13:12 ICT Chủ nhật, 19/01/2025

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Bạn đọc viết

Liên hệ

MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ TUỆ TĨNH ĐƯỜNG LIÊN HOA NGÀY ẤY… BÂY GIỜ.

Thứ sáu - 12/10/2012 09:18
Tọa lạc ở vị rí đắc địa của trung tâm thành phố Huế, trong khuôn viên hơn 2000 m2 của chùa Pháp Luân số 3 đường Lê Quý Đôn là Trung tâm Kế thừa - Ứng dụng Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Ở đó còn có quán cơm chay dưỡng sinh Liên Hoa, một địa chỉ “3 trong 1” mà chúng tôi thường gọi vui là “Tổ hợp tốt đời, đẹp đạo”.

Từ nhiều năm nay Trung tâm Kế thừa - Ứng dụng Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đã trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân xứ Huế, nhất là những bệnh nhân nghèo ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh phụ cận. Bà con thường gọi là Trung tâm Kế thừa - Ứng dụng Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa bằng cái tên thân thuộc “Phòng khám Đông Y thầy Tuệ Tâm”, vừa dễ nhớ, vừa mong ước mỗi lần đến khám bệnh được may mắn đích thân thầy Tuệ Tâm thăm mạch, kê đơn, bốc thuốc. Cũng dễ hiểu thôi, thầy thuốc giỏi thì nơi nào cũng có, nhưng thầy thuốc giỏi mà có tâm Phật hết lòng vì người bệnh, xem nỗi đau của bệnh nhân như chính bản thân mình, ân cần, gần gũi, không phân biệt sang giàu, “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật” thì không phải phòng khám nào cũng có!
- Từ ngạc nhiên đến thán phục
Nhìn cơ ngơi của Tuệ Tĩnh đường hôm nay trong khuôn viên vừa có chùa Pháp Luân, vừa có Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, vừa có quán cơm chay, vừa có phòng lưu trú cho bệnh nhân nghèo đến khám chữa bệnh… Ít ai nghĩ rằng khởi nghiệp ban đầu của chặng đường 30 năm hình thành và phát triển của Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa bắt đầu với 7 thầy trò, vốn liếng chỉ có 26 thúng lúa và 2 nghìn đồng. So với các cơ sở Đông Y gia truyền ở Huế lâu đời, thì Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa có thời gian lịch sử khá khiêm tốn; gắn liền với cuộc đời Hoằng Pháp của vị sư trụ trì chùa Pháp Luân, đó là Thượng tọa Thích Tuệ Tâm, hay Tỳ Khưu Thích Tuệ Tâm – theo cách gọi của Hệ phái Nam tông; lương y Thích Tuệ Tâm – theo cách gọi của người hành nghề Đông Y dược cổ truyền... Dù cách gọi gì đi nữa thì phòng khám Đông Y thầy Tuệ Tâm luôn gắn liền với người sáng lập bằng cả tâm huyết, trí tuệ và niềm tin của Thượng tọa Thích Tuệ Tâm.
Tôi may mắn được quen và gặp sư Tuệ Tâm vào một chiều cuối hạ năm 1998 qua sự giới thiệu của anh Nguyễn Đức Thành Dũng – cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Ngày ấy, tôi đang tìm tư liệu để viết quyển “Lịch sử ngành Y tế Thừa Thiên Huế” mà phần tôi đảm nhận là Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế… Thấm thoát vậy mà đã 14 năm. Khi ấy Tuệ Tĩnh đường đang tạm trú trong khuôn viên của chùa Diệu Đế ở đường Bạch Đằng, nên có tên là Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế. Tôi sống ở Huế đến nay đã ngót nghét 37 năm, gặp rất nhiều vị sư đáng kính, ngày đó trước mặt tôi là vị sư trẻ với ấn tượng ban đầu khi mới gặp thật khó phai. Âu đó cũng là cơ duyên may mắn của tôi, để rồi không biết từ khi nào tôi đã có cảm tình đặt biệt với sư Tuệ Tâm như một cơ duyên định sẵn. Trong căn phòng nhỏ chật chội vừa làm nơi tiếp khách của Tuệ Tĩnh đường ngày ấy, ngoài chiếc bàn nhỏ thì xung quanh cơ hồ là sách. Từ những bộ kinh Phật đến sách nguyên cứu Đông – Tây Y, Văn học, Lịch sử… đang đi tìm tư liệu cho đề tài nên tôi thầm nghĩ anh bạn Nguyễn Đức Thành Dũng đã đưa tôi đến đúng địa chỉ. Sau này tôi được biết sư Tuệ Tâm tuy là người xuất gia nhưng “nhập thế” phát tâm hành đạo bằng nghề y làm việc thiện để cứu nhân độ thế. Chính niềm đam mê sách, đam mê nguyên cứu đã giúp cho sư Tuệ Tâm ngày càng thành công trong lĩnh vực Y học cổ truyền và kế thừa ứng dụng Y học cổ truyền với Y học hiện đại trong khám và chữa bệnh. Đó là chưa kể sư Tuệ Tâm là người đam mê tin học và rất có duyên với việc sử dụng thành thạo tin học… Những phẩm chất ấy kết hợp cùng với đức độ của vị chân tu, khiến sư Tuệ Tâm có sức cảm hóa đặc biệt với mọi người, dù chưa một lần nghe sư thuyết pháp giáo lí đạo Phật.
Ban đầu nhìn y phục của sư Tuệ Tâm tôi biết Sư xuất gia tu hành Phật giáo theo hệ phái Nam tông (hay còn gọi là Tiểu Thừa). Vậy mà Tuệ Tĩnh đường của hệ phái Nam tông lại tá túc trong ngôi Quốc tự Diệu Đế thuộc hệ phái Bắc tông (hay còn gọi là Đại Thừa). Tôi trộm nghĩ có phải là Cỗ xe lớn Đại Thừa kéo theo Cỗ xe nhỏ Tiểu Thừa chăng? Nhưng càng về sau tôi mới hiểu quả là một câu chuyện dài.
Mỗi tu sĩ Phật giáo đều chọn cho mình một cách Hoằng Pháp riêng tùy theo hệ phái, sư Tuệ Tâm thì chọn cho mình một cách Hoằng Pháp bên cạnh tâm nguyện học hỏi đạo pháp để phát triển đời sống tâm linh, giữ trọn bổn phận của người xuất gia, thì còn một mong ước lớn lao là thành lập Tuệ Tĩnh đường, đem kinh nghiệm và sở học Đông Y của mình chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân ốm đau, nhất là những bệnh nhân nghèo, thực hiện những lời đức Phật dạy “Hãy làm những gì lợi mình lợi người, cứu một mạng người hơn xây tòa tháp 7 tầng” đã trở thành phương châm hành đạo của sư Tuệ Tâm và Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế ra đời từ đó.
- Chùa bờ Nam - Tuệ Tĩnh đường bờ Bắc
Người xưa thường nói: “an cư mới lạc nghiệp”.Với người tu sĩ Phật giáo điểm đến của xuất gia là chùa, được xem là nơi “khởi nghiệp” đường tu, nhưng Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ngày ấy thì chùa ở bờ Nam sông Hương còn Tuệ Tĩnh đường lại ở bờ Bắc. Nói là chùa cho có tên chứ thực ra vào thời điểm năm 1982 chỉ là một thảo an nằm lọt thỏm ở cánh đồng An Cựu. Vào những thập niêm 90 của thế kỉ trước thuộc khu quy hoạch mới đường Hùng Vương. Hơn 10.000 m2 đất chùa cũng vì thế mà bị lấn chiếm và quy hoạch dần nay chỉ cũng chỉ còn lại chưa đầy 2000 m2 ! Cơ cảnh ấy lấy đâu ra Tuệ Tĩnh đường năm ở chùa Pháp Luân như sư Tuệ Tâm hằng mong ước. Những ai chứng kiến hoàn cảnh của Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế ngày ấy và Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa hôm nay mới thấu hiểu được “chặng đường ai có qua cầu mới hay”; mới cảm nhận được nghị lực phi thường, niềm tin bất diệt, đức tin vô bờ để vượt lên chính mình của thầy trò sư Tuệ Tâm. Để rồi khi chúng ta nhìn và đọc những con số tưởng chừng khô khan: Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa khởi nghiệp với vốn liếng ban đầu 26 thùng lùa và 2 nghìn đồng. Bảy thầy trò sư Tuệ Tâm từ Huyền Không Sơn Trung về tá túc xây dựng Tuệ Tĩnh đường đầu tiên ở chùa Diệu Đế đến nay đã qua 30 năm hình thành và phát triển. Trong 30 năm ấy Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, tiền thân là Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế đã khám và chữa bệnh cho hàng triệu lượt bệnh nhân… Chỉ tính trong 12 năm (1995 – 2007) tổng số bệnh nhân khám và chữa bệnh tại cơ sở là 698.222 người; tổng số tiền cấp thuốc miễn phí là 1.576.044.000 đồng; đã tổ chức hàng trăm chuyến y tế lưu động đến những vùng sâu vùng xa của tỉnh Thừa Thiên Huế, khám và châm cứu hơn 45.4311 bệnh nhân; cấp 638.584.000 đồng tiền thuốc miễn phí. Gần đây nhất, năm 2011 đã khám cho hơn 35.168 bệnh nhân với gần 230.000 lượt châm cứu cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, tăng ni: 54,4 triệu đồng. Tổng số tiền khám và chữa bệnh tại cơ sở và lưu động hơn 373.400.000 đồng… Đó là những con số biết nói – nói thay cho lời nguyện cầu trước Tam bảo của một người, một tập thể, của mỗi người và của mọi người mang dấu ấn cuộc đời hành động để có một tấm lòng và để cho – để gió cuốn đi…
- Người viết bài này với cảm xúc mênh mang, chồng lấn, chen chúc không sắp xếp được thứ tự trước sau, viết theo cảm xúc, theo tình cảm về những gì được nghe, được biết, được thấy và được chia sẻ. Tôi cũng không muốn đưa ra sự so sánh, bởi mọi sự so sánh đều khập khiểng. Nhưng như người đời thường vẫn nói: nếu không biết so sánh đối chiếu thì sẽ không tìm ra sự khác biệt. Tôi lại đi từ những con số, hiện nay trung bình mỗi ngày Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa khám và điều trị từ 200 đến 250 bệnh nhân; tính ra trung bình mỗi năm khám và chữa bệnh cho gần 50.000 bệnh nhân. Đó là chưa kể đến những đợt đi khám, chữa bệnh lưu động cho bệnh nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa, mỗi đợt từ 7 đến 10 ngày, kinh phí trung bình là 50 triệu mỗi đợt. Thử làm một phép tính đơn giản, nếu thu mỗi bệnh nhân đến khám kê đơn, bốc thuốc với mức giá thấp nhất là 5000 đồng nhân với 250 bệnh nhân thì trung bình mỗi ngày tiền khám là 1.250.000 đồng, một tháng là 37,5 triệu đồng, một năm là 450 triệu đồng. Nếu tính trong vòng 10 năm trở lại đây (2002 - 2012) thì số tiền lên đến 4,5 tỷ đồng. Số tiền này đủ để xây một phòng khám nhưng chẳng những Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa không thu mà còn hỗ trợ thêm tiền thuốc, tặng quà từ thiện. Chừng ấy thôi chúng ta cũng thấy hiệu quả phục vụ xã hội của Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa rất đáng tự hào. Nếu so với bệnh viên Đông Y cấp tỉnh thì có thể nói Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa sánh vai về hiệu quả phục vụ xã hội. Đều khác biệt là cơ sở vật chất kinh phí, con người của Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa là tự thân vận động từ cái tâm, đức, trí tuệ của tập thể lương y trong Tuệ Tĩnh đường, đứng đầu là sư Tuệ Tâm.
Để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, trong những năm gần đây Tuệ Tĩnh đường Liên hoa đã mở rộng tiền đầu tư các trang thiết bị hiện đại theo phương châm Đông – Tây Y kết hợp; đồng thời giúp cho bệnh nhân nghèo có cơ hội tiếp cận với các phương tiện y học hiện đại trong khám và chữa bệnh như máy chụp Mediscan DDPAO, máy đo loãng xương, các xét nghiệm sinh hóa; máy chụp X-Quang; siêu âm. Với các chệ độ miễn giảm cho bệnh nhân nghèo từ 25 đến 30% thậm chí 50%. Mức giảm này không phải để khuyến mãi mà chủ yếu tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân nghèo có cơ hội được khám và chuẩn đoán bệnh chính xác.
Với cách nhìn của người ngoại đạo thì làm bất cứ việc gì cũng phải tính đến hiệu quả của công việc, nhưng với sư Tuệ Tâm, hành nghề Y không phải là một nghề để kiếm cơm. Mà chỉ là phương tiện hành đạo giúp đỡ người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Có lần tôi được Sư tâm sự “Một người đau trước mắt cần chữa bệnh, bốc thuốc, uống thuốc hơn là nghe thuyết pháp. Mới đầu trong hệ phái không phải ai cũng đồng tình nhưng về sau thấy cách làm của tui hiệu quả, giúp được nhiều người nghèo nên mọi người mới ủng hộ…” Có tận mắt chứng kiến một ngày như mọi ngày ở Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa mới cảm nhận được sự tất bật của vị Sư mặc áo blue trắng. Nhìn những bệnh nhân sắp hàng thứ tự để chờ đến lượt mình được khám, kê đơn, bốc thuốc, được xoa bóp hay châm cứu mới cảm nhận con đường đi theo chánh pháp của Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Họ tìm đến với Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa không đơn thuần là chữa căn bệnh mà còn tìm đến niềm tin xoa dịu những nỗi đau và an ủi về mặt tinh thần. Một ngày qua đi mở đầu cho một ngày mới, nhẫn nại và từ bi, ý chí và nghị lực, cái tâm yêu nghề của sư Tuệ Tâm và tập thể Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa lại tiếp tục rong ruổi trên con đường dấn thân hành đạo thực nghiệp của mình. Ở đó có ánh hào quang của đức Phật chiếu rọi, cận kề bên cái khổ của con đường gánh nghiệp cho chúng sinh, gióng lên tiếng chuông của lòng từ bi bác ái.

Tác giả bài viết: Cao Huy Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về giao diện của website http://www.tuetinhlienhoa.com.vn?

Đẹp, duy trì giao diện như vậy

Bình thường, cần điều chỉnh

Xấu, cần thay đổi ngay

Ý kiến khác (xin gửi về email: support@tuetinhlienhoa.com.vn)

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán