Năm 1982 có một tổ chẩn trị y học cổ truyền chuyên châm cứu bốc thuốc nam miễn phí ra đời tại chùa Diệu Đế. Năm 1989 sát nhập vào Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế, lấy tên là phòng đông y Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế. Dưới mái chùa nhỏ bé, cơ sở vật chất ít ỏi, với chỉ 6 thày trò cùng nhau khám chữa bệnh, châm cứu, cấp phát thuốc cho bà con. Tấm lòng và tài năng của nhà chùa đã đến với con bệnh nghèo khổ. Người tìm đến Tuệ Tĩnh đường, đến với sư thầy Tuệ Tâm ngày một đông. Lương y Tuệ Tâm cùng các học trò và cộng sự của mình đã không ngừng nâng cao trình độ y học, mở mang nơi khám chữa bệnh. Năm 2005, nhờ sự giúp đỡ hảo tâm của các phật tử, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, nhất là của hòa thượng Pháp Nhẫn, sư cô Trí Hạnh ở Mỹ và một phần vốn tự có, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa tại địa điểm chùa Pháp Luân, số 3 Lê Qúy Đôn- Huế, đã hoạt động với quy mô rộng rãi hơn. Tòa nhà 3 tầng diện tích hơn 700m2 gồm 11 phòng chức năng và các công trình phụ khác khá khang trang được sử dụng khám chữa bệnh. Một viện y học nhỏ với 28 lương y, lương dược đã được chuẩn hóa trình độ, luôn nâng cao y đức, y thuật để phục vụ người bệnh. Không thể kể số lượt người đến khám và chữa bệnh miễn phí tại đây. Hiện nay mỗi ngày khoảng 300 bệnh nhân. Thuốc cấp và bán tùy theo đối tượng. Miễn phí hoàn toàn với nghèo. Chi trả 50% tiền thuốc, trả tiền vốn hoặc trả bình thường là tùy theo khả năng của người bệnh. Số tiền cấp phát thuốc miễn phí tại cơ sở mỗi năm tính bằng con số gần một trăm triệu đồng. Gần 30 năm qua, mỗi năm mấy chục ngàn con bệnh đã đến nương nhờ cửa phật, đến Tuệ Tĩnh đường để chữa bệnh, để tĩnh tâm. Tại Huế, từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, từ Quảng Nam, Đà Nẵng, đến tận Tây Nguyên, tận miền Nam, miền Bắc đã tới khám bệnh, xin thuốc của thày. Các chứng bệnh như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, các bệnh khớp, đau lưng, thần kinh tọa, thoái hóa cột sống, hen suyễn… đã được vừa châm cứu vừa uống thuốc sắc. Những bệnh hiểm nghèo khám chữa, thì hỗ trợ, nâng cao thể lực cùng với việc bệnh nhân chữa chạy tại các bệnh viện theo phương pháp tây y. Bệnh nhân càng nhiều, con bệnh càng nhiều thì sự nâng cao tri thức của các lương y tại Tuệ Tĩnh đường ngày mở rộng. Đọc sách, báo về y học, nghiên cứu qua mạng về từng loại bệnh là việc làm thường xuyên sau giờ khám chữa bệnh của sư thày và các lương y.
Hằng năm, Tuệ Tĩnh đường lại tổ chức 7- 8 lần khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí vùng sâu vùng xa tại Huế. Mỗi lần 10- 15 ngày đến các xã tại Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Nam Đông, A Lưới. Số tiền chi phí cho các đợt khám chữa bệnh nầy mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Tất cả đều do những tấm lòng hảo tâm của quý Phật tử trong và ngoài nước hổ trợ, nhất là hòa thượng Pháp Nhẫn ở Mỹ.
Trước tệ nạn người nhiễm HIV/AIDS ngày một nhiều, Tuệ Tĩnh đường dưới sự điều hành của thượng tọa Thích Tuệ Tâm đã tham gia chương trình tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ cho những người lây nhiễm. Đã có nhiều tình nguyện viên cùng đến tham gia cho công việc khó khăn và phức tạp này bằng tấm lòng nhân ái và từ thiện. Xuất gia từ nhỏ nhưng tấm lòng các vị sư chùa Huyền Không, tấm lòng sư Tuệ Tâm luôn hướng về đời về người nghèo khổ, bệnh tật. Ngoài lo việc Tuệ Tĩnh đường, các lương y cùng sư thầy tham gia công việc Hội đông y, Hội châm cứu, phối hợp Hội châm cứu Huế mở lớp thừa kế y học cổ truyền, lớp Hán- Nôm trong đông y…
Để giải quyết khó khăn về nguồn thuốc và cũng để đảm bảo thuốc tốt cho người bệnh, Tuệ Tĩnh đường đã xây dựng vườn thuốc nam với diện tích 5.500m2, chế biến các loại cao đơn hoàn tán chữa trị hiệu quả. Cạnh phòng khám là một quán cơm chay dưỡng sinh vừa phục vụ người bệnh, gia đình bệnh nhân, vừa hướng dẫn cho bệnh nhân biết phương thức ẩm thực trị liệu. Quán cơm chay cũng đồng thời hỗ trợ về tài chính cho việc cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Một ban điều hành, một người điều hành giỏi, hết lòng vì công việc mới có thể làm được những việc tốt và khoa học như vậy.
Không kể đến những bằng khen, giấy khen của các cấp lãnh đạo có liên quan cho Tuệ Tĩnh đường, cho sư thầy Tuệ Tâm, bởi đó là việc đời, là như thế. Với người tu hành, với bậc lương y gói gọn một chữ tâm - tâm của người thầy thuốc, tâm của người bị bệnh. Sư Tuệ Tâm đang trụ trì ngôi chùa là Tuệ Tĩnh đường với tấm lòng của một vị cao tăng hiền đức, với tâm thiện của một bậc lương y. Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đáp ứng được sự tin cậy của những người đã đầu tư xây dựng, đáp ứng được sự tin cậy của người ốm đau bệnh tật. Cùng với Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, trên đất nước ta đang ngày càng có những cơ sở khám chữa bệnh từ thiện như vậy. Những bác sĩ, những lương y lặng lẽ làm việc công đức cho người nghèo khổ không yêu cầu, không tính toán. Giữa bao nhiêu ồn ào, giữa bao nhiêu sặc sỡ sắc màu, những con người bình dị này thật là đáng kính.
Tác giả bài viết: TẠP CHÍ HÀNG KHÔNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn