1. Khản tiếng, mất tiếng: Sau khi nói nhiều hoặc ca hát quá lâu, người ta thường hay bị khản tiếng, có khi còn thấy họng nóng rát và đau, thậm chí có thể bị mất tiếng, kèm theo ho khan, đại tiện táo bón, ... Nếu đi kiểm tra ở bệnh viện hiện đại, có thể phát hiện thanh đới tổn thương, viêm tấy, bị biến dạng nên mép các dây âm thanh không thể khép sát vào nhau, ... Tây y chẩn đoán là chứng bệnh viêm thanh quản.
Trong Đông y, khản tiếng hay mất tiếng gọi là "thất âm". Bệnh lý tuy xảy ra ở vùng cổ họng, nhưng liên quan mật thiết đến chức năng của hai tạng Phế và Thận. Cổ họng và thanh môn nằm trong hệ thống của tạng Phế, nhưng cũng tương thông với tạng Thận, vì đường kinh lạc của tạng Thận tuần hành qua yết hầu, tới hai bên gốc lưỡi. Hai tạng Phế, Thận có liên quan mật thiết tới sự phát âm, nên Đông y thường nói "
Phế là cửa của âm thanh, Thận là gốc của âm thanh" (Phế vi thanh âm chi môn, Thận vi thanh âm chi căn).
Thất âm được phân thành hai thể, cấp tính và mạn tính. Thất âm xuất hiện đột ngột, cấp tính, gọi là "bạo âm", thuộc loại "thực chứng" (tác nhân gây bệnh mạnh). Nguyên nhân thường do ngoại cảm phong nhiệt hay phong hàn, làm cho tạng phế bị tổn thương, hoặc do đàm trọc ứ đọng (sản vật bệnh lý), làm cho thanh khiếu bị bế tắc, dẫn tới khản tiếng hoặc mất tiếng. Trường hợp này, Đông y thường gọi là "
Kim thực bất minh", nghĩa là tạng Phế (thuộc hành Kim) bị ngoại tà tấn công, gây ra "thực chứng", làm cho thanh môn không thể phát ra tiếng ("bất" là không, "minh" là tiếng kêu). Như cái trống đặc (thực), gõ vào không phát ra âm thanh.
Thể mạn tính thuộc loại "hư chứng" (cơ thể hư tổn), thường gọi là "
Kim phá bất minh". Tạng Phế (Kim) hư tổn, như cái trống bị nứt vỡ (phá), nên không thể phát ra âm thanh (bất minh). Thể bệnh này thường xuất hiện trong giai đoạn cuối của bệnh lao phổi, viêm họng mạn tính, ... Nguyên nhân chủ yếu do cơ thể suy hư, Phế âm và Thận âm bất túc, "hư hỏa" bốc lên trên, thiêu đốt tạng Phế, khiến cho thanh môn bị nghẽn tắc, gây nên khản tiếng hay mất tiếng.
Trong cả hai trường hợp, cấp tính và mạn tính, đều thường hay xuất hiện những chứng trạng bệnh lý, do âm dịch ở tạng Phế và tạng Thận bị hư tổn; Đông y gọi là chứng "
Phế Thận âm hư", nghĩa là Phế âm và Thận âm đều bị hư tổn, với những biểu hiện chủ yếu, như gò má ửng đỏ, sốt cơn, mồ hôi trộm, ho khạc ra đờm có lẫn máu, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
2. Tiểu đường, lao phổi: Hội chứng "
Phế Thận âm hư", cũng thường xuất hiện trong nhiều loại bệnh khác, như đái tháo đường, lao phổi, viêm họng mạn tính, viêm phế quản mạn tính, ...
Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa chất đường bột. Biểu hiện chủ yếu: Uống nhiều, ăn nhiều, đái nhiều, mệt mỏi, giảm cân, đường trong nước tiểu và trong máu tăng cao, ... Đông y gọi là bệnh "tiêu khát". Bệnh được đặt tên theo 2 triệu chứng chính: "Tiêu" là sụt cân (thịt tiêu), "khát" là khát nước.
Trên lâm sàng, thường căn cứ vào các triệu chứng "uống nhiều", "ăn nhiều" và "đái nhiều", mà chia thành 3 thể: "Thượng tiêu - phế táo", "trung tiêu - vị nhiệt" và "hạ tiêu - thận hư".
Trong thể "hạ tiêu" triệu chứng chủ yếu là "đái nhiều", nguyên nhân chủ yếu do "
Thận âm bất túc". Thận âm bất túc (âm dịch ở Thận thiếu hụt), không thể duy trì cân bằng với Thận dương; Thận dương thiên thịnh khiến "hư hỏa" bốc lên trên, thiêu đốt Phế, làm cho Phế âm bị tổn thương. Phế âm tổn thương khiến chức năng điều tiết, phân bố chất dinh dưỡng bị rối loạn; dưỡng chất từ thức ăn không được phân bố tới các tổ chức cơ quan toàn thân, mà dồn thẳng xuống bàng quang, từ đó sinh ra chứng đái nhiều, "ăn một đái hai".
Để chữa trị tiêu khát thể "hạ tiêu", cần đồng thời tiến hành trị liệu cả "Phế âm hư" và "Thận âm hư". Phương pháp chữa trị đồng thời cả 2 tạng Phế, Thận như vậy gọi là "
Phế Thận đồng trị".
Bệnh lao phổi, tuy bệnh lý phát sinh chủ yếu ở tạng Phế, nhưng có liên quan mật thiết tới hai tạng Tỳ và Thận. Để chữa bệnh lao phổi, Đông y sử dụng chủ yếu hai phương pháp lớn (hai đại pháp):
(1) Khi bệnh liên quan đến tạng Tỳ, cần dùng phép "
Bổ Thổ sinh Kim”, đã được đề cập trong bài viết "
Ngũ hành và trị liệu (Kỳ 1): Bổ Thổ sinh Kim - Bổ Tỳ ích Phế".
(2) Còn trường hợp liên đới đến tạng Thận, Thận âm thương tổn, cần dùng phép "
Phế Thận đồng trị", giống như trường hợp bệnh tiêu khát thuộc thể hạ tiêu. Cách "
Phế Thận đồng trị" như vậy, thường gọi là "
Kim Thủy tương sinh".
Vì sao lại gọi là "
Kim Thủy tương sinh"?
Theo thuyết Ngũ hành, Phế thuộc hành Kim, Thận thuộc hành Thủy. Theo quy luật tương sinh tương khắc trong Ngũ hành: Thủy sinh Kim, nghĩa là "Thận Thủy” có khả năng tương sinh (nuôi dưỡng, hỗ trợ) "Phế Kim". Quan hệ giữa tạng Thận và tạng Phế, là quan hệ "mẫu tử tương sinh". Do đó về sinh lý cũng như bệnh lý, Phế và Thận có ảnh hưởng qua lại trực tiếp với nhau. Theo thuyết tạng tượng của Đông y, tạng Thận "chủ Thủy" (chủ quản quá trình trao đổi dịch thể trong cơ thể), tạng Phế là "nguồn nước". Trong điều kiện sinh lý bình thường, nguồn nước ở tạng Phế đầy đủ và tạng Thận sẽ không thiếu nước; Thận âm đầy đủ, thì nội nhiệt sẽ không phát sinh và Phế âm cũng sẽ sung túc. Quan hệ tương tế như vậy, được gọi là "
Kim Thủy tương sinh".
Nếu như Phế Kim bị nhiệt tà xâm phạm, Phế âm bị hỏa nhiệt hun đốt, khiến cho nước ở đầu nguồn bị hao kiệt, âm dịch đưa xuống tạng Thận bị thiếu hụt, dần dần khiến cho Thận âm bị hư tổn. Ngược lại, Thận âm không đầy đủ, hư nhiệt nội sinh, thiêu đốt Phế Kim, dần dần cũng khiến cho Phế âm bất túc. Quan hệ tương tác bệnh lý đó cuối cùng sẽ dẫn đến chứng bệnh "
Phế Thận âm hư". Chữa trị cần đồng thời điều tiết cả hai tạng Phế Thận, đưa chúng trở lại trạng thái sinh lý bình thường, nên gọi là "
Kim Thủy tương sinh".
3. Bài thuốc thường dùng: Trên lâm sàng, khi chữa trị "
Phế Thận âm hư", Đông y thường hay sử dụng hai bài thuốc: "
Bách hợp cố kim thang" và "
Dưỡng âm thanh phế thang".
• Bách hợp cố kim thang: - Thành phần: Sinh địa hoàng 12g, thục địa hoàng 9g, huyền sâm 9g, đương quy 9g, thược dược 9g, bách hợp 15g, mạch môn đông 6g, thiên môn đông 6g, bối mẫu 6g, cát cánh 6g, cam thảo 3g.
- Cách sử dụng: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
- Phân tích: Đối với chứng Phế Thận âm hư, chữa trị cần nhuận Phế và tư bổ Thận âm, điều tiết đồng thời cả hai tạng Phế, Thận, ở trên và ở dưới. Bài thuốc dùng bách hợp, mạch môn đông, thiên môn đông, để tư âm nhuận Phế; thêm cát cánh, cam thảo, bối mẫu chỉ khái hóa đàm, là những vị thuốc tác động vào phần trên của cơ thể, để dưỡng Phế âm. Lại dùng sinh địa hoàng, thục địa hoàng và huyền sâm để tư âm bổ Thận; dùng đương quy và thược dược để dưỡng huyết, nhu can, là những vị thuốc tác động vào phần dưới của cơ thể, để tư bổ Thận âm. Nhờ vậy, có thể điều hòa cả hai tạng Phế Thận.
- Tác dụng, chủ trị: Bài thuốc có tác dụng nhuận Phế, tư Thận; dùng chữa các chứng bệnh do "
Phế Thận âm hư" gây nên, như ho khan, ho ra máu, ho lao, khản tiếng, mất tiếng, ... Trường hợp ho khan nặng, thêm tri mẫu, ngư tinh thảo (rau diếp cá); khạc ra đờm có lẫn máu, thêm bạch cập, trắc bách diệp, tiên hạc thảo; để hỗ trợ điều trị lao phổi, có thể thêm bạch cập, bách bộ, hạ khô thảo, ...
• Dưỡng âm thanh phế thang: - Thành phần: Đại sinh địa (sinh địa to) 30g, huyền sâm 24g, mạch môn đông 24g, sinh cam thảo 6g, bối mẫu 10g, bạch thược, mẫu đan bì 12g, bạc hà 6g.
- Cách sử dụng: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. Trường hợp bệnh nặng, có thể sắc uống 2 thang trong một ngày.
- Phân tích: Bài thuốc có sinh địa, huyền sâm là những vị thuốc có tác dụng lương huyết tốt; lại được đan bì hỗ trợ nên có thể thanh tả nhiệt ở huyết phận; phối hợp với bạc hà có tác dụng sơ tán phong nhiệt, khôi phục chức năng tuyên phát của tạng Phế. Bối mẫu nhuận Phế hóa đàm, bạch thược ích âm, cam thảo giải độc, đều là những vị thuốc chữa chứng khí huyết uất kết ở yết hầu. Nhiệt tà gây tổn thương âm dịch, chữa trị cần dưỡng âm tăng dịch. Sinh địa, huyền sâm không chỉ có tác dụng lương huyết, mà còn có tác dụng tráng thủy tư âm rất mạnh; lại phối hợp với mạch môn đông là vị thuốc có tác dụng sinh tân nhuận Phế, như vậy vừa có thể tư âm tráng Thận thủy ở dưới, lại có thể tư dưỡng Phế âm ở trên; điều tiết đồng thời cả Phế Kim và Thận Thủy, đưa chúng về trạng thái bình thường.
- Tác dụng, chủ trị: Bài thuốc có tác dụng lương huyết dưỡng âm, giải độc tán kết. Có thể sử dụng để chữa trị các chứng bệnh ở yết hầu do Phế Thận âm hư, nhiệt độc uất kết ở vùng họng như ho khan, khản tiếng hay mất tiếng do phong nhiệt. Đặc biệt, tại một số bệnh viện ở Trung Quốc, người ta còn sử dụng bài thuốc này (thêm kim ngân, liên kiều, bồ công anh, ...) để chữa trị bạch hầu đạt kết quả tốt.