13:54 EDT Thứ ba, 16/04/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Mạch Lý Đông Y

Liên hệ

THẤT BIỂU MẠCH ( Bài đọc thêm)

Chủ nhật - 06/03/2011 19:39
Mạch Phù là mạch dương, là mạch đi ở trên thịt, nhấc tay lên thì có dư, ấn tay xuống thì không đủ, đè xuống thì hơi giảm nhưng không rỗng, nhấc lên thì nổi phù lên mà đi lưu lợi.

1. MẠCH PHÙ 

Mạch Phù cũng là mạch Mao. Mạch mùa Thu tức là mạch của Phế, thuộc phương tây, muôn vật nhờ đó tới kỳ thu thành, vì vậy khi đến thì nhẹ, hư mà Phù, khi đến thì gấp, lúc đi thì tan tác,.Phù là nổi,  Mạch lúc nào cũng nổi sát ở da vì vậy gọi là mạch Phù.
MẠCH TƯỢNG 
Mạch Phù là mạch dương, là mạch đi ở trên thịt, nhấc tay lên thì có dư, ấn tay xuống thì không đủ, đè xuống thì hơi giảm nhưng không rỗng, nhấc lên thì nổi phù lên mà đi lưu lợi.Mạch Phù đi nổi ở ngoài mặt da, ấn nhẹ thấy ứng ngay ở ngón tay 
NGUYÊN NHÂN 
Phù là ứng với kinh lạc, cơ biểu, do tà khí xâm nhập vào 3 kinh dương, bức bách mạch khí ra ngoài, vì vậy tượng mạch nổi đầy lên (phuø) dưới ngón tay.
Mạch Phù phát sinh có thể do:
•   Lượng máu ở tim tống ra được tăng lên.
•   Sức co bóp của thành mạch kém.
Tà khí xâm nhập vào cơ biểu, tấu lý, vệ dương chống nhau với  ngoại tà thì mạch khí biểu hiện ở ngoài ứng vào trong mà Phù.
.Âm hư huyết thiếu, khí trung tiêu hư tổn ắt sinh ra Phù (vô lực).
CHỦ BỆNH
Phù mà tán là chứng chóng mặt, đi đứng không vững. Các  mạch Phù mà người bệnh không nóng nẩy đều thuộc về dương, là bệnh nhiệt.
Thái dương bệnh thì mạch Phù. Mạch Phù là bệnh ở phần biểu.
Mạch ở bộ xích Phù: mắt vàng, chảy máu mũi. 
Mạch thốn khẩu Phù là trúng phong, phát sốt, đầu đau... Mạch bộ quan Phù thì bụng đầy không muốn ăn... Mạch bộ xích Phù là nhiệt phong tụ ở dưới, tiểu khó...  
Mạch ở bộ quan hơi Phù là nhiệt tích tụ ở Vị, nôn ra giun, hay quên.
Bộ thốn mà Phù là đầu đau, chóng mặt hoặc phong đàm tụ ở ngực. Bộ quan Phù là Tỳ suy, Can vượng. Bộ xích Phù (ở trung ấn) là tiểu không thông. 
Bộ Tâm (tả thốn) Phù thì thần không yên, nói cuồng, kinh sợ . Bộ Can (tả quan) Phù thì tê liệt, co quắp, tức ngực, cơ thể đau nhức. Bộ Thận (tả xích) Phù thì ói ra máu, lưng đau, răng đau. Phù mà vô lực là có nhọt ở đầu gối chân . Bộ Tỳ (hữu quan) Phù thì bị lỵ, suyễn, tiêu chảy, ăn kém . Bộ Phế (hữu thốn) Phù thì suyễn, trường phong, mặt nặng, Phế ung . 
Mạch Phù phần nhiều thấy ở chứng biểu, phong tà còn ở bên ngoài. Nếu như mạch Phù vô lực thì thuộc về hư chứng. 
Mạch Phù chỉ chứng ở biểu, có lực là biểu thực, không lực là biểu hư.
Mạch Phù chủ bệnh nhiệt, đầu đau, gáy cứng, sợ lạnh, gió, ra mồ hôi, mũi nghẹt, ho khan, khát nước, suyễn, nôn, bỉ khối, phong thủy, bì thủy, khí nghịch lên, huyết hư.
Tả Thốn PHÙ    Tâm Dương bốc lên, mất ngủ, buồn bực.   Hữu Thốn PHÙ  Thương phong, cảm mạo, Phế khí nghịch , suyễn, ho khan.
Tả Quan PHÙ    Can khí thống.   Hữu Quan PHÙ   Tỳ khí trướng, nôn mửa.
Xích PHÙ       Thận khí không đủ, thắt lưng đau, chóng mặt, tiểu khó, kinh nguyệt không đều.
KIÊM MẠCH 
Mạch Phù mà Huyền là Thận bất túc. 
Tâm và Phế đều Phù làm sao mà phân biệt? -Thưa: Phù mà Đại, Tán là Tâm bệnh, Phù mà Đoản, Sáp là Phế bệnh. 
Mạch thốn khẩu Phù mà Khẩn. Phù là phong, Khẩn là hàn -
Mạch Phù mà Hồng, mình đổ mồ hôi ra như dầu, suyễn, không nuốt nước miếng được, cơ thể mất cảm giác, khi tỉnh khi loạn, mạch sống tuyệt vậy
Mạch Phù Trì, mặt nóng đỏ mà run sợ, trong 6-7 ngày phải ra mồ hôi mà giải, nếu không sẽ phát sốt mà mạch càng Trì. Trì là vô dương, vì vậy không cho ra mồ hôi được, thân mình người bệnh sẽ sinh ra ngứa. 
Dương minh bệnh, mạch Phù Khẩn thì nóng từng cơn mà phát tác có lúc. 
Tam dương cùng bệnh, mạch Phù Đại, chỉ có muốn nằm ngủ, mắt vừa nhắm thì ra mồ hôi. 
Kiết lỵ mà mạch lại Phù Sác ở bộ thốn, xích thì Sáp, đại tiện ắt phải có máu mủ. 
Đàn ông thấy mạch Phù Nhược mà Sáp thì tinh khí trong, lỏng, vì vậy mà không có con được. 
Mạch thốn khẩu Phù mà Đại, ấn tay lại thấy Sáp, nên biết là ăn không tiêu. 
Các mạch Phù Sác thì phát sốt, nếu lại sợ lạnh mà có chỗ đau thì phải phát ra mụt nhọt. 
Mạch Phù mà Đại là trúng phong, đầu nặng, mũi nghẹt
3 bộ mạch Phù mà Hoãn là bì phu mất cảm giác
Phù, Hồng, Đại, Trường là chóng mặt, điên .
Phù mà Hoạt là ăn không tiêu, Tỳ không vận hóa .
Phù mà Tế Hoạt là thương thực
Phù mà Đoản là Phế bị tổn thương. 
•  Mạch Phù Trì là trúng phong.
•  Phù Sác là phong nhiệt.      
•  Phù Hồng là hư nhiệt.  
•  Phù Khẩn là phong hàn.
•  Phù Tán là hư lao.
•  Phù Hư là thương thử.
•  Phù Khổng là mất máu.
•  Phù Hoãn là phong thấp.
••  Phù Sáp là thấp.
•  Phù Hoạt là đàm hỏa, ăn uống không tiêu.
Mạch Phù Sác là cảm nhiệt nhưng nếu thấy Phù Vi là bệnh sắp hết vì nhiệt tà không truyền  sang kinh khác. Phù Trì là cảm hàn. Phù Khẩn là ngoại cảm thương hàn. Phù Đại là bệnh đang tiến triển. Phù Hoạt là cảm thấp khí sinh ra nhiều đàm nhớt . Phù Nhu là thương thấp, khí huyết hao mòn. Phù Huyền là bị ngoại cảm lại kèm khí huyết suy nhược.
 
2.MẠCH KHÂU  (Khổng)
Mạch Khâu Cũng gọi là mạch Khổng Là 1 loại mạch âm.
HÌNH TƯỢNG
 
Mạch Khâu thì Phù, Đại mà Nhuyễn, ấn tay xuống thấy ở trong rỗng, 2 bên thì thực.
Mạch Khâu hình tượng Phù, Đại mà trong rỗng giống như đè lên cọng hành, ấn nhẹ, ấn nặng và ấn 2 bên đều có, nhưng ấn vừa vừa thì trống rỗng. 
NGUYÊN NHÂN 
Mạch Khâu là khí có thừa mà huyết không đủ, huyết không nhiếp được khí,  vì vậy mạch khí hư mà Đại, giống như cọng hành.
Do mất máu quá nhiều hoặc do âm huyết hư bên trong, dương khí không được phù trợ mà tán ra ngoài, vì vậy thấy có mạch Khâu.
CHỦ BỆNH
Khâu là doanh khí bị tổn thương.máu bị  mất (thất huyết ), âm dịch bị thương tổn
Mạch Khâu là triệu chứng mất máu ... Bộ thốn (trái) Khâu chủ về tâm huyết bị vọng hành, ói ra máu, chảy máu mũi. Bộ quan (trái) Khâu chủ đau ở gian sườn hoặc huyết ứ trong bụng, ói ra máu, hoa mắt. Bộ xích (trái) Khâu là tiểu ra máu, đàn bà thì bệnh về kinh nguyệt. Bộ thốn (phải ) Khâu là huyết bị tích ở ngực, chảy máu mũi. Bộ quan (phải) Khâu là trường ung, ứ huyết, nôn ra máu, không ăn được. Bộ xích (phải ) Khâu là đại tiện ra máu.
 
Tả Thốn KHÂU    Hỏa vượng, huyết tán.   Hữu Thốn KHÂU      Phế huyết thương âm.
Tả Quan KHÂU   Can không tàng huyết.   Hữu Quan KHÂU     Tỳ không thống huyết.
Tả Xích KHÂU     Tiểu ra máu.   Hữu Xích KHÂU       Di tinh, băng lậu.
 
KIÊM MẠCH 
Mạch phu dương Phù mà Khâu. Phù là vệ khí bị tổn thương. Khâu là doanh khí bị tổn thương.
Thái dương trúng thử, phát sốt, sợ lạnh, cơ thể nặng, đau, thấy mạch Huyền, Tế, Khâu, Trì.
Các chứng di tinh mà bụng dưới căng tức, đầu ấm, lạnh, hoa mắt , tóc rụng, mạch cực Hư, Khâu, Trì là đại tiện lỏng, mất máu di tinh.-Thấy mạch Khâu, Động, Vi, Khẩn : đàn ông thì di tinh, đàn  bà thì mộng thấy giao hợp.
• Mạch bộ thốn Khâu: phiền  muộn, huyết tụ ở ngực.
• Bộ quan Khâu: trường ung.
• Bộ xích Khâu: Thận bị hư hàn, tiểu gắt, tiểu ra máu, mủ.
- Sách ‘Mạch Học Giảng Nghĩa’ ghi:”
• Mạch Khâu mà Phù là khí huyết đều bị thương tổn .
• Khâu mà Sác là âm hư .
• Khâu, Hư, Nhuyễn là huyết bị vong, tinh bị mất .
• Khâu, Kết, Xúc là dương hư hiệp âm, huyết ứ nội kết .
• Khâu, Trì là máu bị mất, chính khí hư, nóng ở trong .
 
3. MẠCH HOẠT 
 
- Hoạt là trơn tru, sức mạch đi trơn tru như chuỗi hạt châu (viên ngọc) lăn (động) dưới ngón tay.
Người thường mạch Hoạt mà xung hòa là dấu hiệu vinh vệ đầy đủ. Phụ nữ không bệnh mà thấy mạch Hoạt thì nên xét xem có thai hay không
HÌNH TƯỢNG 
Mạch Hoạt qua lại lưu lợi,trơn tròn như hạt châu lăn trong mâm, như mưa móc đọng trên lá sen
NGUYÊN NHÂN 
Do tà khí ủng thịnh bên trong, chính khí bất túc, khí thực, huyết dũng, khiến cho mạch đi lưu lợi, ứng dưới tay thấy Hoạt, tròn.oặc đàm thực kết trệ bên trong, tà khí thịnh, thực, cũng gây ra mạch Hoạt.    
Nguyên nhân phát sinh mạch Hoạt có thể do:
•  Lượng máu ở tim tống ra bình thường hoặc tăng cao.
•  Thành mạch co dãn bình thường.
•  Tăng vận tốc tuần hoàn.
•  Dòng máu chảy thông suốt.
 
MẠCH HOẠT CHỦ BỆNH
Mạch Hoạt là dương khí thịnh chủ bệnh đờm, thực, nhiệt, là thực trệ, nôn mưả, đầy tức
Mạch Hoạt chủ ói nghịch, ho khạc, phục đờm, thủy ẩm, súc huyết, trung mãn, ăn không tiêu, kiết lỵ, sán khí - Phụ nữ bộ xích hoạt là khí ủng trệ gây ra kinh nguyệt không thông. Hoạt mà lưu lợi là có thai
Mạch Tâm... Hoạt thậm thì khát nước, hơi Hoạt là chứng Tâm sán kéo xuống đến rốn, bụng dưới sôi. -Mạch Phế... Hoạt thậm thì hắt hơi, khí nghịch lên, hơi Hoạt là trên dưới đều ra máu. - Mạch Can... Hoạt thậm là chứng đồi sán, hơi Hoạt là chứng đái dầm - Mạch Tỳ... Hoạt là chứng đồi sán,bí tiểu, dịch hoàn viêm, loét, hơi Hoạt là chứng cốt nuy (xương mềm yếu), ngồi không dậy được, dậy thì tối mắt không nhìn thấy gì
Bộ thốn Hoạt chủ về ói mửa, đờm ẩm. Bộ quan Hoạt chủ về Vị bị nhiệt không ăn uống được, ăn vào thì ói. Bộ xích Hoạt chủ về tiểu đỏ, tiểu ít, dương vật đau buốt”.
•  Nếu huyết thịnh thì mạch Hoạt là không có bệnh.
•  Đàn bà có thai thì mạch Họat cũng là không bệnh.
•  Chứng đờm và ăn không tiêu thì cũng mạch Hoạt.
•  Khi tà khí nặng thì mạch cũng Hoạt.
•  Có bệnh mà thấy mạch Hoạt thì đều thuận lợi.
Tả Thốn HOẠT   Tâm nhiệt, kinh sợ, mất ngủ.   Hữu Thốn HOẠT   Đờm ẩm, nôn mửa.
Tả Quan HOẠT   Can nhiệt, đầu váng.   Hữu Quan HOẠT  Tỳ nhiệt, ăn không tiêu.
Tả Xích HOẠT     Lậu, tiểu đỏ, tiểu khó.   Hữu Xích HOẠT Bụng sôi, tiêu chảy hoặc tướng hỏa bốc lên.
         
KIÊM MẠCH 
Mạch Hoạt Phù mà Tật là mới bệnh”. “Mạch Hoãn mà Hoạt là chứng nhiệt ở trung (bộ)”. - “Bộ xích Sáp mà mạch lại Hoạt là chứng ra mồ hôi”.
- Thiên ‘Thông Bình Hư Thực Luận’ (T. Vấn 28) ghi: “Hoàng Đế hỏi: Chứng trường tích ra lẫn mủ, máu thì như thế nào? - Kỳ Bá thưa: mạch Tuyệt thì chết, mạch Hoạt Đại thì sống. - Hoàng Đế hỏi: chứng trường tích mà cơ thể không nóng, mạch không Tuyệt thì sao? - Kỳ Bá thưa: mạch khí bật lên, Đại mà Hoạt thì lâu ngày sẽ tự khỏi, nếu mạch Tiểu Cấp và cứng thì sẽ chết, không chữa được”.
Mạch khí của Tâm bật lên, Hoạt mà Cấp là chứng Tâm sán
Chứng tiểu kết hung ngay ở dưới tim, đè vào thì đau, mạch Phù Hoạt, đó là  biểu có nhiệt, lý có hàn. - Thái dương bệnh lại dùng phép hạ... thấy  mạch Trầm Hoạt là chứng nhiệt lỵ, thấy Phù Hoạt sẽ tiểu ra máu.
Mạch bộ thốn Trầm, Đại mà Hoạt, Trầm là Thực, Hoạt là khí thực, khí tương bác, huyết khí vào tạng thì chết, vào phủ thì sẽ khỏi, đó là chứng ‘thốt quyết’.
Mạch phu dương Phù mà Hoạt, Hoạt là cốc khí  thực, Phù thì tự nhiên ra mồ hôi
Trong miệng khô ráo, ho thì đau ở ngực, mạch lại Hoạt Sác, đó là chứng Phế ung, khạc ra mủ máu.
Mạch Sác mà Hoạt là thực, có thức ăn tích lại không tiêu.
Mạch Phù mà Tế Hoạt là chứng thương ẩm.
Mạch ở thốn khẩu Trầm Hoạt, trong có thủy khí, mắt mặt sưng phù, có nhiệt, gọi là chứng phong thủy.
Mạch Hoạt mà hơi Phù là bệnh ở Phế.
Mạch ở thốn khẩu Hoạt mà Trì, không Trầm, không Phù, không Trường không Đoản là không có bệnh, bên trái và bên phải giống nhau. Mạch bộ quan Hoạt mà lại Đại, Tiểu không đều là bệnh đang tiến, không quá 1-2 ngày thì phát. Người bệnh muốn uống nhiều, uống vào thì đi tả ngay, nếu ngừng thì sống. không ngừng thì chết. Mạch bộ xích Hoạt mà Tật là huyết hư.
Trì mà Hoạt là đầy trướng. Hoạt mà Sác là âm kết nhiệt. Hoạt Tật là có nhiệt ở Vị. Hoãn mà Hoạt là nhiệt ở trung (bộ). Trầm mà Hoạt là mót rặn, lưng đau.
 Mạch Phù Hoạt là phong đờm, Trầm Hoạt là đờm tụ do thức ăn, Hoạt Sác là đờm hỏa, Hoạt Đoản là không muốn ăn.
- Sách ‘Mạch Học Giảng Nghĩa’ ghi: “
•  Mạch Hoạt Phù là biểu nhiệt hoặc  phong đờm.
•  Hoạt Trầm là lý nhiệt hoặc  đờm ẩm.
•  Hoạt Sác là Vị bị nhiệt, ăn không tiêu.
•  Hoạt Trì là tiêu chảy”.
 
4 .MẠCH THỰC
 
 
Dưới tay thấy rõ ràng mà hòa hoãn là nguyên khí Thực, dưới tay thấy mạch khí bật lên mà không rõ tà khí Thực.
Nếu tà khí thịnh, mạch khí đến thấy cứng, có lực, 3 bộ đều như vậy, cũng là mạch Thực. 
Vì vậy,Mạch Thực chỉ chủ về thực nhiệt, không chủ về hư hàn.
HÌNH TƯỢNG 
Mạch Thực thì Đại mà Trường, hơi mạnh, ấn tay xuống thấy bật lên.Mạch đi dầy chắc, hữu lực, dài lớn, và cứng chắc
Mạch Thực thường Phù Đại mà cứng, 3 bộ mạch ấn nhẹ hoặc nặng tay đều thấy có lực
NGUYÊN NHÂN 
Mạch Thực là do dương hỏa uất kết.
Mạch Thực là do tà khí thịnh.
Tà khí và chính khí chống nhau, vì vậy đường mạch đầy chắc, ứng vào tay hữu lực (Thực).
CHỦ BỆNH
Mạch của Vị mà Thực thì bụng trướng.
Mạch của chứng điên thì như thế nào? Kỳ Bá đáp: Hư thì có thể chữa khỏi, Thực thì chết. 
Chứng Tiêu Đản Hư Thực thế nào? Kỳ Bá đáp: Mạch thực mà Đại thì dù bệnh đã lâu vẫn chữa được.
Mạch ở thốn khẩu Thực ắt sinh nhiệt, ở Tỳ Phế thì nôn  ngược, hơi thở nhanh (dồn dập). Mạch bộ quan Thực thì dạ dầy đau. Mạch ở bộ xích Thực thì bụng dưới đau, tiểu tiện không tự chủ.
Thủy cốc vào thì thấy mạch cứng, Thực.
Mạch Thực chủ huyết thực nhiệt kết, hỏa tà thịnh. Tả thốn Thực chủ chứng tâm lao, lưỡi cứng, ngực đầy tức. tả quan Thực thì cạnh sườn đau (do Can hỏa vượng). Tả xích Thực thì bụng dưới đau, tiểu tiện bí, Hữu thốn Thực thì Phế bị bệnh, nôn ngược, họng đau, Hữu quan Thực thì bụng đầy trướng, đau.  Hữu xích Thực thì tướng hỏa vượng. 
Mạch ở tả thốn Thực thì trong ngực nóng phiền. Mạch bộ quan Thực thì trong vị có hư nhiệt gây đau ở trung tiêu. Mạch bộ xích Thực thì bụng dưới đầy tức, tiểu nhiều.
Mạch Thực thấy ở các chứng tà khí thịnh, hỏa chứng tà thịnh hoặc tà Thực ủng kết.
Mạch Thực chủ khí tắc, ứ tích, phế ung, ăn không tiêu, bụng sưng, sán trướng, nhiệt thịnh, họng đau, đại tiện khó.
 
Tả Thốn THỰC   Lưỡi cứng.   Hữu Thốn THỰC   Họng đau.
Tả Quan THỰC   Can hỏa vượng, sườn đau.   Hữu Quan THỰC  Bụng trướng đầy do khí thấp.
Tả Xích THỰC     Đại tiện bí, bụng đau.   Hữu Xích THỰC   Tướng hỏa kháng nghịch.
 
KIÊM MẠCH 
Mạch Tiểu, Thực mà cứng là bệnh ở trong. 
Thực Khẩn là hàn tích đã lâu. Thực Hoạt là đờm ngưng trệ. 
• Mạch Thực mà Phù, Đại có lực là ngoại cảm phong, hàn, thử, thấp.
• Thực mà Trầm có lực là nội thương do ăn uống thất thường.
• Thực Trầm mà Huyền là hàn thịnh ở trong.
• Thực mà Sác là chứng phế ung (áp xe phổi).
• Thực Hồng là hỏa tà quá vượng.
 
5. MẠCH HUYỀN
 
- Huyền là dây (đàn, cung ...) sức mạnh đi trong đường của mạch như có sợi dây cứng thẳng, nên gọi là Huyền.
Mạch Huyền là mạch tượng của Can, mùa xuân.Mạch Sác mà Khẩn là mạch Huyền.
HÌNH TƯỢNG
Mạch Huyền hình dạng giống dây cung, ấn vào thấy căng thẳng như ấn vào dây cung,đè mạnh tay vào không thay đổi,   thỉnh thoảng thấy Sác.
NGUYÊN NHÂN 
Mạch Huyền... do hư lao, nội thương, khí trung tiêu không đủ, thổ (Tỳ Vị) bị mộc (Can) khắc.
Can chủ sơ tiết, điều sướng khí cơ, nếu tà khí uất kết ở Can, làm mất chức năng sơ tiết, khí uất không thông lợi, sẽ sinh ra mạch Huyền. Hoặc các chứng đau, đờm ẩm, khí cơ ứ trệ, âm dương không hòa, mạch khí do đó bị căng ra, gây nên mạch Huyền.   
 Nguyên nhân phát sinh mạch Huyền thường do:
•  Lượng máu ở tim tống ra tăng lên .
•  Sức co của thành mạch máu tăng .
•  Huyết áp cao .
•  Động mạch bị xơ cứng, trương lực của động mạch cao hơn bình thường.
CHỦ BỆNH
 Mạch án về mùa xuân, có vị khí mà mạch hơi Huyền là bình thường, Huyền hơi nhiều mà Vị khí ít là bệnh ở Can, chỉ thấy mạch Huyền mà không có Vị khí thì sẽ chết.
 Thương hàn mà thấy mạch ở bộ thốn Sáp, bộ xích lại Huyền thì trong bụng đau dữ.
Mạch Song Huyền là hàn, đều là do sau khi cho xổ mạnh, trong người dễ bị hư. Mạch thiên Huyền là bệnh ẩm.
Tiêu chảy mà mạch lại Huyền, phát sốt, ra mồ hôi là bệnh sắp khỏi.
Thốn khẩu mạch Huyền là dưới hông sườn bị đau nhiều, gai rét, sợ lạnh.
Bộ thốn Huyền thì nước đọng ở hạ tiêu, đầu đau, bụng đau cấp. Bộ quan Huyền thì mộc khí bị hại không sinh được nhiệt, bụng đau do Vị bị hàn. Bộ xích Huyền thì thủy khí đọng hạ tiêu, ruột đau, dưới rốn gò đau.
Mạch Huyền chủ đờm ẩm, sốt rét lâu ngày. Bộ thốn Huyền là đầu nhức, đờm nhiều.  Bộ Quan Huyền thì nóng lạnh, trưng hà. Bộ xích Huyền chỉ đồi sán, chân bị co rút.
Mạch bộ thốn Huyền chủ đầu đau, hàn nhiệt (sốt rét). Bộ quan Huyền là Vị bị hàn, ngực bụng đau. Bộ xích Huyền là trúng âm sán.
Mạch Huyền chủ mắt đỏ, chóng mặt, huyết áp cao, hồi hộp, hay quên, thần kinh suy nhược.
Mạch Huyền chủ tà ở Can vượng, Tỳ yếu, bệnh ngược (sốt rét), đờm ẩm, đầy trướng, đau 2 bên hông sườn, sán khí, tích kết, chứng tý.
 
Tả Thốn HUYỀN    Đầu đau, lo sợ, mồ hôi trộm.   Hữu Thốn HUYỀN      Phế cảm phong hàn, ho.
Tả Quan HUYỀN    Sườn đau, sán khí.   Hữu Quan HUYỀN    Tỳ Vị bị hàn, bụng đau.
Tả Xích HUYỀN     Bụng dưới đau.   Hữu Xich HUYỀN   Quanh rốn đau, thủy tích ở hạ tiêu.
 
KIÊM MẠCH
Mạch Phù mà Huyền là Thận bất túc.
Thương hàn mà mạch Huyền Tế, đầu đau, phát sốt là thuộc về Thiếu dương.
Tiêu chảy  mà mạch Trầm Huyền thì phần dưới nặng nề.
Mạch Trầm mà Huyền là huyền ẩm, đau ở trong. Mạch Huyền Sác mà có huyền ẩm, mùa đông và mùa hạ khó  chữa. Người bệnh ho kinh niên, mạch Huyền là có nước đọng.
Trong bụng đau thì mạch phải Trầm Huyền, nếu Hồng Đại là có giun.
Đàn ông bình thường mà mạch Hư, Trầm, Huyền, không nóng lạnh là hư lao
Người bệnh mặt nhợt nhạt, không nóng lạnh, mạch Trầm Huyền thì chảy máu cam. Thốn khẩu mà mạch Huyền Đại. Huyền là giảm, Đại là khâu. Giảm là hàn, khâu là hư. Hư hàn kích bác nhau gọi là mạch Cách. Đàn bà có mạch này thì đẻ non, lậu hạ, đàn ông thì mất máu.
Đàn ông mạch Hư, Trầm, Huyền, không nóng lạnh, hơi thở ngắn, bụng đau nhiều, tiểu không thông, sắc mặt trắng, thỉnh thoảng hoa mắt, chảy máu cam, bụng dưới đầy, các chứng này do bệnh lao gây ra.
Mạch Huyền Tiểu là chứng hàn tiết.
Mạch Đại mà Huyền là nóng lạnh. Nhuyễn mà Huyền là chóng mặt, hoa mắt, ngón tay tê. Nhược mà Huyền, Tế là huyết hư, gân teo. Thực mà Huyền là hàn thịnh ở bên trong. Trầm mà Huyền là thực, chủ về hạ trọng. Tế Huyền là tạng Can bị hư.
Huyền Trầm là chứng huyền ẩm gây ra đau ở bên trong, Huyền Hư là hoa mắt chóng mặt. Huyền Trì là quá nhiều hàn. Huyền Tế là co rút cấp (kinh phong cấp ).
Huyền Khẩn là sợ lạnh, sán khí, tích tụ. Huyền Hồng là hông sườn đau như dùi đâm.
 
6. MẠCH KHẨN
   
 
- Mạch Khẩn Thuộc loại mạch Dương, Khẩn  là gấp,đi có vẻ gấp và rít vì vậy gọi là Khẩn.
HÌNH TƯỢNG 
Mạch Khẩn tìm ấn dưới ngón tay thấy chạy suốt cả 3 bộ, ấn vào mạch chạy có dư, nhẹ tay thấy rất Sác, tựa như mạch Hồng, Huyền.Mạch đi khẩn trương có lực,đi lại như sợi dây bị vặn,Mạch đến gấp dưới tay thấy như kéo dây thừng.
NGUYÊN NHÂN 
Do hàn khí làm ngưng trệ ở trung tiêu không tiết ra ngoài được, gây trở ngại khí dương, không thông đạt được, dẫn tới hiện tượng chính và tà chống nhau, gây ra mạch Khẩn.
do sự biến tính của màng huyết quản, hoặc do sự tống máu ở tim mà sinh ra.
CHỦ BỆNH
Mạch Khẩn chủ chứng đau, chủ về hàn suyễn, ho, phong giản, đờm lạnh, nôn mửa. Bộ thốn thấy Khẩn là bụng đau lâm râm. Bộ xích thấy Khẩn là bệnh thuộc âm, bôn đồn, sán khí.
Mạch bộ thốn Khẩn là đầu đau. Bộ quan thấy Khẩn là bên trong thấy đau. Bộ xích Khẩn là trong người bứt rứt, quanh rốn đau liên miên.
Mạch Khẩn thấy ở chứng hàn, đau.thức ăn ngưng trệ
Mạch Khẩn chủ hàn bế và biểu hư. Phụ nữ mà thấy mạch Khẩn là kinh nguyệt chậm (thấy sau kỳ). Trẻ nhỏ thấy mạch Khẩn thường bị kinh phong. Bộ thốn (trái) thấy Khẩn: đầu nhức, hoa mắt, cổ đau, khí bị nghịch. Bộ thốn (phải) thấy Khẩn: hay sổ mũi, ngực đầy và đau. Bộ quan (trái) thấy Khẩn: bụng đầy, đau, 2 bên sườn và lưng đau. Bộ quan (phải) thấy Khẩn: ăn uống không tiêu, bụng đau, nãn  mửa. Bộ xích (trái) thấy Khẩn: lưng và bụng dưới đau, tiểu khó. Bộ xích (phải) thấy Khẩn: hạ tiêu đau.
KIÊM MẠCH 
Mạch Thái âm đến thì Khẩn, Đại mà Trường.
Mạch thốn khẩu Phù mà Khẩn. Phù là phong, Khẩn là hàn.
Mạch có Khẩn, Phù, Huyền, Hoạt, Trầm, Sáp, 6 mạch này gọi là ‘Tàn tặc’, đều là các mạch bệnh.
Trường hợp bị kết hung, ăn uống như thường, kiết lỵ, mạch bộ thốn Phù mạch bộ quan Tiểu, Trầm, Khẩn là chứng tạng bị kết.
Dương minh bệnh. mạch Phù Khẩn thì sẽ nóng từng cơn, phát tác có lúc.
Thiếu âm bệnh mạch Khẩn, đến 7-8 ngày sau thì đi lỵ.
Mạch phu dương Phù mà Sáp gọi là chứng phản vị, mạch Khẩn mà Sáp thì khó chữa.
Bệnh huyết tý Chỉ căn cứ mạch tự Vi, Sáp tại thốn khẩu và Tiểu Khẩn tại bộ quan thì biết. Thấy mạch Khâu, Động, Vi, Khẩn, đàn ông thì di tinh, đàn bà thì mộng thấy giao hợp.
Một bên hông sườn đau, phát sốt, mạch Khẩn, Huyền là hàn. Bụng đầy mạch Huyền Khẩn. Huyền thì vệ khí không vận hành tức là sợ lạnh. Khẩn thì không muốn ăn. Tà và chính kích bác nhau gây ra chứng hàn sán. Gặp mạch Khẩn, Đại mà Trì là dưới tim ắt phải cứng, Mạch Đại mà Khẩn là trong dương có âm. Mạch Khẩn như sợi dây vặn vẹo vô thường đó là có thức ăn cũ không tiêu.
Chứng trường ung thì bụng dưới sưng, có bỉ khối, ấn thì đau như đứng lâu, tiểu thường hay phát sốt, tự ra mồ hôi mà lại sợ lạnh, mạch Trì Khẩn là đã thành mủ.
Thái dương bệnh, mạch Phù mà Khẩn, đáng lẽ xương khớp phải đau nhức nhưng lại không đau, cơ thể lại nặng mà tê buốt, đó là chứng phong thủy. Mạch phu dương đáng lẽ phải Phục nay lại thấy Khẩn là vốn tự có hàn, là chứng hàn sán, bụng đau.
Mạch ở thốn khẩu thấy Phù mà Khẩn. Khẩn là hàn, Phù là hư. Hàn và hư tranh nhau, tà ở bì phu.
Mạch Đại, Hồng, Khẩn, Sác là bệnh tiến triển, ở bên ngoài là đầu đau, phát sốt, ung thủng.
Mạch ở thốn khẩu Trầm mà Khẩn là lạnh ở dưới tim, thường hay đau, có tích tụ.
Mạch Sáp mà Khẩn là chứng tý.
Mạch Phù Khẩn là phong hàn, mạch Trầm Khẩn là lãnh thống.
Mạch Hồng Khẩn là ngực đầy tức, đại tiện khó mà ra máu, Phù Khẩn là hàn, Trầm Khẩn là tà khí thịnh - Tế Khẩn là hàn.
- Mạch Khẩn mà Phù chủ về ngoại cảm. Khẩn mà Trầm là tim, 2 bên sườn, bụng dưới bị hàn bế và gây ra nôn mửa, tiêu chảy.
 
7 .MẠCH HỒNG
   
Mạch Câu, mạch Thịnh, mạch Hồng là một
Mạch Câu,  ứng với thời lệnh là  mùa hè, ở tạng là Tâm, thuộc hỏa, phương nam, muôn vật nhờ đó mà thịnh trưởng. vì thế mạch khí  lúc đến thì thịnh, lúc đi thì suy, do đó gọi là Câu.
HÌNH TƯỢNG 
Mạch Hồng là dương trong dương vì vậy mạch khí lúc đến thì thịnh, lúc đi thì suy .
Mạch Hồng to mà thực, nhấc tay lên hoặc ấn xuống đều có lực
Mạch Hồng, mạch tới cuồn cuộn đầy dẫy như sóng vỗ dưới ngón tay, khi đến mạch lớn, lúc đi mạch kém dần. 
NGUYÊN NHÂN
Nhiệt tràn đầy ở bên trong, đường mạch to ra và đẩy trào lên, gây ra mạch Hồng. 
Nhiệt là thương tổn phần âm, âm khí hư ở bên trong mà dương khí phù việt ra bên ngoài cũng gây ra mạch Hồng.
 Phát sinh ra mạch Hồng có thể do:
•  Lượng máu ở tim tống (đẩy) ra tăng lên.
•  Mạch máu ngoại biên bị dãn .
•  Huyết áp tâm thu cao .
•  Huyết áp tâm trương thấp .
•  Mạch áp lớn .
•  Tốc độ máu chảy nhanh.
CHỦ BỆNH
Mạch Thịnh da nóng, bụng trướng, đái tiểu tiện không thông là ngũ thực.
Mạch Hồng chủ về nhiệt... đó là cả vinh lẫn vệ đều rất nóng, khí huyết bị nung đốt, nóng cả ở phần biểu và lý.
Bộ thốn Hồng chủ về thượng tiêu, trong lồng ngực có nhiệt. Bộ quan Hồng chủ về nhiệt ở vị, ói mửa, phiên vị. Bộ xích Hồng chủ về nhiệt ở nửa người, đại tiện khó, tiêu ra máu.
Mạch Hồng gặp ở chứng tà khí thịnh, hỏa quá mạnh. Nhưng nếu mạch Hồng mà vô lực đó là hư Hồng, là hiện chứng của Hỏa bốc lên mà Thủy bị cạn.
Mạch Hồng chủ đầy, đau, nhiệt, phiền.  
Mạch Hồng chủ phần doanh và lạc có nhiệt nhiều, họng khô, đại tiểu tiện không thông.
Mạch Hồng chủ bệnh phiền táo, tráng nhiệt, phiền khát, ói ra máu, đầy trướng, ra mồ hôi, thử nhiệt.
 
Tả Thốn HỒNG     Tâm phiền, lưỡi lở loét.   Hữu Thốn HỒNG    Ngực đầy, khí nghịch.
Tả Quan HỒNG     Can Mộc quá vượng.   Hữu Quan HỒNG    Vị nhiệt, đầy tức.
Tả Xích HỒNG       Thủy khô kiệt, đái gắt.   Hữu Xích HỒNG      Long hỏa thiêu đốt.
 
KIÊM MẠCH 
Trường ung, thấy mạch Hồng Sác là đã thành mủ.
Trong bụng đau thì mạch phải nên Trầm, nếu lại thấy Huyền mà Hồng Sác là có giun đũa.
Mạch Đại, Hồng, Khẩn, Sác là bệnh tiến triển nhanh, ở bên ngoài là đầu đau, phát sốt, ung thủng.
Mạch Phù, Hồng, Đại, Trường là phong huyễn, điên tật. 
Mạch Hồng, Đại là thương hàn nhiệt bệnh”. “Dương tà xâm nhập thì mạch Phù, Hồng.
•  Mạch Hồng Đại là nhiệt thịnh.
•  Hồng Phù là biểu nhiệt hoặc hư nhiệt.
•  Hồng Trầm là lý nhiệt hoặc nhiệt bị hàn bao bọc.
•  Hồng Khẩn là ngực đầy tức, đại tiện khó mà ra máu.
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về giao diện của website http://www.tuetinhlienhoa.com.vn?

Đẹp, duy trì giao diện như vậy

Bình thường, cần điều chỉnh

Xấu, cần thay đổi ngay

Ý kiến khác (xin gửi về email: support@tuetinhlienhoa.com.vn)

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán