CỬU THÁI 韭 菜
Allium odorum Lin.
Tên Việt Nam: Hẹ, Cửu thái là toàn cây hẹ gồm lá và rễ, Phác cát ngán (Thái).
Tên khác: Phong bản (Lễ Ký), Thảo chung nhũ (Cương Mục Thập Di), Khởi dương thảo (Hầu Thị Dược Phổ), Cá nhân thái, Trường sinh cửu (Hoà Hán Dược Khảo), Lãn nhân thái (Tục Danh), Cửu (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Allium odorum Lin (Allium tuberosum Roxb).
Họ khoa học: Liliaceae.
Mô tả: Loại thảo cao 20-45cm, toàn cây có mùi đặc biệt. Dò nhỏ dài mọc thành búi có nhiều rễ con, lá hẹp dài, dày. Thường là 4-5 lá dài 10-25cm, rộng 1,5-9mm đầu nhọn, hoa mọc trên một cọng hoa từ gốc lên, dài 15-30cm, tụ thành xim nhưng co ngắn thành tán giả. Cọng hoa hình hơi 3 cạnh, trên có các vạch dọc. Hoa trắng cuống dài 10-15mm. Quả khô dài 4-5mm, đường kính 4mm. Hạt nhỏ màu đen 2-3mm (xem: Cửu Tử).
Thu hái, sơ chế: Thu hoạch vào đông xuân. Cả cây thu hái quanh năm (xem: Cửu Tử).
Địa lý: Được trồng khắp nơi để làm gia vị và thuốc.
Phần dùng làm thuốc: Cả cây dùng tươi. Cù (dò) lá và hạt.
Tính vị: Vị cay chua hơi the, tính ấm sáp, có mùi hăng.
Quy kinh: Vào kinh Thận Can.
Tác dụng: Tán ứ hoạt huyết, an ngũ tạng, trừ nhiệt lỵ trong trường vị.
Chủ trị:
+ Trị ho (trẻ nhỏ), viêm đại trường, các loại xuất huyết, ăn vào mửa ra, viêm tai giữa, giun kim.
Liều dùng: Dùng 4,5 – 9g.
Kiêng kỵ: Âm hư có nhiệt, không có ứ trệ cấm dùng, không nên ăn cùng với mật ong thịt trâu bò.
Cách dùng: Dùng tươi giã vắt lấy nước uống, nhỏ vào tai trị chứng viêm tai giữa.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Chảy máu cam không cầm, dùng củ Hẹ, Hành đâm nát viên bằng quả Táo nhét vào lỗ mũi, làm thế vài lần (Thiên Kim Phương).
+ Các loại côn trùng vào lỗ tai đổ nước Hẹ vào thì ra ngay (Thiên Kim Phương).
+ Xuống nước bị gai đâm hoặc gai đâm gặp nước sưng tấy đau, dùng Hẹ nấu nước rịt xác nóng vào nơi đau (Thiên Kim Phương).
+ Ra mồ hôi trộm: lấy rễ Hẹ 49 củ sắc 2 thăng còn 1 thăng uống (Thiên Kim Phương).
+ Sưng bụng ăn không được, dùng 1 củ Hẹ đâm lấy nước ngậm, bôi vào nơi đau nguội bôi tiếp (Thiên Kim Phương).
+ Ngộ độc, dùng nước hẹ uống thật nhiều (Thiên Kim Phương).
+ Ngủ luôn không tỉnh dậy, lấy nước Hẹ thổi vào mũi, nếu gặp mùa đông thì dùng rễ (Trửu Hậu).
+ Suyễn nghẹt thở, sắc nước Hẹ uống 1 thăng (Trửu Hậu Phương).
+ Thối tai, rỉ nước vàng ra hoài, dùng nước Hẹ giọt vào ngày 3 lần (Thánh Huệ Phương).
+ Sâu ăn răng, dùng Cửu thái đâm trộn vời bùn trên gỗ đất nhà xức vào chỗ đau. Có bài khác lấy củ Hẹ 10 củ, Xuyên tiêu 20 hạt, dầu Mè 1 chút, lấy 1 chút bùn dưới đáy của thùng gánh nước đâm nhuyễn xức vào trên má răng bị bệnh (Thánh Huệ Phương).+ Sa trực trường dùng Hẹ sống 1 cân, xắt lấy nửa tô, sao nóng, gói trong bông làm 2 bao, thay phiên nhau chườm khi nào lên thì thôi (Thánh Huệ Phương).
+ Đau ngực như dao cắt, khó cúi ngửa được, mồ hôi tự ra, hoặc đau tới vai, bất trị, có thể dùng Hẹ sống hoặc rễ 5 cân rửa đâm lấy nước uống (Thực Liệu Bản Thảo).
+ Chứng âm dương dịch, sưng dịch hoàn, quặn đau bụng dưới, nặng đầu hoa mắt dùng “Gia Thử Thỉ Thang” sắc uống. Cứt chuột đực (loại hai đầu nhọn) gốc Hẹ một nắm lớn sắc 2 chén nước còn 7 phân bỏ bã, rồi sắc lại uống nóng cho ra mồ hôi mới tốt, nếu chưa ra uống tiếp, cũng có thể trị được chứng thương hàn lao thương. (Nam Dương Hoạt Nhân Thư ).
+ Đột nhiên bất tỉnh vì gió độc, dùng nước Hẹ giọt vào trong lỗ mũi hắt hơi là tỉnh (Thực Y Tâm Kính).
+ Tiêu khát muốn uống mãi, dùng thân non của Hẹ ngày dùng 3-5 lượng sao hoặc nấu canh, đừng bỏ muối và tương vào mất hiệu quả dùng tới 10 cân, quá tiết Thanh minh chớ dùng (Tẩn Hiến Phó Phương).
+ Lỵ, ỉa ra nước và cơm, dùng lá Hạ lấy rễ sao nấy cháo ăn tùy ý (Thực Y Tâm Kính).
+ Trĩ sang đau nhức dùng chậu đựng nước sôi đậy thật kín chừa một lỗ để rửa, lấy Hẹ một nắm bỏ trong chậu nấu rồi thò đít ngồi trên chỗ đó, trước hơ sau rửa nhiều lần (Tụ Trân Phương).
+ Trẻ con bị thai độc, khi mới sinh lấy nước Hẹ giọt vào miệng tức nôn ra chất dơ (Tứ Thanh Bản Thảo).
+ Trẻ con bụng căng sình, dùng rễ hẹ đâm lấy nước trộn xương sườn heo sắc 1 chén uống ngày 1 lần từ từ sẽ bớt (Tử Mẫu Bí Lục).
+ Trẻ con vàng da lấy rễ hẹ đâm lấy nước nhỏ hàng ngày trong mũi, chảy ra nước vàng là tốt (Tử Mẫu Bí Lục).
+ Đậu không phát ra được, sắc củ Hẹ uống (Hải Thượng Phương).
+ Trị xích bạch đới, dùng Rễ hẹ đâm lấy nước trộn với nước tiểu trẻ con để ngoài trời 1 đêm, uống nóng lúc đói (Hải Thượng phương).
+ Sản hậu mửa ra nước xanh, dùng lá Hẹ 1 cân lấy nước bỏ vào một tý nước gừng trộn uống (Trích Huyền Phương).
+ Sản hậu huyết vận, dùng Hẹ sắc bỏ trong bình, nước dấm nóng dội vào cho chín Hẹ rồi hít vào mũi (Đan Khê Tâm Pháp).
+ Ban chân lở ngứa, củ Hẹ sao tồn tính đâm vụn trộn mỡ heo xức nhiều lần (Kinh Nghiệm Phương).
+ Đứt tay, vết dao búa chém ra máu, dùng nước Hẹ trộn phong hóa Thạch hôi (vôi để gió tỏa bột ra, còn gọi là Vôi tỏa) phơi khô tán bột khi cần xức vào (Tần hồ tập nghiệm phương).
+ Lở sơn dị ứng: lá Hẹ vò nát ra nước xát vào (Đẩu Môn Phương).
+ Giải độc thịt nem khô, thịt sống để trong nồi kín qua một đêm gọi thịt uất, thịt ôi, đâm nước hẹ uống để giải (Trương Văn Trọng Bị Cấp Phương).
Tham khảo:
+ Hẹ là một thứ gia vị ngon, trộn vào các thứ rau thì ăn thơm ngon, có tác dụng ấm ruột. Ngày xưa, cứ đến tháng giêng nhất là ngày Tết, thường dùng những đồ ngũ vị mà ăn có ý để cho nó thêm sức mạnh trừ dịch lệ. Những đồ ăn gọi là Ngũ tân tức là 5 thứ cay gồm có: Hành, Tỏi, Gừng, Hẹ, Kiệu. Những loại này thơm ngon có vị ấm nhưng không nên dùng quá có hại, hao tổn âm huyết và nguyên khí (Bản Thảo Tập Chú).
+ Dùng lá Hẹ nấu canh với cá Diếc, hoặc làm chả, chữa được hạ lỵ, chữa dứt nọc, bệnh lỵ, dùng gốc Hẹ cho vào các thuốc nấu cao bôi lên đẹp tóc (Bản Thảo Tập Chú).
+ Dùng lá và gốc nấu ăn thì ấm được trung nguyên, và hạ được khí, ăn vào bổ hư tổn, ích dương đạo. Điều hòa ngũ tạng lục phủ, kích thích tiêu hóa, đau bụng do lạnh (Thang Dịch Bản Thảo ).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn