ĐIÊN KÊ 田 雞
Rana tigrina Rugulosa.
Tên Việt Nam: Ếch Đồng.
Tên khác: Trường cổ (Biệt Lục), Thanh kê, Thanh oa, Tọa ngư, Cáp ngư, Thạch kê, Thủy kê (Bản Thảo Cương Mục), Kim tuyến oa, Thủy kê tử, Oa (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Rana tigrina Rugulosa.
Họ khoa học: Ranidae.
Tên gọi: Vị có thịt ngon như thịt gà lại sống ở ruộng đồng, nên gọi là Điền kê.
Mô tả: Ếch đồng là loài Ếch nhái rất quen thuốc với chúng ta, nó cũng là loài Ếch nhái cỡ lớn. Lớn có thể dài tới 13cm, nặng khoảng 270gr, Ếch đực thường nhỏ hơn Ếch cái. Đầu hình tam giác, Ếch đực mang một đôi túi kêu thành vệt đen, ở dưới góc hàm dưới. Lưỡi xẻ rãnh ở phía đầu khác hẳn với cóc. Lưng có màu nâu đất hay xám nhạt pha những vật xám đen. Bụng trắng đục, ở sườn đôi khi có màu vàng. Ếch đồng chủ yếu sống ở đồng ruộng, bờ các ao đầm, ven các bờ sông suối, ít khi rời xa các vực nước. Nó quanh quẩn ở ven bờ có bụi cây, đầm cỏ um tum. Ếch đồng kiếm ăn vào ban đêm từ lúc sẩm tối, còn ban ngày hoặc những ngày hè nóng bức thì ẩn mình ở nơi kín đáo. Ếch ăn châu chấu, cào cào, cánh cứng, chuồn chuồn, mối, cua, giun đất. Đẻ trứng từ thàng 3,6,7, đẻ từ 2-3 lứa trong một năm. Tiếng kêu ‘ộp ộp’ của Ếch đực vang xa kêu gọi Ếch cái, mãi tới 8 giờ tối chúng mới giao phối nhau, giao phối rồi thì tiếng kêu giảm dần, 1-2 giờ sáng thì hoạt động sinh dục mới chấm dứt.
Địa lý: Thường ở những ruộng nước bờ ao, bờ chuôm, vũng nước ở bãi cỏ, vườn ở ven rừng, ven đồi, các thung lũng khắp nơi trong nước.
Phần dùng làm thuốc: Thịt.
Tính vị: Vị ngọt, Tính lạnh, Không độc.
Chủ trị: Trẻ nhỏ lở đỏ cả người, lở rốn, giảm đau, người khí yếu.
Tham khảo:
. Trẻ nhỏ lở do nhiệt, ho lao, giải nhiệt độc, cho ăn thịt Ếch (Nhật Hoa Chư Gia Bản Thảo).
. Ăn thịt Ếch giải được lao nhiệt (Bản Thảo Diễn Nghĩa).
. Thịt Ếch lợi tiểu phù, đốt tồn tính, xức trị các loại lở dưới hạ bộ (Bản Thảo Cương Mục).
. Ăn thịt Ếch trị cam tích, gầy ốm, bổ hư tổn nhất là sản phụ, giã vắt lấy nước uống trị hà mô ôn bệnh.
. Điền kê cũng như Hà mô đều ở đất gò, sống lưng xanh hay kêu ‘oa ọp’ nên có tên là Oa (Hàn Bảo Thăng).
. Mọi nơi đều có Điền kê, nó giống như Hà mô, mà sống lưng màu xanh lục mỏ nhọn, bụng nhỏ, tục gọi nó là ‘Thanh oa’, cũng có loại sống lưng có những đường vàng nên gọi là ‘Kim cẩm oa’. Đào Hoằng Cảnh gọi là ‘thổ áp’, tức cái mà trong sách Nhã Nhĩ ở phần Thủy ghi là Thằng vậy, tục gọi là Thạch áp. Cái gọi là Cáp tử ngày gọi là Thủy kê vậy (Bản Thảo Tân Tu).
. Một số các loài Ếch nhái sở dĩ kêu được to là vì chúng có một đôi túi da, đặc biệt ở hai bên mép hàm gọi là ‘túi kêu’. Khi con vật kêu thì cái túi này phồng lên làm tác dụng của cái ‘thùng trống’. Tiếng kêu con vật phát sinh từ thanh quản, nhờ cái thùng trống nói trên mà âm thanh được phóng to lên rất nhiều. Nên chú ý thêm là chỉ có giống đực mới có loại túi kêu này. Mùa mưa rào là mùa sinh đẻ của loài Ếch nhái, vì trứng của các loài này cần có nước mới nở được. Do đó, con vật rất nhạy cảm với độ ẩm của không khí và độ ẩm này tăng nhiều lúc trời mưa. Chỉ có Ếch đực mới kêu. Lúc này vì bị kích thích. Ếch đực kêu liên tục để gọi Ếch cái tới mà giao hợp. Về mùa lạnh. Ếch chuyển sang thời lỳ kém hoạt động, ẩn trong hang. Trong thời kỳ này, sự hao phí năng lượng giảm tới tối thiểu nên Ếch không cần ăn. Vì vậy Ếch phải ăn rất nhiều trước mùa lạnh để có dự trữ mỡ dùng trong mùa đông, và Ếch béo mập vào lúc này. Nhưng vào cuối mùa lạnh, khi dự trữ mỡ được tiêu thụ hết thì Ếch gầy đi. Một số nơi ở miền Trung, quê hương của dừa, người ta thường nuôi Ếch trong quả dừa non. Bắt Ếch về, để nhịn đói vài hôm cho Ếch thải hết phân rồi rửa Ếch sạch sẽ. Khoét ở quả dừa một lỗ vừa đủ lọt con Ếch (Ếch nhỏ hoặc gần trưởng thành). Đậy nút lại nhưng để khe hở cho Ếch thở. Sống trong quả dừa, Ếch uống nước dừa và ăn cùi non dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng nên lớn nhanh và chóng béo. Hơn nữa. Ếch không cử động, thịt và xương Ếch rất mềm so với Ếch sống trong thiên nhiên nên ăn ngon hơn, bổ hơn (Đời Sống Động Vật).
Phân biệt:
1- Cần phân biệt với Nhái bén còn gọi là Hà mô (Hyla). Ngóc (Rana Limnocharis), Chẫu chàng (Rhacophorus Leucomystax)...
2- Giống Ếch chính thức (Rana) bao gồm 200 loài, có những loài kích thước không tới 30mm, có loài lên tới 326mm. Chúng thường sống ở gần nước. Ở ta ngoài Ếch đồng ra, còn có ở miền núi con Ếch trơn (Rana Kuhli), Ếch vạch (Rana Microlineata), Ếch bò (Rana Catesbiana), Ếch gai (Rana Spinosa), cũng được dùng làm thuốc và thực phẩm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn