CAM TỬ 柑 子
Enteromorpha linza J.G.Ag.
Tên Việt Nam: Cam, Cam chanh, quả Trấp, Chấp.
Tên khác: Mộc nô, Man đầu cam (Cương mục), Thụy thánh nô, Hảo Hồng cam (Cương mục), Nhũ cam, Đường cam, Chu cam, Mật cam, Mộc cam.
Tên khoa học: Citrus sinensis (Linn) Osbeck (= Citrus aurantium Linn,Subsp sinensis Engl = Citrus aurantium Linn, Subsp nobilis Makino).
Họ khoa học: Họ Cam Quít (Rutaceae).
Mô tả: Cây nhỡ rất nhẵn, không gai hay có ít gai. Lá hình trái xoan, hơi khía tai bèo ở phía trên, hơi dài, gân lá nhỏ, chỉ nom thấy ở mặt dưới, cuống lá hơi có cánh. Hoa mọc thành chùm nhỏ ở kẽ lá, gồm phần nhiều 6-8 hoa, lá bắc hình mũi mác, hoa màu trắng. Đài có 5 hình tròn, dính liền ít nhất đến một nửa, đôi khi hơi có lông ở mép. Cánh hoa thuôn hay trái xoan ngược 20 nhị, vào khoảng 1,3 ngắn hơn các cánh hoa, dính liền nhau một cách rất không đều. Địa dày. Bầu hình cầu. Vòi dài bằng bầu, ít khi còn lại trên quả, đầu nhụy dầy. Quả hình cầu, màu vàng da cam, vỏ khó bóc, cơm quả chua ngọt. Hạt có mầm màu trắng. Ra hoa tháng 1 tháng 2. Quả tháng 10-12.
Phân biệt: Ngoài ra người ta còn dùng cây Cam sành (Citrus nobilis Lour) cây này trái cá vỏ quả sù sì, khi chín hơi nâu đỏ, lá hoa vỏ quả đều có tinh dầu thơm, cây Cam đường (Citrus deliciosa Tenora), Cam sành hay Cam bố hạ (Citrus nobilis Lour), Cam giấy (Citrus reticulata Blanco), thuộc họ Rutaceae (Cam Quít) đều được dùng làm thuốc.
Địa lý: Cam là một cây ăn quả thuộc vào loại qúy được trồng khắp trong nước ta, nhất là vùng Hà Bắc, Hải Hưng, Nghệ Tĩnh...
Thu hái, sơ chế: Hái khi trái chín.
Phần dùng làm thuốc: Dịch quả, vỏ quả xanh non (gọi là Thanh bì) và hoa.
Tác dụng: Dịch quả có tác dụng bổ, giải khát.
Tính vị: Vị ngọt, tính rất mát, không độc. Quả vị ngọt chua, tính rất mát, còn vỏ quả có vị đắng, the có mùi thơm, tính ấm.
Chủ trị Liều dùng: Lợi trường vị. Trúng nhiệt độc, giải độc của Đơn thạch, giải khát nước quá độ. Lợi tiểu.
Cách dùng:
. Dùng dịch quả có tác dụng bổ, giải khát.
. Dùng vỏ quả (Thanh bì) dùng như Trần bì nhưng tác dụng kém hơn.
. Hoa dùng cất tinh dầu trong phòng pha chế thuốc.
Tham khảo:
+ Ăn nhiều có thể làm lạnh Phế sinh ra đờm, làm lạnh Tỳ sinh ra tích, làm lạnh Đại trường sinh ra tả lỵ, phát mồ hôi trộm (Mã Chí).
+ Trái Cam cho vỏ gọi là ‘Cam thực bì’ (Aurantii nobilis Percarpium) có vị ngọt, cay, tính lạnh, không độc, trị sản hậu phù, khi dùng nên tán bột uống với rượu.
+ Quất bì có vị đắng cay tính ấm còn vỏ cam có vị ngọt cay tính lạnh, hình thể ở bên ngoài tuy giống nhau nhưng khí vị lại khác nhau (Bản Thảo Cương Mục).
+ Có khi người ta dùng vỏ quả Trái cam còn xanh với tên Thành bì, giống như vỏ quýt còn xanh cũng gọi tên là Thanh bì (Citri immaturi Percarpium).
+ Vỏ Cam ăn nhiều làm Phế bị táo (Thực Liệu Bản Thảo).
+ Cam thực bì (vỏ cam) có tác dụng Hạ khí, điều hòa được trung nguyên (Bản Thảo Thập Di).
+ Vỏ cam giải được độc của rượu, giải khát nước vì uống quá nhiều. Khi dùng nên bóc bớt vỏ trắng ở trong vỏ đi, xong sấy khô, tán bột, hòa nước sôi và ít muối để uống (Chư Gia Bản Thảo).
+ Vỏ cam chữa được những bệnh thương hàn, ăn uống khó tiêu, lao thương, lao phục, sắc uống (Bản Thảo Cương Mục)
+ Trái cam còn cho hạt gọi là ‘Cam thực hạch’ (Aurantii nobilis Semen) dùng để làm thuốc bôi ở mắt. Cây Cam cho lá gọi là ‘Cam thụ diệp’ (Aurantii nobilis Folium) trị được chứng chảy nước trong lỗ tai, có máu hoặc mủ bằng cách dùng 7 đọt Cam non rửa sạch đâm nát nhỏ vào lỗ tai (Đào Lận Thị).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn