TỴ ĐINH
Xuất xứ:Được mô tả đầu tiên trong sách ‘Ngoại Khoa Khải Huyền’. Chỉ mụn nhọt mọc trong mũi.
Tương ứng với chứng Nhọt Tiền Đình Mũi của YHHĐ.
Nguyên nhân:
Theo YHHĐ:
+ Do chấn thương (ngoáy mũi bằng móng tay bẩn, nhổ lông mũi...).
+ Nhiễm khuẩn ở nang lông, tuyến bã.
+ Cơ thể suy nhược, Tiểu đường là những tố thuận lợi gây nên nhọt.
Theo YHCT: Do kinh Phế có hỏa độc ngưng kết gây nên.
Chương ‘Ngoại Khoa Tâm Pháp Yếu Quyết’ sách ‘Y Tông Kim Giám’ viết: “Mụn mọc trong lỗ mũi, lỗ mũi bị nghẹt, sưng, đau lên đến đầu”.
Triệu chứng: Chứng chính là đau. Nhọt thường mọc ở đầu mũi, sưng đỏ đau, vùng chung quanh như môi, má, mi mắt cũng có thể bị sưng. Sốt (nhưng không sốt cao), mệt mỏi, mất ngủ, khó chịu. Người bệnh thường phát hiện ra được mỗi khi rửa mặt hoặc đụng tay vào. Nếu nhọt ở phía đầu mũi thì dễ nhìn thấy ngay, trên da có một vùng đỏ nổi lên. Nếu cánh mũi có nhọt, nhìn trong mũi thấy cánh mũi dầy, có một vùng sưng cứng, đôi khi thấy được cả đầu nhọt.
Nếu không biến chứng thì vài ngày sau sẽ khỏi. Nếu có biến chứng thì nhọt sưng lên, đau, sốt, cơ thể mệt mỏi, bơ phờ. Nặng hơn thì vi khuẩn theo đường tĩnh mạch góc vào tính mạch mắt rồi vào xoang tĩnh mạch hang gây viêm tắc xoang tĩnh mạch hang, rất nguy hiểm. Người bệnh sẽ có hội chứng nhiễm khuẩn máu: lúc nóng lúc rét, cơ thể suy sụp nhanh, gây biến chứng ở mắt (sưng, lồi mắt...) hoặc gây phản ứng màng não.
Điều trị: Thanh nhiệt, giải độc, chỉ thống, bài nùng.
Dùng bài Ngũ Vị Tiêu Độc Ẩm (29).
Thuốc bôi ngoài: Mật đà tăng, Bạch chỉ đều 8g, tán nhuyễn, trộn với dầu sáp ong, bôi.rất hay (Gia Y Trị Nghiệm).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn