19:13 ICT Thứ bảy, 02/11/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Ăn chay dưỡng sinh

Liên hệ

Tại Sao Ta Ăn Chay

Thứ sáu - 27/04/2012 15:29
Chân lý của sự ăn chay là mở rộng lòng từ bi, bác ái, là lòng thương tất cả, là lòng diệt sự mạnh hiếp yếu, mà lòng đem lại sự bình đẳng cho muôn loài. Thay Lời Tựa


Mấy năm trước trong lúc tôi chưa ăn chay, hễ ai nói chuyện với tôi về tu hành và ăn chay, thì tôi trả lời như vầy : “Tuy không ăn chay lạt chi hết, nhưng bình sanh từ nhỏ đến giờ, không khi nào tôi ăn một miếng thịt trâu hay chó”. Vì tôi nghĩ : trâu ra công cày bừa khó nhọc làm ra gạo cho chúng ta ăn, nhưng nó không đòi nhà cửa mùng chiếu chi cả, hễ đói thì chúng ra ngoài ruộng kiếm ăn. Chúng ta làm chuồng cho chúng ở, chỉ sợ trộm đạo chứ ở ngoài trời nó càng thích vì mát mẻ. Sức lực một con trâu làm ruộng bằng mười người nhưng chúng ta khỏi trả tiền lương và nuôi cơm gạo chi hết. Một con vật giúp ích cho ta như thế mà đến lúc nó già yếu ta nỡ nhẫn tâm làm thịt ăn thì ta thật là vong ơn bội nghĩa và không có lòng nhân đạo. Bởi nghĩ vậy nên tôi không khi nào ăn thịt trâu, mặc dù tôi không ăn chay.
Con chó là vật hết sức trung tín và không biết giận lâu, khi chúng ta giận đánh một đòn chí tử đi chăng nữa nhưng một lát sau nếu chúng ta ngoắc nó lại, nó liếc mắt thử xem coi ta kêu lại để đánh thêm hay mơn trớn vuốt ve nó, nếu ta thật tình vui vẻ gọi nó thì nó sẽ chạy lại ngoắc đuôi và liếm chân tay ta liền, chớ không còn tỏ dấu giận hờn chi nữa. Một điểm đặc biệt nữa là khi ta cho nó ở với một nhà giàu sang nào để nuôi nhưng hễ có biết đường về nhà thì chắc chắn nó sẽ trốn về với ta liền, thà nó ăn cơm cặn với miếng xương thừa chứ không khi nào chịu ở với nhà giàu để sống sung sướng mà bỏ chủ cũ được. Một con vật trung tín như thế, lại biết phân biệt kẻ ngay người gian, biết lo giữ của cho chủ. Thế mà ta nỡ lòng nào phủ nhận ơn nghĩa, nỡ đem làm thịt cho đành để cùng bạn bè vui say đánh chén. Chúng ta thường thấy trên đời này có nhiều hạng người tánh tình và lòng dạ thua xa nó, bởi những nguyên do trên nên tôi không đời nào đành lòng ăn thịt chó cho được. Còn những con vật ăn rồi phá hại, chứ không giúp ích gì cho ta cả :
Gà : là một con vật hễ mỗi buổi sáng mặc dù chúng ta đem cả thúng lúa cho ăn đi nữa vẫn bươi tất cả những thứ gì mà nó có thể phá được chứ không giúp ích cho chúng ta việc chi hết.
Heo : con vật này dù cho nó ăn no kéo lếch cái bụng đi không nổi, nhưng hễ ăn rồi thì kiếm luống gừng, giồng khoai ủi tróc lên cho lòi củ ra cho đến mồ mả ai nó cũng không từ.
Vậy thử hỏi những giống vật này sinh ra để làm gì, nếu không để cho ta ăn thịt?. Không lẽ trời sanh ra nó mà bắt ta nuôi, rồi nay quý ông lại bải tôi ăn chay. Vậy đối với những giống này, tôi phải xử trí làm sao đây?.
Thường ở thôn quê, nhà nào cũng nuôi vài con heo, vài con gà, nhưng nay ta ăn chay phải bán nó đi hoặc cho người khác ăn thịt, như vậy chẳng khác nào tuy ta không cắt cổ đâm họng nó nhưng lại quăng dao cho người khác giết thì có khác nào chúng ta giết nó, chỉ còn cách này là quý ông bảo tôi nuôi nó cho đến khi nó chết rồi chôn luôn đi, đừng nuôi lại giống đó nữa. Nhưng không dễ như mấy ông nói đâu, vì trước khi con heo chết, nó đã sanh cho tôi một bầy heo con khác và trước khi chết, con gà tôi đã lỡ nuôi, nó sẽ sanh ra một bầy gà khác mười con nữa, đến cuối năm, bầy heo và bầy gà này sẽ sinh sản cho cho tôi tới 30 con heo và 100 con gà. Ở thôn quê, chúng ta làm ruộng mỗi năm được tới một phiên rưỡi lúa mà thôi. Thì lúa gạo đó chỉ đủ nuôi chúng nó, vậy vợ con ta đành chịu đói hay sao, đó tôi chỉ tính sơ trong năm, nếu chúng ta tiếp tục ăn chay trường trong vài năm nữa thì lấy gì cho chúng nó ăn cho đủ. Vậy trước khi bảo tôi ăn chay, nhờ  quý ông chỉ cho tôi một phương pháp gì để xử trí đối với mấy con gà và mấy con heo nầy cho dứt khoát.
Tôi đặt câu hỏi này luôn mấy năm trường mà không ai giải đáp được, thành thử trong gia đình tôi, bà nhạc mẫu và anh vợ tôi ăn chay trường, một người anh vợ khác và vợ tôi ăn chay kì, còn riêng tôi đến ngày mùng một tết, bà nhạc mẫu khuyên tôi ăn chay trong ngày ấy, tôi cũng không chịu ăn. Đã không nghe lời mà tôi còn nói : “ Tuy má ăn chay, chớ tôi thấy má không ăn chay gì cả. Vì mỗi khi tôi muốn ăn thịt một con gà, tôi rượt bắt nó mệt nhọc đến đổ mồ hôi. Còn má thì khỏe quá, cây chuối đang mọc sởn sơ, má ra chặt ngang thân nó đem vô xắt lám rau ghém ăn, biết đâu rằng má đã giết nó và cây cỏ ngọn rau đang mọc, má ra ngắt đầu đem vô luộc ăn, nó không chạy trốn đi đâu được đành để cho má ngắc đầu ngắc cổ nó, biết đâu mủ chảy ra là máu của nó và nó cũng đau đớn nhưng không rên la được, thành ra má không thấy sự đau đớn của nó. Nếu má muốn ăn chay cho đúng cách, tôi xin chỉ cho má ăn chay như thế này : hễ cây lúa mọc được bốn đến sáu tháng, nó sẽ khô héo chết đi, trong lúc ấy má ra cắt lấy bông nó đem về xay, giã nấu ăn, còn nước biển đóng cục thành muối, má lấy ăn với cơm hoặc những trái cây đã rụng xuống đất, lượm đem vô ăn, đó mới thực là chay. Còn bông trái trên cành sởn sơ, nó còn sống, đương sức lớn mà đem vô ăn, đó không phải là ăn chay”.
Lúc đó gia đình tôi đối với tôi chẳng khác nào một đòn bánh tét, chung quanh thì nếp và đậu, chính giữa có cục mỡ và cục mỡ đó là tôi, chung quanh chay, chính giữa mặn. Ngày hôm nay phần nhân mỡ đó đã trở thành nhân chuối rồi vì tôi đã ăn chay.
Thấy tôi ăn chay, có nhiều người bạn trước kia đã bị tôi đưa ra những lí trên để hỏi trở lại tôi. Họ hỏi tôi ăn chay với những món gì?. Tôi trả lời : tương, chao, rau, tàu hủ, vậy thôi.
Các bạn tôi đều nhắc lại những lí lẽ của tôi đã nói lúc trước : tôi ăn rau cỏ là đoản mạng nó, chứ không phải ăn chay, tôi trả lời rằng, khi trước tôi không biết tưởng rằng ngắc rau cỏ đem luộc ăn là làm cho nó đau đớn và giết hại nó nên nói như vậy. Ngày nay nhận thấy trái ngược lại là làm như thế tức là cứu mạng nó hoặc làm cho nó sinh sản mạnh thêm. Dẫn chứng thực tế, quý vị hãy xác nhận : khi tóc hoặc móng tay mọc dài ra, ta cắt bớt đi thì nó không chết luôn và cũng chẳng thấy đau đớn chi cả mà vẫn mọc lại như thường. Cây cỏ cũng thế, khi đến mùa nắng, đọt cỏ cọng rau ủ rũ sắp chết, nết ta lấy dao cắt ngang và tưới một thùng nước (đừng quên thùng nước). Trong tuần lễ sau ta sẽ thấy nó đâm chồi, mọc nhánh xanh mướt khác xa với lúc nó khô héo sắp tàn. Như vậy một đám rau, nếu ta trồng mà không cắt ăn, nó sẽ già úa đi dường như gần chết, nhưng nếu ta thường cắt ăn, thì nó lại càng mọc nhanh và sanh ra nhiều cây khác.
Như vậy ta nhận định rằng, sự sống của cây cỏ khác với sự sống của thú vật. Cây cỏ ta chặt nó, nó càng xum xuê, không như gà vịt nếu ta chặt đầu thì nó chết luôn. Vậy ăn gà vịt là giết nó, còn ăn cây cỏ là cứu nó, hay nói một cách khác là làm cho nó phát triển mạnh thêm.
Ngày nay có nhiều người cho rằng thuyết ăn chay của Đạo Phật là mê tín dị đoan, là ép xác để thành Phật, là làm mất sức khỏe chớ chẳng lợi ích gì cả. Họ không ngờ trong sự ăn chay đó có mục đích rất cao cả là nêu lòng từ bi bác ái đối với muôn loài (tôi sẽ trình bày trong một chương sau).
Trước sự lầm lạc như thế ( chính soạn giả đây lúc trước cũng ở trong trường hợp đó) nên tôi nệ tài hèn sức mọn dù rằng ít học tu kém mạo muội ra công sưu tầm gom góp những tài liệu trong sách vở của những bậc tiền bối đông tây và những bậc đàn anh đàn chị đã viết ra từ trước để trình bày nơi đây những lợi ích mà sự ăn chay lạt đem đến cho những người kế tục cũng như những người hành Đạo.
Soạn giả rất hoan hỉ tiếp đón những lời chỉ giáo của các vị đạo tâm để bổ túc những khuyết điểm trong cuốn sách nhỏ bé này.
 
Cư Sĩ GIÁC NGỘ
CHƯƠNG MỘT
 
THỦY TỔ LOÀI NGƯỜI ĂN CHAY HAY ĂN MẶN ?
 
         Trước khi muốn biết loài người ăn chay hay ăn thịt, chúng ta cần phải tìm trong sách đã nói về nguồn gốc loài người như Thánh Kinh, chuyện xưa tích cũ và hình thể loài thú ăn thịt hoặc loài thú ăn trái cây, nhất là dựa theo những tìm tòi y học của bác sĩ đã tìm ra.
Dẫn chứng lấy trong Kinh Thánh Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo.
Đoạn 1 từ câu 1 đến câu 31 và đoạn 2 từ câu 1 đến câu 3 trong Kinh Thánh Cựu Ước.
Thoạt đầu chúa sáng tạo ra Trời và Đất, Chúa phán :
 
1 - Ta hãy dựng lên loài người như hình ảnh ta và giống y như ta. Loài người sẽ là bá chủ các giống cá biển, các thứ chim trời, súc vật thú rừng và mọi giống vật trên mặt đất.
2 - Ta có các ngươi mọi thứ cỏ có mầm ở trên khắp mặt đất và mọi thứ cây sanh quả có giống: Đó là lương thực của các ngươi......
Xem hai đoạn trên, chúng ta thấy thuở tạo thiên lập địa tại Đức Chúa Trời cho ta :
      a – Làm bá chủ các loài bò, bay, máy, cựa trên mặt đất này. Bởi thế cho nên dù ngày nay trông con trâu, con voi hết sức mạnh mẽ có thân thể to lớn nhưng hễ ta bảo nó làm việc gì thì nó đều ríu rít nghe theo không dám cự lại. Còn con cọp và sư tử thật dữ tợn nhưng ít khi chúng xuống thành thị hoặc xóm làng để bắt người đem về rừng. Chỉ có người vào rừng săn cọp, săn voi đem về chơi mà thôi. Một khi vì kiếm không được mồi, đói quá, chúng gặp người đi qua mới nhảy ra chụp.
Chúa chỉ phán : loài người làm bá chủ loài vật ( bởi thế cho nên loài vật tuy dữ nhưng sợ loài người ), và Chúa không có phán bảo loài người ăn thịt  loài vật bao giờ.
     b- Chúa cho ta ăn những giống cây cỏ có mầm trên mặt đất như : lúa, đậu, bắp, khoai...và mọi thứ cây sanh quả có giống. Chúa còn lập lại : đó là lương thực của các ngươi.
Như thế ta thấy, theo Kinh Thánh Cựu Ước thì từ thuở tạo thiên lập địa loài người chỉ ăn trái cây chứ không ăn thịt.
     Sáng Thế Ký : đoạn hai từ câu bốn đấn câu hai mươi lăm, Thánh Cựu Ước...Chúa lấy đất sét nắn lên hình người và thở hơi thở sống vào lỗ mũi và người trở thành sinh vật...Chúa ra lệnh  cho họ rằng: “ Ngươi được ăn các thứ rau quả cây trong vườn, riêng cây biết thiện ác ngươi đừng ăn vì ngày nào ngươi ăn quả cây cấm ấy nhất định ngươi sẽ chết”.
Đoạn trên đây đã nói lên : Chúa sanh ra loài người và cây trái. Chúa ra lệnh cho loài người được ăn tất cả các thứ trái cây trong vườn trừ trái cây cấm.
Như vậy chúng ta  thấy, mỗi khi nhắc đến thức ăn uống của loài người. Chúa không khi nào đá động đến thịt cá, mà chỉ nói toàn là trái cây thôi.
Tóm lại theo Kinh Thánh Ước, loài người khi xưa ăn chay chứ không phải ăn thịt cá.
 
B. Dẫn Chứng Dựa Theo Hình Thể Loài Người
Loài thú như : cọp, beo, sư tử ăn thịt nên
 
•   Răng cửa rất nhỏ, răng nanh to dùng để bắt mồi và xé thịt.
•   Răng hàm rất nhọn và bén dùng để cắt thịt.
•   Trái lại con khỉ chỉ ăn trái cây nên răng nó bằng và móng tay móng chân của nó cũng bằng chứ không bén nhọn như cọp, mèo, sư tử.
Loài người cũng giống như loài khỉ nên răng và móng như khỉ vậy. Răng chỉ để nhai để nghiền và móng tay dùng để gãi ngứa mà thôi chứ không phải để xé thịt.
Theo khoa giải phẫu sinh vật thì khi mổ bụng một con thú ăn thịt như cọp, beo, một con thú ăn cỏ như trâu, bò và một con thú ăn trái cây như khỉ và người, để phân tích bộ phận tiêu hóa của những loài trên thì ta thấy như sau :
Bao tử của loài người không giống như bao tử to và dài của loài ăn ròng cỏ như trâu bò.
Bao tử của loài người vừa vừa như loài ăn hoa quả vậy.
Còn về ruột, ruột của loài thú ăn thịt ăn thịt dài gấp bốn lần thân của nó. Ruột của loài ăn ròng cỏ dài gấp hai mươi lăm lần thân của nó. Ruột của loài ăn hoa quả thì dài độ bằng mười lần thôi. Con người có bộ ruột y như loài ăn hoa quả. Người cao độ 1m60 thì thân mình người ấy độ 0.75m (thân mình từ cổ đến dạ dưới) ruột của họ dài độ 7m50.
Nếu ta so sánh các bộ phận khác thì rất dài dòng nên chỉ tóm tắt nội bộ phận tiêu hóa, các bộ phận khác thì đều như vậy. Để chứng tỏ sự kiện trên, sau khi nghiên cứu tỉ mỉ về bộ máy tiêu hóa, ông Flourents quả quyết với một câu “ Do bao tử, hàm răng và ruột tự nhiên con người thượng cổ thuộc loại ăn trái cây như loài khỉ”
Vậy con người sanh ra để ăn trái cây như loài khỉ, nhưng tại sao loài khỉ đến ngày nay vẫn ăn trái cây, còn trái lại loài người thì lại ăn thịt?. Phải chăng loài người có trí khôn nên chế biến ra để nấu nướng thịt cá và không chịu ăn trái cây nữa?.
Tóm lại loài người ngày xưa ăn chay. Ăn chay là ăn những thực phẩm bằng rau cải, hoa quả, các loại ngũ cốc nhiều sinh tố, dễ tiêu hóa và thuần khiết. Bởi vậy cho nên khi xưa loài người sống rất lâu và mạnh mẽ, khỏe đẹp ( vẻ đẹp của thiên nhiên, sắc diện màu da hồng hào, chớ không phải vẻ đẹp của son phấn như hiện giờ).
Sách có câu : “ Bịnh tùng nhập khẩu” thật rất chí lý, ăn thịt và cá, vì ta quá nghiền nhiễm nó rồi, nên ta mới thấy ngon, chẳng khác nào người nghiện rượu cho rượu là bổ là ngon vậy. Tóm lại, cái chi ta đã tập được ghiền nhiễm rồi thì các vật ấy ta cho đều là ngon, là hay cả, cũng như bạch phiến, ăn trầu, hút thuốc...
 
Chương Hai
 
Loài Người Ăn Thịt Hồi Nào Và Trong Trường Hợp Nào ?
 
 
Khi xưa loài người ung dung tự tại lắm, trái cây, bắp khoai đầy rừng không thiếu chi, muốn ăn lúc nào cũng có, không làm mà vẫn có chứ không phải như đời bây giờ, làm trối chết mà vẫn không có ăn. Đời thượng cổ, con người chỉ biết ăn và chơi giỡn với nhau, không giàng giựt, không cấu xé, chứ không phải như bây giờ chia ra nhiều nước, nhiều phe đánh nhau lu bù để giàng giựt xô xát lẫn nhau.
 
Phát Minh Ra Lửa
 
Đời người ngày xưa trãi qua rất êm thấm. Một hôm tình cờ trong lúc chơi giỡn, có người lấy đá chọi vô trong núi thấy xẹt ra lửa. Thấy lửa nhoáng trông rất đẹp, nên mỗi người đi đâu cũng đem đá theo mình, cọ quét nhau cho tóe lửa ra để coi chơi.
Sự phát minh ra lửa do từ đó, lúc đó con người chỉ biết lửa đó để coi cho đẹp mắt chứ chưa biết công dụng của lửa đó ra sao. Đến một ngày khác, cũng do một sự tình cờ, một người nọ lại quẹt đá làm cọ lửa trúng đám lá khô hoặc đám bông gòn rụng tràn lan trên mặt đất, làm cho phát cháy một đám rừng, những con thú như cọp, beo, nai, chó...lẹ chân nên không chết, chỉ có rùa rắn chậm chạp nên bị cháy nằm lểnh nghểnh trên mặt đất. Lúc đó con người mới nhặt một con rùa chết cháy lên xem, rồi nắm một chân rùa giựt rời ra, thấy đùi rùa cháy nửa sống nửa chín, máu me còn dính. Thịt rùa bốc lên một mùi thơm phức, nên mới cho vào miệng ăn thử, nếm được một vị ngon ngon, béo béo, khác với hương vị trái cây dùng mỗi ngày. Nhặt lên một con rắn chết cháy, tuốt da nếm thử, cũng gặp một mùi ngon ngon lạ lạ như thế. Từ đó về sau, ai gặp rùa rắn thì bắt liền không tha và họ gom lá lại xẹt lửa nướng rùa rắn để ăn.
Con người khởi sự ăn thịt từ lúc đó và thời đại ấy cũng gọi là thời đại ăn lông ở lỗ, vì lúc đó con người ăn thịt nửa sống nửa chín, còn lông còn lá chứ không biết cạo sạch sẽ như bây giờ. Còn ở trong hang chớ không biết cất nhà cửa như hiện nay.
Khi trước, con người đang đi gặp rùa rắn thì hất nó qua một bên rồi đi, còn thú vật thì không biết sợ người. Từ khi con người biết ăn thịt, hễ gặp rùa rắn là bắt hết nướng để ăn chứ không tha nữa.
Sau này cũng vì tình cờ, một người nọ đang gặm đùi rùa ăn, bỗng vì tò mò nhổ một cọng cây gần đó ăn luôn, không ngờ cây đó là cây sả, hoặc cây gừng, thành ra ăn chung với nhau lại nếm được mùi vị khác nữa, ngon hơn. Từ đó trở về sau, mỗi khi ăn thì ăn kèm với món này món kia, có khi đang ăn dưới bãi biển, muối đóng cục liền lấy ăn với thịt lại thấy càng ngon hơn nữa. Sau đó bắt trớn, cứ chế món ăn ra hoài cho tới ngày hôm nay, chúng ta biết nấu nướng, nào xào thịt bò bảy món, lươn um, nai lụi...
Chúng ta ngày nay, chẳng khác nào một đầu xe lửa bị trật đường rầy sa xuống hố sâu, không tài nào trở lại được nữa, nghĩa là khó bỏ thịt để ăn rau trái và ngũ cốc như ban sơ.
Bắt rùa rắn, riết nó thấy loài người nó sợ quá, lủi thủi trốn hết nên khó bắt lắm. Muốn cho dễ bắt, loài người khởi sự đốt rừng cháy, để rùa rắn chạy không kịp, chết cháy lượm ăn cho dễ, không dè loài ngũ cốc như lúa, bắp, khoai, đậu mọc đầy rừng, vì cây nhỏ yếu nên bị cháy tiêu hết...bỗng gặp một con heo liền rượt bắt để ngày sau làm thịt ăn. Không ngờ con heo đó lại có chửa nên sáng bữa sau sanh ra sáu, bảy heo con. Khi ấy người ta cũng biết rằng, loài thú cũng sanh sản như vậy nên mới nghĩ đến sự bắt thú về nhà nuôi để cho chúng sanh sản cho đỡ nhọc công đi săn. Từ đó hễ gặp gà, vịt, heo, chó...họ đều tóm cổ đem về, hễ ăn không hết thì để đó cho nó sanh sản ra thêm.
Loài người phát minh ra sự chăn nuôi và cũng từ đó loài người và thú trở thành thù nghịch lẫn nhau. Để tự vệ và trả thù loài người đã bắt bà con của chúng, loài sư tử, cọp, beo và các giống thú khác cũng chống cự lại bằng cách chờ đợi đêm khuya, loài người đang ngủ, chúng đến vật chết để báo oán. Hoảng sợ, loài người mới che “thum” trên cây và khi tối đến, leo lên đó mà ở chớ không dám ngủ dưới đất. Sau này nhờ trí thông minh và kinh nghiệm, lần lần loài người đã trở lại xuống đất, chế ra nhà có cửa nẻo chắc chắn để giữ mình và che mưa gió chứ không ở trong hang và trên cây nữa.
 
Chương Ba
 
A - Nguồn Gốc Chia Rẽ Của Loài Người
 
Từ khi biết ăn thịt về sau, loài người mới tìm cách sáng tạo lần lần các khí cụ để săn thú đem về ăn. Bắt đầu từ cây vạt nhọn, đến cây chỉa, cây lao, mác, bẫy, rập, ná lãi.v.v...
Một ngày kia, có một người nọ đang rượt theo con vịt của mình, bỗng gặp một người khác cùng chạy đến giành, nói là con vịt của hắn. Hai bên cãi nhau và đánh nhau để giành con mồi đó. Kết quả là kẻ thắng cuộc vác thịt về nhà. Kẻ bại trận què giò, gãy tay cũng ráng lếch về chỗ ngủ, rồi khóc mếu máo phân trần với những người bên cạnh: “Này các anh em xem nó ỷ mạnh đánh tôi thân thể ra như vầy, mấy anh ở gần tôi đành bỏ tôi sao? Mấy anh không trả thù tôi sao?”.
Ờ, thì trả thù. Ngày mai lại, ba hoặc bốn người đến đón đường tóm tên kia đánh một trận nhừ tử. Tên kia bị đánh tơi bời ráng lếch về nhà kêu gọi anh em ở gần để đi trả thù nữa...và rồi cứ luân chuyển mãi sự trả thù kết oán và cũng từ đấy mầm chia rẽ giữa loài người đã phát sinh.
Con người không còn như xưa, lúc ăn trái cây thuận thảo, không thù hiềm, không giành giựt, không sâu xé lẫn nhau vì trái cây ngoài rừng ăn sao hết. Đấy là nguyên do của sự chia rẽ của loài người.
 
B- Nguồn Gốc Của Chiến Tranh
 
Sau khi biết ăn thịt và giành giựt miếng ăn với nhau, kẻ này bênh kẻ kia, kẻ kia bênh kẻ nọ họp nhau đánh qua đánh lại. Buổi đầu còn tụ họp ít, kế đến tụ họp nhiều thành bộ lạc để giành mồi. Kẻ thắng trận bắt người bại trận về làm nô lệ, bắt đi săn hoặc làm công việc nặng nhọc cho họ hưởng. Dần dần kết thành nước nhỏ nước lớn để đi đến sự chiến tranh với nhau. Con người từ đó trở nên hung tợn, hiếu sát không còn giữ được tánh thuần lương của loài người trong thời thượng cổ nữa.
Chúng ta nhận xét phải chăng chiến tranh ngày nay là do phần lớn vì ăn thịt mà ra?.
Ngày nay, thú rừng đã hiếm, thú nhà cũng sanh sản không kịp để cung cấp cho loài người nên chúng ta phải lặn lội xuống dưới nước để bắt cá, tép mà ăn. Còn loại ngũ cốc thiên nhiên vì sự đốt rừng để bắt rùa rắn làm cho cháy hết, nên bây giờ phải gầy giống lại, moi móc từng thửa ruộng cầy cấy rất cực nhọc mới có miếng mà ăn, phải đắp từng giồng khoai, trồng từng líp bắp, líp đậu mới có mà dùng.
Khi xưa nhàn rỗi bao nhiêu thì ngày nay cực khổ bấy nhiêu.Ôi!Tại ai?.Tại Trời ư?.
Muôn sự đều tại ta cả, tại sự ăn thịt của ta nên phải ráng chịu chớ đừng trách Trời trách đất. Chiến tranh gây ra sự tận diệt loài người do tại đâu?
Quý vị chắc hẳn đồng ý, chiến tranh gây ra do ba nguyên nhân : Ăn, Mặc và Ở(phạm vi bài này thuộc đề tài ăn chay nên không đề cập đến cái mặc và ở).
Lời của soạn giả ( chương hai và chương ba thuật lại những tục truyền về nguyên nhân sự ăn thịt thú vật của loài người, nguồn gốc của sự chia rẽ và chiến tranh giữa các dân tộc. Sự thật thế nào chúng ta đâu rõ, nhưng mấy chuyện này nghe qua cũng lý thú lắm, vậy quý bạn nghĩ sao cũng được).
Chương Bốn
 
Tại Sao Ta Phải Ăn Chay Để Trở Lại Như Xưa ?
 
 
A- Để Biết Thương Loài Người Và Loài Vật
 
Trước khi vào giai đoạn này, tôi xin nhắc lại một trong trăm ngàn thảm trạng đã xảy ra trong thời kỳ loại ly năm 1945, khi người Pháp trở lại chiếm cứ miền Nam nước Việt.
Trong khi một gia đình kia đang quây quần dùng cơm, bỗng đâu một đám việt gian dẫn lính Ma Rốc kéo vào nhà, chĩa súng bảo các người ăn cơm phải đứng dậy xếp hàng trình giấy kiểm tra cho chúng xem. Sau khi xét giấy tờ xong, một tên lính Ma Rốc thấy đứa con gái trong gia đình coi bộ sạch sẽ liền khen : “ À, con gái đẹp”. Rồi nó kéo đứa con gái ấy ra đống rơm trước cửa nhà, thay phiên nhau hãm hiếp ngay trước mặt của gia đình. Trong lúc đó, vì thảm cảnh xảy ra trước mắt, người cha nóng lòng chạy ra khóc lóc năn nỉ, khẩn cầu xin tha cho con gái mình thì một tên lính khác chạy đến trở bá súng đập một cái ngay đầu, người cha cô gái ngã xuống giãy tê tê rồi lịm luôn, những người khác trong gia đình lúc đó đau khổ quá, người nào cũng tức tối căn hờn, nước mắt chảy dầm dề, lòng đau như cắt không ai dám van xin lời nào.
Thử hỏi có ai dám vác củi ra đập bọn chúng chăng? Chắc chắn là không, vì củi làm sao đương cự với súng được. Ôi! Đau đớn thay, mạnh hiếp yếu. Thú tính phát triển hỗn độn như thế cũng do huyết nhục thú cầm nhập vào huyết mạch con người.
Và đây là một thảm trạng xảy ra luôn, nhưng ít ai chú ý đến: một đàn gà mẹ đang dẫn con bươi kiếm ăn ngoài sân, bỗng đâu một con diều hâu đáp xuống sớt gà con. Gà mẹ vừa thấy kêu lên một tiếng thất thanh, bầy gà nghe tiếng kêu của mẹ, liền lật đật chạy chui vào hè để tránh con diều. Một đôi khi có con chạy không kịp, bị diều chụp, gà mẹ liền liều mình xông đến để mổ con diều, đá một cái thật mạnh làm cho diều hoảng hồn buông gà con và bay luôn. Khi thấy diều hâu bay rồi, gà mẹ liền kêu lên vài tiếng, gà con trong hè chui ra theo mẹ kiếm ăn như trước. Bỗng đâu một người đến chụp cổ một con gà xách đi làm cho gà mẹ và bầy con kêu la thảm thiết. Người ấy bắt gà vô nhà lấy một con dao với cái dĩa và đè gà xuống để cắt cổ làm cho con gà giò đập cánh bèm bẹp, kêu la dữ dội, trong lúc đó gà mẹ và đàn gà con đứng xung quanh cũng cất tiếng kêu não nùng, bi thảm.
Gà mẹ thấy con bị cắt cổ, đau lòng lắm nhưng làm sao đây, dám lại đá người cắt cổ gà không?, chắc chắn là không vì lớ ngớ lại đó sẽ bị người đó quay cán dao lại đập một cái là tiêu đời. Ôi đau đớn thay!. Mạnh hiếp yếu.
Có người nói : ôi thứ gà vịt heo chó là loài nhỏ mọn, là vật vô tri, nó sống là để người ta ăn thịt chớ nó có biết gì đâu mà thương xót.
Nếu ta nói là con vật không biết gì, vậy thì tại sao thấy con diều hâu đáp xuống nó biết lui vô hè để trốn và gà mẹ dám liều mình chạy đến đá diều hâu cứu con, gà trống kiếm nhiều mồi biết kêu gà mái đến chia, gà mẹ nhặt được thóc biết gọi con đến phân phát?. Như vậy ta thấy rằng, tuy nó là con vật nhỏ mọn, nhưng nó cũng biết tham sống sợ chết như loài người, mẹ con anh em đồng loại cũng biết thương yêu nhau vậy.
Chúng nó cũng biết đau đớn, khổ sở, rầu buồn khi thấy người ta bắt mẹ cha, con cái hoặc anh em chúng nó đem làm thịt. Vì sức yếu thế cô chúng đành cam chịu chứ chúng nó không phải là vật vô tri vô giác như chúng ta tưởng.
Chúng ta là đồng bào với nhau, người Miền Trung nói tiếng mà người miền Nam còn nghe không được, huống hồ người Việt nói tiếng Hoa, người Đức với người Pháp. Tiếng nói của loài người còn khác nhau như thế, huống gì tiếng nói của loài thú vật, ta nghe làm sao được. Biết đâu sự kêu la của gà mẹ khi thấy diều hâu đáp xuống: “Tội nghiệp con tôi ông ơi ! Tội nghiệp anh tôi, em tôi ông ơi ! Tha cho nó ông ơi !”. Biết đâu những loài thú khác như heo, bò, trâu, chó. v.v trước khi chết chúng chẳng kêu lên những tiếng thiết tha sầu não, van xin, oán hờn thấu tận mấy tầng trời xanh.
Như ở đoạn trước chúng ta thấy, khi người nào hãm hiếp con cháu ta, ta đau đơn khổ sở, ta nguyền rủa sự độc ác, sự mạnh hiếp yếu. Nay sao ta lại nỡ nhẫn tâm lấy cái chết của con vật mà nuôi cái sống của ta và làm cho chúng nó cha mẹ phải xa con, anh lìa em, vợ phân cách chồng. Ta đành tàn nhẫn như vậy được sao?. Phải chi loài người sanh ra mà không có các loại ngũ cốc như lúa, bắp, khoai.v..v..cho ta dùng thì ta có thể nói : “Trời sanh vật để dưỡng thân, đằng này Trời sanh ta ra lại cũng sanh đủ thứ cho ta dùng, vậy loại nào phải ở theo loại nấy chứ.”
Nếu ta nói ta nuôi nó ta phải ăn thịt nó lại mà trừ thì tánh ích kỷ, vụ lợi của con người lộ ra rõ ràng. Hầu hết tất cả các sự đau khổ trên đời đều do tánh ích kỷ mà ra. Thật ra, con người dùng sức mạnh bắt thú về nuôi cho nó sinh sản cho mình ăn, chớ không phải khi không nó vào nhà mình bắt mình phải nuôi nó. Nó ở ngoài rừng thong thả tự do, muốn ăn chừng nào ăn, muốn ngủ chừng nào ngủ. Dãy đất rộng rãi bao la, loài vật muốn đi đâu thì đi chứ không phải tù túng như ở với ta. Ở rừng đói thì chúng nó móc củ, cắn cây cắn cỏ mà ăn, ung dung tự tại không bị ràng buộc. Tại ta dùng sức mạnh mà cưỡng ép nó vào nhà ta, chớ nào nó có muốn đâu.
Bây giờ ta đã thấy vì sự ăn thịt của ta mà làm cho đau đớn biết bao nhiêu loài thú vật. Con người từ ngày bị cái sự biết ăn thịt đến bây giờ, sanh ra chia rẽ tình nhân loại, nghĩa đồng bào, không còn biết yêu thương thuận thảo với nhau nữa. Chia rẽ nhau để giành miếng ăn và tàn sát nhau không biết gớm ghê cũng vì miếng ăn.
Vậy nay ta muốn trở lại cuộc đời đầy sự vui vẻ như thuở xưa kia, không còn kẻ mạnh hiếp yếu thì ta phải ăn chay, nghĩa là đừng ăn thịt cá nữa. Ta ăn chay là không muốn lấy cái chết của con vật mà nuôi cái sống của ta. Ta không muốn thấy con vật đau đớn oằn oại dưới lưỡi dao của ta, cũng như ta không muốn ai hiếp đáp ta và con cháu ta như đã nói ở đoạn trên.
Khi ta ăn chay với mục đích biết thương loài vật, ta không muốn thấy nó đau khổ. Thử hỏi, đối với con vật nhỏ nhoi mà ta coi như thế, thì đối với loài người cùng một giống, một dòng với ta mà ta nỡ giết hại được không?. Chắc chắn là không, vậy hễ một người ăn chay theo đúng chân lý, thì người đó không làm cho ai đau khổ cả và không tàn sát nhau nữa được.
Tôi không có cao vọng rằng về sau con người trên thế giới sẽ ăn chay hết để thế giới được hòa bình, để cho con người không tàn sát lẫn nhau nữa. Tôi chỉ mong sao được một người ăn chay, thì nhân loại sẽ bớt một người không sát sanh hại mạng vậy thôi. Nhưng nếu được tất cả mọi người trên thế gian này đều suy xét mà ăn chay thì loài người không còn bắn giết lẫn nhau và chừng đó, súng ống sẽ mang vứt bỏ xuống sông xuống biển vì không ai dùng đến nó nữa. Chừng đó sẽ trở lại yêu mến nhau như thời thượng cổ.
 
B – Ăn Chay Để Nuôi Lòng Từ Bi Do Phật Xướng Ra.
 
Tôn chỉ của đạo Phật là : từ bi và bình đẳng.
Từ bi là cứu khổ, ban vui cho tất cả. Lòng từ bi của Phật là tình thương rộng rãi mênh mông, chứ không phải hẹp hòi trong phạm vi nhân loại mà thôi, nó còn lan rộng đến tất cả loài vật. Lòng từ bi của Phật đã nảy nở khi Ngài chưa xuất gia. Một hôm đi xem lễ cày ruộng, Ngài đã rơi lệ, đau xót cho chúng sinh đã phải xâu xé lẫn nhau để sống. Người thợ săn rình bắt con diều, con này đang rình rập gà con và chim nhỏ, trong khi những con này đang tranh nhau để giành giựt những côn trùng do lưỡi cày vừa bới lên. Ôi! Sống bằng cái chết, mạnh hiếp yếu.
Vì lòng từ bi thương xót tất cả các loài, nên Ngài xuất gia tìm đạo để cứu vớt chúng sinh. Phật thương chúng sinh như mẹ thương con. Ngài thường nói với đệ tử : “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, tôi là Phật đã thành, các ông là Phật sắp thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành. Tôi giác ngộ, tôi phải lo cứu vớt dẫn dắt các ông và chúng sinh còn mê. Các ông được giác ngộ rồi hãy lo cứu vớt chúng sinh, cả hai đều bình đẳng như nhau”. Giác là Phật, mê là chúng sinh, chớ phân biệt ta với người, ta với vật. Hãy thương xót tất cả, hãy cứu vớt tất cả.
Ta với chúng sinh, mặc dầu hình thức có khác nhau nhưng sự sống chỉ là một. Tình thương sao lại phải phân chia?. Làm đau khổ một phần nào, một khía cạnh nào sự sanh tồn của kẻ khác, tức là làm đau khổ sự sống của mình, vì sự sống của mình và của chúng sinh là một. Trái lại, thương yêu một sinh vật nào đó chính là thương yêu mình, nên Đức Phật thường nói: “Ta với chúng sinh là một, chúng sinh khổ tức ta khổ, chúng sinh vui tức ta vui”.
Đức Phật chủ trương thuyết vô ngã, quyết đập tan cái “ta” giả dối, cũng để chúng sinh nhận rõ mình với chúng sinh là một, ta với không phải ta vẫn như nhau. Thương mà vẫn thấy ta với người là hai, thì tình thương ấy có tầng, có bậc, có thân, có sơ, có ngăn, có cách. Người tu hành từ bi không nói “ ta với người tuy một mà hai”, mà phải nói “ta với người tuy hai mà một”. Nghĩa là xóa bỏ cái “Dị” để đi đến cái “Đồng”. Phật rất tôn trọng sự sống. Phật dạy: “Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng thích sống còn, vậy hãy lấy lòng mình mà suy lòng người. Chớ giết, chớ bảo người giết”. Lời dạy chí lý ấy không phải bảo ta ăn chay để tránh giết và tránh sự bảo giết sao?.
Phật cũng không quên loài nhỏ nhít như trùng, dế nên Phật mới chế ra ba tháng an cư vào mùa mưa để các tăng đồ khỏi ra ngoài, vượt núi rừng đi truyền Đạo, có thể giẫm đạp  lên những sinh vật sinh nở rất nhiều trong mùa ấy.
Lòng từ bi của Phật là như thế, là cứu khổ ban vui cho muôn loài vạn vật. Vậy ta là phật tử, ta phải ăn chay để nuôi lòng từ bi, bác ái do Phật xướng ra.
Ta tập ăn chay một ngày thì lòng từ bi ta bằng hạt đậu, hai ngày nó bằng hột xoài, bốn ngày bằng cái chén, sáu ngày bằng cái mâm, mười ngày bằng cái bồ. v...và khi ta ăn chay trường được thì lòng từ bi của chúng ta sẽ rộng lớn bao la, chúng ta sẽ biết thương tất cả chúng sinh. Chừng đó thú vật sẽ là bạn ta và nó sẽ liếm tay chân ta, hoặc nó sẽ đậu trên vai ta, khi ta ra rừng. Những đêm giông to gío lớn, chúng nó sẽ đến nằm lĩnh nghĩnh trước nhà ta để tránh mưa gió. Vậy người tu theo đạo Phật mà không công nhận sự ăn chay thì người đó chưa hiểu chữ từ bi của đạo Phật. Từ bi là cứu khổ ban vui mà cứu khổ, ban vui làm sao được khi ta còn phân biệt ta với vật để mà ăn nó và để cho người khác giết nó cho ta ăn. Có nhiều người nói, khi xưa Phật không ăn chay, ai cho món gì ăn món nấy. Ngày nay ta làm tài khôn, bày đặt ra sự ăn chay, chẳng khác nào chê Phật dỡ hơn ta.
Tôi xin thưa khi Phật tu đắc Đạo rồi mới truyền bá đạo của Phật cho người ta tu theo, trong khi đó con người đã nghiện thịt cá rồi, nay nếu Phật bảo ai tu theo giáo lý của Phật phải ăn chay mới được, thì chắc chắn dù cho giáo lý ấy cao siêu đến đâu đi nữa cũng chẳng ai dám tu theo cả vì làm sao mới có một ngày hay một bữa mà ăn chay liền được. Bởi vậy Phật tùy phương tiện để đệ tử của Ngài ăn Tam nhịn nhục, là ba thứ thịt trong sạch như sau đây
1.  Thịt thú chết mà ta không thấy người giết nó.
2.  Thịt thú chết mà ta không nghe tiếng rên la của nó.
3.  Thịt thú chết mà không phải người ta làm để đãi mình.
Phật phải cho ăn thịt heo ba lối đó trong buổi ban đầu, chứ bảo ăn chay liền thì ai dám theo Phật.
Nhưng có một ngày kia, Phật đến một xứ nọ mà người bản xứ đều sống về nghề săn bắn. Phật thuyết pháp cho họ nghe và họ xin cúng dường cho Phật một bữa ăn toàn thịt rừng, Phật cũng dùng, nhưng sau bữa ăn, Phật khuyên họ nên bắt chước các xứ khác nên trồng trọt mà ăn chứ đừng săn bắn nữa, có người nói xứ đó đồng khô cỏ cháy, nên trồng trọt không được, vậy trồng trọt không được tại sao lại có thú để săn vì có cỏ thú mới sống được.
Lại có một lần khác, Phật đã khuyên vua Tần, Ba-sa-la đừng giết thú vật để tế Thần. Như vậy ta thấy rằng mặc dù Phật cho các đệ tử ăn Tam nhịn nhục, nhưng mỗi khi có dịp nhắc đến thú vật thì Phât khuyên đừng giết chúng, vậy không phải Phật khuyên ta ăn chay một cách gián tiếp sao?.
Ta thấy hiện nay có nhiều người tu hành theo giáo pháp của Đức Phật để lại và trong những người đó có người khi chết không đau ốm gì cả, lại còn biết ngày giờ chết nên tắm rửa sạch sẽ rồi xếp bằng, chắp tay chết một cách rất yên lành.
Còn theo trong lịch sử Đức Phật Thích Ca có một đoạn nói, một ngày kia Phật đến nhà thợ rèn tên Thuần- Đà (Chung- gia) và người này cúng dường cho Phật một món ăn làm bằng thịt heo tên là Sukara – maddavam. Không lẽ người ta có lòng tốt cúng dường cho Phật mà Phật từ chối sao, nhưng Phật chỉ bảo dọn cho Phật dùng thôi, và khi dùng rồi còn dư bao nhiêu Phật bảo đem chôn hết chứ không cho các đệ tử ăn thịt heo đó. Khi ăn thịt xong, Phật nhuốm bệnh và nhập Niết Bàn. Nhiều người lấy làm lạ tại sao người tuân theo giáo lý của Phật mà chết còn được yên lành, huống hồ Phật, thuốc độc còn không hại được, tại sao Phật lại nhiễm độc vì mấy miếng thịt heo mà phải nhập diệt như vậy.
Họ lấy làm lạ là tại sao Phật đã đắc lục thông rồi mà không lựa cách nhập diệt cho tốt lành lại để mang tiếng chết vì mấy miếng thịt như thế ?. Phải chăng đó là cái dụng tâm rất khéo léo trong sự viên tịch của Đức Phật. Ngài muốn để lại một bài toán cho các môn đồ của Ngài lấy đó mà suy nghĩ nên mới nhập diệt bằng cách ấy. Các môn đồ phải tự hỏi: “Tại sao Phật lại nhập diệt như thế?. Tại sao?”
Có gì lạ, chỉ vì khi xưa, tuy Phật không bắt buộc ăn chay nhưng tới khi nhập diệt, Phật muốn nhắc lại cho các môn đồ Ngài hiểu: “ Vì ăn thịt mà Phật bỏ xác”. Cách bỏ xác này là một bài toán dụng ý nhắc nhở các tín đồ sau này tìm hiểu và ăn chay thế thôi. Đến nay đã hơn hai nghìn năm trăm năm rồi, bài toán ấy chúng ta đã trả lời được mà không hay: đó là ăn thịt chết vì thịt, vì hiện nay hết tám phần mười người tu theo Phật đều ăn chay. Có lẽ ngày nay Đức Phật lấy làm hài lòng khi thấy tín đồ đã hiểu Ngài nên đã trả lời được bài toán dụng ý sâu xa của Ngài đã để lại.
Khi Đức Phật còn sống, Ngài không bảo đệ tử ăn chay bởi lúc đó Ngài thấy căn cơ của họ chưa tới, nếu bảo họ ăn chay liền thì họ sẽ bỏ Đạo hết vì vậy mà Ngài dụng ý bỏ xác vì miếng thịt heo để cho những tín đồ nào chưa ăn chay lấy đó mà suy ngẫm. Vậy Phật cho đệ tử ăn Tam nhịn nhục, là Phật chỉ cho giết một cách gián tiếp mà thôi vì tội ấy còn nhẹ hơn tội sát sanh trực tiếp.
Lúc đầu Phật dạy ăn chay, như vậy cũng như học trò mới học chữ, thầy giáo đã cho gạch hàng để tập viết cho ngay, bệnh đau phải chống gậy. Nay không lẽ ta học hoài mà không lên lớp và không lẽ ta đau hoài mà không có ngày lành bệnh. Thuốc giáo lý của Đức Phật không có công hiệu hay sao mà ta cứ chống gậy mãi như vậy?. Ta khư khư ăn tam nhịn nhục hoài sao?. Không lẽ trên hai nghìn năn trăn năm rồi mà sự tu học của ta cứ nằm ì một chỗ không tiến được một bước nào?.
 Ông Plutarque, nhà luân lí và sử ký trứ danh của Hy Lạp trong khi giảng về vấn đề ăn chay đã thốt ra câu này thật là thâm thúy: “ Các anh nói con cọp là loài thú dữ nhưng các anh không thua gì các loài ấy, bởi vì chúng nó giết, ăn để sống, còn các anh giết ăn để cho ngon miệng mà các anh còn ngụy biện để che dấu sự ghê tởm ấy đi”.
Vậy ta chớ nên  phân bì với Phật mà đòi ăn mặn. Trong khi lòng từ bi của ta chưa được như Phật mà ta ăn mặn thì rất có hại cho ta. Lại nữa khi mà ta tu được chính quả Phật hoặc bồ tát rồi, chừng ấy nhờ phép “khử trượt lưu thanh” thuốc độc ta uống cũng không chết nữa chứ đừng nói tới thứ thịt heo mà có nghĩa lý gì. Còn nay ta chưa chứng được quả Phật và Bồ Tát, mà ta nói ta không cần ăn chay, Phật ăn mặn ta cũng ăn mặn. Vậy ta hãy xét lại coi ta đã bằng Phật chưa, nếu ta nhận thấy ta bằng Phật rồi thì cứ ăn thịt cũng chẳng sao.
Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi đó là ba điều kiện rất cần để chứng quả. Người tu Phật phải có nghị lực để đè nén dục vọng của mình, thiếu nghị lực là phạm giới, mà giới sát là đứng đầu trong các giới.
Bởi thế cho nên giới tu sĩ đại thừa suy nghiệm những lời dạy và những dụng ý của Phật nên họ đều ăn chay cả. Họ thấy rằng phận sự của họ mới là nặng nề hơn hết, họ là người thay thế cho Phật để dẫn dắt các hàng phật tử sau này, nếu họ không can đảm đứng ra diệt cái ăn, cái hại của họ để nêu cao lòng từ bi, bác ái và thuyết vô ngã ( không phân biệt ta với Phật). Để cho các hàng Phật tử sẽ noi gương và ăn chay thì ai đứng ra để thay thế nhiệm vụ ấy được. Cái miệng của các ông thốt ra tất cả đều nghe, cái miệng của các ông không ăn ác, tất cả sẽ bắt chước theo ông không ăn ác thì sanh mạng các loài vật được bảo tồn. Thế là cái miệng của các ông chính là cái cửa Thiên Đường hay cái Địa Ngục ở trần gian này của các loài thú vậy...
Bởi những lý do trên, mà giới đại thừa đều ăn chay cả. Bắt chước ăn thịt trong lúc mình chưa thể ăn được, như thế nếu không có hại cho bản thân thì giớ tu sĩ đại thừa, họ dại gì mà không ăn mặn, lại bày ra chay chi cho cực khổ, bỏ thịt ngon cá béo có phải uổng không?.
Chính Đức Phật khi giảng qua giáo lý đại thừa cũng khuyên những vị nào muốn tiếp tục hành theo giáo lý đại thừa đều phải ăn chay. Nên khi xưa ông A- Nan có hỏi Phật : Bạch Đức Thế Tôn, vì sao ngày trước, Phật cho đệ từ ăn tam nhịn nhục mà ngày nay Ngài cấm ăn thịt cá. Phật trả lời: vì trình độ các ông trong buổi sơ cơ còn thấp kém, nên ta phương tiện cho các ông dùng tam nhịn nhục, đến nay trình độ các ông đã cao nên ta cấm các ông ăn thịt cá. Nếu còn ăn thịt cá là còn phạm giới sát sanh vì không trực tiếp thì cũng gián tiếp làm mất hạt giống từ bi, bình đẳng, không thể tu giải thoát được.
Vậy ai muốn tu giải thoát thì hãy theo lời Phật dạy trên mà ăn chay đi.
Vậy chay là gì?. Chay có nghĩa là trong sạch.
Sao gọi là trong sạch?. Không vì muốn cho ngon miệng mình mà mọi người và vật phải luôn luôn đau khổ, chết chóc một cách thảm thương trong khi mà muôn người đang chực chờ nó ở thớt thịt và bên cạnh thùng cá, giỏ tôm...để trưởng thành mảnh thân tứ đại giả tạm này mà ngày càng trở nên béo phì như thế, muôn loài và vạn vật đều sống trong từng giờ, từng phút hãi hùng, kinh khủng mà có mấy ai quán triệt. Người muốn hòa thân với bản thể chơn như, tức là cái gội gốc sanh ra muôn loài vạn vật, thì nhất định người đó phải ăn chay. Từ thấp chí cao rồi dần dần đến chay trường.
Có một “giới một” mà giữ không nổi, làm không xong thì còn nói chi là trăm ngàn thứ khác để nghe cho kêu và làm cho mệt xác phàm chúng sinh.
Nghĩa địa chỉ chôn một thứ xương và xác người mà thôi. Chứ còn cái dạ dày của chúng ta chôn không biết bao nhiêu là xương máu của muôn loài : thai sanh, thấp sanh, hóa sanh...
Bao tử của chúng ta, nếu lấy theo thể chất mà nói thì nó chỉ là cái túi dơ nhỏ nhít mà thôi. Nhưng nói đến tác động của nó, thì vô lượng số kiếp cũng vì nó mà tam đồ lục đạo đều mở rộng để đón rước ta trong lúc lâm chung. Còn nói về nhãn tiền thì cũng vì nó mà muôn loài vạn vật nhỏ dại phải rên la thống thiết trước, rồi rồi đến người lại rên xiết sau, đượm màu tan tóc đau thương cũng chẳng nhỏ để làm sáng tỏ chân lí của “nhân nào thì quả đấy”. Vậy chúng ta hãy suy nghiệm lấy để tìm cách ăn thiện hoặc ác mà theo.
Có nhiều người nói thịt bán ngoài chợ, tôi không mua ăn, thì cũng có người khác mua chứ không thấy bỏ thúi bao giờ. Tôi xin thưa : những người nói trên, họ chưa đi sâu vào nội bộ người bán thịt hoặc chị bán cháo cá...những ngày rằm hoặc ba mươi ngày vía, bà con cứ hỏi chú bán thịt hay chị bán cháo cá bán đắt hay ế thì biết. Chú bán thịt trả lời: “Hà, bữa nay ngày rằm bán ế quá, bữa nay làm có ba con heo thôi chứ làm năm con heo như mọi bữa chắc chắn phải mất vốn”. Còn chị bán cháo thì nói: “Bữa nay ngày rằm tôi nấu có nửa nồi cháo thôi ông à, chứ mọi bữa tôi nấu đầy nhóc mà bán không đủ đó ông”.
Hiện nay tại chợ Sóc Trăng có một chị bán đồ ăn sáng như cơm tấm bì, chả giò, bò kho...nhưng đến ngày chay rằm, ba mươi thì chị xoay ra bán toàn đồ ăn sáng chay cả. Như thế bà con thấy rõ ràng rằng, chú bán thịt, chị bán cháo cá, chị bán đồ ăn sáng là “ vì ta ăn mà bán” hay “ tại họ bán mà ta mới ăn?”.
Nếu chúng ta ăn chay thì chú bán thịt giết ít, chị bán cháo phải nấu ít, chị bán đồ ăn sáng mặn chuyển sang đồ chay, vậy nếu ta không ăn thịt cá nữa thì họ phải giải nghệ, thế chẳng phải tại họ làm ta mới ăn.
Nếu chúng ta còn ăn thịt thì người bán thịt còn làm thịt cho chúng ta ăn, vậy chúng ta hỏi lại lòng mình có muốn học hai chữ từ bi của Phật không?. Nếu muốn hãy học ăn chay đi, ta tập ăn chay được một ngày, nên một ngày, hai ngày nên hai ngày.
Ôi có cái ăn mà ta tập còn không được thay, chúng ta nói tu để cứu vớt chúng sinh nhưng không biết chừng nào ta mới cứu vớt chúng sinh được, chứ với sự ăn chay đây, chúng ta phải rõ ràng trước mắt, ta cứu hiện tại không biết bao nhiêu chúng sinh đau đớn rên la, oằn oại trên vũng máu đào ở nơi nhà bếp, ở các lò giết mổ, để chúng ta khỏi nghe những tiếng rên la thảm thiết của con vật đang bị cắt cổ thọc huyết.
Nhắc đến cái ăn tôi nhớ lại khi xưa, nơi một đám giỗ nọ, tôi đã chứng kiến cảnh một con bò bị đem ra đập đầu, cắt cổ lúc người ta dẫn nó xuống mé sông đã trãi sẵn những tàu lá chuối, đó là nơi pháp trường để xử tử con vật. Tôi nhắc lại đây một cảnh tượng đầy bi đát và khúc phim ấy diễn lại trong trí tôi : cảnh con vật trì kéo trở lại không chịu bước tới, hai hàng nước mắt của nó chảy xuống ròng ròng, mồm rống lên những tiếng “ hum bò, hum bò” thống thiết. Cảnh đập đầu bò, bò ngã xuống giãy tê tê làm cho tôi choáng váng mặt mày.
Ôi nhắc lại cảnh thê thảm của con vật bị giết vì cái ăn của ta làm cho tôi nghẹn ngào gần như mất thở. Vậy chúng ta hãy quán tưởng cảnh ấy và hãy ăn chay, hãy vì lòng từ bi bác ái, hãy vì Đức Phật cảm thông chết chóc đau khổ của loài vật, vì cái ăn của ta mà loài vật phải chết đau thương dưới bàn tay của người đồ tể.
 
C – Ăn Chay Là Thực Hiện Hạnh Phóng Sanh
 
Có nhiều người phóng sanh thú vật mà lại còn ăn thịt, thành ra phóng sanh cho nó đi rồi cũng bị kẻ khác tìm phương lập thế bắt lại cho mình ăn. Thành thử tha con này bắt con khác thật là một vòng lẩn quẩn đã tốn tiền lại vô ích, sao bằng chúng ta biết đã thương xót loài vật cứ tập ăn chay đi, chúng ta ăn chay vô tình hằng ngày chúng ta cứu biết bao nhiêu sinh vật khỏi chết dưới ngọn đũa của chúng ta, một gắp đũa hàng chục con tép mỏng.
Ăn chay ta thực hiện hạnh phóng sanh hằng ngày mà lại không tốn tiền, thật là một sự phóng sanh đầy lòng từ bi, bác ái và rất hiệu nghiệm.
Ngoài sự ăn chay ra, mà ta lại còn phóng sanh thêm nữa thì thật là phúc đức vô lượng. Trong các hạnh từ bi, chỉ có hạnh bố thí tài và phóng sanh là phước đức hơn cả, bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô uý là để hàn gắn sự đau khổ của loài người. Phóng sanh để giải thoát cho thú vật sự chết chóc, sự đau đớn, sự mất tự do...
Chúng ta từ vô lượng kiếp từ trước đến nay đã làm đau khổ biết bao nhiêu sinh vật vì cái ăn của ta. Ngày nay ta phát tâm tu hành, giữ giới, muốn giải nghiệp gấp để tu hành mau tấn tới, không có gì hiệu quả bằng ta thực hiện hạnh phóng sanh.
Chính Ngài Lục Tổ, Huệ Năng khi xưa ở chung với thợ săn, vì lòng từ bi thương xót thú vật nên Ngài dở lưới để loài thú được thoát nạn. Tới bữa ăn, Ngài không ăn thịt chỉ ăn rau cỏ luộc, nên quý vị thấy ngài Huệ Năng còn không dám ăn mặn huống hồ gì ta.
Vậy những ai muốn tu hành cho mau đắc quả, mau giải thoát, một mặt có tiền nên đem bố thí và phóng sanh, một mặt hãy tu tâm sửa tánh, giữ giới tu hành thì chắc chắn sẽ được thoát kiếp luân hồi mau chóng. Thường thường người ta có quan niệm rằng phải đợi đến ngày rằm, ngày rằm vía lớn mà phóng sanh thì mới có phước nhiều nên đã vô tình khuyến khích người đi đánh bẫy bắt chim về để bán. Trong khi đánh bẫy chim cũng có con chết, hoặc để bớt lại ăn thịt thì khác nào mình xúi họ sát sanh. Khi mua xong đem ra thả thì con chim đã khờ yếu, có con bay không nổi nên bị người khác bắt ăn thịt nữa. Như thế là tại người mua khiến cho nhiều người khác mang tội sát sanh. Nếu không ai mua thì có ai lo đi bắt chim để bán.
Như ở Sài Gòn gần tới ngày rằm hoặc ngày vía thì ở tiệm bán chim đã có người ta đặt cọc hết rồi, cũng vì đắt hàng giá chim gấp đôi gấp ba ngày thường, lại nữa họ phải tính giá chim cao để trừ lại sự hao hụt trong khi chờ đợi ngày giao chim.
Chim bị nhốt trong lồng, lớp đói khát, lớp nhịn ăn, chết lần chết mòn để chờ đợi ngày phóng thích, thiệt là thảm khổ vô cùng, đến khi thả ra có con bay không nổi, rớt bậy rớt bạ để cho người khác bắt ăn thịt, bởi không biết cách phóng sanh mà nhiều người đã mất tiền lại vô tình phạm tội sát sanh thành ra mê tín. Vậy chúng ta muốn phóng sanh, không cần đợi tới ngày rằm hoặc ngày vía mới phóng sanh được. Những ngày thường bất cứ lúc nào nếu tình cờ ta gặp con vật nào, không cứ là chim bị bắt đem bán, ta hãy mua rồi đem đi thả thì mới có phước vì sự phóng sanh của ta không có tính cách khuyến khích người khác sát sanh.
Hoặc ta đi thương lượng với những người thợ săn, thợ câu, thợ chài lưới, thợ bẫy chim...để đền bù cho họ một số tiền sở tổn trong ngày rằm hoặc ngày vía để ngày đó họ không đi săn hoặc chài lưới, hoặc bẫy chim. Làm như thế ta đã thực hiện được sự phóng sanh. Ai ai cũng thích thú ( chắc chắn bữa đó họ cũng không lấy đủ tiền thiệt hại của họ đâu và ngày đó mình cũng có cơ hội để thông cảm với những người này về hành động của mình làm cho họ cũng hồi tâm hướng thiện được một phần nào).
Nhưng hạnh phóng sanh đối với người giàu thì rất dễ, còn đối với những người nghèo khó, tay làm hàm nhai thì làm sao đủ điều kiện để phóng sanh cho được, vậy chỉ có cách ăn chay là thực hiện hạnh phóng sanh mà thôi.
 
Chương Năm
 
 
A – Ăn Chay Có Thành Tiên, Phật Không?
 
Hiện nay có nhiều người ngộ nhận rằng, ăn chay là để thành Tiên Phật, hoặc để được phước trừ họa. Tưởng như thế đó, họ chưa hiểu Đạo Phật. Nếu nói như thế thì những con khỉ, chim chóc, trâu bò, voi ăn trái cây, rau cỏ, vậy chúng sẽ thành Phật hết sao?.
Ăn chay chỉ là một trợ duyên trong đường tu tâm vậy thôi, chớ còn muốn thành Phật, phải giữ các giới cấm và tu theo tứ diệu đế, bát chánh đạo...chứ không phải ăn chay suông là đủ đâu. Ngoài ra còn có hạnh người ăn chay dối thế gạt đời, hạng này làm ô danh cho Đạo, bởi có hạng này nên mới có câu “ người ăn mặn mà nói ngay còn hơn kẻ ăn chay mà nói vạy (tà vạy), hoặc vận nâu sồng mà lòng bất chánh”. Vậy miệng ăn chay mà lòng bất chánh thì ăn chay chẳng ích gì cả, những người này còn tệ hơn người ăn mặn. Bởi thế cho nên có câu: “Tham sân, nghiệp chướng không chừa, bo bo mà giữ tương dưa ích gì?”.
Ăn chay là cốt mở lòng từ bi, bác ái đối với muôn loài, từ loài người cho đến loài vật chớ đừng tưởng ăn chay để cho Trời Phật ban thưởng, rốt cuộc chẳng thấy gì cả, rồi thất vọng buông xuôi bỏ Đạo, đó là ăn chay vì mê tín.
Lòng từ bi của Phật bao la rộng lớn vô tận, vô biên. Ngài nhìn thấy nước mắt chúng sinh tràn đầy bốn bể đại dương nên sau khi thành Đạo, trong bốn mươi chín năm thuyết pháp, rày đây mai đó, châu du cùng khắp có khi Ngài nói thiệt, có lúc Ngài nói huyền, cũng chỉ có một niềm đem vui, cứu khổ cho chúng sinh. Ngài đã từng dạy “ không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ, không có phân chia trong giọt nước mắt cùng mặn”, đồng thời ngài cũng nêu rõ sự tương quan, tương duyên của mọi loài mà ta có thể tóm lại bằng câu “ Mọi loài đều bình đẳng trong một giác thể vô tận và cùng chung một chân lý tham sống sợ chết như nhau”.
Ngài nhận rõ chúng sinh quý nhất là thân mạng và đời sống hợp lý, chẳng những không tương tàn, tương sát mà cần phải hỗ trợ, tương thân, tương ái, bảo vệ, tôn trọng sự sống cho nhau. Cho nên tình thương của Ngài thiên hẳn về đời sống hòa đồng, tương trợ và biết tôn trọng đời sống muôn loài, không riêng loài người mà các loài muôn thú nữa. Ngài triệt để phản kháng giết hại các loài vật vì Ngài nhận thấy các loài vật đều ham sống sợ chết, để bình đẳng trước sự đau khổ. Về sau Phật đối với đệ tử xuất gia tu hành cấm hẳn sự ăn thịt, Ngài khuyên không nên dùng thứ gì bằng da, lông của các loài thú và các thứ vải bằng tơ tằm.
Vì vậy có một người mang đôi dép da đến cúng dường cho một tỳ kheo ni, ngài Văn Thù bạch Phật : “ Vị tỳ kheo có thể dùng đôi dép da này không?”. Phật đáp : “Không dùng chính là Pháp tỳ kheo, nếu dùng thì không có lòng từ bi, nhưng không phải phá giới”.
Câu trả lời của Phật cũng cho, mà cũng không cho, vừa nêu rõ tình thương vô hạn của Ngài đối với loài sinh vật, cũng vừa diễn đạt tất cả tình thương săn sóc đối với hàng đệ tử xuất gia của Ngài.
Tình thương của Phật đối với các loài là như thế đó, còn ta vì sự vô minh khiến cho con người hiểu lầm rằng phải ăn thịt mới sống, không ngờ các loài thú như khỉ, chim chóc, trâu bò...ăn rau trái suốt đời và những người tu hành ăn chay trường cũng đều sống mạnh mẽ.
Các loài thú không đủ trí phân biệt, nên đụng gì ăn nấy, như con gà gặp lúa cũng ăn, mà gặp trùng dế nó cũng nuốt, vì nó không được một một trí khôn như con người. Còn con người khác hơn con vật, có trí phân biệt sự thiện ác, chân lý và không chân lý. Chân lý do sự phân biệt sanh ra và ăn theo chân lý là lẽ sống của Đạo. Con người khôn hơn loài vật mà không biết đổi sự ăn ác qua thiện thì sự không ấy rất vô ích.
Chân lý của sự ăn chay là mở rộng lòng từ bi, bác ái, là lòng thương tất cả, là lòng diệt sự mạnh hiếp yếu, mà lòng đem lại sự bình đẳng cho muôn loài. Một khi loài vật mà ta thương được thì thử hỏi, đối với loài người cùng một giống với nhau, mà ta nỡ giết hại được sao?.
Cây súng gây nên chiến tranh ngày nay là do sự ăn thịt ngày xưa tạo ra để săn bắn thú vật. Cây súng giết người ngày nay là sự tiến hóa của cái ná, cái bẫy cướp mạng loại thú ngày xưa. Sự tiến hóa của khí cụ thô sơ để giết thú vật ngày xưa thành ra cây súng ghê gớm ngày nay để cướp mạng người, cướp của người, cai trị người, tức là chiến tranh, đều do nguyên nhân ăn thịt mà ra cả. Vậy ta phải tập ăn chay để dứt sát sanh, dứt nghiệp ăn thịt thì mới khỏi quả báo chết vì gươm súng, chừng đó nạn chiến tranh mới dứt được.
Trong khi Phật có câu : “nhứt thiết chúng sinh vô sát nghiệp, hà sầu thế giới động đao binh”. Nếu cả thảy chúng sinh không gây nghiệp sát thì cần gì thế giới có chiến tranh.
Phật dạy không sát sanh, là muốn con người trọng sinh mạng loài vật, bình đẳng như trọng sinh mạng mình. Đó là luật công bằng, vì thân chúng nó đồng cùng một máu huyết, xương thịt như thân ta, khác nhau là chúng nó chưa được tiến lên loài người như chúng ta thôi. Chúng nó cũng có vợ chồng con cái, cũng biết thương yêu nhau, đau khổ cùng nhau, cũng biết rên xiết khi đau đớn, ham sống sợ chết như ta vậy. Lại nữa theo luật luân hồi của Đạo Phật, thì chúng sinh luân hồi lăn lộn trong sáu cảnh giới : thiên, nhân, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nối tiếp không ngừng, khi thì làm thú, khi làm người, khi làm thần trên trời, trong đó có kẻ tiến mau, người tiến chậm, và trước khi được làm người đây, ta cũng trãi qua làm thú rồi. Biết đâu những con thú trước kia đã làm cha mẹ, ông bà ta, vì chậm tiến hơn ta nên đến ngày nay vẫn còn kiếp thú để nuôi thân ta, nhiều khi ta vô tình ăn nhằm ông bà cha mẹ muôn thuở kiếp trước vậy.
Có nhiều người nói : người đồ tể giết bò, heo tôi mua về ăn, chị cắt cổ gà vịt chứ tôi nào có giết đâu mà tội. Họ biết đâu chính người sai khiến mới nặng tội hơn là người làm việc đó, vì họ phạm vào tội “vị kỷ sát” nghĩa là vì mình mà người mới giết, như thế vì mình ăn nên người đồ tể mới giết heo, nếu mình không ăn họ giết bán cho ai?. Ta có ba cách phạm tội sát sanh : nhược tự sát (tự giết mình), nhược giáo tha sát (bảo người giết), kiến sát tùy hỉ (thấy người giết mà mình vui).
Bảo người làm cho mình ăn, thì phạm tội giáo tha sát trực tiếp hữu tâm. Còn mua thịt chợ về ăn thì phạm tội giáo tha sát gián tiếp, hữu tâm, vì tại mình ăn người ta mới làm mà bán. Vậy ăn cách nào cũng phạm tội cả nhưng chỉ nặng hay nhẹ mà thôi, vì sự ăn thịt quen thói lâu đời của ta nên thành kiến tập tục khiến mình tạo ra những câu “vật dưỡng nhân” hoặc “ăn chay mất sức” toàn là ngụy biện để bảo vệ cái nghiệp ăn thịt của mình. Vậy mỗi khi có chuyện chi cũng sát sanh : sát sanh để cúng tế, sát sanh để lễ thần, lễ thánh...lễ cúng đủ thứ để rồi ăn.
Sách có câu : “Thánh thần bất vị tế hưởng nhi giáng phước, bất vị thất lễ nhi giáng họa”. Nghĩa là Thánh thần không vì cúng kiến mà giáng họa, tại cái nghiệp ăn khiến cho con người mượn danh thần thánh để sát sanh thú vật, lấy lệ cúng kiến để ăn. Thật ra, không bao giờ thần thánh bảo giết loài vật để cúng kiến cho mấy ông ăn cả. Người phàm như chúng ta còn biết mở lòng đạo đức, nên tập ăn chay để tránh sự sát sanh, huống hồ thần thánh mà còn hưởng huyết nhục thì còn thua người phàm sao?. Vậy ta hãy bỏ tục lệ sát sanh để tế lễ đi.
Cái nghiệp sát sanh của nhân loại, nó chồng chất biết bao nhiêu năm kết thành cái quả đại họa chung khiến nảy sinh ra những trận chiến ghê gớm, tàn sát vô số người trên thế giới. Vậy nay ta muốn dứt sự nghiệp sát để tìm lại hòa bình nhân loại, ta hãy dứt bỏ sự ăn thịt đi.
 
B – Làm Thế Nào Để Dứt Bỏ Sự Ăn Thịt
 
1 - Có nhiều cách để dứt bỏ sự ăn thịt :
 
Dứt bỏ bằng sự nhờm gớm và tình thương: khi ta thấy dọn lên bàn một đĩa cá hãy quán tưởng thấy cảnh một bầy cá đang bu giành giựt giữa những phần dơ dáy dưới cầu, hoặc một cái thây chết sình đang trôi, mà chung quanh đang bị bao vây toàn là cá với cá. Hoặc ta quán tưởng một con cá bị đập đầu giãy tê tê dưới đất và hai mang trào ra đầm đìa máu và máu thì không khi nào ta ăn được.
Khi ta định gắp một miếng thịt thì hãy quán tưởng cảnh đau thương của một con bò đang bị đập đầu, con heo đang bị thọc huyết, con chó đang bị trấn nước, con gà đang bị cắt cổ, con ếch đang bị lấy hai tay chõi lưỡi dao ác nghiệt của kẻ cắt cổ nó...
 Những cảnh tượng này diễn lại trước mắt một người tu hành thật là một sự đau thương bi đát, lòng từ bi nảy nở khiến cho lòng muốn ăn tiêu tán nên phát tâm tập ăn chay liền.
Trừ ra những người mà lòng dạ họ là sắt đá mới không rung động trước cảnh chết chóc đau thương này.
2 – Dứt bỏ vì vệ sinh
 Nếu ta nhớ lại thịt thú tuy ngon nhưng chứa nhiều chất độc, vi trùng lao, sên, lãi...làm lại đến thể xác và tinh thần ta thì ta không thể ăn được.
 
3 – Dứt bỏ vì trí tuệ và lòng từ bi
Vì mình đã hiểu rõ chân lí của sự ăn chay, nên không muốn ăn thịt. Vì người ăn chay lúc nào cũng có lòng từ bi vô lượng, coi muôn loài như mình, mình là muôn loài nên không ăn thịt được.
 
Chương Sáu
 
Ăn Chay Nhận Xét Theo Khoa Học Âu Tây Và Theo Giáo Lý Đạo Phật
 
 
Tại sao ta không nên ăn thịt cá?. Các nước không tu theo đạo Phật có chuộng sự ăn chay không?. Đó là vấn đề đã được giải thích trong khoa học và Phật học, nay tôi góp lại cống hiến cho quý vị, để cùng mở rộng kiến thức.
 
A – Ăn Chay Có Hại Cho Sức Khoẻ Hay Không?
 
Có nhiều người cho rằng, ăn thịt cá mới đủ chất bổ để nuôi dưỡng châu thân, còn ăn chay thì thiếu chất bổ, cho nên phần nhiều đều xanh xao, vàng vỏ chớ không được hồng hào như ăn thịt cá.
Lời nói đó xét ra cũng đúng phần nào nhưng chỉ đúng với những người không biết cách hay phương pháp ăn chay thôi, chớ đối với những người biết chọn món ăn, biết cách nấu nướng thì những món ăn chay cũng bổ không thua thịt cá. Bằng chứng cụ thể là có nhiều nhà giàu ăn toàn cao lương mĩ vị mà họ vẫn xanh xao ốm yếu, còn có nhiều nhà sư ăn chay ngọ, chỉ ăn mỗi ngày một bữa cơm (12 giờ trưa) mà mấy ông mạnh mẽ hồng hào như thường.
Ăn chay mà xanh xao vàng vỏ là do :
1.  Không phân biệt được thức ăn nào bổ để chọn lựa mà ăn.
2.  Không biết cách nấu nướng nên làm mất hết chất bổ.
3.  Thiếu vận động và thiếu không khí tốt.
4.  Thiếu phương pháp tu.
 
Nếu các người ăn mặn mà cũng không chịu vận động và thiếu không khí tốt thì cũng xanh xao như vậy. Còn người ăn chay, vì không biết món nào bổ, món nào không nên cứ ăn muối xả ớt, muối tiêu hoặc rau luộc chấm với tương chao hoài thì làm sao mạnh khỏe được, họ phải ăn đậu hủ (tàu hủ), tàu hủ ky (1 ký lô đậu hủ bằng 2 ký thịt bò) và các thứ đậu bổ hơn thịt cá.
Người ta còn nói nhiều điều sai lầm nữa, họ cho rằng thân thể con người làm toàn bằng huyết nhục thì phải lấy huyết nhục của thịt cá bồi bổ mới được, rau trái không đủ sức đâu. Họ đâu để ý rằng con bò, con ngựa, con trâu khi mới sinh ra có mấy chục ký lô mà năm sau con nào con nấy thân thể sầm sầm cân nặng cả trăm ký lô. Từ nhỏ tới lớn những con ấy ăn toàn là cỏ, không ăn một miếng thịt nào cả, vậy thử hỏi cỏ làm ra huyết nhục nó không?. Và nhiều thuốc bổ âu tây đều dùng máu bò, máu ngựa mà làm ra. Có người còn nói như vầy nữa: họ nói nước nào ăn thịt cá nhiều thì nước đó hùng cường. Họ quên rằng bên Ấn Độ, có người Bà La Môn ăn chay cha truyền con nối đã mấy ngàn năm mà vẫn mạnh khỏe, thông minh, vẫn còn giữ bậc thượng lưu trong xứ. Nếu cần phải có thịt, cá để sống thì hạng Bà La Môn này đã bị tiêu diệt từ đời nào rồi.
Họ nói, nước nào ăn thịt nhiều thì hùng cường, họ không ngờ rằng nước Nhật Bản ít ăn thịt hơn dân Nga. Trong chiến tranh 1904 – 1905, lính Nhật trong lúc chiến tranh chỉ ăn cơm khô với đậu phụ mà mỗi ngày đi cả trăm cây số không biết mệt mỏi và đánh lính Nga manh giáp không còn, nhất là không bị bệnh hiểm nghèo như ta thường thấy trong các đội binh Âu Châu trong lúc chiến tranh.
Họ đâu ngờ dân Do Thái nổi tiếng là giống dân rất khỏe mạnh và thông minh nhất. Từ đời sơ cổ, họ đã học được phéo vệ sinh mà đến ngày nay thiên hạ vẫn chưa được biết phép ấy. Dân Do Thái sống hùng mạnh cũng nhờ luật lệ cấm thức ăn có máu.
Một trong những sự cấm kỵ ấy như vầy: “Phàm ăn một thứ huyết nào sẽ bị trục xuất ra khỏi dân sự mình”.
Một sự kỳ lạ nữa trong luật lệ vệ sinh của người Do Thái : Mỡ và Thịt nhiều lần bị ngăn cấm chung như điều luật kiểu mẫu này: đó là luật đời đời của dòng dõi các người, mặc dầu ở nơi nào, các người cũng chẳng nên ăn thịt, mỡ và huyết.
Có ai biết đâu rằng, do theo sự khảo cứu của bác sĩ Mc.Carrison ở nước Anh, người Hounza, thuộc giống dân Aryen, là một giống dân da trắng ở phía bắc Cachemire thuộc miền Pamir (gần Tây Tạng), họ sống rất lâu và rất khỏe mạnh, trọn đời không đau ốm. Tánh tình họ rất vui vẻ, thuận hòa, ngay thật và siêng năng. Công việc thường xuyên của họ hằng ngày là mang gánh nặng trên vai, thế mà họ đi đứng nhanh nhẹn, họ vượt qua hàng trăm cây số ngàn, đường dốc núi mà không biết mệt mỏi.
Ông Mc.Carrison sau khi khảo cứu tường tận những yếu tố khí hậu, dòng giống di truyền, vấn đề vệ sinh, cách ăn uống...rồi ông kết luận: ngoài những yếu tố hợp lực hoặc nhiều hoặc ít để giúp cho giống dân Hounza được hùng tráng, chỉ có cách ăn uống của họ là yếu tố chính và bí quyết của vấn đề, chính vật thực chính yếu của họ toàn là ngũ cốc, rau trái và thêm một ít bánh sữa đặc. Họ ăn trái cây tươi nhiều lắm, họ ăn sống xà lách, mộng lúa mì và giá. Họ đã sống một cuộc đời hạnh phúc và cao đẹp mà hiện giờ khắp toàn cầu, chưa một dân tộc nào theo được.
Như quý vị đã rõ qua vài điều sai lầm của người ta về sự ăn chay rồi, bây giờ tôi xin nói đến các điều nghiên cứu của khoa học Âu Tây cho chúng ta biết rằng tại sao không nên ăn thịt. Chúng ta không nên ăn thịt vì những lí do này:
 
1.  Vì thân thể chúng ta sanh ra không phải để ăn thịt.
2.  Vì thịt chứa nhiều chất độc cho con người.
 
B – Thân Thể Con Người Sanh Ra Không Phải Để Ăn Thịt
 
Đoạn này tôi xin nhắc sơ lại một chút thôi, vì tôi đã nói rồi ở đoạn “Thủy tổ loài người ăn chay hay ăn thịt ?”.
Loài thú ăn thịt như sư tử, cọp, beo...thì răng nhọn và sắc bén, móng chân cũng nhọn dùng để chụp mồi, xé thịt. Bao tử của nó cũng riêng biệt để tiêu hóa máu thịt. Khỉ là loài ăn hoa quả nên răng nó bằng và móng nó cũng bằng chớ không nhọn như cọp, beo.
Người ta nhận thấy loài người có bộ răng và móng tay, móng chân, bộ máy tiêu hóa đều y hệt như loài khỉ là loài ăn hoa quả. Như thế ta thấy rằng thân thể và bộ máy tiêu hóa của loài người sanh ra không phải để ăn thịt, nếu ta ăn thịt sẽ có hại cho ta.
Ta thấy đời thượng cổ, loài người mạnh mẽ, sống lâu không bệnh tật vì nhờ ăn trái cây. Còn ta ngày nay, đổi qua ăn thịt nên không hạp cho thân thể ta, nên phần nhiều chết yểu, ốm yếu bệnh tật liên miên, hết đau bệnh này đến đau bệnh khác vì thịt không hạp với cơ thể ta.
 
C – Thịt Chứa Những Chất Độc Gì ?
 
Thịt không bổ bằng các loại đậu, thịt lại thiếu khoáng chất, thiếu lân tinh (phosphore). Chính đó là hai thứ mà cơ thể ta cần dùng nhất để cho ta được khỏe mạnh và thông minh. Thiếu diêm kim thì óc ta không làm việc siêng năng và tinh thần sẽ yếu đuối bạc nhược, chất lân tinh rất cần thiết cho tế bào bộ ốc. Các chất bổ và cần thiết đó, theo bác sĩ Paul Carton thì thịt không có. Thịt lại không có chất bột và chất ngọt nữa, trái lại trong các thứ đậu có rất nhiều.
Trong mình thú vật, khoáng chất gom tại xương, muốn lấy chất này của thú vật, con người phải làm như thú ăn thịt nhai nát xương ra rồi nuốt, điều này tưởng không ai làm được cả. Thịt thiếu chất cần thiết cho cơ thể, lại còn có chất độc, ăn vào nó phá hoại ngũ tạng, lục phủ ta.
Thịt có nhiều chất đạm khí, chất đạm khí này khi dùng còn thừa sinh ra độc chất như là nhân trung bạch toan (acide urique), nhân trung bạch toan hợp lại chất vôi, chất muối mà thành ra đá sỏi trong thân thể con người rồi sanh ra bệnh hiểm nghèo. Các chất độc đó phải do lá gan tẩy ra, quả thận ta lọc ra, tim ta phải tống ra, phổi ta quất cho ra, chẳng bao lâu lục phủ ngũ tạng ta sinh ra mệt nhọc, yếu đuối bệnh hoạn.
Thịt còn nhiều chất độc khác nữa, vì để lâu mà sanh ra, như con thú bị giết từ buổi sáng để đến trưa chiều ta mới nấu nướng, thì trong thời kỳ đó thịt sanh ra chất độc như là cadaverine, ptomanine...
Nhân dịp kết án thịt cá, chúng ta nên nói thêm có một chứng cớ khiến ta không ăn thịt là vì thú vật bị nhiều chứng bệnh nặng, nhiều thú vật để ăn bị bệnh lao, bệnh sốt rét, bệnh sán lãi, bệnh sán sơ mít, nếu  nấu cho lâu, trùng sán ấy có thể bị giết chết nhưng thường người ta thích ăn thịt tươi còn máu, nấu không chín lắm, trụng tái để ăn cho bổ, thịt heo lại có nhiều chất mỡ khó tiêu và rất độc.
Những người đã gần 40 tuổi, những bà muốn duy trì xuân sắc của tuổi 30 vào lúc cao niên, phải kiên cữ các thức ăn mỡ, vì khoa học đã chứng minh mỡ làm cho người ta hóa ra mau già. Thịt còn sanh ra nhiều chứng bệnh khác như sình bụng, đau ruột. Nó dẫn đường cho vi trùng bệnh thương hàn, bệnh lao, bệnh kiết, bệnh dịch hạch và điều đáng sợ hơn hết là bệnh ung thư. Người ta xét nghiệm rồi, xứ nào ăn thịt nhiều, thì xứ đó bị bệnh ung thư nhiều hơn xứ khác.
Lại nữa sự hôi thối trong thịt có thể sanh ra nhiều mối hại thật sự, chất bổ protit của thịt cá dễ hôi thối hơn chất prôtit của rau đậu, như ta thấy thịt để trong giây lát đã thấy mùi hôi khó chịu rồi, để lâu có màu xanh lét ăn rất hại, trái lại rau cải để hai ba ngày vẫn còn ăn được.
Thịt cá có chất độc như thế, lại là một món ăn có nhiều chất kích thích bộ dây thần kinh, khiến cho bộ óc mình một ngày yếu đi, tâm trí mình kém phần bình tĩnh, thông minh. Bây giờ muốn trở lại mười phần bình tĩnh, thông minh như trước ta phải dùng kích thích mạnh mẽ hơn như cà phê, rượu, á phiện...Bởi thế cho nên chúng ta thấy mỗi buổi sáng, người mệt mỏi uống cà phê, uống trà đậm để đánh thức óc não, thần kinh vì họ đã bị các thứ độc của thịt làm cho mệt mỏi. Như thế, người ta tưởng tượng cà phê, nước trà đậm có chất bổ não, không ngờ nó chỉ có tính kích thích mà thôi, đã kích thích thì phải làm cho thân thể mệt mỏi rồi, thì ta phải tìm thứ độc mạnh hơn nữa để kích thích cho nhiều, kích thích nhiều như thế mới được sự thông minh bình tĩnh như trước. Bởi vậy ăn thịt thường phải uống cà phê, uống cà phê thì thường hay uống rượu, uống rượu thì dẫn đến hút á phiện. Nếu ta bỏ thịt thì tự nhiên ta bỏ rượu, cà phê, á phiện một cách dễ dàng.
Ai cũng biết rằng thịt độc và bệnh của con người thì 10 phần hết 9 phần đều do thịt mà ra. Bởi thế cho nên các nhà bác học về sinh lý phải la lớn rằng : “ dùng thịt thú chết mà nuôi thân thật là một điều rất hại cho sự sanh tồn của bao nhiêu người đứng trên thế gian này, họ càng ngày càng tích trữ ô uế vào mình. Thật ra con người đâu có chết non, chết yểu như vậy chỉ vì họ tự tử dần dần bằng thịt mà thôi”.
Mới đây, ông Mr Hemmerdinger, thạc sỹ chuyên về vật lý học, vì thấy sự tai hại của sự ăn uống như thế mới nói rằng : “ Một nước nào có cách ăn uống hợp vệ sinh và lẽ sanh tồn của thân thể, thì nước đó sẽ mạnh mẽ hùng cường hơn hết, không có nước nào sánh kịp”. Thay đổi cách ăn uống cho hợp lẽ sanh tồn là cuộc cách mạng to lớn hơn cách cuộc cách mạng đã xảy ra trên thế giới.
 
D – Bên Châu Âu, Các Nhà Bác Học Cải Cách Sự Ăn Uống Ra Sao ?
 
Bây giờ quý vị thử xem coi các nhà bác học cải cách sự ăn uống ra làm sao?. Họ hô hào đừng ăn thịt, cá nữa, họ lập lên nhiều hội ăn chay, có hàng vạn người ăn.
Bên Đức Quốc, hội ăn chay ở Liepzg sáng lập năm 1875 rất lớn, có nhiều báo chí cổ động ăn chay. Báo Vegetarischer Warte cho biết tại Kinh đô Berlin có 146 nhà hàng nấu chay, 15 tiệm cơm chay nhỏ, 8 hãng nấu chay và 8 trường nuôi học trò ăn chay. Bên Hoa Kỳ, ngoài những tạp chí và sách vở cổ động ăn chay, còn có nhiều hội ăn chay có tiếng đã thành lập. Những dưỡng đường cho bệnh nhân ăn chay như bệnh viện của bác sĩ Reiol ở Nữu Ước, bác sĩ Anderson ở Chicago, bác sĩ Kollog ở Battle-greeke. Tại Nữu Ước có 8 nhà hàng ăn chay sáng lập từ năm 1902, nhất là nhà hàng “Mac Eadden” có hơn 200 chỗ ngồi, cả ngày đầy khách. Bên Anh cũng có nhiều hội ăn chay rất lớn, như hội Grande societr de Manchester và hội The Vegetarian Society. Hội này rất lớn, năm 1916 có trên 50 người trong hội đi diễn thuyết về sự ăn chay và có phát hành tạp chí để cổ động sự ăn chay. Hội London Vegetarian Society do ông Hilts, chủ một hãng tàu lớn và rất thịnh hành, số người vô hội không biết bao nhiêu mà kể, thợ thầy trong xưởng của ông đều dùng chay, bỏ rượu thịt và đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Họ làm việc nhiều hơn, tốt hơn, vui vẻ hơn lúc còn ăn mặn, cứ chiều chiều, họ tu tập lại nhà hội để nghe diễn thuyết, đàn ca, họ đem theo hoa quả, rau cải để thí nghiệm và dạy cách nấu nướng cho nhau. Ông Hilts lại còn nuôi học sinh nghèo ăn chay, cứ mỗi bữa trả hai xu tiền Anh. Mỗi năm hội nuôi có cả muôn người như vậy. Ngoài hội ấy ra còn có nhiều hội khác kể không hết, cứ mỗi thành phố lớn bên Anh Quốc đều có hội ăn chay cả.
Các nhà thông thái bên Pháp như : Gassendi, Moliere, Bossuet, Diderot...đều công nhận sự ăn chay và tuyên bố rằng: “Đồ nhục thực hại ngũ tạng, làm cho con người xấu xa và bớt khôn”.
Thuở xưa, 600 năm trước Chúa Giáng Sinh, ở nước Hy Lạp có đức giáo chủ Pytago dùng hoa quả mà nuôi thân. Ngài sống trên trăm tuổi, chẳng những ngài là một nhà thông thái mà lại là một đấng giáo chủ có nhân. Ngài nói rằng: “ Ôi, người thế ôi, các người lấy vật ghê gớm mà nuôi thân, sao các ngươi không ghê sợ?”.
Đúng như thế, trong cơ thể ta mỗi phút mỗi sát na đều có sự chuyển biến không ngừng. Một tế bào này hoại của ta, ta tự đem thú tánh vào mình mà chẳng ngờ vực một tí nào. Thú tánh thì nóng nảy, cộc cằn, không biết phải quấy, trái lại ăn chay là đem chất thanh vào cơ thể, bởi vậy người dùng chay, tánh tình ôn hòa, ít sân hận vì lửa lòng đã nguội bớt. Do đó ít bệnh sống lâu và hành Đạo mau phát huệ.
Tại sao nhiều nhà bác học lại hô hào sự ăn chay như thế?. Vì họ đã thí nghiệm được như sau đây:
 
1.  Hoa quả, rau cải là thức ăn, rất hợp với lục phủ của ta. Nói tóm lại, tạo hóa sanh là thân thể để ăn chay chứ không phải để ăn thịt. Bởi ta trái luật tự nhiên, nên ta thường bị ốm đau và chết yểu
2.  Hoa quả, rau cải ta thường dùng hằng ngày không có độc chất nào cả.
 
Khoa học không tìm thấy chất độc trong hoa quả, trái lại toàn chất bổ dưỡng cho máu huyết như rau dền, có chất làm nở bắp thịt, da thịt hồng hào, thân thể vạm vỡ, nhưng không bị mập như ăn đậu hũ, chất bổ não như đậu hòa la, bí đỏ. Các nhà khoa học công nhận rằng một ký đậu hủ bằng hai ký thịt mà không có tí độc nào cả.
Khi ta ăn hoa quả, rau cỏ, ta thấy còn lại cái bã, cái bã đó vào ruột mình như một cây chổi, mỗi ngày có một cây chổi, quét sạch ruột, tống ra các thứ dơ bẩn, còn làm cho ruột vận động khiến cho ta không bao giờ bị bệnh táo bón, như ta thường thấy trong khi ta ăn thịt. Bệnh táo bón là bệnh rất khó trị, tràn khắp thế giới và là nguyên nhân của trăm ngàn bệnh khác. Nhờ ruột ta được thông hoạt như vậy nên các nhà bác học sau khi ăn thí nghiệm thấy rằng một giọt nước trong ruột người ăn mặn có khoảng bảy triệu con vi trùng, còn của người ăn chay chỉ có vài ngàn con. Bởi vậy ta không lấy làm lạ khi dùng chay ít bệnh và được trường sanh.
Nếu ta không nấu nướng, đồ ăn còn sống, các chất nước trong rau củ đậu làm cho nhuận được các tế bào của lục phủ ngũ tạng, nhuận được cả thân thể làm cho con người được đẹp đẽ khỏe mạnh, nét mặt tươi cười chứ không phải như thịt làm cho béo phì, chậm chạp, mặt mày đỏ gay gắt như người ăn ớt. Thấy người béo phì mặt đỏ gay như thế, nhà y học cho rằng người ấy bị bệnh và sẽ bị nhiều chứng bệnh nguy hiểm khó chữa nữa. Bởi vậy ta chớ lấy làm lạ khi ta thấy người béo phì mặt đỏ gay tự nhiên lăn đùng ra chết bất ngờ, ta cũng chẳng ngạc nhiên khi nhiều cụ già đẹp đẽ phương phi vì nhờ đã bỏ thịt được mấy chục năm rồi.
E – Dưới Đây Là Sự Nhận Xét Của Các Bác Học Gia
Ở Á Đông, dân quê không ăn thịt mà vẫn khỏe mạnh làm việc rất siêng năng, ít đau ốm hơn dân ở thành phố rất nhiều tiền ăn được rất nhiều thịt cá.
Phu ở bến tàu tại Hồng Kong, Thượng Hải, mỗi người vác hai bao gạo đầy nặng cả trăm ký lô lên ba tầng lầu mà không biết mệt, hỏi họ có ăn thịt không, họ trả lời cả đời họ có tiền đâu mà ăn thịt.
Ở Ai Cập, những người lao động, những thủy thủ từ xưa ăn lòng dưa gan, đậu, chà là và bắp mà sức lực mạnh mẽ có tiếng.
Phu mỏ bên Nam Mỹ không hề ăn thịt trên vai mang đồ nặng trên hai trăm cân leo lên thang đứng sừng sững từ tám mươi đến chín mươi thước bề cao, mỗi ngày mười hai lần.
Ở Mỹ, nhiều chủ xưởng thí nghiệm cách thức ăn uống cho nhân công, họ chia dân thợ ra hai bên, một bên ăn thịt uống rượu như thường, còn một bên ăn chay, sáu tháng sau họ thấy bên ăn chay vui vẻ khỏe mạnh, làm việc nhiều, ít đau ốm, không đòi tăng lương, trái lại bên ăn mặn còn bị thâm tiền thuốc thang đau ốm...
Giáo sư Irwin Fischer tại trường đại học Yale cũng thí nghiệm như vậy, ông chọn lấy 50 người, một nửa cho ăn mặn, một nửa cho ăn chay. Được ít lâu ông bắt những người đó thi với nhau như thế này:
 
1.  Đưa thẳng tay ra và để nguyên như thế xem được mấy phút: bên mặn 16 phút, bên chay 36 phút.
2.  Co chân vào duỗi chân ra được mấy lần: bên mặn 383 lần, bên chay 932 lần.
3.  Nằm ngửa đưa chân lên để chân xuống mấy lần: bên mặn 279lần,bên chay 288 lần
Sau khi thí nghiệm xong ông kết luận “ Ăn thịt đã không gia tăng còn suy giảm sức bền bỉ như uống rượu vậy” Trên thực tế người ăn thịt thân thể ít chịu đựng bằng người ăn rau trái, và nếu cùng cộng tác trong thời gian dài, người ăn thịt không hoàn thành nhiều bằng người ăn rau trái.
 
F – Sự Thí Nghiệm Của Ông Frederic Houssay
 
Ông Frederic Houssay đeo đuổi cuộc thí nghiệm của ông trong bảy năm:
Ông cho gà mái ăn toàn thịt sống liên tiếp sáu đời. Ban đầu gà mập mạp cao lớn đẻ trứng nhiều, lông lá xinh tươi, tất cả đều tốt, nhưng về sau cả thảy đều thay đổi. Ông ghi chép triệu chứng nhiễm độc ngày càng nhiều, mấy con gà mệt mỏi, bị đau khớp xương, biến đổi thân hình, nếu người ta để chứng bệnh này tăng thêm thì gà chết liền, khi người ta cho ăn thóc lúa lại thì nó mạnh mau, đồng thời các bộ phận trong cơ thể như bầu diều, mề, ruột, gan... đều biến đổi xấu, sự biến đổi này truyền tới đời sau vì gà con mới nở đã có những bộ phận y như gà mẹ.
Điều đáng cho chúng ta chú ý đặc biệt là thói ăn thịt hại cho thai chủng và nòi giống của chúng. Từ năm này qua năm khác, 100 trứng đem ấp mà người ta tưởng sẽ nở hết, trái lại số gà nở sụp xuống như vầy : 100, 27, 18, 6. Rõ ràng thức ăn làm hại nặng nề cho trứng và làm ngăn cản không cho trứng nở, không phải trứng gà ngày càng thối nhiều mà thôi, những con gà con cũng yếu sức dần dần, trong 100 con nuôi tới lớn thì chúng chết dần mòn, ban đầu còn 66 sau thì 45, kế 35 rồi 26 , và 0, nghĩa là không còn con nào còn sống cả.
Rõ ràng sự ăn thịt làm hại cho con gà sáu đời phải tuyệt giống, bởi những trứng đẻ ra ngày càng hư nhiều, do đó số  gà nở ngày càng giảm. Những sự thí nghiệm trên đây là bằng chứng chắc chắn thai chủng trong trứng bị hại do những chất độc của đồ ăn truyền sang.
Sau đó còn biết bao cuộc thí nghiệm nữa, ta để ý đến bà Yotyko, người Nhật Bản, dạy về khoa học ở Đại học đường Bruxelles, kinh đô nước Bỉ. Bà có thí nghiệm trong mấy năm trường về sự thay đổi tốt đẹp trong thân thể của người ăn chay. Bà có viết rất nhiều sách có giá trị về vấn đề này.

Đã biết ăn chay là tốt, đã thí nghiệm đàng hoàng, các nhà bác học mới đem ra cống hiến cho đời sự tìm tòi nghiên cứu của mình. Họ dạy các nhà thể thao bỏ thịt cá cho khỏe mạnh, nhanh nhẹn, bền sức hơn. Bởi vậy ta thấy các nhà chuyên môn đánh vật, đánh quyền muốn vào Đô hội để vang danh xứ người thì trước hết phải bỏ thịt, cá. Jack Dempsey, người nước Mỹ, là người giữ chức vô địch toàn cầu về môn đánh quyền suốt năm năm trời không ai tranh nổi. Ông có thuật lại, ông ăn thịt rất ít, nếu có đi đánh ở đâu thì vài tháng trước, ông không bao giờ ăn thịt cá.

Bác sĩ Owens S.Parret nhờ trường chay trên 50 năm, nên sống tới 70 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, và vẫn tiếp tục làm nghề bác sĩ săn sóc bệnh nhân chứ không chịu về hưu.

Nhà vô địch Johny Weissmuller tài tử đóng vai Tarzan đã từng chiếm 65 giải vô địch bơi lội quốc tế, trong 4 năm về sau thì không đạt thành tích nào cả vì ông đã già. Nhưng sau đây nhờ áp dụng một lối ăn chay chọn lựa, ông già lại chiếm thêm 6 giải thưởng Quốc Tế nữa.

Gần đây, ông Murray Rose, nhà bơi lội Úc châu ăn trường chay, đã nổi danh vì chiếm đoạt nhiều giải thưởng quốc tế trong các thế vận hội. Tài lội nhanh và sức bơi rút khi đến gần đích, chứng tỏ lối ăn kiêng thịt có thể tăng lực bền bỉ cho người lực sĩ.

Cách đây vài năm, ông Irving Fischer, một giáo sư danh tiếng trường đại học Yale, chứng minh rằng những người lính mới mộ mà không ăn thịt, khi đua tài với những lực sĩ tiếng tăm nhất của thành phố Yale, thì những người lính mới mộ ấy sức bền bỉ gấp đôi lính ăn thịt.

Đại uý hải quân Hebert là một lực sĩ hoàn toàn, ông có phương pháp lấy tên ông gọi là “phương pháp Hebert” ăn ròng rau sống và trái cây.

Giáo sư Mono, tác giả quyển “Guerison, Sante par les aliments” đã in 6000 lần nói về trị bệnh và sức khỏe nhờ thức ăn chay, ông đã 64 tuổi mà sức khỏe rất tráng kiện, da thẳng và hồng hào. Tuy già nhưng ông vẫn tập thể dục, ông chống lên “barres paralleles” và trồng chuối ngược trong nửa phút mà không mệt chút nào.

Nhà vô địch Karl Mann là người ăn chay trường, đã chạy bộ từ Berlin Dresde, đường dài 200 cây số, chỉ mất có 22 giờ.

Năm 1937 tại Vận động trường Berlin mà ta thấy ở phim “Dieux su Stade” và “ Jeunesse Olympique” các nhà khảo cứu về món ăn của lực sĩ, có kết luận: “Các lực sĩ bậc nhất, bậc nhì phần nhiều đều có ăn chay trường hoặc giả có người ăn thịt thì ăn rất ít”

Thưa quý vị, trên đây là những kết quả tốt đẹp của các nhà bác học khảo cứu về sự ăn chay. Họ thấy ăn chay rất có ít lợi cho thân thể nên họ khuyên ta chứ những người này không có tu Phật như ta.

Trong mỗi thức ăn có hai thứ điện : nội điện và ngoại điện

Nội điện là điện tự nhiên của nó, mỗi thứ thịt có mỗi thứ điện khác nhau. Nhờ nội điện đó mà khi ta ăn vào, người ta sẽ biết ngay thịt heo hay thịt bò, thịt gà hay thịt vịt, nội điện đó không khi nào ta làm tan mất được, dù nấu thịt nhừ đến đâu, người ta ăn vẫn còn biết thịt gì.

Có lẽ bạn thấy một con bò hay một con heo chảy nước mắt kêu la thảm thiết khi người ta chở nó đến lò heo, nó biết người ta đem nó đi giết, lúc nó chết oán giận con người, nếu có phương kế gì, nó sẽ trả thù liền, sự thù hận ấy làm cho từ điện xấu xa trong thịt nó, sự nấu nướng không thể nào làm bay mất được, vì thế mà người ta ăn thịt nó thì tánh tình nóng nảy, hung bạo, các dục tình dễ dậy lên khó mà kiềm chế được vì bị nhiễm tánh xấu của con thú. Còn ngoại điện sanh ra bởi: điện của người làm thức ăn, người làm bánh nếu trong khi làm mà tươi cười, vui vẻ thì ngoại điện của bánh rất tốt, còn nếu người đồ tể giết bò, giết heo mà giận dỗi thì ngoại điện của thịt rất xấu.

Điện của người đầu bếp nấu ăn, người đầu bếp xấu thì ngoại điện xấu và ngược lại. Ngoại điện này người ta có thể dùng tư tưởng mà phá đi được, chớ nội điện không khi nào phá nổi.
Các nhà thôi miên bây giờ, cũng phải công nhận có điện của người, của thảo mộc, của thú cầm và cũng có dùng thần lực của tư tưởng mà phá tan những luồng điện xấu.

Nếu ta ăn phải vật có điện xấu như thịt cá thì tất nhiên điện ấy sẽ làm xấu điện trong thân thể của ta. Nếu điện xấu vào rồi, một phen gắn chặt trong thân ta thì sanh ra ốm đau mệt nhọc, thân thể ta đã bị như vậy, thế nào cũng nảy ra đức tính xấu xa đê hèn khó mà trừ khử được. Bởi vậy ta thấy các người ăn chay trường, tánh tình vui vẻ nhu mì dễ thương, còn người ăn mặn thường có tánh nóng giận, cọc cằn. Thân thể ta bị điện xấu không những tánh tình xấu mà tư tưởng kém trong sạch, thanh cao, chính trực, trí tuệ kém thông minh nữa. Bởi vậy những người tu Đạo cần ăn chay trường cho xác thân và tinh thần nhẹ nhàng, thư thái và dễ dàng trên con đường tu tập, vì xác thân, tính tình, trí thức là ba phần có liên lạc với nhau trong con người, nếu một phần xấu thì những phần kia cũng xấu lây.

Người ăn chay không phải vì muốn tránh được điện xấu xa của các thức ăn mà thôi. Ăn chay cũng là muốn tránh bớt điều tội lỗi, giết hại sanh linh để nuôi thân, gây ra quả báo rất nặng nề làm cho thêm khổ sở đời mình. Ở đời ai cũng có một gánh quả báo nặng oằn vai, người học Đạo cũng vậy, quả báo mấy kiếp trước, nay phải tu thân để xóa được tí nào hay tí nấy, chớ ai dại gì chất chứa thêm quả báo cho mình. Vì vậy nên người học Đạo không nhúng tay vào sự sát sanh độc ác ấy.

Vậy dựa theo bằng chứng khoa học, những thí nghiệm của các nhà bác học kể trên nhập vào giáo lý Phật, chúng ta có thể kết luận “ Ăn mặn tuy bổ thật nhưng có hại cho thân thể lẫn tinh thần. Còn ăn chay cũng bổ không thua gì ăn mặn, lại rất hợp với vệ sinh và sự tiến hóa của linh hồn, là hành đúng đường lối từ bi, bác ái của Phật. Người nào còn muốn ăn thịt thì chỉ có nói : Miệng tôi còn thèm thịt và tôi chưa có đủ lòng nhân, nên tôi phải ăn thịt. Còn người có lòng từ bi thì nói : Vì tôi hiểu thấu lẽ tự nhiên của trời đất, vì tôi nhớ lòng từ bi của Phật chan chứa trong tâm nên tôi không thể nào ăn thịt nữa và tôi tập ăn chay.

 
Kết Luận
 
Tóm lại :
Người đời thượng cổ ăn rau trái nên xác thân rất đẹp đẽ, tráng kiện, không ốm đau bệnh hoạn, sống rất lâu, vì rau trái hợp với bộ tiêu hóa của con người.
Sau này vì phát minh ra lửa nên con người bỏ rau trái sang ăn thịt cá nên bệnh hoạn liên miên, ốm yếu, chết non, chết yểu vì thịt cá rất độc cho loài người.
Con người đời thượng cổ, nhờ sự ăn chay nên không giành giựt món ăn, ở với nhau rất thuận hòa, vui vẻ, không chia rẽ, không chiến tranh. Trái lại, con người đời nay rất hung dữ, hiếu sát, gây chiến tranh để tàn sát nhân loại, cũng vì miếng ăn.
Mục đích của ăn chay là:
Để mở lòng từ bi, bác ái đối với muôn loài, vạn vật, để tôn trọng sự sống của tất cả, để cảm thông với đồng loại, với sinh vật và không còn một lí do nào để sát sanh hại vật, giết nhân loại hay gây chiến tranh.
Để được xác thân tráng kiện, tinh thần trong sạch, ít bệnh hoạn và phần nhiều, người ăn chay tánh tình trở nên thuần lương, bớt nóng nảy, bớt cộc cằn, bớt tình dục, không hiếu sát. Đó là mầm móng căn bản của hòa bình thế giới vậy, và chúng ta có thể nói rằng : Người ăn chay là một chiến sĩ của hòa bình.
Vậy trước hết phải áp dụng đạo từ bi, giáo lý rõ ràng và trí thông minh suốt thấu lý tương – duyên, tương quan rất mật thiết giữa người và người, cũng như giữa người và vật, nên không bao giờ hạ giá trị của một loài để nâng cao giá trị của mình cho đến không bao giờ vì lẽ sinh tồn của bản thân hay thỏa mãn dục vọng, chúng ta phải tha thiết giữ theo lời Phật dạy và hân hoan tung mầm giải thoát đau khổ, đem lại sự an vui cho muôn loài, như thế mới đúng với tình thương cao cả của Phật và mình trở thành người chân chính hữu ích cho hòa bình nhân loại hiện thời.
Lúc này đi đâu cũng nghe thiên hạ bàn bạc đến chuyện tận thế để lập lại đời mới và kinh sách của các tôn giáo đều nhắc nhở phải làm lành lánh dữ. Vậy ta muốn tồn tại sau cơn sàng lọc này, ta phải ăn chay và luôn nhớ chay miệng và chay tâm phải đi đôi thì mới lợi ích, con người ở đời mới họ trong sạch từ trong cho tới ngoài, chớ lam nham không thể nào tồn tại đựợc.
Sau cùng, đối với chủ trương của thuyết “vật dưỡng nhân”, chúng tôi cần phải trả lời rằng “ Nếu cứ thấy cần phải ăn thịt, thì ta cứ ăn, nhưng chúng ta im lặng mà ăn, xin đừng vì lý lẽ gì bênh vực sự ăn thịt và nhất là làm trở ngại những người thành thật phát tâm ăn chay suốt đời”.
 
 

Tác giả bài viết: Cư Sĩ Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Cách tổ chức thông tin trên theo bạn là?

Rất thân thiện

Rất đẹp

Hợp lý

Khó sử dụng

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán