Mỗi người là một đồng hồ sinh học
Trên thực tế, quá trình thích nghi với sự biến đổi của giờ, thời tiết và môi trường sinh thái xung quanh của mỗi cá thể khác nhau, cho dù họ cùng huyết thống, cùng hoàn cảnh sống. Nhiều công trình đã đóng góp rất lớn vào việc nghiên cứu nhịp sinh học. Có nhịp sinh học thay đổi trong thời gian rất ngắn, trong vòng 30 phút như điện tâm đồ, điện não đồ. Có nhịp sinh học trong 24 giờ. Có nhịp sinh học trong khoảng 24 giờ đến 2,5 ngày.
Ví dụ: nhịp thức - ngủ; nhịp nhảy cảm với thuốc; nhịp thay đổi các thành phần của máu; nhịp thay đổi các thành phần chất thải trong nước tiểu; nhịp thở; nhịp chuyển hóa các chất trong cơ thể; nhịp thay đổi thân nhiệt... Cũng có nhịp sinh học thay đổi trên 2,5 ngày, khoảng 30 ngày, 1 năm như các hoạt động nội tiết.
Nhưng đối với mỗi cá thể, những nhịp sinh học nói trên có thể khác nhau. Chính vì vậy, rất nhiều khuyến cáo với bác sĩ điều trị rằng khai thác tiền sử bệnh nhân kỹ là chưa đủ mà còn tìm hiểu rõ điều kiện sống, khả năng thích nghi của họ với môi trường sống, thậm chí là những thói quen... sẽ giúp bác sĩ có được chỉ định điều trị tốt nhất với từng người.
Phòng bệnh theo nhịp sinh học
Huyết áp của người bình thường thay đổi nhiều nhất và theo nhịp 24 giờ. Sự thay đổi này có những chu kỳ nhất định song ở từng cá thể cũng khác nhau. Để phòng và điều trị tốt nhất các biến đổi này, người ta đã phát minh ra một loại máy đo huyết áp gắn vào cơ thể đo 24 giờ (kể cả lúc ăn, ngủ).
Bệnh hen phế quản xẩy ra ban đêm, gần sáng vì tuyến thượng thận sản xuất ra chất cortisol theo nhịp ngày đêm và tỷ lệ cortisol máu sản xuất thấp nhất vào ban đêm do đó dễ xuất hiện cơn hen lúc cortisol máu thấp nhất. Chất này thường dùng để điều trị cơn hen.
Thị lực cũng thay đổi theo nhịp khoảng 30 ngày và thời kỳ rụng trứng của phụ nữ là thời kỳ có thị lực tốt nhất. Có thể nói, các hoạt động có tính chất chu kỳ, tính chất nhịp điệu này xuất hiện như một đặc tính cơ bản của vật chất sống. Nhưng nhịp sinh học này ngoài sự quyết định của chính bản thân vật chất, sinh học còn có ảnh hưởng của môi trường, khí hậu, thời tiết. Người ta cũng xét đoán và nghiên cứu xem những loại bệnh gì không thích hợp với loại hình thời tiết nào, với những, với những yếu tố khí tượng nào.
Gió, nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, độ iôn trong khí quyển... ảnh hưởng tới con người ở những mức độ nào, kéo dài bao nhiêu lâu và biến động như thế nào sẽ gây nguy hại cho sức khỏe và sẽ gây nên bệnh tật? Đó là những điều mà y sinh khí tượng học quan tâm.
Để giảm thiểu tử vong, một số tác giả đã nghiên cứu sự phân phối ngày, đêm đối với sự tử vong của một số bệnh. Tai biến mạch máu não xẩy ra nhiều nhất vào tháng 12 và tháng 1, ít nhất vào tháng 5, tháng 6 và vào buổi sáng từ 7-12 giờ 59 phút. Nhóm bệnh tim mạch tử vong nhiều nhất vào buổi tối. Bệnh tiêu hóa tăng rõ rệt vào mùa hè. Như vậy, thời bệnh học nghiên cứu tìm ra các nhịp, các chu kỳ bệnh tật và tử vong.
Cơ thể chúng ta được coi như một đồng hồ sinh học lớn, trong đó có rất nhiều loại đồng hồ sinh học nhỏ hoạt động theo các chu kỳ riêng theo một quay luật nhất định. Do đó phải nghiên cứu các loại hoạt động của từng đồng hồ (cũng có nghĩa là từng bộ phận của cơ thể) để phòng tráng bệnh tật và điều trị hữu hiệu.
Tác giả bài viết: ThS. Phan Ngọc Minh (Theo Sức khỏe & Đời sống)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn