Phòng khám từ thiện Kim Long (Tòa tổng giám mục Giáo phận Huế) tại 36 Kim Long-Huế do nữ tu, bác sĩ Nguyễn Thị Điền phụ trách, cùng nhóm thiện nguyện gồm 25 y, bác sĩ và 15 tình nguyện viên miệt mài ngày tháng để đem lại hạnh phúc cho bệnh nhân nghèo. Từ năm 1996, do nhu cầu từ những người bệnh, Phòng khám từ thiện Kim Long bắt đầu có các hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và giúp đỡ người có HIV. Các nữ tu, bác sĩ, tình nguyện viên của phòng khám thường xuyên thăm viếng, chăm sóc, tư vấn hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt cho 44 người bị nhiễm HIV. Hiện có 2 em Lê Thị Thanh Tâm và Lê Thị Thanh Nga bị nhiễm HIV, lại mồ côi cha mẹ đã được đưa về nuôi dạy tại đây. 6 gia đình có người bị nhiễm HIV được phòng khám hỗ trợ vốn chăn nuôi, với số tiền 11,9 triệu đồng. Phòng khám còn giúp vốn làm ăn cho 4 gia đình cùng cảnh, giúp sửa chữa nhà cho 6 gia đình khác. Phòng khám từ thiện Kim Long tổ chức nhiều hoạt động như trao phần thưởng "Nhà sạch - sức khỏe tốt" cho các gia đình làm tốt việc phòng chống dịch bệnh, động viên người có HIV/AIDS tại bệnh viện thông qua các chương trình "Cháo dinh dưỡng cho người bạn", "Hoa tươi cho người bạn", dạy thêm cho trẻ có HIV tại nhà, theo dõi trẻ tại trường và vận động trẻ đi học. 100% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở Huế được hỗ trợ học bổng và dụng cụ học tập.
Tại Tuệ tĩnh đường Diệu Đế, nhà chùa đã tham gia tích cực vào lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, được tổ chức NAV (Na Uy) hỗ trợ thực hiện nhóm dự án tôn giáo về chăm sóc người bị nhiễm HIV tại cộng đồng. Hiện tại, 54 người bị nhiễm HIV trên địa bàn đã được chăm sóc thường xuyên bằng các hoạt động hỗ trợ như thuốc chữa bệnh, cấp thêm vốn để họ làm ăn, sửa chữa nhà ở, phát triển chăn nuôi, cấp học bổng cho con em họ đến trường. Mỗi khi có người bệnh qua đời, có những trường hợp chết tại bệnh viện, gia đình, người thân của họ đều lẩn tránh, nhưng khi biết tin, Tuệ tĩnh đường đã hỗ trợ kinh phí, cắt cử người đến lo tổ chức tang lễ, đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng, thể hiện nghĩa cử cao đẹp. Tuệ tĩnh đường Diệu Đế đã xây dựng một vườn thuốc nam rộng 8.500 m2, trồng nhiều loại cây thuốc quý như cây rau mèo, trinh nữ hoàng cung, sâm đại hành...vừa đáp ứng nhu cầu tại chỗ, vừa bán cho các nơi khác, lấy tiền bổ sung cho nguồn quỹ khám chữa bệnh của cơ sở. Tuệ tĩnh đường đã mở rộng công tác nghiên cứu để nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh, như mời thêm một số lương y có tay nghề cao đến nghiên cứu, ứng dụng lâm sàng để điều trị các bệnh hiểm nghèo. Mới đây, Tuệ tĩnh đường Diệu Đế đã tổ chức dịch và in cuốn sách quý như: Ngự y triều Nguyễn, đang hoàn thành cuốn Ngự y Lê Văn Doãn có thể phát hành rộng rãi, nhằm phát triển và ứng dụng rộng rãi bộ môn y học cổ truyền trong lĩnh vực khám và chữa bệnh...Tuệ Tĩnh đường còn tổ chức hoạt động "tập thiền cho những người bạn" để giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị. Đặc biệt, các sư cô còn mở quán cơm chay, vừa là nơi gặp gỡ sẻ chia cho người có hoàn cảnh khó khăn, vừa có thêm kinh phí cho các hoạt động từ thiện.
Nữ tu Bùi Thị Bông, bề trên Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cho biết: Giáo phận Huế đã có một Ban điều phối và các nhóm chuyên, để thực hiện các hoạt động chính là chăm sóc toàn diện, truyền thông giáo dục và nâng cao năng lực chăm sóc người bệnh. Mong sao, ngày càng nhiều địa phương có các tôn giáo cùng chung một tấm lòng sống "tốt đời đẹp đạo" như Thừa Thiên - Huế.../.
Tác giả bài viết: Theo TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn