm. Nào kinh, nào sử, nào Pháp cú, nào pháp số, nào Pāḷi, nào Anh, nào Hán... cả triết học, văn chương và còn tập tành thi phú nữa! Học đến toát mồ hôi không thua gì cúp cuốc nương rẫy đâu. Các sư thường têu tếu gọi là 4 mồ hôi: Cúp cuốc toát mồ hôi, ăn sắn khoai toát mồ hôi, học hành toát mồ hôi và kinh kệ toát mồ hôi! Thì giờ còn lại, nơi am lạnh, trăng mờ, bên ngọn đèn dầu leo lét, tôi căng mắt nghiên cứu thêm sách châm cứu của cụ Thượng Trúc, cụ Khương Duy Đạm; và lại còn lấy kim, mày mò các huyệt đạo rồi tập chích nơi chính mình! Ôi! Đau quá là đau! Đôi khi các sư, các chú, tôi cũng năn nỉ để làm bệnh nhân cho tôi thí nghiệm tay nghề châm cứu của mình nữa!
Thời gian trôi qua. Rồi bỗng có một ngày như
“thiêng liêng” và cũng như
“nghiệp dĩ” nó đến với tôi. Nó xoay chuyển cả đời người. Nó định hướng cho cả tương lai. Nói
“đao to búa lớn” một chút là nó chụp lên đôi vai tôi một
“sứ mạng”, một
“hạnh nguyện” như là dấu ấn trong suốt cuộc đời hành động!
Tôi còn nhớ mãi ngày hôm đó. Các sư có việc phải vào Đà Nẳng hết, tôi ở chùa một mình. Buồn. Quạnh vắng và buồn. Chiều xuống, ngồi trên tảng đá dưới gốc cây bạc hà, tôi mê mải ngắm nhìn cảnh hoàng hôn đang xuống dần giữa biển, trời, nước mênh mông... Và ô kìa, đỉnh đèo Phú Gia như lung linh, chập chờn soi bóng xuống đầm Lăng Cô trông nửa hư nửa thực, nửa có nửa không... Trên nền trời, như giữa hư vô lồng lộng, những đám mây thay nhau biến đổi sắc màu, rất nhanh, rất thiện xảo, trông như trò ảo thuật. Màu sắc này ẩn chìm trong màu sắc kia, và không thể xác định màu sắc nào trong sự biến đổi chóng vánh từng sát-na, từng sát-na đó! Cảnh tượng này ẩn chìm trong cảnh tượng nọ, và cũng không thật sự cảnh tượng nào là hiện hữu! Đúng là māyā! Đúng là có đó rồi mất đó! Chợt dưng, một cảm xúc tâm linh dâng trào, ngộp thở, choáng váng. Câu kệ trong kinh Kim Cang hôm nào tập viết chữ Hán nó hiện ra:
“ Nhất thiết hữu vi pháp. Như mộng huyễn bào ảnh. Như lộ diệc như điển. Ưng tác như thị quán!” (1) Câu kệ thơ của thiền sư Vạn Hạnh cũng có mặt tức khắc:
“ Thân như điện ảnh hữu hoàn vô. Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô. Nhậm vận thịnh suy vô bố úy. Thịnh suy như lộ thảo đầu phô!” (2) Rồi câu kệ Pháp cú nó cũng đồng hiện:
“ Yathā bubbulakaṃ passe yathā passe marīcikaṃ; evaṃ lokaṃ avekkhantaṃ maccurājā na passati! (3)Đêm xuống, với một tâm trạng khó tả, tôi như vừa thấy một cái gì, cảm nhận được cái gì như là sự mong manh của kiếp người, cái gì như sự đổi thay nhanh chóng của bản thân tôi cũng như của vạn vật. Vô thường, vô ngã là đó chăng? Rồi cảm nhận vô thường, vô ngã để buông xuôi theo cái tất yếu, hay là hùng dũng, vô úy như thiền sư Vạn Hạnh dựng trượng mở nước thời Lý? Gần gũi hơn là tấm gương của thiền sư Tuệ Tĩnh, vị thánh thuốc Nam, khai sáng nền y học y học cổ truyền cho dân tộc trong hai bộ sách vĩ đại là
Nam dược thần hiệu và
Hồng nghĩa giác tư y thư. Tôi là Tuệ Tâm, có liên hệ gì với pháp danh Tuệ Tĩnh của ngài để làm cháu chít
“truyền đèn, nối lửa” nền y học Phật môn, đúng như câu đối viết ở đền Bia tại chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng:
“ Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh. Sống nhờ cửa Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm giang!” Cái tài Hoa Đà, Biển Thước của ngài, đến đổi nhà Minh phải phong tặng ngài là Đại Y thiền sư!
Thế rồi, như đã quyết định, tôi vào điện Phật thắp hương, đánh chuông và phát nguyện:
“Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện dâng hiến xác thân nầy để phục vụ tha nhân cho đến khi còn hơi thở cuối cùng”. Bây giờ nghĩ lại cái lời ấy nó cao đại và cường điệu quá! Tôi hơi hỗ thẹn, nhưng sự thực sao thì cứ nói vậy! Thuở ấy tôi mới 21 tuổi thôi mà!
Nhưng cũng nhờ lời nguyện ấy, kể từ đó, tôi chuyên tâm nghiên cứu về Đông Y và châm cứu sâu rộng hơn trong khả năng tư liệu có thể! Bệnh nhân của tôi là dân làng Lộc Hải cùng với bộ đội biên phòng ở trong vùng
“nghe tiếng lành đồn xa”!Thật là duyên may, không biết nói thế nào, nhưng phần nhiều các bệnh nhân đến chữa đều được lành bệnh một cách nhanh chóng, có lẽ là do
“tổ đãi” chăng!? Âu cũng là cái nghiệp dĩ mà tôi đã chọn.
Thế là từ đó tôi cũng có chút tiếng tăm khiến nhiều người tìm đến chùa để cậy nhờ tôi cứu chữa. Các vị sư huynh trong chùa phải cho tôi nghỉ việc làm rẫy buổi sáng để giúp bà con bệnh nhân. Tuy vậy trong thâm tâm tôi vẫn mong muốn tìm một người thầy để học hỏi cho đến nơi đến chốn. Trong chùa khi đó có sư Tâm Đức, anh Thức, chú Thiện nữa. Ông nội của anh Thức là một vị lương y nổi tiếng ở Huế. Tôi đã nhiều lần nghe anh Thức nói chuyện về ông nội của anh có bài thuốc rất hay chữa bệnh hen suyễn. Được sự giới thiệu của sư Tâm Đức
(Tôn Thất Diệp) và anh Thức
(Tôn Thất Thức), tôi thu xếp lên làng Sư Lỗ Đông, xã Lộc Điền
(Làng Truồi), Phú Lộc, Thừa Thiên Huế để xin tham học. Ông cụ gặp tôi là thích liền. Tôi còn nhớ lời ông cụ nói với ý rằng, tôi tuy con cháu rất đông, nhưng thấy không đứa nào có duyên với nghề y cả nên tôi không truyền. Gặp tôi ông cụ biết là đã có duyên rồi. Ông cụ cũng được biết tôi có học châm cứu nữa nên ông cụ bảo,
rứa là hay quá!Thế là từ đó hể rảnh rỗi là tôi lên học mạch, học thuốc với cụ. Cùng theo học với tôi có bác Trình trước đây làm ở viện Đại Học Huế khi đó đã về hưu. Tôi có rất nhiều kỷ niệm tốt đẹp về cụ. Cũng nhờ cụ tận tâm chỉ bảo nên tôi mới biết thêm về bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc Bắc. Đặc biệt, ông cụ đã truyền lại cho tôi bài thuốc chữa bệnh
hen suyễn và bài thuốc chữa về bệnh
can khí uất kết. Còn bác Trình thì được ông cụ truyền bài thuốc chữa
máu dạ con. Ông cụ trước khi qua đời đã dặn con cháu nhờ tôi đứng ra chiếu liệu hậu sự. Như vậy có thể nói tôi là người được ông cụ coi như là một đệ tử duy nhất. Ông cụ còn để lại di chúc dặn con cháu trao lại cho tôi một túi xách đựng sách vở Đông Y chữ Hán và các cuốn sách mà cụ đã viết về các bài thuốc kinh nghiệm trong cả cuộc đời làm thuốc của mình.
Sư Tuệ Tâm đang khám bệnh
Tháng 11 năm 1978, chùa Huyền Huyền Không phải di dời lên thôn Nham Biều, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà. Nơi đây tôi phải sử dụng ngôi nhà ngang để châm cứu và cắt thuốc Nam cho bà con các thôn, xã vùng lân cận. Hằng ngày tôi khám và chữa trị cho khoảng 40 người từ 2 giờ chiều cho đến 9 giờ tối.
Ngoài việc khám chữa bệnh, được nghe danh ở làng Bồn Trì, xã Hương An có thầy Mau rất giỏi về thuốc Nam nên ngày chủ nhật nào tôi cũng mang gùi, rựa, cuốc nhỏ để cùng với thầy đi lên núi. Thầy rất tận tình chỉ vẻ cho tôi về các cây thuốc và kinh nghiệm của thầy khi dùng nó để chữa bệnh này, bệnh khác. Có khi thấy tôi đến, thầy liền bỏ cày, cuốc hoặc công việc gì đó đang làm để dẫn tôi đi tìm cây thuốc. Tôi rất mang ơn thầy. Nhờ có thầy mà tôi biết khá nhiều cây thuốc Nam.
Tháng 6 năm 1982, theo yêu cầu của một số Phật tử, tôi mở một lớp châm cứu. Lớp học nầy có 6 người. Nhờ sự hỗ trợ và động viên tinh thần của đại huynh Viên Minh, sư huynh Giới Đức, sư huynh Pháp Tông và chư huynh đệ chùa Huyền Không. Nhất là sư huynh Giới Đức lúc đó là chủ trì, khởi đầu đã cho tôi 20 thùng lúa và 2000 đồng để làm vốn. Tôi thật xúc động và tri ân biết bao, bởi vì chùa lúc đó cũng đang khó khăn, mà với số lúa và số tiền ấy là khá lớn.
Sau khi hoàn thành khóa học cả 7 thầy trò về chùa Tăng Quang mở phòng khám chữa bệnh. Nhờ sự bảo trợ của anh Nguyễn Hữu Vấn, chủ tịch Mặt Trận thành phố Huế, và ông Nguyễn Quốc Vượng, chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Bình Trị Thiên mà chúng tôi đã thành lập tổ chẩn trị Y Học dân tộc. Nhưng chỉ mới làm được vài thàng thị bị lũ lụt liên miên nên đành phải tính chuyện di chuyển đi nơi khác. Chỉ trong vòng 6 tháng mà gạo cơm và vốn liếng đã gần cạn, mặc dù những ngày nắng ráo cũng khoảng hơn một trăm bệnh nhân đến điều trị. Ôi! Giai đoạn đó thật là khó khăn, kể lại mà tôi còn rơm rớm nước mắt! Thầy trò chúng tôi phần lớn phải ăn cháo bo bo nấu với cả thúng rau muống, rau khoai mà chúng tôi hay gọi đùa là món
cháo heo!Thế nhưng với tấm lòng nhiệt tình phục vụ nên chúng tôi không nề hà. Tôi quên chưa nói là: Thuở ấy, phòng khám chúng tôi phục vụ hoàn toàn miễn phí tất cả từ châm cứu đến thuốc men.
May thay, sau đó, nhờ sự giúp đỡ và giới thiệu của anh Châu ở đường Vạn Xuân, tôi mới tiếp xúc với sư bà Chơn Thông, trú trì chùa Diệu Viên và mượn được một số phòng ở trường mẫu giáo Lâm Tỳ Ni, nằm trong khuôn viên chùa Diệu Đế.
Ngày mở đầu phòng khám tôi có làm bài thơ tặng các tình nguyện viên như sau:
NHỮNG BÀN TAY BÉ NHỎ(Tặng các tình nguyện viên châm cứu từ thiện) Ta bỏ lại con đường thơm lối cỏBỏ sau lưng những cánh mộng miên trườngVề nơi đây ươm sức sống yêu thươngVòng tay nhỏ che khung trời giá lạnh Một chút lửa dưỡng nuôi đời đạo hạnhMột chút tình rây rắc cõi nhân sinhCòn gì sau con sóng vỗ mạn ghềnhMột chút bọt xin lênh đênh ngày tháng Một nụ cười xin bao dung nghiệt ngãNiềm tin này thắp sáng vạn linh hồnHãy tin tưởng! Dù nắng đã hoàng hônĐừng ngần ngại bước chân mình bé dại Hãy bước tới với tấm lòng rộng rãiĐời đảo điên nương điên đảo mà quayCuộc hí trường nào khác giọt sương maiRồi cũng thế! Trăm năm rồi cũng thế! Khách nhân tình dừng chân bên quán trọRồi ra đi như cánh hạc vô tìnhLưu dấu gì giữa cát bãi phù sinhCon thuyền mộng xin xuôi dòng viễn mộng Bến trần hoàn nhấp nhô con sóng bạcĐường thiên lương lác đác bóng chim vềKính lạy Ngài, ngã Phật đại từ biLòng biển thẳm hoa vô vi thoáng hiện. Kỷ niệm khai mạc phòng khám Châm cứu Từ thiện01/10/Tân Dậu (1982) Đến tháng 4 năm 1983, tôi chính thức di dời lên cơ sở mới. Khuôn viên cơ sở mới tuy có rộng rãi hơn nhưng tôn lợp lâu ngày nên mỗi lần mưa gió là nước dột khắp nơi. Bệnh nhân phải luôn di chuyển giường nằm. Hoạt động được một năm thì vốn liếng cạn kiệt. Bệnh nhân tuy đông
(khoảng 150 bênh nhân/ngày) nhưng thuốc men không có để cấp phát. Ngay cả nhân viên phục vụ cũng chật vật miếng ăn. Cho dù cả thầy trò chỉ dùng một ngày hai bữa sáng, trưa còn buổi tối nhịn. Đã thế lại còn mắc nợ tiền thuốc của người ta hơn một ngàn đồng. Tình thế nầy tôi thấy quá khó khăn nên đã tính đến phương án giải thể. Mặc dù tấm lòng phục vụ rất nhiệt tình nhưng lực bất tòng tâm.
Tôi cũng đã tìm mọi cách để cải thiện đời sống của nhân viên. Được thầy Giới Hương, trụ trì chùa Diệu Đế cho mượn một khoản đất phía trước chùa, thầy trò chúng tôi ra sức cuốc đất trồng cây bông vạn thọ để bán Tết, đồng thời đi mua thêm cúc bách nhật và đăng ký một gian hàng bán hoa Tết. Có những năm trời lạnh thấu xương mà phải gồng mình chịu đựng. Nhưng rồi năm nào cũng như năm nào thầy trò cũng chẳng kiếm một đồng lời nào cả cho bõ bèn công sức!
Không biết do đâu chuyện nầy lại đến tai đạo hữu Nguyễn Văn Lợi ở đường Huỳnh Thúc Kháng, anh cũng là một người theo học lớp châm cứu thuốc Nam khóa 2 cùng với Thành, Yên do tôi hướng dẫn. Anh Lợi đến gặp tôi và hỏi lý do vì sao phải giải thể? Tôi trình bày mọi việc. Anh nói rằng phòng khám của mình rất có uy tín, bệnh nhân ngày càng đông nếu bỏ đi thì rất uổng, tội cho bà con bệnh nhân nghèo. Vì vậy anh hứa cho tôi mượn tiền để trả nợ tiền thuốc và mua thêm thuốc cũng như thực phẩm để duy trì phục vụ. Tôi cám ơn anh rất nhiều, nhờ số tiền anh cho mượn nên tôi mới duy trì hoạt động đều đặn cho đến nhiều năm về sau.
Ngoài khóa học đầu tiên, tôi tiếp tục triển khai các khóa tiếp theo. Đến nay cũng đã 13 khóa chính thức, mỗi khóa học 3 năm. Còn những lớp học châm cứu ngắn ngày dành cho sinh viên trường Y Khoa thì rất nhiều. Trung bình mỗi lớp từ 3 đến 6 tháng. Hiện nay tôi vẫn mở các lớp bồi dưỡng Y Học cổ truyền cho các em sinh viên khoa YHCT thuộc trường Đại học Y Khoa Huế và trường Cao đẳng Y Tế - Thừa Thiên Huế.
Tôi cũng đã kết hợp với Mặt Trận thành phố Huế, từ năm 1984 đến 1989, mở nhiều lớp dưỡng sinh dạy thái cực quyền, khí công, yoya, thể dục … cho các cụ hưu trí, người cao tuổi ở các phường xã trong thành phố. Sau đó thành lập Câu Lạc Bộ dưỡng sinh do bác Bạch Văn Quế làm trưởng nhóm.
Năm 1987, tiến sĩ Thái Thị Kim Lan nhân chuyến về thăm quê hương, chị có đến thăm cơ sở khám bệnh từ thiện. Nhìn qua hoàn cảnh của phòng khám, chị đã phát tâm kêu gọi và ủng hộ một số tịnh tài để sữa sang lại cơ sở, thay một số tôn mới, sửa phòng vệ sinh, quầy thuốc và mua thêm thuốc men để phục vụ bệnh nhân. Nhờ đó mà cơ sở trông đã tương đối tươm tất hơn.
Theo chủ trương của Giáo Hội và theo yêu cầu của tỉnh Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 4 năm 1989, phòng khám đã sáp nhập với phòng Tây Y và thành lập Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế. Đến năm 1994, nhờ một tổ chức từ thiện ở Đài Loan giúp đỡ, Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế được chỉnh trang lại toàn bộ. Cơ sở bây giờ khang trang đẹp đẽ hơn trước nhiều. Bệnh nhân đến khám và điều trị hằng ngày khoảng chừng 250 người. Nơi đây điều trị cả Đông và Tây Y.
Từ năm 1994, ngài Hộ Nhẫn, Tăng Trưởng Hệ Phái Phật Giáo Nam Tông Việt Nam - giao trách nhiệm cho tôi lấy lại đất chùa Pháp Luân (gần 10.000m2) đã mất gần hết. Nhờ uy đức của ngài, nên sau 10 năm gởi đơn khiếu nại khắp nơi, cuối cùng tôi cũng thu hồi được 2.000m
2 đất
(trước đây chỉ còn khoảng 600m2). Năm 2010, tôi xin chính quyền cấp đất thêm 436m
2 để mở rộng phòng khám bệnh từ thiện.
Hòa Thượng Pháp Nhẫn, Sư cô Trí Hạnh và Phật tử Tự Viện Liên Hoa – Hoa Kỳ
Năm 2004, sau khi thu hồi được đất, tôi có dự tính sẽ xây dựng một phòng khám bệnh từ thiện nơi đây. Duyên may gặp lúc hòa thượng Pháp Nhẫn và sư cô Trí Hạnh về thăm Huế, tôi có dẫn ngài qua thăm chùa Pháp Luân và ngài đã hứa khả sẽ ủng hộ tôi xây dựng phòng khám bệnh từ thiện. Ngài chỉ yêu cầu lấy tên là Liên Hoa để Tự Viện Liên Hoa ở Texas – Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ Liên Hoa tại Huế.
Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa năm 2005
Thế là tôi bắt tay vào việc xây dựng, sau 11 tháng thi công, cuối cùng tháng 4 năm 2005 thì hoàn tất công trình. Tháng 5 năm 2005 tôi di chuyển toàn bộ phòng Đông Y từ Diệu Đế sang Liên Hoa và tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo. Đến tháng 7 năm 2007, được sự cho phép của Sở Y Tế và sự giúp đở của Hội Châm Cứu tỉnh, tôi thành lập Trung Tâm Kế Thừa và Ứng Dụng YHCT Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Nhân viên phục vụ bệnh nhân hiện có 30 người.
Lễ ra mắt Trung Tâm Kế Thừa và Ứng Dụng YHCT
Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa tháng 7/2007Ngoài hoạt động tại cơ sở, tôi còn hỗ trợ thành lập 4 chi nhánh đó là: Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, Tuệ Tĩnh đường Pháp Lạc, Tuệ Tĩnh đường Cự Lại, Tuệ Tĩnh đường An Lạc.
Để tạo điều kiện cho bà con bệnh nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa được khám chữa bệnh miễn phí, tôi đã vận động hòa thượng Pháp Nhẫn, sư cô Trí Hạnh và một số Phật tử ở Hoa Kỳ, nhóm
“Cái Bang” và các Phật tử Như Trung, Như Tịnh, Thuận Pháp, Thuận Tánh... ở Úc Châu hết lòng ủng hộ tịnh tài để thầy trò chúng tôi tổ chức những chuyến y tế lưu động nhằm giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, mỗi chuyến đi 10 ngày, mỗi lần đi 10 người phục vụ. Những chuyến đi lưu động như thế nầy đem đến lợi ích thiết thực cho bệnh nhân nghèo không có điều kiện đi khám chữa bệnh. Bởi vì sau 10 ngày được châm cứu và uống thuốc miễn phí thì phần nhiều bà con thấy phục hồi sức khỏe rất tốt.
Vào năm 1998, tôi tham gia chương trình phòng chống HIV/AIDS có sự phối hợp của các tôn giáo mà cụ thể là Phật giáo và Thiên chúa giáo do tổ chức NAV khởi xướng. Tôi làm trưởng nhóm của chương trình nầy. Phải nói là sự phối hợp của hai tôn giáo trong công việc nầy rất tốt đẹp. Những
người bạn bị nhiễm là đối tượng được hưởng lợi về tinh thần cũng như vật chất rất nhiều từ chương trình nầy. Đồng thời trong nhóm chúng tôi cũng tạo được tình cảm thân thiện với nhau. Đối với những
người bạn, chúng tôi cũng đã xây dựng được tình người với nhau giữa cuộc đời mà điều nầy vốn rất hiếm hoi do thành kiến xã hội. Sau 10 năm hợp tác, vì những điều kiện khách quan nên thầy trò chúng tôi đành phải chia tay với NAV.
Để tăng cường thêm độ chính xác trong khâu chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, đầu năm 2010, chúng tôi vận động nhân viên đóng góp tài chính để mua sắm một số trang thiết bị như máy MEDISCAN M, máy đo loãng xương, các loại máy xét nghiệm. Và giữa năm 2012, chúng tôi lại trang bị thêm máy siêu âm màu, máy X quang, máy điện tâm đồ.
Sắp tới, sau khi hoàn thiện ngôi nhà 3 tầng mà chúng tôi xây dựng từ tháng 5 năm 2011, chúng tôi sẽ di chuyển toàn bộ sang ngôi nhà mới. Nơi đây chúng tôi sẽ triển khai các thiết bị chẩn đoán cận lâm sàng, nhưng phần điều trị sẽ sử dụng cách điều trị bằng Đông Y, châm cứu và các phương pháp y học cổ truyền khác.
Tháng 5 năm 2011, cá nhân tôi và Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đã được vinh đự đón nhận Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ và Bằng khen của Bộ y tế. Ngoài ra, tôi còn nhận được nhiều Bằng khen và Huy chương, Kỷ niệm chương của trung ương Mặt Trận, Bộ y tế, Hội Liên Hiệp Khoa Học và Kỷ Thuật, Hội Đông y, Hội châm cứu, Ủy Ban nhân đân tỉnh và Thành phố, Mặt Trận tỉnh và Thành phố, Giấy chứng nhận “ người tốt việc tốt”…… qua những thành tích đó khiến bản thân tôi ngày càng cố gắng “
phục vụ để hoàn toàn và hoàn toàn để phục vụ” hơn nữa.
Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tặng Bằng Khen
Ba mươi năm, nhìn lại một chặng đường dài phụng hiến chúng sanh đã qua, bây giờ đây tôi cảm thấy không thẹn với lòng mình. Tâm nguyện ban đầu vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù trải qua không biết bao nhiêu là khó khăn và gian khổ! Mục đích phục vụ của cả thầy trò Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa vẫn trước sau như một. Với sự nhiệt tình của chúng tôi, hy vọng rằng những
“tấm lòng vàng” khắp nơi sẽ đồng hành và chung tay nhằm sẻ chia với chúng tôi những khó khăn của bà con bệnh nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa.
Và cuối cùng, không biết tôi còn làm được gì có lợi ích cho đời nữa hay không, giữa cái được, cái mất, giữa lời khen, tiếng chê, giữa bụi và trăng, giữa chiếc áo tu sĩ và chiếc áo lương y - để xứng đáng với bài thơ
thâm hậu mà sư huynh Giới Đức đã thương tặng tôi vào một mùa Xuân năm nào:
“ Dĩ tằng kinh luận, dĩ tằng thiKim dược kiên mang vị thuyết kỳMạc vấn thâm giang nan, dị độ!Hà ngôn cao lãnh hữu, vô vi!” (4) Chùa Pháp Luân, HuếMùa Thu, năm 2012Lương y Thích Tuệ Tâm
(1) “Tất cả pháp hữu vi. Như mộng huyễn, bọt, bóng. Như sương, như ánh chớp. Hãy quán chiếu như vậy”(2) Thân như ánh chớp có rồi không. Xuân thắm, thu qua sắc nhạt hồng. Nào sá thịnh suy, không sợ hãi. Thịnh suy, đầu cỏ, hạt sương đông!” (Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch).(3)
Hãy xem bọt nước lao xao. Hãy nhìn ảo ảnh, chiêm bao chập chờn. Thế gian hoa đốm, mộng trường. Thấy được như vậy, tử vương khó dò!” (Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch).(4) Tạm diễn nghĩa: Đã từng học kinh, học luận và cũng đã từng làm thơ. Bây giờ, trên vai mang vác nghề thuốc không biết là đến hạn kỳ nào! Tuy nhiên, xin ai đừng hỏi đi qua con sông sâu kia là khó hay dễ. Mà cũng đừng nói cái đỉnh núi cao kia nó ‘làm gì’ và nó ‘không làm gì’!