Không gian Tuệ Tĩnh Đường thoảng mùi thuốc Bắc dìu dịu. Qua câu chuyện với thầy Tuệ Tâm, chúng tôi được biết kể từ ngày thành lập năm 1982 đến nay, Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa mà tiền thân là Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế với nhiều hoạt động có hiệu quả đã trở thành địa chỉ khám chữa bệnh từ thiện nổi tiếng ở trong và ngoài tỉnh do tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế chủ trì tổ chức.
Cái hay trong thuật chữa bệnh của Tuệ Tĩnh Đường là sử dụng phương pháp Đông-Tây y kết hợp, nhưng chủ trị mạnh nhất vẫn là Đông y. Chính vì vậy, các lương y của Tuệ Tĩnh Đường tập trung nghiên cứu chữa trị chuyên sâu bằng phương pháp châm cứu, vật lí trị liệu kết hợp với thuật ăn chay dưỡng sinh và điều hòa trí não. Bên cạnh đó, trong kho tàng các bài thuốc của mình, các lương y ở đây cũng đã nghiên cứu, tìm kiếm và bào chế được nhiều bài thuốc hay và quý chữa được nhiều chứng bệnh khó như thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, sỏi thận, cao huyết áp, vô sinh, thần kinh, phù thũng… Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến đây không chỉ là người trong tỉnh, ngoại tỉnh mà còn có cả những người đến từ các nước bạn láng giềng Lào, Thái Lan, Campuchia và xa xôi như Mỹ,Pháp... Trong đó, đa phần là người có tuổi thường hay mắc các chứng bệnh về già như xương khớp, huyết áp, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, mất ngủ… Với phương châm “Phật pháp bất ly thế gian”, có nghĩa mọi giáo lí nhà Phật không xa rời cuộc sống của thế gian, hơn 15 năm qua, bằng nguồn kinh phí của mình và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa đã cứu chữa cho hàng triệu bệnh nhân trong và ngoài nước.
Thượng tọa Thích Tuệ Tâm bắt mạch chẩn bệnh cho bệnh nhân.
Không chỉ chuyên trách về việc khám chữa bệnh, các tăng ni và thành viên của Tuệ Tĩnh Đường còn phối hợp với các tu sĩ Công giáo Huế tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa như thăm khám chữa bệnh cho bà con vùng sâu, vùng xa và thành lập nhóm tình nguyện “Những người bạn” để giúp đỡ cho những người bị nhiễm HIV/AIDS…
Dân gian ta có câu: “Dù xây chín bậc phù đồ, Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Có lẽ vì lí do đó mà kể từ năm 2004, khi chuyển từ chùa Diệu Đế lên khuôn viên của chùa Pháp Luân, Thượng tọa Thích Tuệ Tâm vẫn chưa cho xây chùa mới mà bắt tay xây dựng ngay cơ sở khám chữa bệnh mới khang trang hơn để kịp thời phục vụ người bệnh.
Tạm biệt sư thầy Tuệ Tâm, tạm biệt các lương y của Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa, chúng tôi thấu hiểu được nỗi lòng tri ân của những người bệnh đối với tấm lòng từ bi của các thầy. Chính việc làm của các thầy đã nói lên tất cả nghĩa cử cao đẹp của những người tu hành. Chính nơi đây, phận đạo, phận đời luôn được sẻ chia trong tấm lòng từ bi và nhân ái của những tu sĩ và lương y.
Tác giả bài viết: Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Trọng Chính
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn