I- Quan niệm thống nhất tam tài chu dịch với quan niệm tam duy Hoàng Đế Nội kinh
Chu dịch cực kỳ nhấn mạnh mô thức tam duy trời đất, xã hội, con người, có ảnh hưởng nhất định đối với y học tam duy Đông y.
Trong quái từ, hào từ Chu dịch đều tràn đầy quan niệm thống nhất tam tài, như Dịch- Thuyết quái nói: “Đạo lập trời, là âm và dương; đạo lập đất là nhu và cương; đạo lập người là nhân và nghĩa, gồm tam tài mà chia nó làm hai, cho nên “ Dịch” vẽ ra 6 nét mà thành quẻ”, hay như “ Càn là trời…là vua ( người), là ngọc là vàng ( vật).
Còn nói: “ Khảm là nước, là các hào các rãnh nước, là ẩn náu, là uốn nắn, là các cung và bánh xe, ở người là thêm lo, là bệnh về tim, là đau tai” đều chứng tỏ Chu dịch vô cùng coi trọng tư tưởng thống nhất tam duy. Nội kinh đã phát triển quan niệm thống nhất tam tài Chu dịch, kết hợp với nó và cơ thể người, sáng tạo y học tam duy Đông y mang đặc sắc riêng, thể hiện tư tưởng quan niệm chỉnh thể của người tương ứng với trời đất, xã hội, trở thành tư tưỏng chỉ đạo quan trọng của Đông y. Nội kinh nhấn mạnh quan hệ mật thiết của giới tự nhiên với cơ thể. Tố Vấn- Thiên nguyên kỷ đại luận viết: “ Tác dụng biến hoá của thần minh, ở trời là vũ trụ sâu xa khó hiểu, ở con người đó là đạo lý sâu sắc, ở đất đó là sinh hoá của vạn vật”. Như trong Tố vấn- Lục vi chỉ đại luận rằng: “ Cái gì gọi là khí giao…Thiên khí giáng xuống dưới, điạ khí thăng ở trên, chỗ thiên khí và địa khí giao nhau, chính là nơi mà loài người sinh sống…phần trên của trung xu là thuộc thiên khí giao nhau, nhân khí từ đó mà đến, vạn vật cũng do đó mà hoá sinh”. Đều chỉ ra một cách rõ ràng đầy đủ mối quan hệ của loài ngưòi với trời đất. Chương Vận khí thất thiên trình bày đặc biệt sâu sắc, quan hệ khí hậu- vật hậu- bệnh hậu gọi là “ Nhập mộc tam phân”. Như Tố Vấn- Lục tiết tạng tượng luận nói: “ Trời cung cấp cho con người ngũ khí, đất cung cấp cho con người ngũ vị, ngũ khí từ mũi hít vào, tàng trữ ở tâm phế, làm cho sắc mặt sáng nhuận, âm thanh tiếng nói to vang”. Tố Vấn- Ngũ vận đại luận nói: “ Phương Đông sinh phong, phong sinh mộc, mộc sinh chua, chua sinh can, can sinh cân, cân sinh tâm…Phương Nam sinh nhiệt, nhiệt sinh hoả, hoả sinh đắng, đắng sinh tâm, tâm sinh huyết, huyết sinh tỳ…” chứng tỏ ảnh hưởng của thời tiết trời đất đối với sinh lý cơ thể. Tố Vấn – Khí giao biến đại luận nói: “ Khí tuế mộc thái quá, thì sẽ phong khí lưu hành, tỳ thổ bị nó làm tổn hại, con người do bởi tỳ thổ mất vận hoá nên thường mắc bệnh tiêu chảy, ăn uống kém đi, chi thể nặng nề, phiền muộn, sôi ruột đầy bụng…”, chứng tỏ ảnh hưởng của khí hậu đối với bệnh tật, thắng, phục, ức, phát mà Vận khí thất thiên đều có quan hệ mật thiết với bệnh tật. Như Tố Vấn- Khí giao biến đại luận nói: “ Mộc vận bất cập… tai hại của nó luôn luôn phát sinh ở phương Đông, ở nhân thể ứng với tạng can, bộ vị phát bệnh của nó ở trong là hông sườn, ở ngoài là khớp”, đều không thể nêu ra hết được. Tố Vấn- Ngũ thường chính đại luận còn luận thuật tư tưởng địa lý học y học, trình bày mối quan hệ của bệnh tật, thọ yểu với địa lý, địa thế, “ Khí của trái đất sinh hoá thọ yểu khác nhau là vì sao vậy?”. Kỳ Bá nói: “Địa thế cao thấp tạo nên vậy,… nơi cao khí của nó thọ, nơi thấp khí của nó yểu”, tư tưởng y học tam duy Nội kinh trình bày trên đây chỉ cho thấy một mảng đốm nhỏ.
II.- Ý nghĩa quan trọng của Y học tam duy Đông y và ứng dụng của nó
Chu dịch đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ của con người với xã hội, Nội kinh đã hấp thu đầy đủ lý luận này, và ứng dụng ở các mặt sinh lý, bệnh lý, điều trị… của Đông y học. Đông y không chỉ coi trọng nghiên cứu y học sinh vật mà còn chú trọng ảnh hưởng của nhân tố tâm lý và nhân tố xã hội đối với bệnh tật, Nội kinh còn luận thuật sâu sắc đối với bệnh lý tình chí và điều trị, y học tam duy Đông y đặt cơ sở cho sự hình thành và phát triển của tâm lý học Đông y. Tố Vấn - Sớ ngũ quá luận nói: “ Nếu như trước cao sang sau thấp hèn thì tuy không cảm phải ngoại tà mà bệnh vẫn từ trong sinh ra, đây gọi là bệnh “ thoát dinh”. Nếu như trước giàu, sau nghèo, mắc bệnh gọi là “ thất tinh”, đó là do nơi khí của ngũ tạng lưu lại không vận hành, uất kết mà thành bệnh. Do bệnh mới phát, bệnh không tại tạng phủ, thể hình không gì biến đổi, khiến thầy thuốc khi khám bệnh thường hay ngờ vực không rõ bệnh danh. Lâu ngày cơ thể suy nhược, khí hư nên không sinh được tinh huyết, thế bệnh càng nặng thì chân khí càng bị hao tán, dương khí càng hư, người cảm thấy gai gai ớn lạnh, tim hay hồi hộp và giật mình. Sở dĩ bệnh thế ngày một tăng là do bên ngoài vệ khí bị hao tổn, bên trong dinh huyết bị cướp đoạt”. Tố Vấn – Âm dương ứng tượng đại luận nói: “ Tức giận làm thương tổn Can, buồn rầu khắc chế vui vẻ; suy nghĩ làm thương tổn Tỳ, vui mừng làm thương tổn Tâm, sợ hãi khắc chế vui vẻ, tức giận khắc chế suy nghĩ; lo lắng làm thương tổn Phế, vui vẻ khắc chế lo lắng; sợ hãi làm thương tổn Thận, suy nghĩ khắc chế sợ hãi”. Nêu lên trị liệu tâm lý của sự tương thắng tinh chí, ngoài ra còn đưa ra phương pháp trị liệu “ tình kích” tức để kích thích tình chí mà đạt được hiệu quả điều trị tương ứng. Như Linh Khu - tạp bệnh nói: “ Bệnh ợ nấc… làm cho người bị bệnh sợ dữ dội cũng có thể khỏi bệnh”. Vì vậy Đông y học là sự thống nhất của y học sinh vật, y học xã hội và y học tâm lý. Ở trên nói rõ Đông y cực kỳ coi trọng sự liên lạc và thống nhất của sinh vật, xã hội với y học tâm lý. Vì vậy, quạn niệm chỉnh thể của Đông y học : sự tương ứng của người với trời đất là không đủ toàn diện, nên đổi thành là sự tương ứng của người với trời đất, xã hội. Như vậy mới có thể thể hiện đầy đủ tư tưởng lý luận thống nhất y học tam duy ( tam tài) trời đất- người – xã hội ( sinh vật – tâm lý – xã hội) trong Đông y.
Tác giả bài viết: GS Dương Lực
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn