08:34 ICT Thứ hai, 09/12/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc

Liên hệ

ĐỊA ĐÀO HOA 地 桃 花

Thứ bảy - 05/03/2011 04:47
Cây thảo có gốc cứng dạng sợi. Lá xếp thành hình hoa thị chụm lại ở mặt đất, hình tam giác, gốc lõm hình tim, có khi hình mũi mác

ĐỊA ĐÀO HOA   地 桃 花

Viola inconspicua B1.

 Xuất xứ: Bản Thảo Cương Mục.

Tên Việt Nam: Tử Hoa Địa Đinh, Cây Hoa Tím, Cải Rừng Tía, Rau Cản, Rau Cần, Hoa Tím Ẩn.

Tên khác: Dương giác tử (Mật Uẩn), Tiển đầu thảo, Độc hành hổ, Mễ bố đại (Bản Thảo Cương Mục), Cận cận thái (Thực Vật Đồ Thảo), Tử hoa địa đinh, Địa đinh thảo, Tử địa đinh, Lê đầu thảo, Trường ngạc cận thái, Lê chớ thái, Hoa đầu thảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Tên khoa họcViola inconspicua B1.

Họ khoa học: Violaceae.

Mô tả: Cây thảo có gốc cứng dạng sợi. Lá xếp thành hình hoa thị chụm lại ở  mặt đất, hình tam giác, gốc lõm hình tim, có khi hình mũi mác, có tai hẹp nhẵn hay hơi có lông, mép lá có răng, cuống lá dài, hơi có cánh ngắn ở đỉnh, lá kèm màu nâu, nguyên, nhọn. Hoa vượt quá lá, có 2 lá bắc hình dải, nguyên. Hoa tím nhạt. Lá đài hình dải nhọn, có 3 phân. Cánh hoa trên 4, hình trái xoan ngược, tròn ở đỉnh, có móng ở gốc, cánh hoa có cựa thuôn-trái xoan ngược, đỉnh bằng hay gần như có lỗ khuyết. Nhị trên 3 nhị dưới 2. Bầu nhẵn, vòi nhụy nở dần từ dưới lên đến đầu nhụy. Quả nang, hạt hình trứng ngược màu nâu nhạt. Ra hoa từ tháng 11-1 năm sau, có quả từ tháng 2-4.

Địa lý: Cây mọc rộng rãi ở nhiều tỉnh trên miền bắc Việt Nam, thường gặp ở các bãi suối có cát, hai bên bờ ruộng.

Thu hái, sơ chế: Thu hái quanh năm rửa sạch phơi khô.

Phần dùng làm thuốc: Toàn cây.

Tính vị: Vị nhạt, Tính lạnh.

Tác dụng: Thanh nhiệt, lương huyết,giải độc.

Chủ trị:

+ Trị viêm kết mạc cấp tính, viêm họng thanh quản, đinh nhọt sưng tấy, viêm tuyến vú, rắn cắn.

Liều dùng: Khô 15g-30g, tươi 1-60g. Sắc uống. Dùng tươi giã nát đắp ở vú, nơi đinh nhọt sưng tấy hoặc vết thương rắn cắn.

Bảo quản: Để nơi khô ráo.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị viêm gan vàng da : Tử hoa địa đinh, tán bột uống với rượu lần 9g. Trị ở họng có vật dẻo khạc không ra nuốt không xuống, dùng Tiển đầu thảo nhai nhỏ nuốt. Trị hạch ở cổ, đinh nhọt, nhọt phát bối ở lưng, dùng rễ Tử hoa địa đinh cạo bỏ vỏ thô cùng tán bột với Bạch tật lê trộn dầu xức (Càn Khôn Bí Uẩn Phương).

+ Trị ung thư, nhọt độc : Tử hoa địa đinh để nguyên rễ, lá Thương nhĩ, 2 vị bằng nhau, giã nát hoà với rượu uống ( Kinh Nghiệm Phương).

+ Trị các loại ung nhọt độc : Rễ tử hoa địa đinh phơi khô bỏ trong hũ đốt tồn tính xức vào (Vệ Sinh Giản Dị Phương).

+ Trị ung nhọt độc : Tử hoa địa đinh đắp vào 3 giờ, trộn với miến trắng, một tý muối, tý dấm ngâm 1 đêm rồi đắp vào ( Tập Nghiệm Phương).

+ Ngộ độc, giã Tử hoa địa đinh 1 chén cốt uống để mửa (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Trị hạch lao, mạch lươn, tràng nhạc : Tử hoa địa đinh sắc uống, giã lá đắp ngoài (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Trị quai bị : Tử hoa địa đinh 120g tươi, Phèn chua 3g giã nhỏ đắp lên (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Trị viêm tuyến tiền liệt : Tử hoa địa đinh 300g, Xa tiền thảo, Hải kim sa, mỗi thứ 120g sắc uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Trị đinh nhọt sưng tấy: Tử hoa địa đinh, Liên kiều, Dã cúc hoa, mỗi thứ 9g. Sắc uống. Bên ngoài dùng lá tươi kết hợp với hoa và lá Phù dung tươi gia 1 tí muối ăn, giã nát đắp nơi đau (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị đau ngón tay mới nhiễm trùng, cũng có thể bị viêm ống lâm ba (Hồng ty đinh) sưng nóng đỏ đau: Tử hoa địa đinh, Dã cúc hoa mỗi thứ 30g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị viêm tuyến mang tai: Tử hoa địa đinh  60g, Bạch phàn 6g, Giã nhuyễn đắp nơi đau (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị rắn độc cắn: Tử hoa địa đinh tươi, đâm vắt nước cốt, mỗi lần 1 chén uống rượu, uống với nước nhiều lần. Còn bã thêm vào 1 ít Hùng hoàng, giã nát đều, đắp vào vết cắn (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị  viêm ruột, tiêu chảy, kiết lỵ do thấp nhiệt: Tử hoa địa đinh, Hồng đằng mỗi thứ 30g, Mã nghĩa thảo 60g, Hoàng cầm 9g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

Tham khảo: Địa đinh thảo là thuốc thanh nhiệt lương huyết giải độc, đối vơí các chứng huyết nhiệt uất trệ lở láy, sưng tấy đỏ đau là thuốc rất cần thiết. Ngoài dùng tươi để đắp cũng có tác dụng  tiêu viêm giải độc (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).

Phân biệt: Ở Trung Quốc các cây sau cũng dùng với tên Tử hoa địa đinh.

1- Cây Viola yedonsis Makino, đó là cây thảo sống đa niên, toàn cây phủ lông trắng ngắn dày, rễ trụ nhỏ hình viên chùy, lá mọc ở gốc, có cuống dài, phiến là hình viên chùy dài hoặc hình mũi mác dạng dãi, dài 2-5cm, hai bên mép có răng cưa, mép lượn sóng. Cuống hoa cao 5-7cm, vùng giữa có 2 phiến bao hình dãi, hoa màu tím nhạt. Quả nang 3 góc hình trứng hoặc hình viên chùy.

2- Cây Amblytropis multiflora (Bge) Kitag, với tên là Mễ khẩu đại, Nũ nhi thảo, Thảo cát cánh, Địa đinh, Địa hòe. Đó là cây thảo sống đa niên, toàn cây phủ lớp lông mịn dày. Rễ trụ thô mạnh, hình viên trụ, thân ngắn ốm. Lá mọc ở gốc, lá kép dạng lông chim lẻ, lá nhỏ 11-13 lá có cuống ngắn, hình viên chùy hoặc hình trứng tròn, dài 4,5-25mm, rộng 2,5-10mm, cuối lá có cuống nhọn nhỏ hoặc hõm nhỏ, vùng gốc hình tròn, mép nguyên. Hoa tán đơn có 4-6 đóa hoặc trên 10 đoá, cánh hoa hình bướm màu hồng tím. Quả loại đậu hình ống tròn, dài 1,5-2cm, phủ lông mềm dài Chủng tử hình quả thận, màu đen. Cây này ngoài việc dùng trị đinh nhọt, rắn độc cắn như cây Đại đào hoa, người ta còn dùng để chữa đau đầu, suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp trên.

3- Ở Việt Nam dùng cây Viola betonicifolia Sm, còn gọi là cây Lưỡi cày để dùng với tên là Tử hoa địa đinh. Đó là cây thảo có thân ngắn, mang nhiều lá mọc chụm lại. Rễ hình củ cải. Lá hình trái xoan thuôn tù, hơi hình tim, nhẵn, hai mặt màu gần như nhau, mép lá hơi có răng, cuống lá có cánh, nhẵn, lá kèm nhọn, nguyên, có nhiều đường vạch ngắn màu đo đỏ. Hoa có cuống vượt quá lá, nhẵn, có lá bắc ở nửa dưới, lá bắc màu lục. Hoa màu trắng xanh. Cánh hoa trên 4 hình trái xoan ngược, đỉnh tròn gốc có móng, cánh hoa dưới rộng ngang và có cụa tù. Quả nang nứt thành 3 mảnh vỏ. Ra hoa vào mùa thu, quả vào hè thu. Cây phân bố ở núi Ba vì, Lạng Sơn, Tây Nguyên Việt Nam.

4- Ngoài ra, các cây Violapatrinii Dc (Viola chnensis G. Dn) cũng được dùng với tên Tử hoa địa đinh, có tác dụng trị bệnh tương tự.

5- (Xem: Bồ công anh).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Bạn có nhận xét gì về phiên bản website mới của chúng tôi?

Tốt

Khá

Trung Bình

Kém

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán