Đại cương
Mũi chảy máu còn gọi là ‘Chảy Máu Cam’, là hiện tượng máu từ mũi chảy ra qua lỗ mũi trước hoặc cả ở lỗ mũi sau.
Thuộc phạm vi chứng Tỵ Nục, Nục Huyết, Hồng Hạn, Huyết Vọng Hành, TỵLịch Huyết của YHCT.
Cơ chế
Niêm mạc mũi rất mỏng manh, ngay phía dưới có nhiều mạch máu hợp lại thành một lưới mao mạch ở phần trước của vách ngăn mũi, gọi là điểm mạch Kisselbach, cách bờ trước vách ngăn mũi 1cm, chính điểm mạch là nơi dễ sinh ra chảy máu mũi.
Nguyên nhân: Chảy máu mũi có thể do nhiều nguyên nhân:
a- Chảy máu ở điểm mạch: Thường gặp ở những người trẻ tuổi, đột nhiên chảy máu hoặc sau một cơn ho, hắt hơi, một loạt cúm, thương hàn hoặc chấn thương nhẹ như ngoáy mũi, gần đến tuổi dậy thì, thời gian có kinh nguyệt…
Tương ứng với thể hỏa bức bách làm cho huyết nghịch lên của YHCT (mặt đỏ, máu đỏ sậm, mạch Hồng…) hoặc do phong hàn dồn lấp kinh lạc làm cho huyết đi loạn bậy 9huyết vọng hành] (rêu lưỡi trắng, mạch Phù).
Loại chảy máu này thường nhẹ, máu chảy không nhiều, dễ xử trí.
b- Chảy máu ở thân động mạch: Điểm chảy máu ở cao, phía sau (nhánh của động mạch bướm khẩu cái) hoặc ở trước (động mạch sàng trước).
Thường gặp ở người lớn tuổi mắc bệnh huyết áp cao, xơ vữa động mạch, bệnh Thận, gan, chấn thương…
Tương ứng thể trong hư hàn, ngoài giả nhiệt của YHCT (Lưỡi nhạt, miệng khô, mạch Khổng hoặc Hoãn, Tế). Loại này máu chảy khá nhiều và kéo dài.
c- Chảy máu các mao mạch ở mũi: Máu chảy tỏa khắp niêm mạc mũi. Thường gặp trong chứng bệnh ưa chảy máu, xơ gan giai đoạn cuối, sốt xuất huyết…
Tương ứng chứng khí hư, huyết không bền chặt của YHCT.
d- Chảy máu do những khối u: Máu chảy ít một, lẫn có mủ, có khi kéo dài. Gặp trong trường hợp có những khối u mạch máu vách ngăn, u xơ mũi, họng, ung thư hốc mũi, vòm họng…
Theo YHCT
+ Do Phế Nhiệt ủng tắc bên trên gây nên. Sách ‘Chư Bệnh Nguyên HậuLuận’ (Q. 29) viết: “ Tạng phủ có nhiệt, nhiệt thừa cơ lấn khí huyết, khí huyết bị nhiệt tấn công thì huyết đi bậy, phát ra ở mũi gây nên chảy máu mũi”.
Điều trị: Tuyên Phế, tả nhiệt. Dùng bài Tang Đơn Tả Bạch Tán (39) gia giảm.
+ Do Vị nhiệt nung nấu gây nên: Mũi chảy máu, mũi khô, miệng hôi, phiền khát.
Điều trị: Thanh giải nhiệt ở Vị.
Dùng bài: Ngọc Nữ Tiễn (28) Gia giảm, Tê Giác Địa Hoàng Thang (41) Gia Giảm, Tam Hoàng Chỉ Huyết Thang (37).
+ Do Can hỏa vượng lên gây nên: Mũi chảy máu, đầu đau, chóng mặt, mắt đỏ, hay cáu giận.
Điều trị: Thanh Can, tả hỏa.
. Dùng bài Long Đởm Tả Can Thang (15) gia giảm. Hoặc Chỉ Huyết Lập Hiệu Thang (06).
+ Do âm hư, dương bốc lên: Chảy máu mũi, 6 bộ mạch đều Phù, Đại không lực, hai bộ xích yếu.
Điều trị: Dẫn hỏa quy nguyên, tiềm trấn phù dương. Dùng bài Kim Quỹ Thận Khí Hoàn (11)gia giảm.
+ Do Phế Thận âm hư: Chảy máu cam mà sốt về chiều, mồ hôi trộm, đầu váng, tai ù, mạch Tế Sác.
Điều trị: Tư dưỡng Phế Thận. Dùng bài Tri Bá Địa Hoàng Hoàn (54) gia giảm.
Phương Thuốc Đơn Giản:
+ Tỏi, lấy vài tép lớn, giã nát. Chảy máu mũi bên phải thì đắp Tỏi vào lòng bàn tay, lòng bàn chân bên trái và ngược lại chảy máu mũi bên trái thì đắp thuốc vào lòng bàn tay, bàn chân bên phải (Gia Y Trị Nghiệm).
+ Lá Hẹ, rửa sạch, cho vào ít muối hột, giã nát, vắt lấy nước uống (Gia Y TrịNghiệm).
CHÂM CỨU TRỊ MŨI CHẢY MÁU
+ Do phong nhiệt ủng ở Phế: Giải biểu, thanh nhiệt, nhuận tỵ, chỉ huyết.
Châm huyệt Phong phủ, Nghinh hương, Thượng tinh, Hợp cốc, Ngư tế (Mạch Đốc đi ngang qua mũi, dùng huyệt Phong phủ, Thượng tinh là hai huyệt của mạch Đốc để thanh nhiệt, chỉ huyết; Phế khai khiếu ở mũi, dùng huyệt Ngư tế đẻ tả nhiệt ở Phế; Hợp cốc thuộc kinh Đại trường, Phế và Đại trường có quan hệ biểu lý, dùng Ngư tế phối Hợp cốc để thanh nhiệt ở Phế; Nghinh hương là huyệt cục bộ để nhuận tỵ, chỉ huyết).
+ Do Phế và Vị có nhiệt: Thanh nhiệt, tả hỏa, lương huyết, chỉ huyết.
Châm huyệt Ngư tế, Nội đình, Lệ đoài, Hòa liêu, Thượng tinh (Lệ đoài, Nội đình thuộc kinh Vị, mạch của kinh Vị đi lên mũi; Hòa liêu ở dưới mũi, dùng để lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt ở Phế, Vị).
+ Do Can uất hóa hỏa: Thanh Can, giáng hỏa, lương huyết, chỉ huyết.
Châm Hành gian, Ngư tế, Đại đôn, Thiếu thương, Nghinh hương, Ôn lưu, Nội đình (Đại đôn, Hành gian thuộc kinh Can để giải Can uất, thanh Can nhiệt; Thiếu thương, Ngư tế thuộc kinh Phế, Ôn lưu thuộc kinh Đại trường, kinh phế và kinh Đại trường có quan hệ Biểu lý, ba huyệt này có tác dụng thanh nhiệt ở Phế; Nghinh hương ở bên cạnh mũi, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ nục (cầm chảy máu); Nội đình thuộc kinh Vị, có tác dụng giáng hỏa ở kinh Vị, chỉ nục).
+ Bệnh lâu ngày làm cho khí bị hư: Kiện Tỳ, ích Phế, bổ khí, nhiếp huyết.
Châm huyệt Tỳ du, Túc tam lý, Khí hải, Thượng tinh, Thái uyên (Tỳ du, Túc tam lý, bổ Tỳ Vị, ích cho khí của hậu thiên; Khí hải bổ cho khí của tiên thiên; Thái uyên bổ Phế khí; Thượng tinh thông tỵ, chỉ nục).
NHĨ CHÂM
Chọn huyệt Mũi, Thần môn, Phế, Dưới đồi (Trung Y Cương Mục).
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP CẦM MÁU ĐƠN GIẢN
Cần quan tâm đến việc vừa cầm máu vừa theo dõi đến tình trạng toàn thân của người bệnh, vì đôi khi chỉ lo quan tâm đến việc cầm máu tại chỗ mà không chú ý đến tình trạng toàn thân nên người bệnh bị trụy mạch (ngất) ngay khi tiến hành cầm máu. Hoặc chỉ lo đến việc hồi sức mà không tích cực cầm máu thì việc hồi sức có thể kéo dài hoặc gặp khó khăn.
Tùy theo nguyên nhân, vị trí, mức độ chảy máu mà áp dụng các phương pháp cầm máu mũi khác nhau.
+ Khi chảy máu mũi ở phần trước của vách ngăn:
· Ấn cánh mũi vào vách ngăn 3 – 10 phút là phương pháp cầm máu có hiệu quả cao.
· Tư thế nửa nằm nửa ngồi, đầu nghiêng ra phía trước, cũng có khả năng cầm máu tốt.
· Đắp gạc ướt lên hốc mũi hoặc đắp lạnh hai bên mũi.
· Ngồi thẳng, đầu ngả ra sau, đặt ngón tay cái vào chỗ lõm dưới sọ (huyệt Phong phủ), ấn tay về phía trước, trong khi đó dùng tay kia để lên trán người bệnh để đẩy ra phía sau, xoa ấn đến khi máu ngừng chảy (Huyệt này dùng rất có hiệu quả, theo kinh nghiệm của bác sĩ Cerney).
· Dùng ngón tay cái ấn vào giữa bụng giữa (mặt trong) lóng một của ngón tay giữa người bệnh (huyệt Tâm hỏa), ấn mạnh xuống và không nhấc tay, cứ giữ yên ở đó cho đến khi máu ngưng chảy thì thôi.
· Tỏi, giã nát, đắp vào lòng bàn chân (huyệt Dũng tuyền) ngược với bên bệnh.
· Các vị thuốc có tác dụng cầm máu tốt: Cỏ mực, Trắc bá diệp, Bồ hoàng sao đen), tóc rối (đốt thành than)… có thể dùng để uống hoặc rắc vào chỗ chảy máu.
Sau khi máu đã ngưng chảy, phải đè lưỡi xem có máu chảy xuống họng không. Nếu còn thấy máu chảy xuống họng là máu chưa cầm.
Nếu đã thực hiện các phương pháp trên mà máu vẫn không cầm, cần phải nhét bấc mũi trước: Xác định hốc mũi bên nào cháy máu, dùng bấc vô khuẩn 2 – 3cm x 25 – 35cm, tẩm Parafin hoặc dầu (dừa, mè…) nhét bấc vào dần sâu trong hốc mũi, từ sau ra trước, giống dạng gấp đàn Arcordeon hoặc hình lò xo thật chặt cho đầy hốc mũi.
Không để bấc trong mũi quá 48 giờ (để tránh nhiễm khuẩn). Khi lấy bỏ bấc đi, nếu lại chảy máu thì thay bấc khác.
Khi máu đã ngừng chảy, nếu có điều kiện, nên xin thử nghiệm máu tìm:
Thời gian chảy máu (Temps de Saignement), bình thường TS: 3 – 5 phút.
Thời gian máu đông (Temps de Coagulation): bình thường TC là 6 phút trên kính, 10 phút trên ống.
Hai thử nghiệm trên để tìm nguyên nhân loãng máu, giúp dễ xác định bệnh. Nếu không phải bệnh tại máu, cần tìm lại đúng nguyên nhân gây bệnh để trị.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn