22:37 ICT Chủ nhật, 19/01/2025

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Bạn đọc viết

Liên hệ

VỊ SƯ GIÀ KHOÁC ÁO BLOUSE TRẮNG

Thứ năm - 16/01/2014 08:02
Ở Huế có một vị sư mà hầu hết người dân đều biết và hết lòng kính trọng, một vị sư đã quá nửa đời người chăm lo cho dân nghèo. Đó là sư, lương y Thích Tuệ Tâm (hệ phái Tiểu thừa – Nam Tông). Giám đốc điều hành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa với những mẩu chuyện “kham nhẫn” cứu người mà người Huế quen gọi với cái tên rất thân mật và gần gũi “sư Tuệ Tâm”…
Sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm

Sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm

Mở phòng mạch từ thiện từ… 26 thùng lúa
Cũng như nhiều người Huế, tôi biết sư từ thời kỳ đất nước trong giai đoạn “quá độ” còn nhiều khó khăn, đời sống nhà chùa lúc ấy cực khổ trăm bề. Việc người dân cũng như tăng ni, phật tử bệnh tật không có điều kiện đến bệnh viện là rất phổ biến. Những người lớn tuổi và có thâm niên với thiền môn xứ Huế thuở ấy mỗi khi lâm bệnh thường có một vị sư tuổi đời còn khá trẻ khoác y vàng đến bắt mạch, kê đơn bốc thuốc rất ân cần và hiền từ. THực tình thuở ấy, chúng tôi chỉ mới nghe tên mà chưa một lần biết mặt sư, một vị sư Tiểu thừa khoác áo lương y hiền từ mà người dân Huế gọi với cái tên rất gần gũi “sư Tuệ Tâm”.
 
Tôi biết sư Tuệ Tâm khoác áo lương y cứu người từ rất lâu, nhưng để hiểu nhiều về sư thì cũng chỉ mới vài năm trở lại đây. Lúc mà tôi bắt đầu tham gia Phật sự, chúng tôi được duyên lành cộng tác với sư và thường xuyên tiếp xúc. Thầy, trò cũng từ đó thân mật hơn, gần gũi hơn và tôi cũng may mắn được sư khám và chữa bệnh cho một vài lần. Những tôi đúng là một người thật vô tâm, tôi chưa một lần chuyện trò với sư về hạnh nguyện “lương y cứu người” của sư được khởi nguyên từ đâu và từ lúc nào cũng như những khó khăn mà sư đã trải qua để đem tâm từ bi cứu giúp mọi người. Cho đến một ngày, tôi có nhân duyên gặp sư để trò chuyện.
 
Ngồi đợi sư, tôi thấy có hàng chục người cũng đang ngồi chờ, hỏi ra mới biết mọi người chỉ muốn chờ để được sư bắt mạch, chuẩn đoán. Mặc dù trong phòng khám luôn có từ 4 - 5 vị lương y được sư đào tạo rất giỏi và có nhiều kinh nghiệm, nhưng rất nhiều bệnh nhân đến đây, trong tâm niệm đều chỉ cần sư Tuệ Tâm cầm tay bắt mạch là bệnh đã chắc sẽ được thuyên giảm phân nửa rồi. Với rất nhiều người Huế, uy tín và đức độ của sư là một thang thuốc thần dược.
 
Nói chuyện với chúng tôi, sư kể, sư được cụ thân sinh truyền dạy nghề này từ nhỏ, sau này xuất gia, sư còn tìm học một vị sư phụ khác có nhiều kinh nghiệm để tích góp thêm kỹ năng khám chữa bệnh. Sư tâm sự, tuy rằng thân là một vị sư theo hệ phái Nam tông nhưng với sư, hạnh nguyện đem tinh thần từ bi để cứu người đã được nảy mầm từ thuở nhỏ. Nhưng để hiện thực được hạnh nguyện đó thì mãi đến năm 1982, khi sư rời chùa Huyền Không để về chùa Diệu Đế cùng Hòa thượng Thích Hải Ân lập ra Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế với vốn liếng ban đầu rất khiêm tốn mà theo sư chỉ có 2.500 đồng (lúc đó tương đương 1 cây vàng) và 26 thùng lúa. Bước đầu thành lập mọi thứ đều tạm vợ và gặp nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như “lực bất tòng tâm”, tưởng chừng như hạnh nguyện cứu người sẽ “nửa chừng dứt gánh” nhưng cũng nhờ Phật gia hộ, nhiều phật tử phát tâm ủng hộ nên cũng chèo chống qua được những năm tháng khó khăn. Và hình ảnh đóa hoa sen cũng được ươm mầm từ đó để sau này khi đến năm 2005, Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế phải di dời đi nơi khác để trả lại đất cho quy hoạch ngôi Quốc tự Diệu Đế thì mầm sen mới nở rặng ngời thành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở đường Lê Quý Đôn cho đến bây giờ.
 
Thuần khiết đóa sen nở từ tâm cứu người
Lấy một đóa sen gắn liền với Phật giáo mà cũng là với truyền thống văn hóa dân tộc, cách làm từ thiện của sư Tuệ Tâm tại Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa cũng tỏa hương thơm rất nhuần nhị. Sư kể, mỗi năm các phật tử trong và ngoài nước gửi về ủng hộ cho sư khoảng 500 triệu đồng. Số tiền này sư đều dùng hết cho việc khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Sư bảo, số bệnh nhân còn lại hoặc nghèo, hoặc không nghèo thì tùy theo đó mà linh động, giảm nhẹ từ 50% trở lui hoặc thu phí để mọi người cùng chung tay làm việc thiện như những đóa hoa sen trong đầm lầy, mỗi đóa hoa dẫu to hay nhỏ cũng tỏa hương sắc cho đời, Bởi vậy, với sư bây giờ, việc khám bệnh, cứu nhân độ thế cũng không còn quá bức bách nữa mà thu đã bù chi, mỗi tháng có khoảng 30 nhân viên làm việc, mỗi người được nhận trợ cấp từ 1,8 – 2 triệu đồng. Với giá cả thời buổi ngày nay, số trợ cấp ấy cũng không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, tuy nhiên mỗi người đều cũng như sư, tự ý thức được mỗi ngày được đeo hình tượng bông sen lên ngực và đem lại niềm an lạc cho mọi người cũng là một niềm vui hạnh phúc.
 
Là một vị chân tu thuộc hệ phái Phật giáo Nam Tông nhưng sư Tuệ Tâm lại nhập thế, với hạnh nguyện hành nghề y cứu nhân độ thế, làm việc thiện giúp người nghèo. Chúng tôi được biết, với sư Tuệ Tâm, hạnh nguyện từ bi cứu độ đã vượt thắng tất cả. Sư quyết tâm học Đông y để cứu nhân độ thế. Với sư, bài pháp giản dị nhất là “một người khi đau cần chữa bệnh, bốc thuốc hơn là nghe thuyết giảng Phật pháp”.
 
Chính vì hạnh nguyện cứu nhân độ thế nên suốt 30 năm nay, sư Tuệ Tâm không những là một vị sư hiền từ, đạo hạnh mà còn là một trong những lương y giỏi, uy tín. Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa do sư làm Giám đốc điều hành mỗi năm có khoảng 70.000 bệnh nhân đến khám và chữa bệnh. Với sư, “làm việc thiện là một niềm an lạc” như đóa hoa sen khoe sắc nhả hương cho đời…

Tác giả bài viết: Đại Đức Thích Trí Năng

Nguồn tin: Báo Sức khỏe và đời sống ngày 1/12/2013

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán