05:33 ICT Chủ nhật, 15/12/2024

Danh mục nội dung

Liên hệ

Trang nhất » Tin Tức » Cây thuốc - Vị thuốc

Liên hệ

CỐC TINH THẢO 穀 精 草

Thứ tư - 02/03/2011 19:03
Cây thảo nhỏ, sống hằng năm, thân rất ngắn mang một chùm lá mọc vòng, rộng và hình dải, nhẵn, có nhiều gân dọc.

CỐC TINH THẢO   穀 精 草

Eriocaulon sexangulare L.

Xuất xứ: Khai Bảo Bản Thảo.

Tên Việt Nam: Cỏ dùi trống, cỏ Cúc áo, cỏ Đuôi công, Dùi trống 6 cạnh.

Tên khác: Đái tinh thảo (Khai bữu). Văn tinh thảo, Lưu tinh thảo (Cương mục), Đái tinh thảo, Ba tư thảo, Cổ chùy thảo (Hòa Hán dược khảo).

Tên khoa học: Eriocaulon sexangulare L.

Họ khoa học: Eriocaulaceae.

Tên gọi: Sau khi gặt lúa xong thì cỏ xuất hiện, nhờ dư khí của lúa sinh ra cỏ nên gọi Cốc tinh thảo.

Mô tả: Cây thảo nhỏ, sống hằng năm, thân rất ngắn mang một chùm  lá mọc vòng, rộng và hình dải, nhẵn, có nhiều gân dọc. Cán hoa dài 10-55cm, có cạnh sắc và vặn nhiều hay ít. Đầu hình trứng hay hình trụ, có lông rải rác, lá bắc của tổng bao nhẵn cứng, màu vàng ra, lợp lên nhau và che các hoa vào phía trong. Hoa đực có 2 lá đài dính thành ống, 2 cánh hoa dính thành ống và bao phân màu đen. Hoa cái có 3 lá đài rời, 3 cánh hoa ngắn hơn lá đài và có lông rải rác.

Cây có hoa mùa hạ và mùa thu.

Địa lý: Cây mọc phổ biến nơi đất ruộng ẩm ướt ở nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, Nam nước ta.

Thu hái, sơ chế: Thu hái vào tháng 9, hái hoa hình sao trắng là tốt, phơi âm can cất dùng.

Phần dùng làm thuốc: Hoa và cuống hoa tự cán mang hoa phơi, sấy khô. Cụm hoa hình đầu, đường kính 0,5-0,8cm có cán dài (còn gọi là Cốc tinh hoa), dùng hoa bỏ cán gọi là Cốc tinh châu, gồm nhiều hoa khô nhỏ hình ống màu vàng bóng nén chặt với nhau, trên đầu có vẩy nhỏ màu trắng xám các cây nhỏ xếp liền nhau cho hình cầu có màu trắng xám. Bóp nát ra thấy nhiều hạt nhỏ màu đen. Gốc cụm hoa có một tổng bao gồm nhiều lá bắc hình vảy nhỏ màu vàng bóng. Chất mềm dẻo, khó bẻ gẫy.

Mô tả dược liệu: Hoa và thân Cốc tinh thảo có hoa thân khô nhỏ mịn, dài khoảng 16-20cm, vỏ ngoài màu vàng xanh lục, thường cong, hoa loại như hình cầu mọc ở đỉnh, đường kính khoảng hơn 1,6mm, lớp ngoài là bao phiến của tổng bao, màu vàng lục nhạt, nhiều quả dạng phiến vảy chất màng phần trong là phiến dài liền với cánh hoa, màu trắng Thương phẩm thường đem vài trăm thân hoa bọc lại thành một bó, lấy loại đã khô hoàn toàn, đoá hoa lớn là loại tốt.

Bảo quản: Dễ mốc, nát, ẩm mốc.

Tác dụng: Sơ tán phong nhiệt, sáng mắt tan màng mộng.

Tính vị: Vị ngọt, hơi cay, tính bình có hơi lạnh không độc.

Chủ trị: Trị mắt có màng mộng (mục ế), Viêm kết mạc, Nhức răng, Cảm mạo phong nhiệt.

Liều dùng: Dùng từ 9g -30g.

Kiêng kỵ: Không có phong nhiệt cấm dùng. Kỵ sắt.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị nhức đầu, đau vùng mi mắt, thiên đầu thống: Cốc tinh thảo 6g, Địa long 9g, Nhũ hương 3g, tán bột mỗi lần dùng nửa chỉ đốt cháy vào ống ngức bên nào ngửi bên lỗi mũi ấy (Thánh Tế Tổng Lục).

+ Trị nhức đầu một bên hoặc chíng giữa đầu:  Cốc tinh thảo 30g tán bột hồ với bột miến trắng Phết lên giấy dán vào chỗ đau, khô thay miếng khác (Tập Nghiệm Phương). Lại dùng Cốc tinh thảo tán bột, Đồng lục mỗi thứ 3g, Tiêu thạch nửa phân tùy theo đau bên phải hoặc trái mà thổi vào mũi (Thánh Tế Tổng Lục).

+ Trị chảy máu cam không cầm: Cốc tinh thảo tán bột uống với nước miến sắc lần 6g (Thánh Huệ Phương).

+ Trị mắt có màng mộng, dùng Cốc tinh thảo, Phòng phong, 2 vị bằng nhau tán bột uống với nước cơm (Minh Mục Phương).

+ Trị mắt kéo màng sau khi đậu mùa, lèm nhèm nước mắt sống chảy rít rát khó chịu, lâu ngày không bớt, dùng Cốc tinh thảo tán bột bỏ vào trong gan heo nấu ăn, bài khác gia Cáp phấn 2 vị bằng nhau bỏ trong gan heo nấu ăn hàng ngày (Thiệu Chân Nhân, Tế Chúng Phương).

+ Trị trẻ nhỏ bị quáng gà, dùng phổi dê đã thiến rồi 1 cặp đừng rửa nước lấy dao tre xẻ bỏ vào một nắm Cốc tinh thảo vào nồi sành nấu chín ăn hằng ngày. Có thể nướng sao tán làm viên bằng hạt đậu xanh, lần uống 3 viên với nước trà (Vệ Sinh Gia Bảo).

+ Trị trẻ nhỏ bị trúng nắng, trên mửa dưới ỉa, khát nước bồn chồn khí chịu, dùng Cốc tinh thảo đốt tồn tính, xong hạ khử thổ cho người mới tán bột, uống với nước cơm nguội lần nửa chỉ (Bảo Ấu Đại Toàn).

+ Cốc tinh thảo kết hợp với Quyết minh tử, Mộc tặc thảo, Cam cúc-hoa, Mật mông hoa, Sinh địa-hoàng chuyên trừ bệnh màng mộng ở mắt (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Trị màng mộng trong mắt: Cốc tinh thảo, Phòng phong, mỗi thứ 9g sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị trẻ nhỏ bị cam tích, nhìn không rõ, mắt đỏ sợ ánh sáng: Cốc tinh thảo 1-60g, gan heo 60g sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị mắt đỏ, mắt có màng mộng, nhức nửa đầu, đau răng do phong hỏa: Cốc tinh thảo 9g, Long đởm 6g, Sinh địa 12g, Xích thược 9g, Hồng hoa 3g, ngưu bàng tử 9g, Kinh giới 6g, Phục lonh 9g, Mộc thông 6g, Cam thảo 3g. Sắc uống (Cốc Tinh Long Đởm Tán - (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

+ Trị lợi răng sưng đau: Cốc tinh thảo 15g-30g sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

Tham khảo:

. Cốc tinh thảo chữa được chứng đầu phong, nhức đầu đau mắt, mặt thanh manh, quáng gà, mộng thịt, sau khi lên đậu độc vào mắt sinh màng, tính nó cầm máu (Bản Thảo Cương Mục).

. Cốc tinh thảo có vị ngọt, khí bình, đó là vị thuốc chính của kinh Dương minh, loại cỏ này sau khi người ta thu hết lúa rồi, giữa lúc ruộng còn trống hoang thì sinh ra nên bẩm thụ được khí thóc lúa còn lại. Chuyên nhập vào Dương minh kinh nên làm cho sáng mắt, tan màng mộng công hiệu tương tợ Cúc hoa vậy (Bản Thảo Đồ Giải).

. Căn bản của Cốc tinh thảo là khí dư thừa của lúa thóc, nên bẩm thụ được khí xung hòa của trời đất, vị cay đắng khí ấm nên vào kinh Túc quyết âm can và Túc dương minh vị. Xét vì vị cay nên tán được kết, ấm thì nó đi thông suốt được, nên những chứng phong hỏa sinh ra chứng đau răng, cổ, huyết nóng lở láy, ngứa ngáy, đau mắt do can hư, cộm mắt khó mở, chảy nước mắt sống, thanh manh, quáng gà, cam mắt trẻ con, di chứng đậu mùa vào mắt, dùng rất công hiệu (Bản Thảo Cầu Chân).

. Cốc tinh thảo bẩm thụ khí dư thừa của lúa, nên mới gọi là Cốc tinh, tính thanh sảng, nhẹ nhàng, chuyên đi lên  thượng tiêu và vào thẳng đỉnh đầu, sơ thông tiêu tan được những phong nhiệt trên đầu, đau mắt, đầu phong, phong tê nhức. Vì nó sinh ra cuối thu, sau khi gặt mới kết quả, nó không sợ khí lạnh của mùa thu vì tính ấm vị cay nên hay đưa lên đánh tan được độc mà đưa ra ngoài chứ không như những vị thuốc đau mắt khác. Theo sách “Khai Bảo Bản Thảo” ghi rằng nó có vị ấm cay chữa được hầu tý, nhức răng, ghẻ lở (Tuỳ Tức Cư Ẩm Thực Phổ).

Phân biệt: Họ Eriocaulaceae (Cỏ dùi trống) gồm 9 giống với khoảng 600 loài phân bố khắp nơi trên thê giới. Trong ‘Flore Générale De I’Indochine’ của H, Lecomte quyển 7 ghi giống với 27 loài, trong đó phần lớn có ở nước ta phần nhiều là mọc hoang dại. Mộc số loài cụm hoa đầu hình cầu (hoặc gần hình cầu, hình trứng, hình trụ tròn) như cây Elongifolium nees E Intermedium Koern., E sexanglare L. Một số loài cụm hoa đầu hình cầu dẹt như E setaceum L., E. misertum Koen., E., Duthiei hook Brownianum Mart...

. Cây dùi trống (Eriocaulon sieboldianum Sieb Et Zucc Ex Steud) gọi là dùi trống hoa vàng vì cuống hoa nhiều, nhẵn, có 5 cạnh. Đầu hoa hình trứng, dạng cầu, màu vàng rạ hay xám vàng. Cây có hoa vào mùa hè, thu. Cây này đại biểu cho loài có cụm hoa đầu hình cầu.

. Cây Cốc tinh thảo (Eriocaulon brownianum Mart) đại biểu cho loài có cụm hoa đầu hình dẹt.

Trong lúc thu mua, người ta thường gọi Cốc tinh thảo nếp là loại đầu hình tròn dẹt và Cốc tinh thảo tẻ là loại đầu hình tròn dẹt và Cốc tinh thảo tẻ là loại đầu hình cầu (hoặc hình nón). Thường khi thu mua người ta mua lẫn lộn cả hai loại.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thăm dò ý kiến

Cách tổ chức thông tin trên theo bạn là?

Rất thân thiện

Rất đẹp

Hợp lý

Khó sử dụng

Logo Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa
Logo Cơm Chay Dưỡng Sinh Liên Hoa
Các món ăn Liên Hoa quán