Thấy tôi tạm biệt mà rơm rớm nước mắt, chị L - một người bệnh HIV giai đoạn cuối ở Trung tâm Tư vấn và Điều trị nội, ngoại trú HIV/AIDS khu vực miền trung, thuộc Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện TƯ Huế - cầm tay tôi, nói: "Chị ở đây là coi như chờ chết, nhưng vẫn thấy yêu đời lắm. Em biết vì răng không? Vì nhờ các anh chị nớ...".
"Các anh chị nớ" là ai vậy? Là những cộng tác viên của dự án từ thiện tôn giáo, do Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế (Phật giáo) phối hợp với Phòng khám từ thiện Kim Long (Thiên Chúa giáo) tổ chức, được sự hỗ trợ về mặt kinh phí của Tổ chức NAV (Na Uy) từ nhiều năm nay.
"Nồi cháo tình thương"
Còn có một tên gọi khác, nghe "văn" hơn là "ngày thứ bảy dành cho người bệnh". Đấy là một trong những hoạt động chính của nhóm. Cứ đến ngày thứ bảy hàng tuần là các tình nguyện viên tập hợp tại Trung tâm Tư vấn, Điều trị nội, ngoại trú HIV/AIDS, ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện TƯ Huế để cùng "sống" với người bệnh.
Hôm nay, cũng như mọi ngày thứ bảy khác, chị Hoà - tình nguyện viên, đến trung tâm từ rất sớm. Sau khi dạo một vòng chào hỏi sức khoẻ các bệnh nhân và tất nhiên là không quên hỏi mọi người hôm nay muốn ăn gì, chị cùng một bệnh nhân nữ tên là L đi chợ. Món ăn hôm nay khá đơn giản: Cơm trắng, canh cá chua, cá kho rim.
Chị Hoà cười, có vẻ nhẹ nhõm: "Có dạo, một người bệnh ở Quảng Nam đòi ăn mì Quảng, một người Huế đòi ăn bún bò Huế, một người Huế khác lại đòi ăn cá bống kho tộ. Nghe không thôi đủ thấy chóng mặt rồi. Nhưng phải chìu họ thôi. Ở đây, người bệnh là... thượng đế".
Chị Hoà đi chợ về. Ngoài những người mệt không dậy nổi, còn lại đều xuống xắn tay phụ giúp việc thổi cơm, vặt rau, làm cá... Một không khí rất vui tươi được tạo nên bởi những tiếng cười nói, đùa giỡn, tâm sự nhỏ to. Có cảm tưởng như đây là một bếp ăn tập thể chứ không phải là bệnh viện.
Thấy tôi (được giới thiệu là một tình nguyện viên mới) có vẻ ngạc nhiên, chị L giải thích: "Vì hôm ni là ngày thứ bảy, có các anh chị đến chơi mới vui ri, chứ mọi ngày buồn lắm. Vì rứa mà tụi chị ở đây ngày mô cũng trông cho mau tới ngày thứ bảy".
Tranh thủ lúc chỉ có hai người, chị T (người Quảng Nam) tâm sự với người mới (tôi) về các tình nguyện viên cũ: "Họ tốt lắm. Hồi tui mới nhiễm, cả người thân trong gia đình cũng nhìn tui bằng ánh mắt xa lánh, khinh bỉ. Khi tui đến đây, tui đã không tin vào mắt mình khi nhìn thấy các anh chị ấy đến ngồi chung giường với tui, rồi chăm sóc, hỏi han, động viên. Đã có lúc tui muốn bỏ tất cả để thắt cổ mà chết, nhưng chính các anh chị ấy đã truyền cho tui niềm tin để tiếp tục sống vui vẻ cho đến bây giờ".
Xơ Huỳnh Thị Lý - người phụ trách điều trị và chăm sóc người bệnh ở đây - nói: "Phần lớn người bệnh ở đây đã chuyển qua giai đoạn AIDS. Bữa này thì đỡ rồi, nhưng thời gian trước khổ lắm. Có bệnh nhân, người nhà đem đến đây rồi... quẳng luôn cho tui rồi đi một mạch không trở lại. Có trường hợp trở lại nhưng chỉ đứng ngoài cổng, không dám vào vì sợ lây. Rứa là mọi việc từ chăm sóc, rửa ráy, thuốc men, tui làm hết".
Chân dung các tình nguyện viên
Họ là những người bình thường, làm những công việc bình thường để sinh nhai như chúng ta. Là chị Hoà làm kế toán trưởng của một Cty TNHH, là anh Hoàng chuyên quay camera dịch vụ, là chị Hoa, anh Đệ - những thầy thuốc đông y, là sư nữ Bích Châu, là xơ Lý... Họ cùng có chung mục đích là tự nguyện giúp đỡ những bệnh nhân HIV/AIDS mà không đòi hỏi bất kỳ một sự đền đáp nào. Ngoài ngày thứ bảy dành cho những bệnh nhân nặng ở bệnh viện, mỗi tháng một lần, các tình nguyện viên còn phân công nhau về thăm hỏi, chăm sóc những người bệnh nhẹ ở cộng đồng.
Anh Đệ - một tình nguyện viên - nói: "Thường chúng tôi đến để theo dõi tình trạng, diễn tiến sức khoẻ của họ thế nào, rồi tư vấn cho họ và người thân cách phòng chống, hướng dẫn sinh hoạt hàng ngày. Nơi nào nhà người bệnh xuống cấp, chưa có nhà vệ sinh, thiếu phương tiện... thì chúng tôi trình với ban quản lý để xin tiền hỗ trợ, sau đó, cũng chính chúng tôi đến tận nơi để tự tay làm cho họ".
Trong quá trình về cộng đồng, thỉnh thoảng các tình nguyện viên cũng gặp những trường hợp rất nan giải. Ví như vụ ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền cuối năm 2003 làm chấn động cả tỉnh Thừa Thiên-Huế. Một thanh niên trong làng trở về từ Buôn Ma Thuột đã dụ dỗ, quan hệ và làm lây nhiễm HIV cho cả... ba mẹ con. Chỉ có người chồng - cha của gia đình ấy là thoát vì trong thời gian điều trị bệnh gan nên phải kiêng sinh hoạt vợ chồng. "Mới nghe kể thôi, tui đã muốn điên lên, muốn về ngay Phong Chương để đâm cho thằng khốn nạn ấy một nhát. Nhưng rồi không còn cách nào khác, công việc đã buộc chúng tôi cũng phải nén lòng mình lại để an ủi, động viên họ như những người bệnh khác" - anh Hoàng kể.
Trong những việc mà các tình nguyện viên đã làm, đáng kể nhất là việc tẩm liệm những bệnh nhân chết. Đây là một việc khó, mà các nhân viên y tế địa phương thường "tránh" và không phải tình nguyện viên nào cũng đủ can đảm để làm, dù đã đọc... thuộc như cháo sách hướng dẫn!
Anh Hoàng nhớ lại một trong hàng chục ca mà mình đã tham gia tẩm liệm trong mấy năm nay: "Đó là chị Lộc, ở xã Điền Hương, huyện Phong Điền, TT-Huế. Khi bệnh viện cho chị về nhà để chờ chết thì gia đình đã làm riêng cho chị một cái chòi ở vườn sau để sống một mình và suốt mấy tháng liền không ai hỏi han, săn sóc. Khi chúng tôi về thăm thì cũng là lúc chị mất. Sống thì xa lánh đã đành, nhưng khi chị chết, người nhà cũng chỉ đứng ở xa mà nhìn. Không còn cách nào khác, mấy anh em chúng tôi phải tự đi mua quan tài, rồi làm thủ tục, thay quần áo, rửa ráy, tẩm liệm cho chị. Đến giai đoạn đóng quan tài, vì nắp quan tài nặng quá, chúng tôi gào lên nhờ người giúp, nhưng những thanh niên trong làng cũng chỉ đứng từ xa, bịt mũi nhìn và không hề nhúc nhích."
Xơ Lý tiếp lời: "Vất vả rứa, nhưng những lúc như thế là thời điểm tốt nhất để chúng tôi tuyên truyền với người dân về sự xoá bỏ kỳ thị. Bằng chứng là ngay hôm ấy, thấy những việc làm của chúng tôi lạ quá, ông trưởng làng và rất nhiều người ban đầu đứng xem vì tò mò. Sau thấy những việc chúng tôi làm cũng bình thường như khi tẩm liệm những người chết khác và không hề hấn gì, mọi người mới vỡ lẽ ra. Ông trưởng làng tổ chức họp khẩn cấp. Ngay sau đó, cả làng cùng đến phụ với chúng tôi để chôn cất chị Hoà và sau đó còn có cả mâm trầu, cau, rượu để tạ ơn chúng tôi. Cũng nhờ những lần như thế mà đến thời điểm này, sự kỳ thị, xa lánh của người thân, cộng đồng đối với người bệnh ở TT-Huế đã giảm đi rất nhiều".
Câu chuyện lạ của trái tim và lý trí
Thật ra, chuyện các tổ chức tôn giáo đứng ra làm từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân HIV/AIDS như tôi đang kể không phải là chuyện lạ. Nhưng ở Huế, đấy vẫn là lạ bởi có lẽ, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam và cả thế giới, hai tôn giáo (Phật giáo và Thiên Chúa giáo) cùng nhau hành động để đem đến niềm vui và hy vọng sống cho những người bệnh sắp chết. Bởi vậy mà từ năm 2000 đến nay, các phương tiện truyền thông đại chúng ở Na Uy (nơi có Tổ chức NAV) đã liên tục phát tin, bài về hoạt động của hai nhóm tôn giáo này như một mô hình kinh điển về chăm sóc người nhiễm.
Và mới đây, trong chuyến ghé thăm Huế, Nhà vua và Hoàng hậu Na Uy khi ghé thăm Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế đã đánh giá rất cao tính hiệu quả của dự án (gần như 100% kinh phí của Tổ chức NAV rót về đều đến tay người bệnh), và đặc biệt là sự "chung chiếu" của Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Mặc dù thừa nhận là trước đó đã xem truyền hình, đọc báo và đã biết chuyện này ở Na Uy, nhưng Nhà vua và Hoàng hậu vẫn không giấu nổi tò mò với một câu hỏi mà trước đó, rất nhiều quan chức cấp cao Na Uy đã hỏi: "Vì sao hai tổ chức tôn giáo lại có thể ngồi chung với nhau như thế này?". Hoà thượng Thích Tuệ Tâm - đại diện cho nhóm Phật giáo trả lời: "Chúng tôi tuy khác nhau về tín ngưỡng, giáo lý..., nhưng chúng tôi gặp nhau ở một điểm chung là tình thương đối với con người". Và với xơ Điền - đại diện cho nhóm Thiên Chúa giáo thì: "Lý trí bảo chúng tôi phải tránh xa, nhưng trái tim đã mách bảo chúng tôi phải ngồi lại".
Hôm ấy, tôi cũng có một câu hỏi rất cũ, rằng "các tình nguyện viên đến với người bệnh vì cái gì?", để rồi nhận lấy những tiếng cười trong trẻo chối từ. Một minh hoạ cho câu chuyện lạ về lý trí và trái tim chăng?
Tác giả bài viết: Theo Lao động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn